Nhà Minh còn được gọi là “triều đại hoạn quan” (ảnh: Sohu)
Minh sử chép, thời Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ), Cẩm Y vệ được thành lập. Lực lượng này liên quan trực tiếp đến 2 vụ đại án Hồ Duy Dung và Lam Ngọc, khiến hàng vạn người bị đồ sát, tù đày.
Năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà, quyền lực nghiêng trời của Cẩm Y vệ cũng “chết” theo ông ta.
Cùng năm 1398, Kiến Văn Đế (cháu của Chu Nguyên Chương) nối ngôi, chủ trương cai trị đất nước bằng lòng khoan dung, trọng dụng quan lại nhưng kìm hãm quyền lực của các thân vương (con trai của Chu Nguyên Chương).
Năm 1402, Chu Đệ – một trong các thân vương – làm phản, lật đổ Kiến Văn Đế. Chu Đệ lên ngôi, lấy hiệu là Vĩnh Lạc Đế.
Minh sử chép, ngày 13/6/1402, quân Yên vương Chu Đệ tiến vào Nam Kinh. Kinh thành bị đốt phá dữ dội nhưng quân Yên vương không bắt được Kiến Văn Đế. Có giả thuyết cho rằng Kiến Văn Đế chết trong đám cháy, cũng có thuyết cho rằng ông đã bỏ trốn, mai danh ẩn tích.
Hoàng đế Chu Nguyên Chương vô cùng căm ghét hoạn quan lộng quyền (ảnh: China Times)
Theo Sohu, vốn lên ngôi bằng cách cướp ngai vàng của người cháu, Chu Đệ trở nên đa nghi không kém gì Chu Nguyên Chương. Để trấn áp các thế lực chống đối đồng thời truy bắt Kiến Văn Đế (có thể còn sống) Chu Đệ cho khôi phục quyền lực của Cẩm Y vệ và mở rộng lực lượng như thời Chu Nguyên Chương.
Nhận thấy lực lượng của Cẩm Y vệ khó kiểm soát và làm việc không hiệu quả, năm 1420, Chu Đệ cho thành lập Đông xưởng 東廠 (tên đầy đủ là Đông tập sự xưởng 東緝事廠).
Nhiệm vụ của Đông xưởng là quản lý hoạt động của Cẩm Y vệ, giám sát quan lại và báo cáo trực tiếp cho hoàng đế. Đứng đầu Đông xưởng là các hoạn quan thân tín của Chu Đệ.
Theo Sohu, với việc thành lập Đông xưởng, cho hoạn quan can dự triều chính, Chu Đệ đã đi ngược lại “tổ huấn” của Chu Nguyên Chương.
Minh sử chép, năm Hồng Vũ thứ nhất (1368), hoàng đế (Chu Nguyên Chương) nhắc lại tình hình loạn lạc cuối thời Hán, thời Đường đều do hoạn quan gây ra, vì vậy vô cùng chán ghét. Thời Chu Nguyên Chương trị vì, ông đã 7 lần ra lệnh cấm các hoạn quan can dự vào việc triều đình.
Năm Hồng Vũ thứ mười (1378), một hoạn quan đã phục vụ lâu năm “lỡ lời” chỉ ra lỗi sai của công văn. Chu Nguyên Chương lập tức cách hết chức tước, đuổi ông ta về quê.
Năm Hồng Vũ thứ mười bảy (1385), Chu Nguyên Chương cho đúc một tấm bảng sắt, bên trên khắc chữ: “Hoạn quan không được phép can dự triều chính. Kẻ phạm tội ắt sẽ trảm”. Chu Nguyên Chương cũng cấm các hoạn quan học chữ, đọc sách.
Chu Nguyên Chương hà khắc với hoạn quan, nhưng con trai ông (Chu Đệ) thì hoàn toàn ngược lại.
Theo Sohu, trong quá trình khởi binh tạo phản, Chu Đệ nhận được sự tham mưu và giúp đỡ của nhiều hoạn quan, nổi bật trong số đó là Trịnh Hòa (người từng dẫn hạm đội nhà Minh 7 lần thám hiểm Tây dương).
Vì vậy, trong mắt Chu Đệ, hoạn quan còn đáng tin hơn nhóm quan lại từng phục vụ dưới trướng Kiến Văn Đế.
Năm 1420, Chu Đệ lập ra Đông xưởng, cho phép đặt nha môn ở cạnh Đông Hoa môn (cửa phía đông Tử Cấm Thành). Vì cửa nha môn của Đông xưởng gồm 6 cánh lớn ghép lại với nhau, nên dân gian còn dùng cái tên Lục phiến môn để gọi Đông xưởng.
Trong nhiều bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, cái tên Lục phiến môn cũng thường xuyên xuất hiện. Đây không phải môn phái võ lâm nào mà là tổ chức mật thám của triều Minh.
Theo Sohu, với việc thành lập Đông xưởng, Chu Đệ là người đã mở ra “triều đại hoạn quan” trong lịch sử Trung Quốc.
Cuối thời Minh, đám hoạn quan trong Đông xưởng hoành hành, hãm hại quan lại không cùng phe cánh, tàn sát người vô tội. Dân gian gọi Đông xưởng là “đảng hoạn quan” hoặc “phái yêu ma”.
Đông xưởng tồn tại từ năm 1420 đến năm 1644 (khi nhà Minh sụp đổ). Quyền lực của Đông xưởng có lúc yếu lúc mạnh, nhưng tổ chức này chưa bao giờ bị dẹp bỏ.
Sự lũng đoạn của Đông xưởng cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến nhà Minh sụp đổ.
Lực lượng Cẩm Y vệ chỉ còn là “con rối” trong tay Đông xưởng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
2. Tổ chức và quyền lực
Theo China Times, Đông xưởng thực chất là một cơ quan gián điệp và mật thám do hoạn quan điều hành. Thành viên của Đông xưởng chịu trách nhiệm quản lý Cẩm Y vệ, giám sát và theo dõi từ hoàng tộc, quan lại, giới trí thức, thương nhân đến dân đen.
Nếu tra ra tội nhẹ thì Đông xưởng trực tiếp xử lý, không cần thông qua cơ quan nào. Nếu phát hiện tội nặng thì Đông xưởng báo cáo và xin chỉ thị từ hoàng đế. “Tai mắt” của Đông xưởng rải khắp nơi, ngay cả lực lượng Cẩm Y vệ cũng phải chịu dưới quyền điều động của Đông xưởng.
Theo China Times, sau khi Đông xưởng thành lập, Cẩm Y vệ không còn là tổ chức mật thám mạnh nhất, ngược lại còn “lọt vào tầm ngắm” của Đông xưởng. Xét cho cùng thì việc “bới móc” tội lỗi của Cẩm Y vệ cũng là cách Đông xưởng lập công. Các hoạn quan của Đông xưởng cũng thân cận và được hoàng đế tin tưởng hơn so với Cẩm Y vệ.
Minh sử chép, biên chế của Đông xưởng có hơn ngàn người, đứng đầu là quan Đề đốc (còn gọi là Xưởng công). Các hoạn quan quyền lực thời Minh như Vương Chấn, Lưu Cẩn, Phùng Bảo và Ngụy Trung Hiền đều từng giữ chức Đề đốc Đông xưởng.
Trong thời gian 4 hoạn quan này nắm quyền, chỉ huy Cẩm Y vệ chỉ có thể quỳ gối và khấu đầu trước Đề đốc Đông xưởng.
Cuối thời Minh, Đông xưởng còn có lực lượng chiến thuật và nhà tù riêng.
Đông xưởng xử nhiều án oán, lũng đoạn nhà Minh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Vũ khí tiêu chuẩn của thành viên Đông xưởng là song kiếm. Trong đó, có một thanh kiếm khắc chữ “東” (Đông) và một thanh kiếm khắc chữ “廠” (Xưởng) trên cán kiếm.
Theo Sohu, loại vũ khí này chủ yếu mang tính nghi lễ vì thành viên của Đông xưởng ít khi phải chiến đấu.
Theo China Times, thông qua thu thập thông tin tình báo, Đông xưởng có thể trực tiếp bắt giữ và tra khảo quan lại cấp thấp mà không cần thông qua cơ quan khác. Đối với quan lại cấp cao và hoàng tộc, Đông xưởng chỉ có thể bắt giữ họ nếu được hoàng đế cho phép.
Mặc dù mang tiếng là phái “yêu ma”, nhưng không thể phủ nhận rằng Đông xưởng có tổ chức nhân sự và cắt đặt công việc khá chặt chẽ, khoa học.
Minh sử chép, vào ngày mùng 1 hàng tháng, thành viên của Đông xưởng đều phải tập trung ở nha môn để nghe phân công công việc. Họ cũng tổ chức rút thăm để nhận địa bàn phụ trách.
Thành viên của Đông xưởng dù là chức lớn hay nhỏ đều có tên gọi đặc thù.
Theo đó, người giám sát khi quan lại tra hỏi tội phạm trong nhà lao và ghi chép tin tức về việc Cẩm Y vệ bắt người gọi là “thính ký”.
Người giám sát hoạt động điều tra án, bắt giữ người của quan lại gọi là “tá sự kiện”.
Người giám sát việc xử án của quan lại gọi là “tọa ký”.
Với cơ cấu chặt chẽ như vậy, cùng với việc nắm Cẩm Y vệ trong tay, Đông xưởng khó có thể để quan viên sai phạm nào “lọt lưới”.
Tượng Nhạc Phi – danh tướng thời Tống (ảnh: Sina)
3. Đông xưởng hủy hoại nhà Minh
Theo China Times, trong giai đoạn đầu hoạt động, Đông xưởng đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế Cẩm Y vệ, thanh trừng quan lại tham nhũng và tăng quyền lực cho hoàng đế.
Bên trong nha môn Đông xưởng, người ta còn đặt một bức họa lớn vẽ Nhạc Phi (1103 – 1142). Nhạc Phi là danh tướng nổi tiếng trung nghĩa thời Tống, nhưng bị khép án oan và xử tử. Cái chết của ông khiến rất nhiều người căm phẫn.
Bức họa Nhạc Phi là lời nhắc nhở đối với người trong Đông xưởng, đó là không được xử án oan, theo Sohu.
Tuy nhiên, cuối thời Minh, Đông xưởng ngày càng trở nên biến chất và lộng quyền. Họ thường xuyên thêu dệt tội danh, vu oan giá họa cho dân lành để trục lợi. Đối với quan viên trong triều tỏ ý chống đối, Đông xưởng lập tức cho người bắt giữ, dùng cực hình tra khảo, ép phải ký vào giấy nhận tội.
Đề đốc Đông xưởng từng nắm quyền lực lớn nhất và khét tiếng tàn độc là Ngụy Trung Hiền (1568 – 1627).
Minh sử chép, năm 1621, Ngụy Trung Hiền được Minh Hy Tông phong chức Bỉnh bút thái giám (thái giám giữ bút) đứng đầu 24 viên hoạn quan hầu cận hoàng đế. Chức Bỉnh bút thái giám có nhiệm vụ tham mưu, hỗ trợ hoàng đế phê duyệt tấu chương, truyền đạt thánh chỉ.
Ngụy Trung Hiền – hoạn quan cầm đầu Đông xưởng làm nhà Minh nghiêng đổ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm 1623, Ngụy Trung Hiền kiêm cả chức Đề đốc Đông xưởng. Lúc này, thế lực của ông ta đã rất lớn, quyền hành ngang Tể tướng (thời vua Chu Nguyên Chương đã bãi bỏ chức vụ này).
Ngụy Trung Hiền cầm đầu “đảng hoạn quan”, những quan lại cao cấp như Thôi Trình Tú (Thượng thư bộ binh), Khách Quang Tiên (Thiên hộ Cẩm Y vệ), Điền Nhĩ Canh (Chỉ huy sứ Cẩm Y vệ) chỉ có thể nhận làm con nuôi của ông ta.
Minh sử chép, nội các triều đình đều là tay chân của Ngụy Trung Hiền, quan lại tranh nhau gọi ông ta là cha, là ông nội. Năm 1626, có viên Tuần phủ Chiết Giang lập đền thờ để thờ sống Ngụy Trung Hiền. Ai đi qua đều phải lạy 5 lạy, tung hô “thiên tuế”. Quan lại cả nước đều bắt chước theo.
Năm 1625, Ngụy Trung Hiền thanh trừng những người không cùng phe cánh thuộc phái Đông Lâm. Một số viên quan đứng đầu phái này như Dương Liên, Uông Văn Ngôn, Hùng Đình Bật bị khép tội oan, bị xử tử hoặc buộc phải tự sát. Số người liên quan đến “vụ án phái Đông Lâm” bị khép tội, xử tử lên tới hàng ngàn.
Theo Sohu, thời Ngụy Trung Hiền làm Đề đốc, hành động của Đông xưởng trở nên cực kỳ tàn bạo. Người bị Đông xưởng bắt giữ phải nếm đủ loại cực hình tra khảo, từ đánh đập, còng, cùm, kẹp, cắt, nhấn nước, đến nướng đốt, cho côn trùng độc cắn… Những người phải chịu những cực hình này có thể nói là “sống không bằng chết”.
Là quan Đề đốc Đông xưởng, Ngụy Trung Hiền còn cho thành lập một lực lượng riêng. Dù không đông đảo như Cẩm Y vệ, nhưng lực lượng này vẫn đủ sức thực hiện các vụ bắt bớ, tàn sát các thế lực chống đối.
Đông xưởng thậm chí từng sở hữu lực lượng riêng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tuy nhiên, ngày tháng “làm mưa làm gió” của Ngụy Trung Hiền không kéo dài. Năm 1627, Minh Hy Tông băng hà. Chu Do Kiểm kế vị, lấy hiệu là Sùng Trinh.
Vốn vô cùng căm ghét Ngụy Trung Hiền, chỉ 2 tháng sau khi lên ngôi, Sùng Trinh Đế đã ra lệnh cách hết chức tước của ông ta. Ngụy Trung Hiền sợ tội, phải thắt cổ chết.
Sai lầm của Sùng Trinh Đế là tiếp tục trọng dụng hoạn quan và không giải tán Đông xưởng.
Tháng 4/1644, quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh. Cùng với sự chấm dứt của nhà Minh, Đông xưởng cũng bị giải tán.
Theo: Vương Quốc – tổng hợp (Tri thức & Cuộc sống)
No comments:
Post a Comment