Monday, August 19, 2024

SỸ QUAN MỸ NÀO TỪNG CHỈ HUY CHIẾN HẠM TRUNG QUỐC, THAM GIA HẢI CHIẾN TRUNG NHẬT?

135 năm trước, một sỹ quan hải quân Mỹ từng một mình đến Trung Quốc dưới thời nhà Thanh, được giao chỉ huy chiến hạm tham chiến với Nhật Bản năm 1894.

Sỹ quan Mỹ Philo Norton McGiffin giúp hiện đại hóa hải quân Trung Quốc thời nhà Thanh.

Theo SCMP, năm 1885, chàng thanh niên người Mỹ Philo Norton McGiffin trải qua hành trình dài đến Trung Quốc với hi vọng lập công trạng.

Ở quê nhà, McGiffin trải qua 8 năm huấn luyện để trở thành sỹ quan hải quân, nhưng không được giao tàu chiến để chỉ huy vì nước Mỹ khi đó có hạm đội khá hạn chế.

Đó là giai đoạn Trung Quốc dưới thời nhà Thanh đang giao chiến ác liệt với hải quân Pháp (1884-1885).

Khi McGiffin đến được Trung Quốc thì chiến tranh đã kết thúc. Nhưng chàng sỹ quan Mỹ với kinh nghiệm của mình, được giao chỉ huy một thiết giáp hạm và trở thành giảng viên học viện hải quân Trung Quốc ở Thiên Tân.

McGiffin là một trong số nhiều chuyên gia quân sự phương Tây giúp đại thần nhà Thanh là Lý Hồng Chương hiện đại hóa năng lực quốc phòng Trung Quốc.

Trong hành trình 12 năm xa nhà, McGiffin là sỹ quan hải quân Mỹ duy nhất từng chỉ huy một chiến hạm Trung Quốc.

Các bằng chứng lịch sử rõ ràng nhất về McGiffin là những lá thư gửi cho người mẹ ở Mỹ, trong đó McGiffin mô tả kỹ lưỡng công việc của mình.

Philo Norton McGiffin là sỹ quan hải quân Mỹ duy nhất từng chỉ huy tàu chiến Trung Quốc.

Trong lá thư đề ngày 13/4/1885, McGiffin mô tả việc mình mới đến Thiên Tân và được đại thần Lý Hồng Chương giao nhiệm vụ.

"Con đang ở Trung Quốc, 24 tuổi với mong muốn được chứng minh bản thân. Sẽ là một khoảng thời gian dài trước khi con trở về chỉ huy hạm đội ở quê nhà", McGiffin viết.

McGiffin nhận được số tiền tương đương 100 USD/tháng trong quãng thời gian ở Trung Quốc, được cấp nhà tiện nghi, gần học viện hải quân để tiện đi lại.

McGiffin cũng giúp giám sát người Anh đóng 4 tàu chiến cho nhà Thanh. Sỹ quan Mỹ cũng đóng vai trò giúp mở trường huấn luyện hải quân ở tỉnh Sơn Đông.

Tháng 7/1894, Nhật Bản can thiệp vào tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Khu vực này khi đó là vùng đất thần phục nhà Thanh, nên chiến tranh Trung-Nhật sớm muộn cũng nổ ra.

Xuất thân là sỹ quan hải quân được đào tạo để chiến đấu, McGiffin tình nguyện chỉ huy chiến hạm nghênh chiến quân Nhật.

Ở thời điểm đó, McGiffin tin tưởng vào chiến thắng của hạm đội nhà Thanh. Điểm nhấn quan trọng nhất trong cuộc chiến Trung-Nhật lần 1 (1894-1895) là hải chiến Hoàng Hải.

Đây là lần đầu tiên các thiết giáp hạm sử dụng pháo cỡ lớn trực tiếp giao chiến.

McGiffin là đồng chỉ huy thiết giáp hạm Định Viễn, dưới quyền phó đô đốc Lin Taizeng, thuộc Hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh. Định Viễn được trang bị 4 pháo hạm cỡ nòng 305mm và là tàu chiến uy lực nhất ở Đông Á thời bấy giờ.

Ngày 17/9/1894, người Trung Quốc quyết định nghênh chiến với hạm đội Nhật Bản ở cửa sông Áp Lục. Lực lượng hải quân nhà Thanh tỏ ra áp đảo hơn vì phía Nhật lúc đó chưa có thiết giáp hạm.

Thiết giáp hạm Định Viễn của Hạm đội Bắc Dương.

Thay vì chiến thắng dễ dàng, hạm đội nhà Thanh lại chiến đấu quá kém, chịu tổn thất nặng nề. Bản thân McGiffin bị thương nặng trong chiến đấu.

McGiffin sau này kể rằng việc ông còn sống sót trong trận hải chiến đó là một điều thần kỳ.

Trận hải chiến bắt đầu vào 12 giờ 20 phút chiều, hai thiết giáp hạm Trung Quốc khai hỏa 8 khẩu pháo cỡ nòng 305mm, do người Đức sản xuất, về phía tàu chiến Nhật.

"Người Nhật nhanh chóng có lời đáp trả", McGiffin kể lại. "Các tàu chiến của chúng tôi vượt trội hơn hẳn tàu của họ".

McGiffin đổ lỗi rằng đô đốc Đinh Nhữ Xương bị người Nhật mua chuộc, từ đó khiến cả hạm đội chiến đấu một cách yếu kém và thất bại.

McGiffin bị thương nặng với 40-50 mảnh đạn pháo găm vào cơ thể và bị tổn thương nặng một bên mắt.

Người Nhật khi đó trao giải 5.000 yen cho ai bắt được McGiffin. Sỹ quan Mỹ lúc đó mang theo viên con nhộng chứa xyanua, dùng để tự sát nếu bị bắt sống.

Dù bị thương, McGiffin vẫn chỉ huy tàu rút về cảng Uy Hải, từ đó chữa trị rồi trở về Mỹ.

Ở bệnh viện tại New York, những cơn đau ngày ngày tái phát khiến tinh thần McGiffin suy sụp. Ngày 11/2/1897, ông dùng súng lục tự sát ở tuổi 36.

Kết quả trận hải chiến năm 1894 với sự tham gia của sỹ quan Mỹ như McGiffin cho thấy hải quân Trung Quốc được chuyên gia phương Tây đào tạo, mua tàu chiến của Anh, Đức nhưng nạn tham nhũng trầm trọng dưới thời nhà Thanh khiến hạm đội đánh mất nhuệ khí chiến đấu.

Theo: Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)
Link tham khảo: