1. Tiếp đón bởi diện mạo
Cổ nhân rất coi trọng dung mạo, đặc biệt là thần sắc của đôi mắt. Một anh hùng hảo hán không quyết định bởi hình thức xấu đẹp, mà là do khí sắc thần thái của người đó.
Thời Tam quốc, Tào Tháo có lần phải tiếp sứ giả Hung Nô, thấy mình có dáng người nhỏ bé, tướng mạo không được xuất chúng, liền để Thôi Quý Khuê có dáng người cao lớn đóng thế mình tiếp đón. Còn Tào Tháo lại vào vai Thôi Quý Khuê, cầm một thanh kiếm, giả làm lính hầu đứng bên cạnh.
Khi sứ giả Hung Nô đã về, Tào Tháo phái người do thám tình hình, dò hỏi sứ giả: “Ông thấy Ngụy vương là người thế nào?”. Vị sứ giả trả lời: “Đại vương dung mạo trang nghiêm, cử chỉ nho nhã, nhưng người cầm kiếm đứng cạnh ông ta mới thực sự là anh hùng”. Tào Tháo tuy tướng mạo nhỏ bé, dù có đóng giả làm lính hầu thì khí chất anh hùng vẫn toát lên mạnh mẽ, không thể che giấu được.
2. Kính trọng bởi tài năng
Khi Lý Bạch từ quê nhà đến kinh đô Trường An nghỉ trong một quán trọ, bí thư giám Hạ Tri Chương đến thăm hỏi và ngỏ ý muốn đọc thơ Lý Bạch. Lý Bạch liền đưa cho ông xem bài “Thục đạo nan”. Mới đọc vài dòng, Hạ Tri Chương đã trầm trồ thán phục và gọi Lý Bạch là Trích Tiên Nhân. Biết Lý Bạch có thú vui uống rượu, làm thơ, Hạ Tri Chương bèn cởi đai lưng kim quy trên người xuống để đổi lấy rượu, cùng Lý Bạch vừa uống rượu và đàm đạo thơ ca.
Hạ Tri Chương vừa gặp Lý Bạch, vừa đọc thơ ông đã thán phục, ngưỡng mộ không kể xiết. Tài năng thơ văn của Lý Bạch đã trở thành biểu tượng không chỉ trong phạm vi nhà Đường, mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa và thế giới.
3. Hoà hợp bởi tính cách
Trong Kinh Dịch có câu: “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô”. Sự vật cùng loại sẽ dễ có những cảm ứng tương tác lẫn nhau, con người cũng như vậy. Tính cách hòa hợp cũng như âm thanh có cùng tần số, sẽ dễ dàng chia sẻ, thông cảm và hiểu nhau đến tận đáy lòng.
Một người nếu muốn tương hợp được với rất nhiều người có tính cách khác nhau thì cần hiểu rõ quy luật “Đồng thanh tương ứng”. Người ở cảnh giới nào thì sẽ đồng điệu được với âm thanh của cảnh giới đó, tương ứng với tâm hồn và trí tuệ của người đó. Thế nên, mấu chốt là phải nắm bắt, lan toả âm thanh tương ứng với cảnh giới của người mà ta giao thiệp.
Có người tướng mạo chẳng hề đặc biệt, tài năng cũng không xuất chúng, nhưng lại có sự cuốn hút kỳ lạ, những người gần bên luôn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương, thấu hiểu. Đó là nhờ quá trình tu dưỡng, thanh lọc tâm hồn khiến người đó không những thấu hiểu, cảm nhận được âm thanh ở cảnh giới cao mà còn lan tỏa những giai điệu vi diệu đó cho người khác.
4. Lâu bền bởi Thiện lương
Thiện lương chính là lấy thiện đãi người, trong tâm luôn có thiện niệm, mọi suy nghĩ và hành động đều mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.
Người xưa thường nói: Thiện là bảo bối có thể dùng bất tận một đời; tâm như ruộng đồng trù phú, dùng trăm đời vẫn còn màu mỡ tốt tươi.
Lý Thúc Đồng là nhà giáo dục văn học, mĩ thuật, âm nhạc nổi tiếng Trung Quốc. Thời trẻ khi còn dạy âm nhạc, trong một lần lên lớp, ông trông thấy một học trò đang xem sách môn khác và một học trò khác lại nhổ đờm xuống sàn. Ông đã trông thấy nhưng không nói gì, tiếp tục giảng bài; khi hoàn thành bài giảng, ông mới mời hai học trò đó ở lại và ôn tồn nhắc nhở. Khi hai học trò vừa định phản biện thì ông đã cúi gập người trước họ để tỏ ý cảm ơn đã lắng nghe lời nhắc nhở của mình. Hai cậu học trò chỉ còn biết đỏ mặt xấu hổ trước phong thái đức độ của ông.
Chỉ có thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo nên sức cảm hoá kỳ diệu như vậy. Khi lòng người thiện lương sẽ xóa tan mọi lớp bụi phù hoa, hiển lộ ra một nhân cách thanh cao như ngọc quý.
Theo: ĐKN