Tuesday, August 20, 2024

CÁCH PHÁT HIỆN MỘT NGƯỜI ĐANG NÓI DỐI THÔNG QUA NGÔN NGỮ CƠ THỂ

Ngôn ngữ cơ thể của mỗi người thường tiết lộ những bí mật của riêng họ. Thông qua quan sát ngôn ngữ cơ thể, có thể phát hiện một người đang nói dối hay nói thật.

Thông qua ngôn ngữ cơ thể có thể phát hiện lời nói dối (ảnh minh họa: Article Beats)
 
Chuyên gia tiết lộ 3 dấu hiệu chính phát hiện một người đang nói dối

Theo tờ Daily Mail của Anh, cựu chuyên gia bảo mật Scott Taylor, 51 tuổi, là người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát hiện nói dối. Anh được FBI đào tạo về các lĩnh vực phân tích biểu cảm khuôn mặt, hành vi, ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ nói để phát hiện các gian lận.

Taylor có thể nhận biết ai đó đang nói dối qua ngôn ngữ cơ thể của họ, vì vậy anh đã làm việc với FBI và giữ chức vụ thẩm vấn chính tại trại tạm giam Vịnh Guantanamo.

Taylor cho biết, có một vài dấu hiệu có thể nhìn ra được một người đang nói dối, những manh mối này được biểu lộ ra từ trong tiềm thức, bao gồm chớp mắt nhanh, nuốt nước bọt và liếm môi. Đó là ba dấu hiệu phổ biến nhất.

Taylor giải thích: “Chúng ta chớp mắt 12 đến 14 lần mỗi phút (trong trường hợp bình thường); còn khi bị căng thẳng và trong tình huống bị ép buộc, tốc độ chớp mắt của họ sẽ tăng lên”.

Ngôn ngữ cơ thể tiết lộ rất nhiều điều về tính cách, thái độ và cảm xúc của một người (ảnh minh họa: IStock)

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, có những người nói dối nhưng lúc đầu họ vẫn chớp mắt bình thường, nhưng ngay sau đó thì chớp nhiều hơn, đây là do tác dụng bù trừ (compensatory effect). Do đó, có những người lúc đầu biểu hiện có vẻ như là nói thật và đáng tin, nhưng sau khi quan sát kỹ cả chuỗi phản ứng của họ thì mới có thể phát hiện được là họ đang nói dối.

Taylor cũng cho biết nuốt nước bọt và liếm môi cũng là những dấu hiệu chính của việc nói dối. Bởi vì khi nói dối, cơ thể tiết ra cortisol (còn được gọi là “hormone gây căng thẳng”), gây khô miệng và giảm tiết nước bọt.

Các dấu hiệu nhận biết khác

Còn có những hành vi bất thường khác nữa do căng thẳng gây ra bao gồm sờ lên mặt hoặc đỏ mặt. Ông nói: “Khi bị căng thẳng, adrenaline của bạn tăng lên, khiến máu lưu thông mạnh hơn. Đó là nguyên nhân khiến mặt bạn đỏ hơn bình thường”.

Ngoài ra, những từ ngữ mang tính cường điệu, nhấn mạnh cũng có thể là một dấu hiệu. Taylor cho rằng, những người nói dối thường cố biểu đạt bản thân, cố gắng thuyết phục người khác. Họ thường dùng những từ như “tôi chắc chắn 100%”, “tôi dám khẳng định là”, “bạn có biết là “,” hiển nhiên là”…. Họ cố gắng để những lời nói dối trở nên thuyết phục hơn.

Lưu ý là có một vài dấu hiệu thoạt nhìn giống biểu hiện của nói dối, nhưng đó có thể chỉ là do quá lo lẳng, hồi hộp mà thôi. Trong một số trường hợp, khả năng phán đoán của mọi người có thể bị che mờ bởi nhận thức cảm tính của bản thân với người khác; vì vậy tốt nhất chúng ta không nên vội đưa ra kết luận.

Người nói dối thường hay cố tỏ ra mình nói thật, thuyết phục người khác tin mình (ảnh minh họa: VTCNew)

Dưới đây là các dấu hiệu chủ yếu:

● Chớp mắt nhanh.

● Liếm môi.

● Nuốt nước bọt.

● Sờ mặt.

● Nghiêng người.

● Hạ cằm.

● Đỏ mặt.

● Mím môi.

● Ánh mắt láo liên.

● Sử dụng ngôn ngữ giả định như “bạn biết không? và “khẳng định là”.

● Sử dụng ngôn ngữ quá thuyết phục như “tôi chắc chắn 100%” và “chắc chắn là”.

Người ta nói “tâm sinh tướng”, trong lòng có ý che giấu điều gì thì bên ngoài cũng sẽ có biểu hiện ra khác thường, vậy nên tốt nhất là hãy chân thật.

Chân Mỹ / Theo: Epochtimes

No comments: