Ảnh ông Fakhrizadeh – nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị ám sát (ảnh: Tehran Times)
Ngày 27/11/2020, ông Mohsen Fakhrizadeh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Iran – thiệt mạng trong vụ ám sát được giới chức Iran mô tả là “khủng bố”.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran lúc bấy giờ – ông Amir Hatami – cho hay, ô tô chở ông Fakhrizadeh bị chặn bởi một chiếc xe cài bom phát nổ. Khi ô tô dừng lại, ông Fakhrizadeh bị bắn và chết trong bệnh viện.
Vụ ám sát ông Fakhrizadeh gây “rúng động” dư luận thế giới. Mọi nghi vấn đổ dồn về phía Israel – đối thủ lớn nhất của Iran ở khu vực Trung Đông.
Ông Fakhrizadeh, người được mệnh danh là “cha đẻ chương trình vũ khí hạt nhân Iran”, được cho là xếp đầu danh sách “phải chết” của Israel từ năm 2003. Tờ New York Times của Mỹ cho rằng, Viện Tình báo Israel (Mossad) đã thực hiện thành công nhiệm vụ này vào ngày 27/11/2020.
Trong một bản báo cáo năm 2011, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay, Iran bắt đầu dự án AMAD nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân từ năm 1989. Kế hoạch này tạm dừng vào năm 2003 do sức ép từ Mỹ và các đồng minh. Ông Fakhrizadeh được IAEA mô tả là “giám đốc điều hành” của dự án AMAD.
Tuy nhiên, Iran chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của dự án AMAD.
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh (ảnh: Aljazeera)
Năm 2015, Mỹ - Iran ký thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Iran cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cấm vận dầu mỏ.
Năm 2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Mossad thu được hàng chục nghìn file dữ liệu chương trình hạt nhân bí mật của Iran. Ông Netanyahu không cho biết Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay không, nhưng Israel từ lâu đã nghi ngờ Iran bí mật tiếp tục dự án AMAD.
“Hãy nhớ cái tên này, Fakhrizadeh”, ông Netanyahu nói khi công bố số hồ sơ Mossad thu thập được.
Tháng 6/2020, cái tên Fakhrizadeh xuất hiện trong một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo đó, ông Fakhrizadeh là nhân vật chủ chốt trong chương trình nghiên cứu, cải tiến vũ khí của Iran.
Danh tính và vai trò của nhà khoa học Fakhrizadeh được giới chức Iran giữ bí mật. Ông Fakhrizadeh rất hiếm khi xuất hiện và trả lời phỏng vấn của truyền thông, theo Aljazeera.
Tang lễ của ông Fakhrizadeh (ảnh: Aljazeera)
Sau vụ ám sát ngày 27/11/2020, Bộ Quốc phòng Iran xác nhận ông Fakhrizadeh là người đứng đầu Tổ chức Cải cách và Nghiên cứu thuộc bộ này. Bộ Quốc phòng Iran bác bỏ thông tin ông Fakhrizadeh có liên quan đến chương trình hạt nhân.
“Nhưng ông Fakhrizadeh đã nằm trong tầm theo dõi của tình báo Israel suốt nhiều năm”, bà Saritz Zehavi – CEO của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma có trụ sở tại Israel – nói trong một cuộc phỏng vấn của Fox News.
Ngày 2/12/2020, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên) cho hay, Israel đứng sau vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh. Không rõ liệu Washington có biết trước kế hoạch này hay không.
Theo The New York Times, xét về phương diện tình báo, vụ ám sát ông Fakhrizadeh được thực hiện trót lọt.
Ban đầu, truyền thông Iran đưa tin, một chiếc xe bán tải bị kích nổ tại thị trấn Absard (phía đông thủ đô Tehran) khiến xe chở ông Fakhrizadeh phải dừng lại. Các tay súng trên một chiếc xe gần đó lập tức nã đạn, khiến ông Fakhrizadeh tử vong.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của New York Times, nhóm đặc vụ Israel đã bí mật vào Iran, nhưng không trực tiếp xả súng vào ông Fakhrizadeh.
Một khẩu súng máy FN MAG phiên bản đặc biệt do Bỉ sản xuất (ảnh: Daily Mail)
Theo tờ báo Mỹ, vào ngày 27/11/2020, trên con đường nối thị trấn Absard với cao tốc chính, có một chiếc xe bán tải Nissan Zamyad đậu bên lề. Trên xe là khẩu súng máy cỡ nòng 7,62 mm được giấu kín. Khẩu súng này được điều khiển từ xa.
Khi nhóm đặc vụ Israel phát hiện xe chở ông Fakhrizadeh dừng lại do vụ nổ, nòng súng lập tức được hiệu chỉnh và nhả đạn.
Vị trí xạ thủ điều khiển súng máy là không thể xác định, có thể cách hiện trường ám sát hàng trăm km. Sau vụ việc, toàn bộ nhóm đặc vụ Israel rời khỏi Iran an toàn. Chiếc xe gắn súng máy cũng bị kích nổ, theo New York Times.
Tại hiện trường, giới chức Iran thu được mảnh vỡ của một khẩu súng máy FN MAG do Bỉ sản xuất, gắn với bộ điều khiển từ xa rất tiên tiến. Theo New York Times, súng máy và bộ điều khiển được tình báo Israel tháo rời từng bộ phận, bí mật đưa vào Iran.
Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công nhưng không đưa ra bằng chứng. Israel không phủ nhận, cũng không lên tiếng nhận trách nhiệm về cái chết của ông Fakhrizadeh.
Tháng 12/2020, ông Ali Fadavi – phó Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – cho biết, ông Fakhrizadeh bị ám sát bằng súng máy tự động được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo (AI).
“13 phát đạn được bắn. Khẩu súng chỉ nhắm vào ông Fakhrizadeh. Vợ ông Fakhrizadeh không bị bắn, dù ngồi cùng xe và chỉ cách vài cm. Đội trưởng nhóm bảo vệ ông Fakhrizadeh cũng bị bắn 4 phát do dùng thân đỡ đạn”, ông Fadavi nói.
Theo ông Fadavi, có 11 vệ sĩ hộ tống vợ chồng ông Fakhrizadeh, nhưng họ không ngăn được vụ tấn công.
Không có vụ bắt giữ nào sau khi ông Fakhrizadeh bị ám sát. Vụ việc được cho là thất bại tình báo đối với Iran – quốc gia có năng lực quân sự xếp hạng 14 thế giới và xếp thứ nhất ở khu vực Trung Đông (theo xếp hạng năm 2024 của Global Fire Power).
Theo Global Fire Power, sức mạnh quân sự của Israel xếp thứ 17 thế giới và xếp thứ 2 ở Trung Đông.
Sau vụ ông Fakhrizadeh bị ám sát, Iran đã cảnh báo sẽ trả thù “sấm sét” nhằm vào Israel, nhưng đến nay chưa có hành động gì.
Ba Lan bắt giữ một đặc vụ Mossad (ảnh: CNN)
Mossad đứng sau hàng loạt vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học?
Mossad được cho là có lịch sử lâu dài trong các vụ ám sát nhằm vào những nhà khoa học, chuyên gia vũ khí của nước đối thủ - những người được cho là có thể gây ra mối đe dọa đối với Israel, theo Daily Mail.
Năm 1952, nhà khoa học nghiên cứu nguyên tử người Ai Cập, Sameera Mousa, bị ám sát ở Mỹ. Năm 1980, nhà khoa học hạt nhân Yehya Al Mashad (người Ai Cập) bị ám sát ở Paris (Pháp). Năm 1989, nhà vật lý Sayed Bdeer (người Ai Cập) bị ám sát ở thành phố Alexandria (Ai Cập).
Năm 1990, ông Gerald Bull – kỹ sư tên lửa người Canada, hợp tác phát triển vũ khí với Ai Cập – bị ám sát ở Bỉ.
Năm 2012, nhà khoa học hạt nhân Iran Mostafa Ahmadi Roshan bị ám sát trong một vụ nổ bom xe.
Năm 2016, chuyên gia máy bay không người lái Mohamed Zouari của Tunisia bị ám sát. Ông Zouari khi đó đang hợp tác phát triển vũ khí với Hamas.
Năm 2018, ông Aziz Asbar – nhà khoa học tên lửa hàng đầu Syria – bị ám sát trong một vụ nổ bom xe.
Các vụ ám sát này bị nghi do Mossad thực hiện, theo New Arab.
Năm 2018, chuyên gia năng lượng và tên lửa của Palestines – ông Fadi al-Batsh – bị bắn 10 phát đạn, trong đó có 4 phát vào đầu ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
“Một nước thù địch với Palestines chịu trách nhiệm cho vụ tấn công”, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia – ông Ahmad Zahid – tuyên bố.
Chuyên gia năng lượng và tên lửa của Palestines – ông Fadi al-Batsh – bị ám sát ở Malaysia (ảnh: CNN)
Iran “thanh toán" điệp viên Mossad
Trước các vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học, Iran không ngồi yên.
Ngày 15/5/2012, Văn phòng công tố Tehran (Iran) thông báo, MaJid Kamali Fashi – gián điệp của Mossad – đã bị thi hành án tử hình. Fashi cũng bị cáo buộc đã ám sát ông Masoud Ali Mohammad, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran.
Ngày 21/5/2022, Iran thi hành án tử hình đối với người đàn ông tên Ahmad Reza Djalali (người Iran gốc Thụy Điển) vì tội làm gián điệp cho Israel.
Ngày 17/12/2023, IRNA đưa tin, một điệp viên của cơ quan tình báo Israel Mossad đã bị hành quyết trong nhà tù ở tỉnh Sistan- Baluchestan, đông nam Iran.
Ngày 30/12/2023, Iran tuyên bố thi hành án tử hình đối với 4 người bán thông tin tình báo cho Israel.
Theo: Vương Quốc – tổng hợp (Tri thức & Cuộc sống)
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment