Mọi người có thể tâm sự thoải mái với một người “vụng về” và cảnh giác với những người thông minh; sự “thông minh” lúc này của bạn thực sự đã trở thành nhược điểm.
Xuyên suốt các thời đại, những người thực sự làm được việc lớn và tự bảo vệ mình thành công trong khủng hoảng thường là những người biết “ngu ngốc”. Và những người biết hành động ngu ngốc trong ba tình huống dưới đây thường là người có trí thông minh cảm xúc cao.
1. Học cách tỏ ra không biết khi người khác xấu hổ
Xã hội giống như một con đường rộng lớn, gồ ghề và lên xuống. Đôi khi đi trên đó, bạn sẽ vấp ngã. Nếu ngã chính là rất xấu hổ, lúc đó, bạn thà không ai nhìn thấy bộ dạng này của mình thì sẽ dễ chịu hơn.
Trước mặt người quen, người mình muốn tạo dấu ấn, hay trước đám đông, nếu bị vấp ngã, chúng ta dễ cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ. Khi tiếp xúc với người khác, chúng ta đặc biệt muốn lảng tránh trong khoảnh khắc bối rối. Thậm chí muốn độn thổ hoặc biến mất ngay lập tức. Đây là bản năng tự vệ của con người.
Bởi vậy, người thực sự thông minh sẽ không vạch trần sự xấu hổ của người khác, cho dù nhìn thấy họ cũng sẽ vờ như không biết. Có thể họ sẽ dùng vài lời né tránh, phá vỡ bầu không khí nặng nề để xoa dịu sự xấu hổ của người khác.
Người thật sự thông minh, họ không lấy sự xấu hổ của người khác ra làm trò đùa. Họ quan tâm đến phẩm giá và cảm giác của đối phương, bằng lòng tốt thầm lặng, họ xây dựng niềm tin bằng khả năng tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh.
(ảnh: Paimai).
Có thể nói, người có thể đồng cảm với cảm xúc của người khác và biết quan tâm đến thể diện của người khác là người có trái tim nhân hậu.
Nếu vào giây phút xấu hổ của một người mà bạn mỉa mai, tỏ ra trịch thượng, nôn nóng chỉ ra vấn đề của họ, làm bẽ mặt họ, bạn dễ gây phản cảm, làm hại người khác và thậm chí chọc giận người ta. Người như vậy, sao có thể gọi là người thông minh được?
2. Giả ngốc để gia đình hòa thuận
Trong gia đình, mỗi người đều có những dự định riêng, ý tưởng riêng. Khi các ý kiến không thể phối hợp sẽ gây ra bất hòa trong gia đình. Tuy nhiên, người thực sự thông minh đôi khi không quá chú tâm đến mâu thuẫn.
Khi các thành viên trong gia đình trò chuyện, trao đổi với nhau, nếu nói quá nhiều, bàn bạc các vấn đề quá gay cấn, thì rất dễ làm hao mòn tình cảm. Điều này không có lợi cho sự phát triển ổn định của gia đình.
Ví dụ, đôi khi người nhà quá mệt mỏi, buồn phiền nên muốn thư giãn và tiêu một ít tiền để giải trí. Anh ấy muốn đi hát một bài với bạn bè. Nhu cầu này không diễn ra thường xuyên nên chúng ta có thể bỏ qua và cũng không cần phải quá lo lắng.
Hay như vợ của bạn đôi khi muốn được giải phóng khỏi gian bếp để đi chơi với bạn bè. Chúng ta không nên ngăn cấm, mỉa mai hoặc nhận xét nàng quá khắt khe.
Đôi khi sự cấm đoán là vì chúng ta cảm thấy đối phương đã lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, bạn biết không, con người luôn quan trọng hơn đồ vật và tiền bạc. Tiền nếu có thể mua được niềm vui, giải tỏa căng thẳng thì đó không thể gọi là lãng phí. Mục đích cuối cùng của kiếm tiền là tạo ra sự thoải mái chứ không phải lao đầu vào kiếm tiền một cách mù quáng, hay tiết kiệm thái quá. Đây là điều mà mọi thành viên trong xã hội đều nên biết.
Khi cả gia đình quây quần bên nhau, nhưng ai nấy luôn phải tuân theo những quy tắc nghiêm khắc, sự kỷ luật máy móc và kiềm chế những niềm vui nhỏ nhặt, thì kiểu gia đình này sinh hoạt chẳng khác gì một nhà máy. Mỗi người đều đã quá mệt mỏi ở cơ quan rồi.
Một gia đình không đủ bao dung, êm ấm, không khí thường xuyên căng thẳng thì mối quan hệ giữa các thành viên sẽ trở nên lạnh lùng và xa cách. Vì vậy, mỗi người hãy học cách làm cho bản thân và gia đình hạnh phúc, bằng cách ngu ngốc trước những “lỗi” nhỏ. Khi đó bạn mới có thể thực sự khiến cuộc sống của mình trở nên vui vẻ và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình.
Đôi khi bạn giả vờ như không biết anh ấy đã chi một số tiền lớn cho một bộ loa nghe nhạc hay không biết cô ấy đã trích tiền tiết kiệm để làm đẹp, chắc chắn người bạn đời của bạn sẽ cảm kích bạn vô cùng.
3. Khi bị sỉ nhục, hãy coi như mình ngu ngốc không hiểu
Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều phải chịu đựng sự sỉ nhục, chế giễu của người khác. Dù bạn tốt bụng, rộng lượng và vị tha đến đâu thì cũng sẽ có những người không ưa bạn.
Một số người có góc nhìn hẹp hòi, họ có thể sẽ nói chuyện một cách xấc xược, khinh thường hoặc gây khó dễ với bạn. Nếu bạn vì thế mà vạch mặt thái độ của họ, đáp trả lại chúng mọi lúc mọi nơi, điều đó không giải quyết được vấn đề gì cả.
Cách khôn ngoan nhất để đối phó với trường hợp này là giả vờ ngu ngốc, giả vờ không hiểu họ đang kích bác hoặc chế giễu mình. Giả ngu ở đây không phải là dối trá hay hèn nhát, mà là khiến đối phương lập tức mất hứng thú để tiếp tục tấn công bạn. Nếu bạn coi như không hiểu được thủ đoạn của đối phương thì có thể họ sẽ ngừng chọc tức bạn theo cách đó.
(ảnh: Artron).
Những người có kế hoạch lớn thường biến cơn giận của người khác thành một quả bóng bay. Chỉ cần họ không để ý tới thì nó sẽ tự động tiêu tan, nếu cứ lo lắng, buồn bã hoặc đối đáp cấp thị trường cho đối phương thì chuyện này không thể chấm dứt.
Cuộc đời là một chặng đường dài, bên cạnh những việc thực sự quan trọng, có một số việc bạn không cần phải bận tâm. Hãy học cách giả vờ ngu ngốc trong một số trường hợp một cách thích hợp, cuộc sống của bạn sẽ trôi đi bình yên hơn. Theo thời gian, khi bạn đã học được cách tập trung vào phát triển bản thân, cuộc sống của bạn sẽ ngày càng vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn.
Minh Nguyệt
Nguồn: Aboluowang (Tống Vân)