Trong “Tây Du Ký”, Đường Tăng thu phục được 3 đồ đệ trên đường đi về phía Tây thỉnh kinh. Đại đệ tử Tôn Ngộ Không đánh lui vô số yêu ma. Những tình tiết này chắc hẳn mọi người chúng ta đều đã quen thuộc.
Đường Tăng quả thực có tồn tại. Nguyên mẫu của ông là Pháp sư Huyền Trang – vị cao tăng nổi tiếng thời Đường. Cuộc hành trình về phía Tây của Huyền Trang cũng là có thật.Tuy không phải như trong “Tây Du Ký” – suốt đường đi gặp đủ loại yêu ma quỷ quái – nhưng mà hành trình của ông cũng gian nan vô cùng.
Vào 100 năm sau khi Pháp sư Huyền Trang khởi hành Tây du, lại cũng có một người đơn độc đi tới Tây Tạng hoằng dương Phật giáo. Ông đi qua nơi đâu cũng đều lưu lại vô số thần tích – có thể so được với các tình tiết trong “Tây Du Ký”. Hết sức ngoạn mục.
Ông chính là vị cao tăng Ấn Độ: Đại sỹ Liên Hoa Sinh (Padmasambhava).
Có thể có những người trong chúng ta cũng không xa lạ gì với Liên Hoa Sinh.
Ông là Tổ sư mở đường của Hồng giáo Mật tông Tây Tạng. Thường được tôn xưng là Đại sư, Đại sỹ hoặc Đạo sư Tôn quý (Guru rinpoche, Gu-ru rin-pô-chề)
Ngoài ra, Liên Hoa Sinh còn được xưng là hóa-thân tam-mật thân-khẩu–ý của Thích Ca Mâu Ni, Quan âm Bồ Tát và A Di Đà Phật. Là người có pháp lực thần thông tối cao trong Phật giáo Tạng truyền.
Hơn 1000 năm trước, Liên Hoa Sinh từng nói cho đệ tử của ông rất nhiều dự ngôn về thời mạt thế.
Vào thời đó không ai có khả năng hiểu được. Đến chúng ta ngày nay, mọi người không tốn công chút nào cũng có thể lý giải được. Bởi vì những điều trong dự ngôn của ông đều đã trở thành sự thực rồi.
Liên Hoa Sinh Đại Sỹ
Hình ảnh Đại Sỹ Liên Hoa Sinh
Trong cuốn sách mang tên “Truyện Liên Sư: chuyện đời Đại sỹ Liên Hoa Sinh”, có đề cập đến Phật Thích Ca Mâu Ni từng có dự ngôn:
“12 năm sau khi ta nhập diệt, sẽ có 1 bậc xuất chúng, sinh ra từ trong bông hoa sen nơi hồ Dhanakosha ở Tây Bắc Uddiyana”.
Người hóa sinh từ trong hoa sen đó chính là Đại sỹ Liên Hoa Sinh.
Vào năm thứ 8 sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, tức năm 479 trước CN, truyền thuyết kể rằng Uddiyana (hay còn gọi là nước Ô-trượng-na, nước Ổ-kim thời Ấn Độ cổ) nhiều năm hạn tai và nạn đói, quốc vương tuyệt vọng hạ chỉ cầu nguyện.
Quan âm Bồ Tát không đành nhìn chúng sinh chết đói, liền thỉnh cầu Phật A Di Đà tương trợ. Từ trong tâm Phật A Di Đà chiếu ra chữ “Xả” lên bông hoa sen trên hồ Dhanakosha nước Ổ-kim.
Thế rồi từ trong bông hoa sen xuất sinh một cậu bé cỡ 8 tuổi.
Quốc vương vốn bị bệnh ở mắt, lúc này thị lực được khôi phục hoàn toàn, ông liền đem cậu bé này về cung phong làm Thái tử, đặt cho tên gọi Hải Sinh Kim Cang (Tsokyé Dorje).
Vì cậu bé sinh ra từ bông hoa sen nên cũng được gọi là Liên Hoa Sinh.
Từ đó, nước Ổ-kim mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Khi Liên Hoa Sinh trưởng thành đã thể hiện ra tài năng phi phàm. Quốc vương có ý để ông quản lý chính sự quốc gia nhiều hơn. Nhưng ông hết sức phản cảm đối với sự cuồng vọng rối ren của chính giới, trong lòng chỉ muốn vứt bỏ vương vị. Nhưng lại không được phụ vương cho phép.
Không ngờ rằng chẳng bao lâu sau, Liên Hoa Sinh bị vu khống là sát hại con trai của 1 vị đại thần. Kết quả ông bị phán quyết trục xuất đi nơi khác. Ông cũng nhân đó mà rời khỏi hoàng cung, bắt đầu cuộc đời học Phật.
Liên Hoa Sinh sau khi tu tập cùng rất nhiều bậc thầy, đã tinh thông mọi mặt học vấn về thiên văn, phong thủy, v.v…
Cuối cùng dưới sự cần cù ngày đêm tu hành Phật pháp ông đã đạt đến thành tựu quảng-đại-viên-mãn. Bắt đầu sự nghiệp độ chúng, hàng ma và hoằng pháp.
Về sự tích của ông mà nhiều người biết đến nhất, chúng tôi sẽ nói từ Tây Tạng thời Đường Thái Tông.
Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng
Cung điện Potala
Thời Đường Thái Tông tại vị, Công chúa Văn Thành của Trung Quốc và Công chúa Nha Tôn (Bhrikuti Devi) của Nepal được gả cho người cai trị Tây Tạng đương thời là Tùng Tán Can Bố. Ba người họ dốc sức hoằng dương Phật pháp ở Tây Tạng. Tạo ra ảnh hưởng lâu dài đến người đời sau, trong đó có Xích Tùng Đức Tán.
Khu vực Tây Tạng trước khi phổ cập Phật giáo thì có tín ngưỡng thâm căn cố đế là Đạo Bon (Bon giáo), thế lực rất lớn.
Khi Xích Tùng Đức Tán trở thành Tạng vương, liền sai người đến Ấn Độ lấy kinh, với ý muốn hoằng dương Phật pháp. Ban đầu Tạng vương thỉnh vị trụ trì chùa Lan Đà là Đại sư Tịch Hộ đến Tây Tạng. Không ngờ rằng lúc này vương quốc xảy ra nhiều tai họa như dịch bệnh, lũ lụt, sấm sét… để khảo nghiệm.
Do Đạo Bon rất bài xích Phật giáo, cho nên mọi người cho rằng: bởi vì Phật giáo là tín ngưỡng ngoại lai đã xúc phạm đến Thần linh, từ đó mà nảy sinh tai họa. Đại sư Tịch Hộ vì không có cách nào chống lại thuật phù thủy và thế lực đạo Bon nên đã tiến cử Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng.
Và thế là, vào năm 750, Liên Hoa Sinh từ Ấn Độ khởi hành đến đất Tạng hoằng pháp.
Có người có thể phát hiện rằng niên đại dường như không đúng. Bởi vì chiểu theo tính toán niên đại mà nói: Liên Hoa Sinh xuất sinh vào năm 479 tr. CN, thế thì đến năm 750 chẳng phải ông đã hơn 1000 tuổi sao? Kỳ thực đó cũng là một điều bất khả tư nghị. Chúng ta biết rằng:
Liên Hoa Sinh là đản sinh từ trong hoa sen. Khi vừa mới sinh ra đã có hình dạng 1 cậu bé 8 tuổi. Lúc vừa mới bắt đầu ông đã không phải phàm nhân. Sau khi ông tu Phật viên mãn thành tựu, trường thọ hoặc hiển hiện ra khả năng thần kỳ thì cũng không có gì quái lạ cả.
Truyền thuyết kể rằng Liên Hoa Sinh đi đến vùng Himalaya, trong quá trình tiến vào Tây Tạng đã gặp đủ dạng đủ loại yêu ma quỷ quái. Chúng bày ra các chướng ngại trên đường và tai họa v.v… với ý đồ can nhiễu, ngăn trở ông vào đất Tạng.
Người bình thường có thể cho rằng nếu như Đại sỹ Liên Hoa Sinh đại hiển thần thông thì sẽ dễ dàng tiêu diệt mấy thứ yêu ma quỷ quái đó. Nhưng đây cũng chính là chỗ cao minh của Đại sỹ Liên Hoa Sinh.
Ông không trực tiếp tiêu diệt mấy thứ yêu ma này, mà ngược lại ông chọn cách cho bọn họ cơ hội sửa chữa bản thân. Kết quả những yêu ma này đều bị hàng phục, có kẻ còn nguyện ý hộ pháp.
Khi Liên Hoa Sinh tiến vào Tây Tạng, không chỉ có tài hùng biện bác bỏ các thầy phù thủy của đạo Bon mà còn khiến họ chuyển đổi tín ngưỡng và hộ trì Phật giáo. Ông còn xác lập toàn bộ hệ thống Phật giáo, xây dựng rất nhiều tu viện, chùa tháp.
Ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Tây Tạng – Tu viện Samye – chính là do Liên Hoa Sinh trợ giúp xây dựng. Tuyệt đại đa số kinh Phật, điển tịch cũng là do ông phiên dịch sang tiếng Tạng. Ông còn giúp xây dựng cả “Viện phiên dịch Kinh”. Ông không chỉ tự mình tham gia phiên dịch kinh Phật mà còn dốc sức bồi dưỡng người tài phiên dịch kinh điển. Điều đó đã giúp tinh túy của Phật pháp đủ hoàn chỉnh để lưu truyền về sau, phát dương quang đại tại vùng Tây Tạng.
Tu viện Samye
Từ xưa đến nay, những nhà tiên tri sẽ dùng hình thức ẩn dụ để nói cho người đời sau những sự kiện lịch sử trọng đại mà tương lai phải đối diện. Cũng chính là thứ mà chúng ta ngày nay vẫn gọi là “dự ngôn”.
Đại sỹ Liên Hoa Sinh từng lưu lại dự ngôn cho thời mạt pháp của chúng ta hiện tại.
Dự ngôn mạt thế của Liên Hoa Sinh
Mạt pháp, mạt thế – nguồn gốc những từ này là trong Phật giáo – là lời Phật Thích Ca Mâu Ni lưu lại vào thời ông truyền pháp.
Ý nghĩa là nói: Vào một thời kỳ đặc định sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, Pháp mà bản thân ông truyền sẽ tiến vào lúc mạt.
Đến thời kỳ đó, Pháp mà ông vốn truyền sẽ không còn tác dụng giáo hóa.
Rất nhiều người đều nói, chúng ta hiện tại là thời đại mạt pháp.
Đương thời, đệ tử của Đại sỹ Liên Hoa Sinh từng có hỏi: lúc nào thì đến thời kỳ mạt pháp?
Liên Hoa Sinh trả lời như sau:
“Khi chim sắt bay trên bầu trời, ngựa sắt phi trên mặt đất”.
Chim sắt và ngựa sắt, mọi người chúng ta hẳn cũng đã biết là gì rồi.
Liên Hoa Sinh còn nói rằng vào thời kỳ mạt pháp này, toàn thế giới sẽ xuất hiện tình hình như sau:
“Quân vương không giống quân vương, bề tôi không giống bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, cha con giống như bạn chơi. Đàn bà không tuân thủ trinh tiết, đàn ông dâm dục không có phép tắc, Phật giáo mạt pháp ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu suy bại”.
Dự ngôn của Liên Hoa Sinh còn nói rất nhiều điều tân kỳ đối với người thời bấy giờ
Liên Hoa Sinh không nói ra tên gọi cụ thể của các thứ đó nhưng miêu tả rất tỉ mỉ
“Xe không cần ngựa kéo, mà tự mình có thể chạy được. Thanh thiếu niên, bàn chân dẫm lên sừng trâu và đặt bánh xe để lượn xung quanh. Người không cần đi ra khỏi cửa, mỗi ngày chỉ cần ngồi trước một cái gương, là có thể biết mọi chuyện thiên hạ, hơn nữa còn có thể liên hệ hỏi thăm nhau.”
Đối với chúng sinh và loạn tượng thời đại này, Liên Hoa Sinh nói:
“Thời đại này sẽ có nữ nhân xen vào giữa vợ chồng, con không hiếu thuận đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, anh em bất hoà vì tranh giành gia sản, tạo ra bao tội nghiệp mà không hề hổ thẹn. Giáo hoá của Phật Đà cũng dần dần biến mất.”
Không chỉ có vậy.
“Trong thời này sẽ xuất hiện loạn luân, rất nhiều người sa vào cờ bạc, nghiện ngập, người tham luyến say sưa trong rượu thịt, tượng Phật trở thành hàng hóa chìm nổi trên phố, rất nhiều người đem báu vật của tổ tiên mà bán cho ngoại quốc”
Liên Hoa Sinh còn nói:
“Bởi vì chặt phá rừng mà đất đai màu mỡ bị cuốn trôi, dẫn đến tự nhiên bị tàn phá tai hại, trong thành thị đạo tặc nổi lên bốn phía, người ăn xin có ở khắp nơi.”
“Thời đại đó rất nhiều người xuất gia truy cầu danh lợi, đi khắp nơi lừa bịp tín chúng, rắp tâm thu lấy tiền tài của người khác, họ có tài sản cá nhân nhưng không làm Phật sự, không tụng kinh văn mà đắm chìm trong ca múa giải trí, phá giới mà trong tâm không áy náy hổ thẹn.”
Dự ngôn hơn 1000 năm trước của Liên Hoa Sinh, đến ngày nay mà xét, thì quả là gây sốc. Chỉ cần chúng ta quan sát người và vật xung quanh một chút, sẽ phát hiện ra dự ngôn có nhiều điều chuẩn xác.
Trong “Phật thuyết pháp diệt tận kinh” có ghi chép lời của Phật Thích Ca Mâu Ni:
“Sau khi ta niết bàn, vào thời giáo pháp tương lai bị diệt tận, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, lấy thân phận đệ tử Phật môn xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích cà sa trang trí sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt, sát sinh, tham đắm mùi vị; không có tâm từ bi, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau.”
Thời mạt pháp
Từ đó có thể thấy, ác thế mạt pháp mà Liên Hoa Sinh chỉ ra và thời kỳ mạt pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni dự báo rất tương đồng với nhau. Liên Hoa Sinh nhìn ra chuẩn xác những hiện tượng, mà Thích Ca Mâu Ni nhìn rõ chân tướng của sự tình, biến hóa của nhân tâm.
Kỳ thực có người còn chưa cho rằng hiện tại đã là tiến vào thời kỳ mạt pháp rồi.
Nhưng chẳng phải rất nhiều những dự ngôn, trong đó có dự ngôn của Liên Hoa Sinh và Thích Ca Mâu Ni, đã trùng khớp cao độ đối với trạng thái của xã hội nhân loại chúng ta hiện tại hay sao? Điều đó lẽ nào có thể là ngẫu nhiên?
Sau khi nhân loại văn minh bại hoại cực độ rồi, thì số phận sẽ như thế nào?
Nhân loại hiện vẫn đang ở trong thời kỳ dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát, nạn đói, thiên tai… – có người coi đó là chu kỳ tuần hoàn tất nhiên phải vậy, có người lo sợ đại đào thải và tận thế… Tâm tư tình cảm nào cũng đều có. Tuy nhiên, vào những giờ phút đen tối, bĩ cực này, nhân loại cũng đang được chứng kiến những tin vui, những câu chuyện nhân văn giữa người với người, những sự việc thần kỳ. Có lẽ chúng ta vẫn là giữ chắc trong tâm một câu nói đó, rằng: thiện ác hữu báo, ở hiền gặp lành – đó là chân lý, cũng là chìa khóa mở ra lối thoát cho con người.
Kiên Tấn / Theo: vandieuhay
No comments:
Post a Comment