Saturday, August 31, 2024

CẦU TRE - KIÊN GIANG


CẦU TRE - thơ Kiên Giang

Ai ở làng quê
đă từng qua nhịp,
Qua nhịp cầu tre;
Lặng nghe, lặng nghe
Tiếng hò tiếng hát
Dưới mái nhà tranh.

Ầu ơ …. “Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi .
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ve mua rượu, mượn đờn kéo chơi”.
Kéo lên: ọ é ò e ….
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre gập ghềnh.
Cầu tre một nhịp chênh vênh,
Bắc ngang dòng nước lênh đênh sóng bèo .
Cầu tre lắc lẻo, cheo leo,
Những đêm trăng xế, trăng treo đầu cầu .
Cầu tre soi bóng sông sâu,
Ánh trăng sóng nước đượm màu lung linh.
Cầu tre gối nhịp đất lành,
Nằm nghe tiếng hát, tâm tình quê hương.
Cầu tre làm chiếc đò ngang,
Nối đôi bờ đất đôi làng thương nhau .

Nhà anh ở kế bên cầu,
Nhà em ở cuối đầu cầu bên sông.
Bên sông cứ mỗi hừng đông,
Em ra vo gạo, bến sông bên cầu .
Anh vừa mở cổng thả trâu,
Thấy em, anh vội xé rào nhìn em.
Rồi qua cầu nói với em:
“Cô vo nếp anh thèm mùi xôi”
Vì anh, khi mới hừng trời,
Qua cầu, em biếu dĩa xôi muối mè .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Con đò chở tấm tình quê qua cầu ….
Từ đây cứ mỗi mùa cau,
Anh qua cầu để bẻ cau cho nàng.
Khi nào trầu hút trầu khan,
Anh qua xin lá trầu vàng bên em.
Khi mùa cấy hái “đông ken”,
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày .
Vần công lối xóm tiếp tay,
Kết tình lưu luyến gái trai đôi làng.
đôi tim trang lứa nhịp nhàng,
Hoà theo nhịp sóng lúa vàng mênh mông.
đôi lòng cách một dòng sông,
Tơ hồng chưa buộc, tơ lòng đã xe .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Duyên nghèo đầm thấm, tình quê nồng nàn.
Trong tình yêu nước, yêu làng,
Có tình chăn gối, đá vàng lứa đôi .
Mẹ chàng cậy mối cậy mai,
Tặng quà lễ nói một đôi bông vàng.
Hai bên cô bác họ hàng,
Chọn ngày lễ cưới qua rằm tháng Giêng.
Bỗng rồi lửa cháy xóm giềng,
Cầu tre gãy nhịp gục nghiêng giữa dòng.
Lửa tràn lan cháy bên sông,
Máu pha nước mắt đỏ lòng trường giang.
Giặc tràn về bắt sống nàng,

Thôi đành dập liễu vùi mai,
Bóng hồng gục giữa rừng người hung hăng.
Từ đây sông lạnh bóng trăng,
Nước như ngừng chảy sầu vương mối hờn.
Vườn xanh úa hết chồi non,
Cau khô, trầu héo chẳng còn nồng cay .
đôi trâu bỏ dở vốc cày,
Lòng người lòng đất đắng cay não nề .
đêm đêm như vẳng còn nghe,
Tiếng than khóc của cầu tre một mình:
“Ví dầu cầu ván đứt đinh,
Cầu tre găy nhịp, chung tình khóc nhau .
Cầu tre khóc một hôm nào,
Mẹ qua cầu bỏ trầu cau cho chàng.
Còn đâu mùi vị xôi vàng,
Buổi đầu trai gái đôi làng biết nhau .
Còn đâu những buổi thả trâu,
đứng bên hàng trúc xé rào nhìn em.
Còn đâu mùa ruộng “đông ken”
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày .
Còn đâu vị lá trầu cay,
Miếng cau dầy trắng mà say miếng trầu .
Bây giờ quê cũ còn đâu,
Còn đâu người đẹp với cầu tre xưa”

Chiều chiều gió thổi, gió đưa
Nhớ người một buổi chiều mưa lên đường.
Người lên đường ra lính.
Trong lòng và trên đầu súng,
Có hình ảnh nước Việt Nam.
Trong ấy có đôi làng thân mến,
Một dòng sông và đôi bến ngó nhau,
Một tình thương bắc một nhịp cầu,
Chìm sâu giữa đôi lòng trang lứa,
Thân yêu nhau từ thuở thanh b́nh.
đến khi thời loạn đao binh….
Lòng còn chôn chặt khối tình đầu tiên.
Mai này trời lặng phong yên,
Bóng cờ tươi thắm ngự trên hoang tàn.
Anh sẽ về làng,
Về tận bên sông quê;
Anh bắc nhịp cầu quay,
Anh xây chân cầu sắt
Trên xác chiếc cầu tre,
Nối liền đôi bờ đất
Hàn lại vết thương đau .
Bến xưa dù đổi nhịp cầu,
đất nghèo còn giữ lấy màu quê hương.
Dù cầu sắt nọ giàu sang,
Áo cầu rực rỡ phết vàng sơn son.
Dù sông cạn với núi mòn,
Trong hồn quê vẫn có hồn cầu tre .
Dù đời tham tướng bỏ xe,
Lòng anh lắng xuống niềm quê chân thành.
Dù đời mê bã hư danh,
Lòng quê bắc lại mối t́nh cầu tre .
Cầu tre ới hỡi cầu tre,
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre chung tình…

KIÊN GIANG
(Rạch Giá, Thượng tuần tháng Chạp, 1953)


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Kiên Giang tên thật Trương Khương Trinh (1929–2014) là nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương, nổi tiếng với bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều và Hoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.

Nguồn:Thi Viện