Thursday, August 29, 2024

NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ THẤP THÌ PHỨC TẠP, NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ CAO THÌ ĐƠN GIẢN

Lão Tử giảng: “Thiên trường địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giã, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh” nghĩa là: Trời đất sở dĩ lâu dài, là vì không sống riêng cho mình, nên mới đặng trường sinh.

Người có trình độ thấp thì phức tạp, người có trình độ cao thì đơn giản (nguồn: Anhghepminhhoa)

Theo nhà văn Dương giáng thì “một cuộc sống đơn giản, một tâm hồn thanh cao, là trạng thái cao nhất của cuộc sống”. Đúng vậy, thay vì quá quan tâm đến được và mất, thay vì quá để ý đến ánh nhìn của người khác, tốt hơn hết chúng ta cứ sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, đơn giản, và ít ham muốn.
 
1. Người có trình độ thấp thì phức tạp, người có trình độ cao thì đơn giản

Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng. Trì sính điền liệp lệnh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương”. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục. Cố khứ bỉ thủ thử”.

Ý nói: Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi, săn bắn theo ý muốn khiến lòng người hóa cuồng, bảo vật quý hiếm thường khiến con người làm bất cứ điều gì, do đó dễ gặp tai họa. Vì vậy, thánh nhân sẽ loại bỏ những gì không cần thiết để duy trì sự sống sinh tồn cơ bản của mình.

Những người đơn giản sẽ nghĩ ít hơn, họ không quan tâm đến đánh giá của người khác và chỉ làm theo trái tim của chính mình. Do đó cuộc sống của họ sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều và tính toán quá nhiều, bạn sẽ trở nên mệt mỏi với cuộc sống. Trong một xã hội hiện đại như ngày nay, việc trở thành một người đơn giản thực sự là một cảnh giới cao. Bởi vì họ biết cách kiểm soát sự phức tạp bằng sự đơn giản và duy trì sự bình yên nội tâm trong một thế giới hỗn độn này.

Hãy là người đơn giản nhất, ăn những món đơn giản nhất và sống cuộc sống đơn giản nhất. Một cuộc sống thực sự tốt đẹp là cuộc sống đơn giản và dễ hiểu.

Người ở trình độ thấp thì phức tạp, người ở trình độ cao thì đơn giản (nguồn: Blog radio)

2. Người có trình độ thấp thì mạnh mẽ, còn người có trình độ cao thì khiêm tốn

Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo.” Nghĩa là: Nước là thiện nhất. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với Đạo.

Nước nuôi dưỡng vạn vật mà lại không tranh giành với ai nên không oán không hận. Nước lúc nào cũng lựa cho mình chỗ thấp nhất vì vậy mà lại gần với Đạo. Người thiện lương cũng luôn khiêm nhường như nước, bề ngoài mềm mại nhưng ẩn chứa sức mạnh vô hạn.

Nếu bạn có thể biết khiêm tốn, không quá khắt khe thì người khác sẽ có ấn tượng tốt về bạn, có ấn tượng tốt tự nhiên sẽ dẫn đến danh tiếng tốt, một khi bạn đã có tiếng tăm tốt thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn. Nhường cho người khác một lối đi cũng chính là để lại cho bản thân một con đường.

Người mạnh mẽ thường quá sắc bén và bất cẩn trong lời nói và việc làm, họ dễ dàng làm tổn thương người khác, và kiểu tổn thương này cũng là một cách gây thù chuốc oán.

Dương Tu cũng chỉ vì cậy tài, khoe tài, luôn muốn thể hiện mình hơn người, với mục đích muốn được ban quan tước cao hơn, vì nghĩ mình xứng được như thế nên cuối cùng đã gặp tai họa. Vậy nên biết khiêm tốn sẽ khiến bạn trở thành một người điềm tĩnh và rộng lượng.

Người ở trình độ cao biết khiêm tốn (nguồn: Meey land)

3. Người trình độ thấp “đạt được”, người trình độ cao “buông bỏ”

Lão Tử giảng: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kì căn. Quy căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh”, nghĩa là: Đạt đến trống vắng cùng cực, giữ cho yên lặng thuần nhất. Muôn vật đều triển khai, ta nhân đó thấy sự trở lại. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức đạo]. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”.

Trong thế giới quan của Lão Tử, chìa khóa để duy trì sức khỏe là nuôi dưỡng tinh thần. Duy trì sự bình tĩnh và bình yên từ bên trong là cách quan trọng nhất để duy trì sức khỏe tốt.

Con người hiện đại đặt ra đủ loại phương pháp dưỡng sinh để duy trì sức khỏe, nhưng không thay đổi tâm thái từ bên trong thì sẽ không thể lâu dài.

Lão Tử nói: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Để bảo vệ sức khỏe thực sự, con người nên sông thuận theo quy luật tự nhiên và tu dưỡng bản thân mới là cách dưỡng sinh tốt nhất.

Nếu bạn muốn làm được những điều vĩ đại, bạn phải có khả năng tập hợp mọi người. Nếu bạn có thể tập hợp mọi người, bạn phải có khả năng quản lý họ. Một nhà lãnh đạo giỏi, một doanh nhân giỏi và thậm chí là một bậc cha mẹ giỏi cũng phải biết cách quản lý. Vậy quản lý tốt là như thế nào?

Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa”, nghĩa là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.

Đạo bắt nguồn từ vạn vật, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Kiểu “sinh ra vạn vật” này là một loại bản chất, là bản chất của vạn vật đều phát triển và lớn lên một cách tự nhiên.

Việc giáo dục trẻ em cũng vậy. Một nền giáo dục tốt không thể lúc nào cũng giám sát một cách mù quáng mà nên cho trẻ thư giãn và nghỉ ngơi đúng lúc. Hãy để đứa trẻ tìm ra lĩnh vực phù hợp cho riêng mình, đừng đặt ra quá nhiều hạn chế cho sự phát triển của trẻ, hãy để trẻ tự do phát triển theo năng lực của chính mình, đây là một nền giáo dục tốt.

Biết buông bỏ là cảnh giới cao của đời người (nguồn: Meeyland)

Có một câu nói rất hay rằng: “Cuộc sống là tiếng vọng. Điều bạn gửi đi sẽ quay trở về. Điều bạn gieo trồng sẽ được gặt hái. Điều bạn cho đi sẽ được nhận lại. Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn”.

Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)

No comments: