Vùng trung bộ Phúc Kiến nhiều mưa, trên nhiều cây cầu thường có mái che để cho người đi đường tránh mưa. Vào một buổi tối, có một người ngồi ở trên cầu tránh mưa, nhìn thấy một vị quan lại trong tay cầm hồ sơ công việc, cùng với các quân dịch áp giải mấy người đứng tránh mưa dưới mái che trên cầu.
Người tránh mưa kia nghe thấy tiếng gông xiềng vang lên, biết đây là quan phủ đang thẩm vấn tù phạm. Người này không dám đến gần, sợ hãi núp ở trong góc tối, chỉ nghe một tù phạm gào khóc không ngừng, vị quan lại quát lớn: “Bây giờ biết sợ hãi, lúc đó không làm việc ác thì tốt biết bao.”
Tù phạm khóc than:
“Tôi là bị lão sư của tôi lừa gạt, trước đây khi lão sư của tôi dạy học, miễn là những thuyết về quỷ thần báo ứng, thì ông ấy đều chỉ trích đó là những lời xằng bậy của Phật học. Tôi tin lời ông ấy nói, nên tưởng chỉ cần dùng tất cả mưu kế, tìm cách che giấu tội lỗi, muốn làm gì thì làm, cả đời có thể sẽ không bại lộ.
Sau trăm tuổi, người chết rồi sẽ biến mất khỏi thế gian, điều thị phi gì cũng không nghe thấy nữa, vậy mình cố tình làm bậy, có gì phải lo lắng đây? Nào ngờ rằng thực sự có Địa Ngục, thực sự có Diêm Vương. Bây giờ tôi mới biết được rằng mình bị lão sư làm hại, tôi cảm thấy hối hận, thật đáng thương thay!”
Tranh lụa “Thiết sắc ngũ thất Diêm La Đại Vương” do Lục Tín Trung thời Nam Tống vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Một tù phạm khác khi còn sống hiểu sai Phật Pháp thì nói:
“Ông sa ngã là bởi vì tin tưởng người đọc sách, còn tôi thì tin Phật mà bị lầm đường. Phật gia có câu nói, cho dù tạo nghiệp ác, thì có thể lấy công đức để tiêu trừ, tụng kinh sám hối sẽ được siêu độ. Tôi cho rằng khi còn sống đốt hương bố thí, khi chết thỉnh tăng nhân đến đọc kinh, những việc này tôi đều có thể làm được.
Đã có Phật Pháp bảo vệ, tôi không việc xấu nào không làm, sau khi chết thì Địa Phủ cũng không thể làm gì được tôi. Không ngờ tới, cái gọi là tội cùng với phúc là tùy vào tâm làm việc thiện hay ác mà đánh giá, không phải lấy việc bỏ ra nhiều ít của cải mà tính, bỏ ra bao nhiêu tiền tài, thì tội lỗi vẫn y nguyên khó thoát trừng phạt. Tôi nếu như không phải bởi vì tin vào Phật, như thế nào dám tùy tiện phóng túng đến nước này chứ?”
Tù phạm này nói xong lại lớn tiếng gào khóc thảm thiết, những tù phạm khác cũng đều khóc lóc nức nở.
Người tránh mưa kia núp ở trong góc nghe được lời đối thoại của tù phạm, bấy giờ mới hiểu được những tù phạm này là người đã chết rồi.
Sau khi Kỷ Hiểu Lam kể xong câu chuyện này, đã cảm khái rằng, Nho gia từ trước tới giờ chưa từng nói không có quỷ thần, có thể lấy “Lục Kinh” để làm chứng. Nho sinh mua danh cầu lợi lại đi xuyên tạc kinh điển; trong “Tam Tạng” của Phật giáo cũng không nói rằng có thể dùng tiền tài để hối lộ Phật. Hiện nay người tin Phật mượn Phật để mưu lợi bất chính, người mặc tăng y mượn Phật để mưu sinh, tệ nạn này vậy mà thấm sâu phổ biến đến mức độ này rồi sao.
Đăng Dũng / Theo: Epoch Times
Link tham khảo: