Tuesday, August 13, 2024

GIAI THOẠI CHẤM THI CHO NGƯỜI NHÀ CỦA VỊ HOÀNG GIÁP CƯỠI BÒ

Không chỉ là vị Hoàng giáp nổi tiếng thời Lê, Trần Văn Trứ còn là một người thầy có cách giáo dục lạ lùng nhưng hiệu quả.

Với tài năng và phẩm hạnh của mình, Hoàng giáp Trần Văn Trứ làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông cũng là vị quan thanh liêm, để lại nhiều giai thoại vô tiền khoáng hậu.

Chăm học vì sợ vợ bỏ về nhà mẹ đẻ

Trần Văn Trứ sinh ra trong gia đình khoa bảng, có nền nếp thi thư chữ nghĩa, nhiều đời có người làm quan, làm thầy đồ, thầy thuốc ở thôn Từ Ô, huyện Thanh Miện, trấn Hải Dương (nay là thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, Hải Dương). Bản thân ông cũng là nhà khoa bảng nổi tiếng, để lại một số trước tác hiện vẫn lưu trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trần Văn Trứ sinh năm 1715, không rõ năm mất. Sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" do Ngô Đức Thọ chủ biên lại ghi Trần Văn Trứ sinh năm 1716. Như vậy, thân thế sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Văn Trứ vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều chỗ chưa thể thống nhất.

Tư liệu lịch sử ghi chép về ông cũng không nhiều nên hầu hết cuộc đời, sự nghiệp làm quan của ông đều lưu truyền dưới dạng giai thoại.

Văn bia đề danh Tiến sĩ và các tư liệu đăng khoa đều công nhận Trần Văn Trứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

Cha của Trần Văn Trứ là ông Trần Văn Hoán, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung làm Phó sứ sang Yên Kinh, mắc bệnh và qua đời trên đường trở về nước, được phong Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu, Công bộ Hữu Thị lang, gia tặng Hình bộ Tả Thị lang Hồng Phái hầu, thọ 60 tuổi.

Thân mẫu của ông là bà Từ Hòa Bà, húy là Thị Tố, người xã Phù Ninh – là con gái của Giải nguyên Nguyễn Công Đặc (Phúc Nguyên) và giữ chức Cẩn sự lang làm quan Tri huyện huyện Trung Sơn.

Trần Văn Trứ hay chữ từ nhỏ nên thi Hương đậu rất sớm. Nhưng hay chữ bao nhiêu thì cũng ham chơi bấy nhiêu, khiến việc học hành bị chểnh mảng.

Vợ ông là bà Khương Thị cũng thuộc dòng dõi khoa bảng, con gái của Hoàng giáp Nguyễn Xá Hiên. Thấy chồng chểnh mảng học hành, bà Khương Thị nhiều lần nói cũng không được. Cuối cùng đã sửa lễ cáo với tổ tiên nhà chồng, đồng thời xin với cha chồng cho được về nhà cha mẹ đẻ.

Trước sự kiên quyết của vợ, Trần Văn Trứ mới ít ham chơi, chuyên cần đọc sách ngày đêm, không để ý đến việc gì khác, sách không lúc nào dời tay. Có lần phải chạy giặc, leo lên cây trốn vào tán lá, bất giác đọc sách thành tiếng nên bị bắt nhưng sau lại được tướng giặc thả.

Về sau ông lên kinh sư dự học, cần cù chăm chỉ nên đến kỳ thi năm 1743, ông thi đỗ Đệ nhị giáp chính Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh (Hoàng giáp).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743), do Trung hiến đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng vâng sắc soạn, Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận, có đoạn: "Bấy giờ, kẻ sĩ tới kinh dự thi không dưới hơn 2.000 người. Qua trường bốn, chọn hạng xuất sắc được bọn Nguyễn Hoản 7 người.

Tháng 12 vào Điện thí, Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi những việc lớn trong phép kinh luân thiên hạ. Ngày hôm sau, quan Độc quyển dâng quyển, Hoàng thượng đích thân ngự lãm, định thứ tự cao thấp.

Ban cho Phan Kính đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, Trần Văn Trứ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Hoàng Vĩ 5 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền người đỗ, bảng vàng nêu tên, ban cho áo mũ triều phục, yến Quỳnh hoa bạc, ơn huệ dồi dào. Lại sai quan bộ Công dựng đá đề danh tại trường Quốc Tử Giám".

Sử sách không ghi sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được phong chức quan gì. Song, đối chiếu vào khoảng thời gian này, có thể thấy ông và người cha của mình – Tiến sĩ Trần Văn Hoán làm quan đồng triều.

Tiến sĩ cưỡi bò và cách rèn học trò

Cuốn "Giai thoại văn học Việt Nam" có câu chuyện rằng, một lần từ Kinh thành về quê nhà, Trần Văn Trứ nghe nói có viên quan tri huyện rất hách dịch, tự ra lệ ai đi qua nhà quan đều phải xuống ngựa, nếu không sẽ bị đánh đòn.

Một hôm nhân có chuyện phải đi qua dinh thự quan huyện, Trần Văn Trứ mượn một con bò cưỡi nghênh ngang đi qua mà không xuống.

Tranh minh họa Hoàng giáp Trần Văn Trứ cưỡi bò để dạy cho viên quan huyện hống hách một bài học.

Bọn lính thấy vậy liền bắt ông lại lôi vào quan phủ gặp quan huyện. Trần Văn Trứ nói rằng mình là thầy đồ dạy học, nghe nói có lệ cưỡi ngựa phải xuống, chứ không nghe nói đến cưỡi bò. Quan huyện thấy ông nói lý, lại nghe nói là thầy đồ nên hỏi chữ để bắt bí, thế nhưng ông đều trả lời trôi chảy.

Quan huyện có ý nể nên nói rằng: "Lý ra tội nhà thầy phải đánh đòn, nhưng ta nể cái bộ râu của thầy nên tha đòn cho. Thầy phải đối câu ta ra để tạ ơn nghe!". Rồi quan huyện ra vế đối: "Huyện quan Thanh Miện kiến vô lễ nhi dục công" (nghĩa là: Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh). Trần Văn Trứ bèn đối rằng: "Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát" (nghĩa là: Tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn).

Nghe đến "Tiến sĩ Từ Ô", quan huyện và đám sai nha biết đây là tướng công họ Trần thì lạy như tế sao. Trần Văn Trứ liền chỉnh dạy về đạo lý làm quan cho họ rồi bỏ đi. Từ đó quan huyện cũng thôi cái lệ hống hách bắt người qua đường phải xuống ngựa.

Hoàng giáp Trần Văn Trứ làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, người dân quen gọi ông là Tiến sĩ Từ Ô vì ông là người thôn Từ Ô.

Trần Văn Trứ làm quan không trốn tránh việc, lại hành xử theo đúng phép tắc nên tiếng lành đồn xa. Tuy nhiên vốn tính thẳng thắn, thấy gì nói nấy nên ông cũng gặp phải lời gièm pha, bởi thế mà ông thường chuyên tâm hơn vào việc dạy học.

Trong cuốn "Trần tộc gia phả" có ghi chép rằng ông dạy học trò rất hay, tuy vậy hay khen thưởng hoặc mắng nhiếc học trò. Khen thưởng hoặc mắng nhiếc cũng là biện pháp khuyến khích học trò nên người được học ông không ai không thành sự.

Khi làm văn, trò nào làm trúng ý, ông thường hay nói: "Cha mẹ anh ăn thức gì mà sinh được anh như vậy, tiếc rằng con gái ta đã gả chồng hết cả". Và không biết có phải nhớ tới thời ham chơi bị vợ nghiêm khắc không, mà khi có trò nào làm dở thì ông hay nói: "Cha mẹ ngươi ăn phải thứ gì mà đẻ ra ngươi như vậy, tiếc rằng vợ ngươi vô duyên nên lấy phải…".

Những học trò khi đến kinh sư tìm thầy học không ai không tìm đến cửa ông. Người nào được ông khen thì vinh dự như thể được khoác áo hoa cổn, người nào bị chê trách thì nặng nề như bị đao búa.

Học trò dù bị ông mắng nhiếc nhưng lại cũng được rèn luyện cẩn thận nên nhiều người thành tài, mỗi kỳ thi Hương thì người đỗ có quá nửa là học trò của ông.

Với cách giáo dục của Trần Văn Trứ, thi Hương quá nửa số đỗ là học trò của ông.

Chấm thi cho người nhà

Sách "Hải Dương phong vật chí" có ghi chép rằng về một lần Trần Văn Trứ phụ trách khoa thi Hương ở quê nhà. Biết tin, vợ ông dặn rằng: "Năm nay có đứa cháu đi thi, mong được ông rộng tay cho nó được mở mày mở mặt. Tên nó là Hi", ông cũng gật đầu biết vậy.

Biết tính chồng, bà Khương Thị dặn người hầu khi nào thấy ông chấm đến quyển văn của người cháu thì nhớ làm hiệu "Hi Hi" để ông nhớ.

Khi ông chấm quyển văn, người hầu đứng gần quan sát, khi thấy có quyển văn có dấu hiệu đúng như bà đã dặn liền đứng cạnh mà đằng hắng "Hi Hi". Nghe thế, Trần Văn Trứ chợt nhớ lời vợ dặn, thế nhưng lời văn của bài thi rất không thông, không xứng đỗ. Ông liền cầm bút vừa sổ một nét dài trên quyển thi vừa nói "Này thì Hi Hi! Này thì Hi Hi!".

Sau này nhận thấy triều đình Lê – Trịnh đã quá mục nát, không thể vãn hồi nên Trần Văn Trứ cáo quan về trí sĩ. Cuộc đời làm quan của Trần Văn Trứ thanh liêm, yêu thương dân chúng nên khi ông mất, quan lại trong triều, bạn bè và học trò tới đưa tiễn rất đông.

Trần Văn Trứ đánh trượt cả bài thi của người nhà.

Hoàng giáp Trần Văn Trứ được đánh giá là người thẳng thắn, chấp pháp nghiêm minh, danh tiếng vang xa. Hơn thế nữa, ông còn là người có vai trò nhất định đối với văn hóa và sự nghiệp giáo dục đương thời, trong việc đào tạo đội ngũ trí thức cho xã hội Việt Nam thế kỉ 18.

Tác phẩm của Trần Văn Trứ để lại không nhiều, trong đó nổi bật là hai tập: Hoa thiều hầu mệnh tập, Từ Ô Hoàng giáp Trần tướng công thi tập và một số thơ văn chép trong các tuyển tập. Trong đó, "Hoa thiều hầu mệnh tập" chép trong sách "Sứ thiều ngâm lục", gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán, được làm trong dịp tác giả phụng mệnh tiễn sứ giả vào mùa Đông năm Tân Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng.

"Từ Ô Hoàng giáp Trần tướng công thi tập", chép trong sách "Danh ngôn tạp trứ", có 95 bài thơ và 1 bài ký, trong đó có một số bài thơ chép trong "Hoa thiều hầu mệnh tập". Tập thơ là những tâm sự, tình cảm của tác giả đối với quê hương, gia đình, bạn bè và tình yêu thiên nhiên, đất nước. Những di tích lịch sử, những thắng cảnh của tự nhiên trên đường công cán đều được tác giả ghi lại chân thực và gửi gắm tình cảm trìu mến…

Ngoài ra, còn "Tam bảo độ" - thác bản văn bia được lưu giữ tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, soạn năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766) ghi lại việc trùng tu chùa xã Thổ Hà phủ Bắc Giang. Bia đã mòn mờ, nhiều chữ không đọc được. Bên cạnh đó còn "Thiêm đô công trúng hạng di văn" (Bài văn sách thi Hội khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 của Trần Văn Trứ), chép trong "Trần tộc gia phả".

"Thi sao", quyển hạ, hiện lưu giữ tại Thư viện Paris, gồm thơ của 45 vị quan và văn nhân triều Lê như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ, Trần Văn Trứ, Nguyễn Huy Oánh…

Theo giới nghiên cứu, dù số lượng tác phẩm của Hoàng giáp Trần Văn Trứ không đồ sộ nhưng góp phần to lớn trong việc tìm hiểu diện mạo văn học trung đại Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc đời và nhân cách của ông là tấm gương phản ánh tư tưởng, tình cảm, vị trí của tầng lớp trí thức đương thời trong giai đoạn xã hội đầy biến động.

Trong ngày đưa tiễn Hoàng giáp Trần Văn Trứ, tương truyền có người làm câu đối rằng: "Tọa học sĩ xuân phong, diện mệnh nhĩ đề, huấn hối nhược gia nhân phụ tử/ Lập lại tư băng tuyết, từ trực khí tráng, lẫm liệt như lôi điện quỷ thần" (Dạy học trò giữa mùa Xuân ấm áp, mặt sai tai sách, dạy dỗ ân cần như cha đối với con trong nhà/Việc công cán giữ lòng băng tuyết, lời thẳng thắn ý chí hào hùng, lẫm liệt như quỷ thần nổi cơn sấm sét.

Trần Siêu (Theo Giáo Dục và Thời Đại)

No comments: