“The Holy Right” (ảnh: EyesWideOpen/Getty Images)
Nếu ai có dịp đến nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) hoặc một số thờ cổ ở Âu châu mà bỏ qua nhà thờ Thánh Stephen (St. Stephen’s Basilica) sẽ là một thiếu xót. Đây là một nhà thờ cổ thuộc Giáo hội Công giáo Roma, giữa thủ đô Budapest của Hungary. Không giống những nơi thờ phượng khác của người Công giáo, bước chân vào nhà thờ Thánh Stephen, ngoài không gian trang nghiêm, cung kính, bạn sẽ cảm được sự uy phong, hào hùng, vì trước bàn thờ Chúa có một Thánh tích mà toàn dân Hungary tôn sùng, thờ lạy – Bàn tay phải của vị Vua lập quốc.
St. Stephen’s Basilica là một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất Budapest (ảnh: Đoan Trang)
Giấc mơ kỳ diệu
Hơn 1100 năm trước, trị vì các bộ lạc ở vùng đất Magyarország (Hungary ngày nay) là Vương Công Géza. Năm 997, Vương Công Géza băng hà, con trai là István lên ngôi, người mang dòng máu của thủ lĩnh Árpád. Chuyện kể về vị Vua lập quốc Hungary như sau:
Trước khi István ra đời, thân mẫu của ông được sứ Thần báo mộng: “Bà hãy tin vào Chúa và tin rằng bà sẽ sinh một người con trai. Con bà sẽ là người đầu tiên được mang vương miện tại xứ sở này và sẽ trị vì trên cương vị một ông vua”. Khi bà hỏi tên đứa trẻ, sứ Thần đáp: “István” (Stephen). Thật kỳ diệu, không chỉ thân mẫu của István được báo mộng, Vương Công Géza cũng gặp một nàng tiên trong một giấc mơ, nói rằng, không lâu nữa, ông sẽ có một người con trai nối dõi, và người ấy sẽ hoàn thành công việc kiến tạo đất nước. Đó chính là Stephen.
Ba năm sau cái chết của cha, đến đầu năm 1001, Stephen mới đăng quang và chính thức trở thành vị vua đầu tiên của đất nước Hungary. Ngày đăng quang, Vua Stephen đội chiếc vương miện do Đức Giáo Hoàng Sylvester II trao với sự tán thành của Hoàng đế Otto III của Thánh chế La Mã (Holy Roman Emperor). Năm 1006, Vua Stephen củng cố quyền lực, tiêu diệt những người đối lập theo truyền thống tôn giáo nguyên thủy hoặc định liên minh với Đế chế Byzantine. Vua Stephen có công xây dựng một Giáo hội độc lập tại Hungary, gắn liền với sự nghiệp phổ biến đạo Thiên Chúa và du nhập đạo đức Thiên Chúa Giáo. Ông mở rộng lãnh thổ và dân cư, tạo điều kiện cho người dân Hungary học hỏi, tiếp thu nền văn minh Tây Âu.
Bằng việc gây dựng sự đoàn kết giữa các thế lực trong nước, Vua Stephen còn thiết lập những khuôn khổ đầu tiên cho chế độ lập pháp, chính thể, tư pháp và hành chính hợp hiến ngày nay. Là người thành lập nước Hungary Công giáo, Vua Stephen đặt nền móng cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc Hungary.
Vòm bên trong Nhà thờ Thánh Stephen (ảnh: Giovanni Mereghetti/Education Images/Universal Images Group via Getty Images)
Huyền thoại
Vua Stephen trở thành huyền thoại, được ca ngợi như một người có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng tha lỗi cho kẻ muốn ám sát mình. Tương truyền, Vua Stephen lúc sinh thời có lắm kẻ không ưa, rắp tâm ám sát. Kẻ nào giết được Vua, sẽ được thừa hưởng sự sáng suốt, sức mạnh thần thông và kinh nghiệm của vị vua tiền nhiệm. Vì lẽ đó, Vua Stephen bị ám sát nhiều lần, nhưng đều hụt. Lần nào cũng vậy, bọn sát nhân được nhà vua ân xá, để chứng tỏ lòng nhân từ của người theo đạo Thiên Chúa.
Khi lâm trọng bệnh và biết rõ ngày được Chúa gọi về là 15 Tháng Tám, 1038, Vua Stephen làm lễ hiến dâng nước Hungary cho Đức Mẹ. Đây được xem như hành động mang tính tượng trưng, và cũng là lý do khiến ngày nay, dân Hungary gọi Đức Mẹ bằng cách gọi chính thức: “Đức Mẹ của người Hungary”.
Vua Stephen tạ thế ngày 15 Tháng Tám 1038, thọ 63 tuổi. Thi thể của Ngài được ướp trong chiếc quan tài làm bằng đá cẩm thạch đặt tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ ở cố đô Székesfehérvár. Ông được Giáo hội La Mã phong Thánh và là vị Thánh đầu tiên của vương triều Árpád (Hungary) – Thánh Stephen (tiếng Hungary: Szent István).
Bàn tay phải (The Holy Right) trong Nhà thờ Thánh Stephen (ảnh: EyesWideOpen/Getty Images)
Kẻ trộm Quyền Thánh
Sau triều đại Vua Stephen, đất nước Hungary trải qua 40 năm gian nan, thù trong giặc ngoài. Vì sợ kẻ gây chiến tấn công bất kể lúc nào, chiếc quan tài của Vua Stephen được đưa xuống hầm mộ sâu ngay tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ. Cũng từ lúc này, bàn tay phải của Vua bị cắt rời khỏi thi thể, và đặt riêng trong kho bạc của nhà thờ. Bàn tay được xem là Quyền Thánh có một sức mạnh siêu nhiên huyền bí.
Người canh kho bạc là ông Mercurius. Thừa lúc không ai để ý, Mercurius đem bàn tay phải của Vua Stephen cất giấu tại điền trang của mình ở vùng Bihar, nay thuộc đất nước Romania. Nhưng vải thưa không qua được mắt Thánh, biết tin, Vua László đích thân tìm đến nhà Mercurius. Cũng bằng lòng nhân từ của người Ki-tô hữu, Vua László tha tội cho Mercurius.
Ngay tại địa điểm nơi bàn tay phải được tìm thấy, để tưởng nhớ vị vua lập quốc Hungary, vua László lập ra một tu viện mang tên “Thánh Bàn tay phải”. Tương truyền, bàn tay phải của Vua Stephen giống như một phép màu, có tác dụng chữa bách bệnh một cách kỳ diệu. Vì lẽ đó, suốt nhiều thế kỷ thời Trung cổ, các tín đồ Công giáo Hungary và người ngoại quốc thường xuyên tổ chức các chuyến hành hương về Tu viện, để chiêm ngưỡng Thánh tích của Vua Stephen, nhưng chính yếu là để xin Ơn Chữa lành.
“The Holy Right” (ảnh: EyesWideOpen/Getty Images)
Chuyến ngao du đầy kịch tính
Cũng kể từ đó, bàn tay phải của Thánh Stephen chính thức được công khai và sùng bái như một Quyền Thánh. Những tưởng, Thánh tích này đã có một nơi an vị xứng đáng, không ngờ tiếp sau đó là cuộc hành trình ngao du thăng trầm đầy kịch tính.
Vào thế kỷ XIII, trước cuộc xâm lăng của quân đội Tartar, bàn tay phải của Thánh Stephen được gửi đến Dubrovnik, Croatia để các thầy tu dòng Dominica ở Nam Tư trông giữ. Thánh vật ở lại đây khoảng 200 năm. Qua đến thời Nữ hoàng Maria Theresia của Đế chế Áo-Hung, khi biết nơi cất giữ bàn tay phải của Thánh Stephen, Nữ Hoàng không quản ngại những khó khăn trong ngoại giao, quyết giành lại Quyền Thánh. Vào năm 1771, bàn tay phải được “hồi hương” về Hungary.
47 năm sau, lần đầu tiên, bàn tay phải của Thánh Stephen được rước một cách rất trọng thể để bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng. 120 năm sau đó, nhân kỷ niệm 900 năm ngày Vua Stephen băng hà, và để tưởng nhớ vị vua lập quốc Hungary vĩ đại này, trong một đạo luật, Quốc Hội Hungary tuyên bố 20 Tháng Tám – ngày Vua được phong Thánh, là Quốc khánh Hungary.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đây, và bàn tay phải của Vua Stephen cũng chưa hết yên ổn, vì trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Quyền Thánh này cùng nhiều báu vật của Vua Stephen trong lễ đăng quang năm 1001 lại bị cất giấu trong một hang động ở thành phố Salzburg, Áo.
Quân đội Hoa Kỳ tìm thấy Thánh vật này khi vào Áo, và họ đem trao cho vị giám mục có tên Salzburg gìn giữ. Đúng dịp Quốc khánh Hungary, Tháng Tám, 1945, ba thành viên của Phái bộ Quân sự Mỹ chính thức trao bàn tay phải linh thiêng cho Hungary khi quốc gia này vừa thoát khỏi ách phát-xít.
*****
Dưới thể chế cộng sản, suốt 40 năm, bàn tay phải của Vua Stephen được cất giữ tại Vương cung Thánh đường mang tên ông, ở thủ đô của Hungary – nhà thờ Thánh Stephen. Có điều khi ấy, bàn tay phải của Vua Stephen lại nằm trong một két sắt của vị Tổng Giám Mục địa phận Budapest, và đương nhiên, người Hungary thời đó không hề được nhìn thấy Thánh vật này.
Cho đến năm 1987, đúng vào dịp Quốc khánh Hungary, Tiến sĩ Thần học, Ðức Hồng y Paskai László, Tổng giám mục địa phận Esztergom, tổ chức một buổi lễ long trọng, khai trương nơi cất giữ Quyền Thánh của người Hungary ngay tại đại giáo đường ở Budapest – công trình nhà thờ lớn thứ ba của Hungary – một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất Âu châu, để các tín đồ Công giáo, cũng như du khách thập phương chiêm ngưỡng.
Trải qua biết bao thế hệ, cho đến tận bây giờ, người Hungary vẫn một mực tôn thờ và sùng bái bàn tay phải của Vua Stephen – vị Thánh sáng lập nên dân tộc Hungary, người có công lớn trong việc thống nhất Hungary theo Ki-tô Giáo.
Nhiều người tin rằng, Chúa ban quyền năng và pháp màu nhiệm lên bàn tay phải của Thánh Stephen, nên một khi nơi nào được Thánh Stephen che chở, nơi đó nghìn đời sống trong an bình và hạnh phúc. Người dân sống trong quốc gia ấy cũng thoát khỏi các đại dịch nguy hiểm và nếu người nào được Chúa gọi, đều được Thánh Stephen đích thân đón lên tận cửa Thiên Đàng.
Đoan Trang / Theo: saigonnhonews
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment