Saturday, February 17, 2024

O-TOSO - CHÉN RƯỢU CHO MỘT NĂM MẠNH KHỎE

Sake giữ một vai trò đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản, bởi hiếm có dịp quan trọng nào mà lại thiếu đi chén rượu sake. Và vào ngày đầu năm cũng vậy, để chào đón một năm mới sang, người Nhật sẽ quây quần bên gia đình và uống một loại rượu đặc biệt có tên là O-toso.


Ngày Tết ở Nhật Bản hay “Oshogatsu” là một trong những dịp lễ lớn và quan trọng nhất năm. Theo tín ngưỡng Thần đạo, Kami sẽ ghé thăm từng nhà trong ngày đầu năm mới, vì vậy từ trước đó, các gia đình Nhật Bản đã dọn dẹp nhà cửa khang trang để chào đón thần linh.

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, gia đình cùng sum vầy ăn mừng bước sang năm mới trong tiếng chuông giao thừa. Sang đến ngày đầu năm, người Nhật sẽ thực hiện chuyến viếng thăm đền thờ, ngắm bình minh đầu tiên, thưởng thức Osechi - những khay đồ ăn đẹp mắt đại diện cho nguyện ước trong năm mới... Và trong số những nghi lễ khởi đầu cho một năm cũng không thể thiếu đi chén rượu O-toso.

Người Nhật viếng đền đầu năm tại đền Fushimi Inari. Ảnh: flickr

O-toso là gì?

Toso hay O-toso ("O" là tiền tố kính ngữ) là rượu sake được pha chế bằng cách ngâm hỗn hợp các loại thảo mộc với rượu trong vài giờ trước khi dùng. Theo truyền thống, uống loại rượu này vào ngày đầu năm sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh hay cảm cúm, xua đuổi bệnh tật và mang lại sự bình yên cho gia đình trong suốt một năm.

Hai Hán tự tạo thành từ Toso là “屠蘇 – Đồ Tô”, nghĩa đầu tiên của nó là “linh hồn ma quỷ” và nghĩa thứ hai là “tàn sát”. Do đó, uống O-toso tượng trưng cho việc tiêu diệt điều xấu và mời gọi những điều tốt đẹp đến, đặc biệt là may mắn liên quan đến sức khỏe.

Trong nhiều năm, người ta tin rằng "một người uống thì cả nhà không đau ốm; cả nhà uống thì cả làng đều mạnh khỏe". Và O-toso đã trở thành một phần quan trọng trong ẩm thực Osechi ở Nhật Bản vào dịp Năm mới.

Uống rượu ngâm thảo mộc vào ngày đầu năm là một phong tục lâu đời của người Nhât. Ảnh: tasteatlas.com

Thành phần của O-toso

Theo định nghĩa, O-toso là rượu gạo ngâm với các loại thảo mộc. Nó được làm bằng cách trộn nhiều loại dược liệu với nhau để tạo thành Tososan (屠蘇散), một hỗn hợp có vị cay, rồi ngâm Tososan trong rượu sake hoặc mirin. O-toso làm bằng mirin sẽ có hương vị ngọt ngào hơn và về cơ bản là một loại sake ngọt.

Ban đầu, hỗn hợp Tososan dùng để làm O-toso bao gồm mười loại gia vị và thảo mộc có nguồn gốc từ cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên một số loại ngày nay không còn được sử dụng nhiều do hương vị mạnh, và Tososan phổ biến nhất sẽ có các thành phần như hạt tiêu Nhật sansho, gừng khô, quế, hoa tán, ukera trắng (một loại hoa thuộc họ Cúc), hoa cát cánh.

Một số loại gia vị và thảo mộc được dùng để ngâm O-toso. Ảnh: reiwa-academyclub.jp

Lịch sử của O-toso

Truyền thống uống O-toso được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc trong thế kỷ 9, vào thời Heian. Bấy giờ, cứ đến ngày 19/12, các loại thảo dược được cho vào túi hình tam giác và treo trên cành đào lơ lửng trên mặt nước. Vào lúc bốn giờ buổi sớm ngày đầu năm, chúng sẽ được cho vào rượu sake và ngâm trong vài giờ trước khi dùng vào buổi sáng. Lúc này, đây là món dành riêng cho hoàng gia và giới quý tộc.

Đến thời Edo (1603-1868), phong tục này trở nên phổ biến trong dân gian vì các hiệu thuốc thường phát hỗn hợp Tososan cho bệnh nhân làm quà tặng cuối năm. Tục lệ này được tiếp diễn cho đến khoảng đầu những năm 2000.

Ngày nay, dù không còn phổ biến ở một số vùng của Nhật Bản nhưng O-toso vẫn là một phần quan trọng trong phong tục đón năm mới của người dân vùng Kansai. Còn rượu sake vẫn xuất hiện trong lễ đón năm mới trên khắp đất nước, chỉ khác là chúng được để ở trạng thái nguyên chất.

Kirin / Theo: kilala