Tuesday, February 27, 2024

THI THƯ HỌA TRỊNH BẢN KIỀU (PHẦN 2): HỘI HỌA THI THƯ, NHÂN TỪ TÀI ĐỨC

"Bản Kiều viết chữ như vẽ lan: Nét chữ kỳ, cổ phất phới bay. Bản Kiều vẽ lan như viết chữ: Lá xinh hoa điểm phong tư bày"...

Ngoài các tuyệt phẩm về trúc, Trịnh Bản Kiều còn có rất nhiều bức tranh lấy hoa lan làm chủ đề.

Vẽ lan

Ngoài các tuyệt phẩm về trúc, Trịnh Bản Kiều còn có rất nhiều bức tranh lấy hoa lan làm chủ đề. Hoa lan ưu nhã tự nhiên, thanh hương lan toả, được người xưa dùng với tên "lan huệ", xứng danh với người quân tử, nhã sỹ. Trong sách “Khổng Tử Gia ngữ” có viết: "Sống với người thiện thì giống như vào phòng chi lan", "Chi lan mọc ở núi sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm. Người quân tử tu đạo lập đức, không vì ở cảnh khốn cùng mà mất khí tiết".

Do hoa lan khiến người ta liên tưởng rằng làm người cần phải giống như hoa lan: trang nhã thanh tĩnh, kiên trì bền bỉ, thanh hương lan toả, trầm tĩnh, chín chắn.

Một bức tranh phong lan của Trịnh Bản Kiều.

Trịnh Bản Kiều thường vẽ nhành lan trang nhã trong khe núi vắng. Vẻ đẹp của lá lan là dùng mực đen vung đầu bút, mượn nét sổ trong thư pháp chữ thảo vận bút phết dài, nhiều mà không loạn, ít mà không thưa, thanh tú tuyệt luân. Ông mượn đặc trưng của hoa lan để nói lên đạo lý làm người, thắng không kiêu, bại không nản, tấm lòng an tĩnh, thanh đạm chí hướng xa xôi, giống như bài thơ đề trên bức tranh "Sơn đỉnh diệu tú đồ" của ông rằng:

"Thân mọc trên đỉnh cả ngàn non,
Kẽ đá lô nhô tỏa hương nồng.
Nếu mây bên dưới không đùa giỡn,
Đến chẳng quen biết đi chẳng lưu".

Ông mượn đặc trưng của hoa lan để nói lên đạo lý làm người, thắng không kiêu, bại không nản, tấm lòng an tĩnh, thanh đạm chí hướng xa xôi

Một bài thơ đề tranh khác viết rằng:

"Hoa lan vốn cỏ trên non,
Vẫn đi vào núi vẫn còn trồng lan.
Nuôi lan tấp nập trần gian,
Chi bằng bầu bạn mây ngàn nhởn nhơ".

Ông còn vẽ rất nhiều tranh trúc lan thạch, lá trúc lá lan đều dùng một nét cong tạo thành, nhưng lại khiến người xem cảm thấy trúc lan tràn đầy sức sống.

Vận dụng ý tưởng khéo léo, ông còn thường vẽ lan trên vách đá cheo leo, những khóm lan gai góc, như trong bức tranh "Tiếu bích lan", trên có đề thơ rằng:

"Vách núi cao ngàn thước
Hoa lan trên vách cao.
Tiều phu ở bên dưới,
Thò tay lấy nổi đâu".

Có lúc ông mượn hiện tượng tự nhiên vẽ giữa những khóm lan xen kẽ mấy cành gai góc để ngụ ý cảnh sâu xa, lan trong gai góc nên hoa càng tốt tươi.

Vận dụng ý tưởng khéo léo, ông còn thường vẽ lan trên vách đá cheo leo, những khóm lan gai góc.

Vẽ đá

Trịnh Bản Kiều vẽ trúc lan độc đáo, vẽ đá cũng lại như thế. Đá trong tự nhiên dưới nét bút của ông cũng sống động. Ông dùng những đường cong đơn giản, cứng cáp vẽ ra hình dáng vẻ ngoài hòn đá, không cần tô điểm đánh bóng, cũng không cần chà, thể hiện chất rắn chắc của đá. Trên đá thường không điểm xuyết rêu, ông cho rằng "Đá không điểm xuyết rêu vì sợ nó làm vấy bẩn họa khí của ta"

Ông dùng xuân pháp, mực nhạt vẽ nét gấp khúc và quệt để vẽ ra đá núi thẳng đứng. Có lúc phối hợp với lan trúc, dùng bút mực nhạt thẳng, giản lược vẽ lá trúc, khóm lan trên vách núi dựng đứng, bố cục thưa sáng độc đáo, sống động như thực, khiến người xem thấy tươi mới, như chính mình đang ở trước cảnh vậy.

Như hòn đá trong bức tranh "Trụ thạch đồ" của ông, giữa tranh là một tảng đá độc lập đứng sừng sừng theo phong cách riêng, nhưng lại có khí khái vọt tận trời mây, xung quanh đều trống trải không có cảnh nền, trên bức tranh đề thơ rằng:

"Nhà tranh hoang vắng bạn cô liêu,
Cột đá chơ vơ vút tầng mây.
Ngay chính thẳng như Đào Nguyên Lượng,
Chẳng muốn khom lưng với cúi đầu".

(Chú thích: Đào Nguyên Lượng tức Đào Tiềm, hiệu Uyên Minh, từ quan vì không muốn cúi đầu khom lưng trước quyền quý - ND).

Bài thơ đã nói rõ chủ đề bức tranh, lấy đá và nhân phẩm kết hợp lại, mượn hình ảnh tảng đá hiên ngang kiên cường để ca ngợi nhân cách cao thượng, không a dua quyền quý của Đào Uyên Minh, đồng thời cũng thổ lộ ý tứ bản thân ông cũng gặp cùng cảnh ngộ và có cùng khí phách như thế.

Đá trong tranh tiêu biểu cho hình tượng nhân vật, chứa đựng phẩm chất khí khái hiên ngang, kiên trì tiết tháo, khiến người xem cảm thấy hàm nghĩa sâu sắc mà bức tranh vẽ đá này thể hiện.

Đá trong tranh tiêu biểu cho hình tượng nhân vật, chứa đựng phẩm chất khí khái hiên ngang, kiên trì tiết tháo.

Thơ ca

Thơ văn của ông cũng có phong cách độc đáo riêng, ngụ ý sâu sắc, nói về sự vật như lại biểu đạt sự theo đuổi lý tưởng và thái độ yêu ghét đối với đúng sai của ông. Ông làm quan, với chí hướng làm thanh quan lương lại, như trong bài thơ "Quân thần" của ông có viết rằng:

"Vua là Thiên tử làm việc người,
Thần là quan lại làm bề tôi,
Cẩn trọng phụng mệnh tuân Thiên ý,
Chớ đợi lôi đình mới đến nơi".

Ông tuyên dương tư tưởng Thánh nhân kính Trời kính đức, đức xứng với Trời, đồng thời cũng khuyên răn thuộc hạ:

"Chớ nói làm quan không hảo sự
Nên biết tích đức mới huy hoàng".

Ông còn viết bài thơ "Thất ngôn tứ tuyệt" để khuyên người đời chớ chạy theo danh lợi:

"Người trên thuyền bị danh lợi kéo,
Người trên bờ kéo thuyền lợi danh.
Nước sông dạt dào trôi bất tận,
Hỏi ông vất vả đến năm nào?"

Trịnh Bản Kiều coi tiết tháo, thanh hương và cốt cách của trúc, lan, thạch và lòng kiên trì trung trinh đã trải qua thử thách của mình làm mục tiêu theo đuổi để tu thân. Đối với thế lực tà ác, ông lấy trúc để tự ví mình, đại nghĩa lẫm liệt:

"Đêm trước gió thu vượt Tiêu Tương,
Xuyên rừng quét đá thổi ngông cuồng.
Duy có trúc xanh là không sợ,
Hiên ngang chống chọi ngàn trận trường".

Khí thể vẽ trúc của ông đã biểu lộ cá tính của trúc và người, "lựa chọn cái thiện và nắm chặt", không bị trôi theo trào lưu:

"Mưa tạnh gió yên đứng thẳng cao,
Sáng trong như kính người người noi".

Ở đây có thể nói người và trúc chiếu sáng lẫn nhau, thành thật với nhau.

Thạch Bản Kiều không chỉ lấy trúc tự ví mình, ông còn lấy trúc để đối xử với người. Đối với hậu nhân tuấn kiệt, ông vui vẻ khen thưởng đề bạt, dốc sức dìu dắt, ngôn truyền thân giáo, gửi gắm hy vọng. Ông đã từng viết rằng:

"Trúc mới lên cao hơn trúc xưa,
Là do trúc già đỡ trúc non".

Thạch Bản Kiều không chỉ lấy trúc tự ví mình, ông còn lấy trúc để đối xử với người.

Thư pháp

Hình chữ 4 thể chữ: thảo, lệ, triện, khải là tổng hợp bút pháp của Trịnh Bản Kiều, lại thêm ý bút trúc lan, đưa kỹ pháp vẽ lan vào thư pháp, hình thành nên phong cách thư pháp có hàng mà không thứ tự, thưa dày đan xen. Ông tự gọi là thể thư pháp "lục phân bán thư", người đời sau gọi là thể chữ "Bản Kiều".

Tưởng Sỹ Thuyên đời Thanh đáng giá rằng:

"Bản Kiều viết chữ như vẽ lan,
Nét chữ kỳ, cổ phất phới bay.
Bản Kiều vẽ lan như viết chữ,
Lá xinh hoa điểm phong tư bày".

Lan trúc đưa vào thư pháp, đường nét kỳ thú như ngọc. Mấy câu thơ trên đã nói rất thấu triệt về quan hệ giữa thư pháp và vẽ tranh của ông.

Thư pháp Trịnh Bản Kiều.

Sách "Quốc triều kỳ hiến loại trưng sơ biên" có ghi chép: "Tiếp cao nhã, giỏi thư pháp, thể chân và thể hành đều mang ý thể triện, như cây bách trong tuyết như cây tùng trong gió, hiên ngang mà vẫn lộ dáng vẻ tươi đẹp chốn phong trần". Thể chữ của ông lúc giống như lá lan nhởn nhơ phiêu dật, lúc như lá trúc cứng cáp, lay động tự nhiên mà không mất đi phong độ, cao khiết thanh đạm xa xôi, phiêu diêu tự tại.

Ấn chương của ông cũng sinh động và thú vị. Thư tịch cổ có khen ông "ấn chương, bút lực cổ phác". Ông có khắc một ấn chương "Chỉ mong quét sạch nợ nần đói rét khắp thiên hạ" để tỏ rõ tấm lòng lo cho dân, thương yêu dân. Cứu người nguy nan, giúp người khốn khó là truy cần cả đời của Trịnh Bản Kiều. Ngoài cứu tế thiên tai ra ông còn thường trợ cấp cho những học trò nghèo, giúp họ hoàn thành nghiệp học.

Một bức thư pháp của Trịnh Bản Kiều được lưu trữ tại Bảo tàng Sơn Đông.

Bình thường Thạch Bản Kiều cũng hay giúp người lúc cấp bách, vui thích trợ giúp người. Ông thường lệnh cho người em họ là Trịnh Mặc lấy tiền của ông phân chia cho bà con xóm láng: "Em đem tiền lương về quê, đến từng nhà phân chia... tặng và trợ giúp họ... đến khi hết tiền mới thôi..."

"Bám chặt non xanh chẳng buông lơi,
Cắm rễ vào sâu vách chơi vơi.
Muôn vạn dập vùi còn vững chãi,
Đông Tây Nam Bắc gió mặc đời".

(Bài thơ "Đề trúc thạch" của Trịnh Bản Kiều)

Bài thơ này đã nói rõ cảnh ngộ của trúc, lại trực tiếp nói ra sự trung trinh kiên định của trúc, trong "muôn vạn dập vùi" vẫn "bám chặt non xanh", không hề lay chuyển. Trong sương tuyết dập vùi vẫn luôn giữ tiết tháo, "ngay thẳng lại uyển chuyển tốt tươi". Đây chẳng phải bức tranh chân thực rằng ông - Thạch Bản Kiều, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể làm được ý chí không lay chuyển, giữ vững khí tiết đó sao? Đó chính là chân dung về nhân cách của vô số chân nhân chí sỹ, chính nhân quân tử xưa nay vậy.

Thạch Bản Kiều, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể làm được ý chí không lay chuyển, giữ vững khí tiết.

Tác giả Trí Chân
Theo minghui.org
Hoàng Mai (biên dịch)

Tài liệu tham khảo:
- Trịnh Bản Kiều tập
- Dữ xá đệ thư thập lục thông


No comments: