Monday, February 19, 2024

MỤC KIỀN LIÊN - VỊ ĐỆ TỬ THẦN THÔNG ĐỆ NHẤT CỦA PHẬT THÍCH CA

Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong những vị tỳ kheo bên cạnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn tại thế, là vị đệ tử có thần thông đệ nhất. Nhưng cho dù thần thông to lớn đến đâu thì cũng không thể thắng được nghiệp lực.

Mục Kiền Liên - vị đệ tử thần thông đệ nhất của Phật Thích Ca (Nguồn: pinterest)

Lục đại thần thông

Kiếp trước, Mục Kiền Liên là một ngư dân sống ven biển, một hôm ông bỗng khởi thiện tâm và gặp được Bích Chi Phật. Bích Chi Phật từng độc tu mà thành Phật, Ngài sống rời xa quần chúng, không có sư phụ, cũng không thu nhận đồ đệ.

Đức Phật Bích Chi rất uy nghiêm, Mục Kiền Liên vừa nhìn thấy liền sinh lòng tôn kính và mời Ngài về nhà để cúng dường. Mặc dù Bích Chi Phật rất có thiện cảm với Mục Kiền Liên, nhưng đáng tiếc là Ngài không cách nào thu nhận ông làm đệ tử, chỉ có thể hiển thị cho ông thấy thần thông của mình. Mục Kiền Liên vô cùng thán phục, ông phát nguyện rằng đời sau nhất định sẽ tu hành để có được thần thông.

Ở kiếp này, chỉ hai tháng sau khi Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, Mục Kiền Liên và người bạn thân Xá Lợi Phất đã đến bái sư xin được theo chân Phật. Có lẽ vì ước nguyện ấp ủ từ kiếp trước, Mục Kiền Liên đã xuất ra thần thông chỉ sau 7 ngày quy y. Công năng của ông xuất ra ngày càng nhiều, ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tương truyền, Mục Kiền Liên có sáu loại thần thông là: “thiên nhãn thông”, “thiên nhĩ thông”, “tha tâm thông”, “túc mệnh thông”, “thần túc thông” và “lậu tận thông”. Với “thiên nhãn thông”, mắt có thể nhìn xa vạn dặm, hơn nữa còn có thể nhìn được thế giới vô cùng vi quan. Với “thiên nhĩ thông”, tai có thể nghe được mọi âm thanh xa gần, thậm chí là những thanh âm ở không gian khác. Với “tha tâm thông” và “túc mệnh thông”, tâm có thể đọc được suy nghĩ của người khác một cách dễ dàng, đồng thời còn có thể nhìn thấy quá khứ và tương lai cũng như nhân quả đời trước và đời này của mỗi người. Với “thần túc thông”, công năng của ông đã đạt đến cảnh giới tinh túy hoàn mỹ, giúp ông có thể bay xuyên qua mọi không gian, băng núi vượt rừng, dịch chuyển dễ dàng trong chớp mắt, vô cùng tự do tự tại.

Trong sáu loại công năng kể trên, “lậu tận thông” là cảnh giới cao nhất. Người có được “lậu tận thông” thì phiền não diệt tận, sinh mệnh được giải thoát, có thể thoát ly luân hồi, tiến nhập vào cảnh giới A La Hán.

Nghe nói Mục Kiền Liên có nhiều thần thông như vậy nhưng không hề tùy tiện phô trương mà luôn âm thầm hộ vệ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng khá hài lòng về ông. Vào thời điểm đó, rất nhiều đệ tử cũng xuất ra được công năng, vì thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặt ra một quy định cho họ là không được phép tùy tiện triển hiện trước công chúng. Nhưng Mục Kiền Liên là một ngoại lệ. Đức Phật không chỉ khen ngợi ông, gọi ông là “thần thông đệ nhất”, mà còn cho phép ông thi triển Pháp lực để chứng thực sự nhiệm màu của Phật Pháp.

Nguồn: pinterest

Thu phục ngoại đạo

Vào thời điểm Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, cũng có rất nhiều pháp môn tu luyện khác được truyền bá. Phật tử gọi họ là những kẻ dị giáo, ngoại đạo. Một hôm, Đức Phật Thích Ca nói với Mục Kiền Liên rằng đại quốc ở sát biên giới với Ấn Độ đang sùng bái một loại pháp môn gọi là Phạm Chí (hay còn gọi là Brahmana, tức Bà La Môn). Người tu ngoại đạo cũng có thể luyện được công năng, có thể dời núi lấp biển, còn có thể phân thân biến hóa, do đó rất nhiều người đều tín phục họ. Phật Đà hỏi Mục Kiền Liên rằng: Liệu con có thể thu phục họ được không, có thể hướng tâm họ đến với Phật Pháp hay không?

Mục Kiền Liên nhận lệnh và rời đi. Khi đến nơi, ông thấy nhiều người ngoại đạo ngồi vòng quanh một ngọn núi và tụng kinh, ngọn núi lắc lư và sắp nhô lên khỏi mặt đất. Mục Kiền Liên bay lên đỉnh núi và nằm giữa không trung, núi không thể nhô lên được.

Dù những kẻ dị giáo có cố gắng thế nào, ngọn núi vẫn không hề di chuyển. Sau đó có người nhìn thấy Mục Kiền Liên trôi nổi trong không trung. Họ bắt đầu lớn tiếng quở trách: “Nhà ngươi là ai? Sao dám ngang ngược quấy rối ở đây! Ngọn núi này cản trở giao thông, vua đã ra lệnh cho chúng tôi di dời nó đi. Tại sao nhà ngươi lại trái lệnh vua mà trấn áp ngọn núi này?”

Mục Kiền Liên cười: “Chẳng phải tôi vẫn đang lơ lửng trên không sao, nào đâu có đụng vào núi của các ông?”

Những tín đồ ngoại đạo lại phát công lần nữa, nhưng ngọn núi vẫn đứng đó trơ trơ bất động. Họ bắt đầu hoang mang không biết nên làm gì.

Mục Kiền Liên cất cao giọng nói: “Các vị chú ý nhé, hãy xem ngọn núi lớn đã đi đâu rồi”.

Vừa dứt lời, ngọn núi hùng vĩ cao chót vót ấy cũng đột nhiên biến mất, để lại trước mặt một khoảng trống mênh mông.

Những kẻ ngoại đạo sửng sốt, lập tức quỳ xuống bái lạy Mục Kiền Liên và nói: “Đại thần tiên từ đâu đến? Nếu không có đại trí đại huệ và đức hạnh cao thượng, chắc chắn không thể làm được điều này. Xin hãy thu nhận chúng tôi là đệ tử, chỉ điểm bến mê cho chúng tôi.”

Mục Kiền Liên từ trên không chầm chậm hạ xuống và nói với họ: “Xin các vị đừng nói vậy, tôi bất quá cũng chỉ là đệ tử. Sư phụ của tôi là Đức Phật Thích Ca, Ngài mới thực là bậc tôn sư vĩ đại, thần thông quảng đại. Các vị hãy theo tôi đến quy y Phật Đà, Phật Đà từ bi nhất định sẽ tiếp nhận các vị”.

Mọi người nghe xong đều rất vui mừng và hỏi Mục Kiền Liên: “Chẳng lẽ đức giáo hóa của Phật Đà còn vượt qua cả ngài sao?”

Mục Kiền Liên trịnh trọng đáp: “Phật Đà giống như đại hải, còn tôi chẳng qua chỉ là con sông nhỏ. Dòng sông sao có thể sánh được với biển cả mênh mông? Phật tới thế gian truyền Pháp là cơ hội ngàn năm khó gặp, chỉ có quy y Phật Đà mới có thể đắc độ”.

Sau khi nghe xong, những tín đồ Phạm Chí này rất vui mừng và đi theo Mục Kiền Liên.

Địa ngục cứu mẹ

Dù Mục Kiền Liên có thần thông to lớn như vậy nhưng ông vẫn không thể cầu lợi cho bản thân, ngay cả khi ông muốn làm tròn chữ hiếu với mẫu thân thì hết thảy thần thông đều không còn linh nghiệm nữa.

Hôm đó, Mục Kiền Liên ra ngoài đi dạo và đến sông Hằng, trời đã khuya nên ngồi xuống bờ nghỉ ngơi.

Một lúc sau, có nhiều ngạ quỷ tìm đến sông, muốn uống nước để giải khát. Nhưng dưới sông có ác quỷ cầm cây thiết trượng xua đuổi đám ngạ quỷ khiến họ không thể uống nước được. Các ngạ quỷ biết Mục Kiền Liên là người tu hành có đạo hạnh, liền đến hỏi vì sao họ lại phải chịu nỗi khổ này.

Nguồn: epochtimes

Ngạ quỷ thứ nhất hỏi: “Tôn giả, vì sao ác quỷ lại ngăn cản không cho chúng tôi uống? Cho dù có thể uống được một hớp, thì nước sông Hằng trong lành ngọt mát là thế, đến khi vào trong miệng rồi lại thành ra nóng bỏng, cứ như thể thiêu đốt cả lục phủ ngũ tạng vậy. Tôi đây đã phạm tội gì mà phải chịu cái khổ này?”

Mục Kiền Liên nhìn xem nhân quả ba đời của ngạ quỷ rồi nói: “Kiếp trước ông là thầy toán mệnh, khi xem cát hung cho người ta ông thường nói rất nhiều lời ba hoa giả dối, lời giả thì nhiều lời chân thì ít. Vì để kiếm tiền mà vận tốt hay vận xấu ông cũng tùy tiện loạn giảng, tự xưng là toán mệnh rõ ràng minh bạch, nhưng thực tế lại trí trá dối lừa, do đó mới có quả báo thế này”.

Ngạ quỷ thứ hai hỏi: “Tôn giả, bụng tôi to như cái vò nhưng cổ họng lại nhỏ xíu như cây kim. Nhìn thấy món ăn thơm ngon mỹ vị tôi chỉ có thể nhắm mắt thèm thuồng mà không ăn được. Tôi đây là nghiệp báo gì?”

Mục Kiền Liên nói: “Kiếp trước ông làm quan đến chức tể tướng. Đạo làm quan là phải yêu dân như con, nhưng ông lại lạm dụng quyền thế, ỷ chút chức quyền ức hiếp người khác. Ông đã cưỡng chiếm biết bao tiền của mồ hôi nước mắt của dân để ung dung hưởng lạc, nên mới có báo ứng thế này”.

Lại có một ngạ quỷ đến hỏi: “Tôn giả, trên người tôi mọc đầy miệng và lưỡi, máu thường trào ngược lên trên khiến đầu tôi to như cái đấu, huyết quản muốn nổ tung, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Không biết đây là nhân duyên gì?”

Mục Kiền Liên nói: “Kiếp trước ông thích bàn luận chuyện thị phi, thường hay tỉ tê ngắn dài với người khác. Những lời nói ra đều không phải là vì người khác, mà ngược lại, luôn gây thêm phiền não cho người ta, vậy nên đã dẫn đến báo ứng như thế này”.

Nguồn: epochtimes

Mục Kiền Liên đã trả lời nhiều câu hỏi như vậy suốt đêm. Khi trời gần sáng, lũ quỷ đói dần dần tản đi. Mục Kiền Liên chợt nhớ tới người mẹ đã qua đời của mình. Người xuất gia chú trọng lục căn thanh tịnh, không vướng bận tình thân quyến, nhưng dẫu sao trước khi xuất gia tình cảm của hai mẹ con rất tốt, Mục Kiền Liên khó tránh khỏi có chút bận lòng, muốn xem hiện tại mẹ mình thế nào, bà có khỏe không.

Mục Kiền Liên vận dụng thần thông vừa nhìn một cái, cảnh tượng trước mắt khiến ông không khỏi đau lòng. Thì ra mẹ ông cũng trở thành ngạ quỷ và đang chịu khổ dưới địa ngục. Trông bà thật thảm hại: bụng to, cổ họng nhỏ, không thể ăn hay uống, gầy mòn héo úa đến mức chỉ còn da bọc xương. Mục Kiền Liên vội gói một bát cơm rau và bay vào địa ngục dâng lên cho mẹ.

Người mẹ vui mừng khôn xiết khi gặp lại con trai, sợ người khác nhìn thấy nên bà dùng tay trái che bát cơm lại, tay phải bốc một nắm cơm lớn rồi háo hức bỏ vào miệng. Không ngờ, thức ăn trong tay lập tức biến thành than đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên nhìn khuôn mặt hốc hác của mẹ mà bật khóc, không biết làm cách nào để cứu mẹ.

Nguồn: epochtimes

Ồ, chẳng phải Phật Đà đang tại thế sao? Đức Phật pháp lực vô biên, hẳn Ngài sẽ có biện pháp chăng? Mục Kiền Liên liền bay trở lại thế gian và quỳ xuống trước mặt Đức Phật Thích Ca, thỉnh cầu Sư phụ khai thị.

Khuôn mặt Đức Phật tỏa ra ánh sáng từ bi, Ngài nói: “Mục Kiền Liên à, lúc sinh thời mẫu thân của con không tin báo ứng nhân quả, bà ấy không chỉ báng bổ Phật mà còn phỉ báng tăng nhân, lòng tham còn nặng, tính tình nóng nảy, tâm địa bất thiện, do đó phải chịu khổ báo này. Mẫu tử tình thâm, thần thông bị tình cảm thân quyến che lấp nên con không nhìn ra tội nghiệp của mẹ con”.

Mục Kiền Liên quỳ xuống cầu xin Đức Phật làm cách nào mới có thể giúp mẹ ông thoát khỏi đau khổ.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đáp rằng: “Tội căn của mẹ con rất sâu, một mình con vẫn không đủ năng lực để cứu trợ được. Lòng hiếu thảo của con tuy rằng cảm thiên động địa nhưng vẫn phải dựa vào lực thần uy của tăng chúng mười phương mới có thể cứu được mẹ con”.

Sau đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dẫn cho Mục Kiền Liên: Mỗi năm vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, hãy vì cha mẹ của bảy đời trước và cha mẹ trong kiếp này mà dâng hương kính lễ. Cần bày những món bách vị trân hào, hoa thơm trái ngọt đặt trong một chiếc bồn lớn, đem cúng dường tăng chúng mười phương và những bậc cao tăng đại đức đại hạnh, như thế tội nghiệp của cha mẹ mới có thể được tiêu trừ.

Vì sao chọn ngày 15 tháng 7? Bởi vì hằng năm, Đức Thích Ca Mâu Ni đều yêu cầu các tăng nhân tiến hành ba tháng “kết hạ an cư” trong khoảng thời gian giữa hai mùa xuân hạ. Các tăng nhân sẽ ở trong tịnh xá, cùng nhau chuyên tâm tu hành, cứ như vậy cho đến ngày 15 tháng 7 thì kết thúc. Hôm ấy mọi người sẽ tập trung lại cùng nhau để giao lưu tâm đắc. Không ít tăng nhân đã chứng đắc quả vị và chia sẻ thể hội của mình, Phật Đà nghe các đệ tử chia sẻ tâm đắc thể hội thì vô cùng hoan hỉ. Do đó ngày 15/7 còn được gọi là “ngày Phật hoan hỷ”, là một ngày vô cùng thù thắng.

Mục Kiền Liên vâng lời và làm theo lời Phật dạy. Cuối cùng mẹ ông đã thoát khỏi bể khổ và thăng lên Thiên giới. Sau khi nghe câu chuyện của ông, mọi người đều làm theo và cúng dường các nhà sư vào ngày 15 tháng 7 để cầu nguyện cho cha mẹ đã khuất và báo đáp công ơn nuôi dưỡng họ. Sau đó tục lệ này trở thành ngày lễ lớn gọi là Vu Lan Bồn. Thuận theo sự hồng dương của Phật Pháp mà tục lệ này lưu truyền đến các quốc gia bên ngoài Ấn Độ. Câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ cũng trở thành tích cổ nổi tiếng trong Phật giáo.

Bị ném đá đến chết

Ở những thế hệ sau lưu truyền một câu nói: Thần thông to lớn cũng không thể thắng được nghiệp lực. Và câu nói này đã thực sự xuất hiện trong cuộc đời của Mục Kiền Liên.

Một lần, khi đi ngang qua một ngọn núi nọ, Mục Kiền Liên bị một nhóm ngoại đạo phát hiện. Họ mang nỗi thù oán và muốn hãm hại ông từ rất lâu rồi, nhưng cả hai lần trước Mục Kiền Liên đều dùng thần thông hóa giải được. Lần này, họ vẫn nung nấu ý định trong lòng không buông bỏ. Nhóm người chuẩn bị sẵn một núi đá sỏi, chờ Mục Kiền Liên đến nơi họ liền xô núi đá xuống. Đá sỏi rơi xuống như mưa, khiến Mục Kiền Liên chỉ trong phút chốc đã bị đá đè chết.

Nguồn: epochtimes

Khi tin tức truyền đến Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử xung quanh ngơ ngác nhìn nhau, điều này có đúng không? Mục Kiền Liên là người có thần thông đệ nhất, sao có thể bị ném đá đến chết? !

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể cho mọi người nghe một câu chuyện. Trước đây vào một đời rất xa xưa, Mục Kiền Liên khi ấy cũng là người con có hiếu, chăm lo rất tốt cho cha mẹ vốn bị mù lòa cả hai mắt. Đáng tiếc là sau khi ông kết hôn, người vợ vì căm ghét nhà chồng nên thường hay thêu dệt những chuyện thị phi về hai đấng sinh thành. Sau thời gian dài thủ thỉ nhỏ to bên gối, Mục Kiền Liên cũng dần dần bị vợ mê hoặc, trong tâm sinh ra ác niệm, có ý làm hại cha mẹ mình.

Ông đưa cha mẹ vào rừng sâu rồi hô lớn: “Có đạo tặc! Có đạo tặc!” Sau đó ông lại đóng vai đạo tặc cầm gậy đánh cha mẹ mình. Vì hai cụ già mắt đã lòa, lầm tưởng rằng trong rừng có đạo tặc đến, họ không suy nghĩ cho bản thân mà chỉ lo lắng cho sự an toàn của con trai. Cả hai dùng hết sức hô to lên: “Con trai, mau chạy đi, mau chạy đi!”

Kết cục của câu chuyện có hai phiên bản đang được lưu truyền. Phiên bản tươi sáng kể rằng, lòng thiện lương của cha mẹ khiến Mục Kiền Liên cảm động, cuối cùng ông cũng tìm lại được lương tâm của mình. Ông quỳ xuống trước mặt cha mẹ, thừa nhận mình đã đóng giả làm đạo tặc. Hai cụ già thương con nên rất nhanh cũng tha thứ cho ông. Còn phiên bản u ám kể rằng, Mục Kiền Liên vẫn u mê tăm tối, tiếp tục cầm gậy đánh điên cuồng, cuối cùng hai cụ già kiệt sức và qua đời.

Dù là phiên bản nào đi nữa thì việc Mục Kiền Liên có lòng mưu hại cha mẹ đều được coi là tạo nghiệp. Khi ông hiểu được nhân quả, biết được vì sao những kẻ ngoại đạo kia lại truy sát mình, ông đã không trốn tránh nữa mà bình thản tiếp nhận quả báo.

Lan Chi biên dịch
Nguồn: Epochtimes (Phù Dao)