Thursday, February 15, 2024

Ý NGHĨA VĂN HÓA TINH THẦN CỦA CÁC LOẠI MŨ, NÓN VÀ KHĂN ĐỘI ĐẦU

Các loại mũ, nón đã có lịch sử lâu đời và là một phần của văn hóa nhân loại. Nó không chỉ là phụ kiện che đầu mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa tinh thần sâu sắc.

Các loại mũ truyền thống của phụ nữ phương Tây vào khoảng thế ký 19- 20 (ảnh: Vision Times)

Tùy vào từng giai đoạn lịch sử, văn hóa dân tộc và tín ngưỡng mà mũ, nón có những ý nghĩa khác nhau.

Khoảng thế kỷ 19-20, những chiếc mũ đội đầu gắn liền với sự tinh tế và thanh lịch. Ngoài việc dùng để làm đẹp và thể hiện danh tính, địa vị, những phụ kiện này còn thể hiện phép lịch sự và sự tôn trọng người khác.
 
Che đầu- một biểu tượng của tín ngưỡng và tâm linh

Trong nhiều tôn giáo, trùm đầu là một truyền thống biểu thị sự cống hiến cho đời sống tâm linh của một người, sự cung kính trước Chúa hoặc sự bình đẳng giữa các tín đồ.

Trong Do Thái giáo, người đàn ông đội mũ Kippah (mũ chỏm), là một loại mũ không vành tượng trưng cho sự kính trọng của họ đối với thiên đàng và sự phục tùng đối với Chúa.

Theo truyền thống, Kippah phải được đội cả ngày, vì họ tin rằng Thiên Chúa luôn hiện diện ở bên trên họ.

Một người đàn ông Do Thái đang đội mũ Kippah (ảnh: Vision Times)

Tương tự như vậy, phụ nữ Do Thái đội khăn che tóc, thể hiện sự cung kính trước Thượng Đế. Đặc biệt, đối với phụ nữ đã có chồng, việc trùm đầu được coi là một hình thức thể hiện phẩm giá và sự thủy chung với chồng.

Trong Cơ đốc giáo, phụ nữ có phong tục dùng khăn lúp để che tóc, đặc biệt là khi tham gia các nghi lễ.

Ngay từ rất sớm, những người theo đạo Cơ đốc đã cho rằng mái tóc của phụ nữ được đàn ông ngưỡng mộ vì chúng thể hiện nét đẹp nữ tính và sự dịu dàng. Vì vậy, việc giấu mái tóc đi (để không phô trương vẻ đẹp hình thể) thể hiện lòng kính đạo và sự khiêm nhường trước Đấng Tạo Hóa.

Phụ nữ Cơ Đốc Giáo ở Nga đeo khăn lúp (ảnh: Wikipedia)

Trong khi đó, đàn ông Trung Đông thường đội một chiếc mũ truyền thống được gọi là Taqiyah. Nó có hình dạng giống như một chiếc mũ tròn, nhô cao. Taqiyah thường được đội cho mục đích tôn giáo và văn hóa, thể hiện sự tuân thủ các giới luật tôn giáo hoặc để khẳng định lại bản sắc tôn giáo của họ.

Ở Ấn Độ, khăn xếp là trang phục không thể thiếu của đàn ông theo đạo Sikh. Được biết đến với cái tên “Dastar”, chiếc mũ đội đầu này là biểu tượng của tâm linh, danh dự, lòng dũng cảm, lòng tự trọng và sự bình đẳng.

Những người đàn ông sùng đạo Sikh phải luôn mang “5 Ks” – các yếu tố đức tin bao gồm: 1 là Kesh, không cắt râu tóc; 2 là Kangha, lược; 3 là Kachh, quần cụt; 4 là Kara, còng thép (vòng đeo tay bằng thép); 5 là Kirpan, kiếm (gươm); và Dastar dùng để che và bảo vệ mái tóc dài của họ.

Người đàn ông đạo Sikh đội khăn xếp ở chùa Vàng.

Đối với phụ nữ Ấn Độ, nhiều người trong số họ tuân theo các tục lệ che mặt, đặc biệt là phụ nữ đã kết hôn theo đạo Hindu, đạo Jain và đạo Sikh. Tương tự như các nền văn hóa khác, mục đích là bảo vệ sự khiêm tốn và danh dự của người phụ nữ.

Phụ kiện đội đầu bảo vệ sức khỏe và bày tỏ lòng biết ơn

Người xưa tin rằng trời tròn đất vuông và mọi sự sáng tạo đều tuân theo những biểu tượng thiêng liêng và ý nghĩa. Tương tự như vậy, họ tin rằng người đàn ông được tạo ra với đầu tròn và bàn chân vuông. Nghĩa là chúng ta nên sống một cuộc đời tròn trịa, trọn vẹn, đồng thời bước đi ngay thẳng, cư xử chính trực với người khác.

Để phù hợp với triết lý này, đầu của một người có thể được trang trí bằng các phụ kiện để thể hiện những cảm xúc cao cả, chẳng hạn như lòng biết ơn và sự tôn trọng. Những chiếc mũ như vậy thời Trung Quốc cổ đại được gọi là “Bộc đầu”, nó bao gồm bất cứ thứ gì từ mũ đến phụ kiện tóc.

Một chiếc mũ Bộc đầu từ thời nhà Minh được tìm thấy (ảnh: Wikipedia)

Theo Sử ký nhà Tống, Bộc đầu và trâm cài tóc được đeo để chào mừng sự hưng thịnh của đất nước, tiến hành các nghi lễ và hộ tống Hoàng để, bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà vua.

Phụ nữ Trung Quốc dùng trâm cài hoa để tượng trưng cho sự phúc lành và lòng biết ơn, đặc biệt là trong các nghi thức, nghi lễ kính bái trời đất.

Đàn ông che tóc bằng những mảnh vải quấn như khăn xếp hoặc những chiếc mũ với hình dạng đặc biệt. Những thứ này cùng với một phụ kiện truyền thống khác là một mảnh vải che trán, giống như một chiếc băng đô, đã bổ sung cho trang phục hàng ngày của người Trung Quốc cổ đại

Tác dụng thực tế của hầu hết các loại mũ là dùng để bảo vệ đầu, tránh nắng và tránh lạnh. Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, lý do che đầu lại không chỉ có thế, nó có tác dụng bảo vệ huyệt Bách Hội (nằm ở trung tâm đỉnh đầu) khỏi gió và lạnh. Nếu huyệt Bách hội bị tổn thương thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau cổ và mờ mắt.

Thể hiện sự lịch thiệp và tôn trọng

Trong thế kỷ 19 và 20, mũ là phụ kiện thiết yếu của đàn ông và phụ nữ phương Tây. Việc thích ứng mũ đội đầu với những xu hướng thay đổi về trang phục và kiểu tóc trong những năm này đã dẫn đến sự phát triển về hình dạng và kích cỡ mũ khác nhau.

Đối với đàn ông, mũ là dấu hiệu thể hiện tính cách lịch thiệp; bất kể địa vị xã hội của họ như thế nào. Họ sẽ không dám ra khỏi nhà mà không che đầu, và mỗi người đàn ông thường sở hữu nhiều loại mũ cho các hoàn cảnh khác nhau. Những chiếc mũ điển hình bao gồm mũ fedora, mũ dẹt, mũ homburg và mũ chóp.

Ngoài việc bảo vệ người đội khỏi thời tiết khắc nghiệt và làm đẹp, mũ còn có công dụng thiết yếu trong tương tác giữa người với người. Chúng thể hiện sự tôn trọng và lịch thiệp thông qua cử chỉ nghiêng mũ truyền thống.

Mũ cũng là món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của phái đẹp. Chúng đa dạng về kích thước và hình dạng, bao gồm nhiều lớp trang trí, chẳng hạn như ruy băng, lông vũ, hoa,… Đối với một quý cô, chiếc mũ có tác dụng làm nổi bật sự sang trọng và nữ tính của cô ấy.

Người phụ nữ Việt Nam đội nón lá truyền thống.

Ý nghĩa văn hóa tinh thần của các phụ kiện đội đầu đang dần mai một

Sau gần hai thế kỷ trở thành một mặt hàng thời trang chính, các loại phụ kiện đội đầu dần biến mất vào khoảng những năm 1960.

Mặc dù không thể xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự suy giảm của chúng, nhưng một yếu tố quan trọng là các phong trào phản văn hóa đang nổi lên, nhằm tìm cách xác định lại các chuẩn mực xã hội.

Ngày nay người ta ít sử dụng các loại phụ kiện này hơn, đặc biệt là trong tôn giáo, không còn nhiều người chú trọng đến những giá trị tâm linh, tín ngưỡng mà nó mang tới.

Mũ ngày nay chỉ dùng để đội, che nắng che mưa, chống lạnh, chứ chẳng mấy ai còn hiểu được những giá trị văn hóa tinh thần mà người xưa đã lưu lại từ trong những phụ kiện đó.

Chân Mỹ / Theo Vision Times
Link tham khảo: