Cho nên, cứ xin được nhắc lại, những bài viết của tôi chỉ đơn thuần là cảm thơ, cảm đôi, ba bài thơ cụ thể của một tác giả cụ thể. Cảm trong tư cách bạn đọc, mang tính chủ quan cá nhân và không đại diện cho ai, ngoài chính tôi. Nói một cách khác đi, tôi không là người khảo cứu, sưu tập, càng không phải là người phê bình thơ. Phê bình thơ là có khen, có chê, có so sánh hơn kém, có cung cấp tư liệu, chứng cứ. Còn tôi, tôi đọc thơ bằng chính cảm xúc của mình, nên chắc chắn, tôi không thể nói ra đúng như những gì mà các bạn đang nghĩ trong đầu hoặc các bạn mong muốn tôi hãy thay lời, nói giùm ra.
Xin đừng lấy đó làm phiền lòng. Tinh thần tôi, mục đích tôi, theo gót ông Bùi Giáng, chẳng đúng sai, chẳng tranh luận, chẳng giãi bày, phân bua, vì tất cả, nói cho cùng – vui thôi mà.
Vũ Hoàng Chương và thơ của ông, giữ một vị trí – đặc biệt hơn cả đặc biệt – so với những nhà thơ xuất hiện cuối thời kỳ tiền chiến. Nói như thế vì nhiều lý do lắm. Có thể nêu ra đây một vài lý do. Lý do thứ nhứt, các tác giả và làng thi ca miền Nam trước 1975 từng tôn vinh ông là Thi Bá. “Bá” này không có nghĩa là bác, là anh, là huynh đệ, hay đại ca gì đâu. “Bá” này nghĩa là bá chủ, bá vương, là vua của một cõi. Vua thơ một cõi.
Thứ hai, ông từng được linh mục Thanh Lãng đề cử giải Nobel 1972. Chưa kể là có tới hàng trăm bài viết tiếc thương, tưởng niệm ông và các bài viết mang tính biên khảo, nghiên cứu của các nhà văn, nhà thơ tiếng tăm trên văn đàn, thi đàn, Viên Linh, Mai Thảo, Võ Phiến, Tạ Tỵ; của các nhà phê bình văn học lừng danh, Hoài Thanh Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Đặng Tiến; và cả các học trò trường Chu Văn An, hoặc từng theo học ông, nay, đều đã trở thành những người có tên tuổi trong xã hội.
Vũ Hoàng Chương xứng đáng được như thế. Xứng đáng nhận được những tôn vinh, đề cao cũng như những yêu thương của đông đảo bạn đọc và người yêu thơ, như thế.
Không kể bốn kịch thơ, hai bút ký và hồi ký, chỉ tính từ giai đoạn mở đầu cho dòng thơ say, 1940 cho đến 1975, trong 35 năm sáng tác đó, Vũ Hoàng Chương đã để lại cho đời một tài sản thơ khổng lồ, ngót nghét năm trăm bài thơ, dàn trải trong mười sáu thi tập, với đủ thể loại, đủ nội dung. Đó là chưa nhắc đến khoảng năm 1976, ông bị tù, được thả về rồi mất không lâu sau đó, trong khoảng thời gian này, ông cũng đã sáng tác thêm một số bài, được giới chuyên môn đánh giá cao vì những nỗi ngậm ngùi, buồn đau, sầu tủi của ông được thể hiện trong thơ, khiến người đọc thơ ông khó mà ngăn được niềm cảm thương, xúc động.
Tiếc tưởng một tài hoa.
Nhắc tới Vũ Hoàng Chương là người ta nhắc đến ngay bài thơ Mười Hai Tháng Sáu trong tập thơ Mây, với những câu thơ chất ngất nỗi buồn:
Thì trăng của nhà cô em hàng xóm, Tố Uyển (người khác thì nói là Tố Vân, cái tên suy từ tập thơ Mây của ông, xuất bản năm 1943), chớ còn trăng ai vô đây nữa. Yêu mà không thành thì buồn đau chớ sao. Thế là Chương, xin việc ở tận Cao Bằng, rồi khăn gói lên đường. Không chỉ mang mình đi thật xa mà chàng còn mượn rượu để tìm quên. Mà nào có quên được đâu, cái ngày mười hai tháng sáu ấy, ngày cưới của em.
Tố cứ mãi trong tim của ông, đằng đẵng suốt mười năm, chẳng giây phút nào nguôi:
Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi, Tố của anh
Nỗi đau chia biệt ấy thành nỗi sầu, ngun ngút ngày đêm. Người ta đám cưới, còn ông đám tang. Ngày hợp hôn của người ta chính là ngày, ông dựng mộ cho mình:
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu năm mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai
Là sao ta?
Là ông Chương còn non nớt trong việc yêu đương, và ông Dzếnh, nhiều kinh nghiệm hơn, nên đã nhìn ra được? Ừ, yêu cho cố vào đi, rồi bằng mọi giá, lấy nhau cho bằng được, về ở chung với nhau rồi biết. Chẳng còn gì đẹp. Chẳng có gì vui. Phải thế không?
Mà thôi, chuyện dang dở hay trọn vẹn ấy, hạ hồi phân giải. Đọc tiếp xem ông Chương còn đau buồn đến như thế nào nữa:
Vũ Hoàng Chương theo Tây học. Ông lại là người, so với các bạn thơ đương thời, đi đây đi đó nhiều hơn, từ Bắc vào Nam, rồi đi hội nghị ở Bỉ, ở Bangkok, ở Nam Tư, rồi cả Bờ Biển Ngà, nhưng cái chất Đông Phương trong ông không hề suy giảm, mỗi khi làm thơ, sự hoài cổ ấy cùng các điển tích, điển cố bên Tàu, vẫn thường xuyên được viện dẫn trong thơ ông, như hai câu được trích ở trên:
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.
Trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ, xuất bản năm 1970, Tạ Tỵ gọi tiếng thơ của Vũ Hoàng Chương là “tiếng thở dài của Phương Đông trầm mặc”. Với bài Phương Xa, trong tập thơ Say và tái bản trong Mây, có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn nhận định này:
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh
Cái lạc loài ở đây, có lẽ không đơn giản, theo kiểu, không thấy hợp, không thấy phù hợp hay không được thừa nhận. Mà lạc loài, dường như, mang nghĩa lớn hơn, lạc từ cõi khác đến, lạc từ chốn khác đến.
Hay ông là Trích Tiên Lý Bạch đầu thai mà thành? Cảm thấy nơi đây không phải là nơi của mình chăng? Nếu không phải thế, tại sao Vũ Hoàng Chương lại viết bài Chân Hứng, trong đó, có những câu nhắc về điển tích Lý Bạch nhảy khỏi thuyền để bắt cái bóng phản chiếu của mặt trăng:
Ngựa ơi hãy nghỉ chân cuồng khấu
Cho thỏa lòng ta nỗi khát khao
Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch
Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao
Tinh hoa thuở trước xô về đọng
Ơi phiến gương vàng một tối nay
Ta lặng buông thân trời lảo đảo
Mơ hồ sông nước choáng men say.
Hay có phải, nói như vậy, trước là để tự an ủi mình, sau nữa, là ông có dịp sống lại với những cung bậc cổ kính của thi ca thời thịnh Đường:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ
Thế cho nên, Võ Phiến mới kể lại, Đào Duy Anh, sau Tháng Tư 1975, đã vào Nam, tìm gặp Vũ Hoàng Chương tại nhà của Mộng Tuyết – Đông Hồ để nói cho bằng được một câu, phải, chỉ một câu thôi: Thơ, trước sau, tôi vẫn chỉ yêu nhất có hai người, là anh và Lý Bạch.
Nhắc tới Vũ Hoàng Chương là nhắc tới những câu thơ mang đầy nỗi niềm riêng, chán chường, mệt mỏi. Trong bài thơ Đời Tàn Ngõ Hẹp in ở tập thơ Mây, ta có thể thấy được điều ấy:
Mưa lùa gian gác xép
Ngày trắng theo nhau qua
Lá rơi đầy ngõ hẹp
Đời hiu hiu xế tà
Những “ngày trắng”, những “xế tà”, xuất hiện từ rất sớm trong thơ của Vũ Hoàng Chương, khi ông còn là một thanh niên chưa đầy ba mươi tuổi, khiến Võ Phiến phải buột kêu lên, vừa ló ra góp mặt với đời, ông ấy đã già tức khắc, xuất hiện sau cùng nhưng ông thuộc hạng thi sĩ già nhất thời tiền chiến.
Không những già mà lại còn xưa, Võ Phiến nói tiếp, ngay trong yêu đương, ca hát, ông cũng có cốt cách một người xưa.
Ôi ta đã làm chi đời ta?
Ai đã làm chi lòng ta?
Cho đời tàn tạ, lòng băng giá
Sương mong manh quạnh chớm thu già
Trước năm 1945, khi cả dân tộc còn bị nô lệ, chưa tìm thấy lối thoát, xã hội thì đua chen, thanh niên chỉ chăm chăm lo học hành, thi đỗ, lấy mảnh bằng rồi làm thuê cho Pháp, thì người cả nghĩ và hay sầu não như Vũ Hoàng Chương, cảm thấy mình xa lạ, buồn bã, chán chường với lối sống ấy, nên luôn quẩn quanh với câu hỏi, ta đã làm chi đời ta, ta đã dùng chi đời ta. Phản ứng ấy, tâm lý ấy, tâm trạng ấy, có đầy ắp nơi ông, thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ theo phong trào Thơ Mới, nhưng thơ ông, ngay từ buổi đầu, đã luôn trau chuốt, cầu kỳ, có vần có điệu, nhịp nhàng và giàu nhạc tính. Trong một bài phát biểu nhân ngày kỵ thứ 149 của thi hào Nguyễn Du, do phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa tổ chức, Vũ Hoàng Chương đã phát biểu như sau: Thơ tự do nổi lên từ phong trào năm 1956, và chỉ một vài năm sau, trên thi đàn Việt Nam lại tràn ngập những tiết điệu quen thuộc. Đến hôm nay thì có thể bảo, thơ lục bát đã trở thành Thơ-Hôm-Nay (trích Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Thơ).
Ông cũng là người bày ra thơ nhị thập bát tú và thơ truyền Kiều. Nhị thập bát tú là một bài thơ có hai mươi tám chữ, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Còn truyền Kiều là bài thơ bảy chữ bốn câu, lời thì lấy từ trong truyện Kiều. Truyền Kiều có nghĩa là lưu giữ và truyền lại truyện Kiều.
Theo Hoàng Quốc Hải, bà quả phụ Vũ Hoàng Chương, tức Thục Oanh, từng kể lại, ngày 7 Tháng Mười ông mất, thì ngày 2 Tháng Mười, dù trong người đã yếu lắm rồi, ổng vẫn nhớ, ngày mai, sẽ là ngày giỗ Nguyễn Du, ông nhờ vợ sắm sửa một mâm cúng giúp ông.
Sáng hôm sau, đã thấy ông áo quần tề chỉnh, đốt nén hương trầm, ông cung kính đọc bài khấn:
Đọc Lại Người Xưa
Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên
(Nguyễn Du)
Chẳng dùng chi được nhân tài
Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ
Phút giây chết điếng hồn thơ
Nét đau mặt chữ bây giờ còn đau
Chắc gì ba trăm năm sau
Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây
Nếu không cơm áo đọa đày
Như thân nào thịt xương này bỗng dưng
Chết theo vào đến lưng chừng
Say từng mảnh rớt, mê từng khúc rơi
Nửa chiều say ngất mê tơi
Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi vương.
Thi vương là vua thơ. Là vua thơ nhưng đến cuối cùng, chỉ một mảnh đời lơ láo. Mới cám cảnh làm sao. Mới bi ai làm sao.
Người đời sau truyền tụng nhau, Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ say. Nói như vậy cũng đúng, nhưng không đủ. Cả một cuộc đời của ông – tuy không dài, nhưng nếu nói, chỉ toàn viết chuyện say, và, theo một số người hằn học, không ưa, không thích ông, thì họ còn bảo ông trụy lạc, hoang tưởng, bế tắc, hèn nhát và vô trách nhiệm – phát biểu như vậy là chẳng hiểu gì về Vũ Hoàng Chương.
Họ chẳng hiểu gì về thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Ngoài thơ Say, ông có Mây, Lửa, Rừng Phong, Hoa Đăng, Tâm Sự Kẻ Sang Tần, Trời Một Phương, Lửa Từ Bi, Ánh Trăng Đạo Lý, Bút Nở Hoa Đàm, Cành Mai Trắng Mộng, Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm, Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai, Ngồi Quán, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, v.v…
Đặc biệt, với bài thơ Trả Ta Sông Núi trong tập Hoa Đăng, ông đã cho thấy, ngoài thơ say, thơ tình, thơ thiền, thơ đạo pháp, ông còn có cả một dòng thơ mang tinh thần yêu nước thương nòi:
Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta
Quyết liệt, và bằng những lời lẽ, những lập luận sắc sảo, bén ngót, ông làm người nghe bỗng dưng cũng rờn rợn châu thân, đâu đây, hào khí nước non, bốn ngàn năm vọng lại:
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ
Không đòi, ai trả núi sông ta
Ông nhắc đến cuộc khởi nghĩa Trưng Trắc Trưng Nhị. Ca ngợi thân bồ liễu mà uy nghi, dũng mãnh đánh đuổi quân thù, xưng đế:
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời
Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Rồi Ngô Quyền với trận Bạch Đằng Giang, rồi bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, rồi hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương từng quyết thư hùng
Cửa Hàm Tử vang teo vết cáo
Bến Chương Dương cướp giáo quân thù
Trận Đà Mạc dẫu rằng thua
Làm Nam quỷ, chẳng làm vua Bắc đình
Rồi vua áo vải Tây Sơn – Quang Trung với trận Đống Đa lừng danh lịch sử, khiếp vía quân thù:
Xác thù xây ngất Đống Đa
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào
Những anh hùng Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, cùng cuộc nổi dậy Thanh Nghệ, Thái Nguyên, phong trào Nghĩa Thục, rồi Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ, Nguyễn Thái Học, bao tấm gương bền chí, trung kiên:
Ôi Việt sử là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần độc lập sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên
Và, như một lời hiệu triệu, câu thơ Vũ Hoàng Chương trở thành tiếng trống vang rền bốn cõi, là lá cờ bay trong gió mãnh oai hùng:
Trả núi sông ta! Lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! Câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai
Bài thơ dài cả thảy một trăm hai mươi câu, với kết thúc tự hào và thiêng liêng:
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ
****
Nhiều người thích hai câu thơ:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai
(Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai – Mây – 1943)
Tôi cũng thích, vì nó cảm động, nó thể hiện một tình yêu sống chết có nhau. Như nói rằng, trái tim của anh, chỉ duy nhứt em thôi, không còn ai khác nữa. Cái tâm lý ấy, thỏa mãn cho những người đương cùng nhau, bên nhau tha thiết.
Lại có người thì thích câu: Chúng ta mất hết chỉ còn nhau trong bài thơ Ba Kiếp Lang Thang.
Tôi cũng thích. Ở trong những hoàn cảnh mất mát, quá nhiều mất mát, đọc câu này, hẳn, cảm thấy như Vũ Hoàng Chương, chia sẻ được với mình, nỗi đau.
Nếu bạn thích Đường thi, chắc cũng từng có đọc một số bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Bột, Vương Duy, Bạch Cư Dị… Và Thôi Hiệu, với bài thơ bất hủ Hoàng Hạc Lâu.
Khi đọc thơ xưa, trừ những người giỏi Hán văn, họ đọc trực tiếp, còn thì hầu hết chúng ta phải nhờ qua bản dịch. Và chúng ta, hẳn cũng quen thuộc với các người dịch như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San… Nhưng mấy ai biết, Vũ Hoàng Chương cũng là một người dịch thơ Đường rất siêu.
Ví dụ như bài Hoàng Hạc Lâu, hiện có mười bản dịch của mười tên tuổi khác nhau. Và trong đó, người ta khen nhất là bản dịch của Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Và, không so sánh nhé. Tôi chỉ xin đưa vào đây, bản dịch của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Riêng tôi, tôi thích bản dịch này hơn, vì ngoài cái lãng mạn, cổ kính, cô đơn, thì dường như, cái giọng thơ, cái tiếng thơ của Vũ Hoàng Chương, hiền hòa và gần gũi hơn, nhiều chất Việt hơn. Bài thơ gợi cho tôi những kỷ niệm về một miền bình an rất xưa, nay chỉ còn trong mộng. Như hương trầm vậy, lời thơ mỏng manh, phơ phất thôi, nhưng lại gieo vào lòng tôi một nỗi thê thiết, thương hoài, triền miên, chẳng dứt:
Ngoài làm thơ, dịch thơ, viết kịch, Vũ Hoàng Chương còn là một giáo sư dạy Văn. Ngày xưa, người ta dùng từ giáo sư cho người dạy trung học và đại học. Không phải họ dùng sai đâu, mà là, họ trân trọng đó. Xã hội trân trọng. Gia đình trân trọng. Kẻ đi học trân trọng.
Tôi còn nghe, học sinh thời xưa, ráng thi đỗ vào trường Chu Văn An, chỉ vì một lý do duy nhứt, nơi đó, có giáo sư – thi sĩ – Vũ Hoàng Chương.
Nếu là tôi thời đó, tôi cũng ước mơ được học các thầy cô là thi sĩ.
Và, còn nghe, Vũ Hoàng Chương, lúc sinh thời, ai ai – nghĩa là, từ gia đình cho đến ngoài xã hội, những bậc tiền bối, bạn văn, học trò và hết thảy những ai từng biết ông, từng làm việc, sinh hoạt, giao hảo với ông – cũng đều tôn trọng ông. Bởi vì, ông thẳng thắn, hào phóng, lễ nghĩa, không luồn cúi, và cả không cúi đầu trước bất kỳ cái sai hay điều ác nào.
Sài Gòn, những ngày cuối năm 2023
Phạm Hiền Mây / Theo: saigonnhonews
No comments:
Post a Comment