Tuesday, February 6, 2024

NHỮNG LOÀI CÂY VÀ HOA Ý NGHĨA TRONG DỊP NĂM MỚI CỦA NGƯỜI NHẬT

Khi năm mới sắp đến, nhà cửa, cơ sở kinh doanh và các không gian công cộng tại xứ Phù Tang thường tràn ngập hoa và cây cảnh trang trí. Mỗi loài cây, mỗi loài hoa được sử dụng trong dịp Tết ở Nhật Bản đều có ý nghĩa riêng, hãy cùng Kilala tìm hiểu nhé!


Fukujuso (hoa phúc thọ)

Fukujuso là những bông hoa màu vàng rực rỡ với vẻ đẹp đặc biệt khi nở trên nền tuyết trắng. Mặc dù hoa nở cao điểm là vào tháng Hai nhưng trong dịp Tết, bạn vẫn có thể bắt gặp hoa phúc thọ ở các cửa hàng hoa bởi có các giống được trồng trong nhà kính.

Hoa phúc thọ rực rỡ trên nền tuyết trắng. Ảnh: Gaijinpot

Hoa phúc thọ từ lâu được xem là loài đại diện cho năm mới, có lẽ một phần là do thời điểm hoa nở trùng với dịp Tết truyền thống của người Nhật (theo âm lịch) trước đây. Không chỉ vậy, tên của hoa phúc thọ trong tiếng Nhật, bao gồm chữ “福 – phúc” (nghĩa là may mắn) và “寿 – thọ” (nghĩa là trường thọ/chúc mừng), đặc biệt phù hợp cho sự khởi đầu của một năm mới. Ý nghĩa của hoa fukujuso là mời gọi hạnh phúc hay hạnh phúc vĩnh cửu.

Matsu (thông)

Từ thời cổ đại, người Nhật đã xem thông là một loài cây tốt lành. Là một phần quan trọng của kadomatsu (vật trang trí trước cửa nhà trong dịp năm mới ở Nhật Bản) kể từ thời Heian, mục đích của cây thông là đảm bảo rằng toshigami (thần năm mới) sẽ tìm thấy nhà và không bị lạc trên đường đi. Vào thời Edo, thông dùng để trang trí kadomatsu còn phải được lấy từ hướng thuận lợi nhất của năm đó.

Thông mang ý nghĩa tốt lành. Ảnh: Gaijinpot

Thông cũng là loại cây có tuổi thọ đặc biệt cao, với những cá thể cây vẫn sừng sững sau hơn 4.000 năm. Chính vì vậy, theo truyền thống, nó tượng trưng cho cuộc sống lâu dài và may mắn, là biểu tượng của tuổi trẻ và tuổi thọ vĩnh cửu. Không chỉ vậy, văn hóa dân gian Nhật Bản còn cho rằng thông hữu hiệu trong việc sinh sản cũng như có tác dụng xua đuổi tà ma.

Take (tre)

Tre cũng là một loài thực vật được sử dụng để tạo nên kadomatsu, thường thấy trong các kiểu trang trí hiện đại với vị trí trung tâm. Trong môi trường tự nhiên, tre là loài cây thường xanh, mặc dù đôi khi nó có thể rụng lá khi gặp thời tiết quá lạnh.

Tre đại diện cho sự trung thành và kiên định. Ảnh: Gaijinpot

Ở Nhật Bản, cây tre nổi tiếng vì tốc độ phát triển vượt bậc và hệ thống rễ liên kết chặt chẽ. Chính hệ thống rễ này giữ cho cây thẳng và cao ngay cả khi đối mặt với các trận động đất và bão. Những phẩm chất này khiến tre đại diện cho sự trung thành và kiên định cũng như chiếm vị trí trung tâm của kadomatsu. Giống như cây thông, tre cũng gợi liên tưởng tới sự trường thọ do tính chất thường xanh và vững chãi, cũng như sự phát triển nhờ khả năng sinh sản nhanh chóng.

Senryo (sói rừng)

Senryo (千両) là một loại cây có quả mọng màu đỏ được ưa chuộng để trang trí dịp đầu năm vì gắn liền với ý nghĩa thịnh vượng trong kinh doanh. Những quả mọng màu đỏ của cây được xem là biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở tài lộc. Senryo thường xuất hiện trong các kiểu cắm hoa oshogatsu (お正月, cách gọi dịp Tết, năm mới trong tiếng Nhật). Còn có một loài cây quả mọng đỏ và lá xanh khác cũng được yêu thích vào dịp cuối năm, và hầu như không thể phân biệt được với senryo, đó là manryo (万両).

Những quả mọng màu đỏ của cây được xem là biểu tượng của tài lộc sinh sôi. Ảnh: Gaijinpot

Điểm mấu chốt để phân biệt chúng là quả senryo mọc thẳng từ đầu cành, trong khi manryo rủ xuống như quả anh đào. Vì nguồn gốc và tên Kanji tương tự nhau, cả hai đều mang ý nghĩa tạo ra nhiều của cải hơn và được ưa chuộng làm đồ trang trí, cắm hoa, trồng trong chậu trước cửa vào thời điểm này trong năm.

Kiku (hoa cúc)

Với ý nghĩa cao quý, đức hạnh cũng như được cho là có khả năng xua đuổi tà ma, không có gì lạ khi cúc là loài hoa luôn hiện diện trong dịp năm mới. Người Nhật có câu “菊を飾ると、福が来る” (Kiku wo kazaru to, fuku ga kuru), nghĩa là “Điểm tô bằng hoa cúc, may mắn tự nhiên đến).

Hoa cúc là biểu tượng của sự cao quý. Ảnh: Gaijinpot

Hoa cúc từ lâu còn được biết đến như một loại thuốc trường thọ trong Đông y và ở Nhật, cúc tượng trưng cho sự hồi xuân, đồng thời nổi tiếng là biểu tượng của hoàng gia. Trong osechi ryori (món ăn truyền thống đầu năm của người Nhật), củ cải thường được tạo hình dưới dạng hoa cúc, gọi là kikuka-kabu nhằm thể hiện ý nghĩa trường thọ trong món ăn.

Nanten (nam thiên trúc)

Thường thấy ở kadomatsu, nanten hay nam thiên trúc là một loài cây quả mọng với lá xanh được tìm thấy trên khắp Nhật Bản. Tên gọi “nanten” (難転) trong tiếng Nhật là một cách chơi chữ thú vị, phản ánh giá trị biểu tượng của loài cây này. Trong đó, “nan” (難) có nghĩa là khó khăn và “ten” (転) bắt nguồn từ động từ “tenjiru” (転じる) có nghĩa là chuyển hướng hoặc thay đổi, do đó nanten mang hàm ý thay đổi nghịch cảnh (trở nên tươi đẹp hơn). Với ý nghĩa loại bỏ những xui xẻo, hướng tới điều tốt đẹp, loài cây này rất phù hợp với nhiều phong tục cuối năm ở Nhật, chẳng hạn như osouji – hoạt động tổng vệ sinh, thanh tẩy không gian sống.

Tên gọi "nanten" mang hàm ý thay đổi nghịch cảnh. Ảnh: sg-g.jp

Ume (hoa mơ)

Ngày nay anh đào được xem là loài hoa “quốc dân” của xứ Phù Tang nhưng bạn có biết trước đây vào thời Nara (710-794), vị trí danh giá đó từng thuộc về ume (hoa mơ).

Mơ (梅) cùng với tre (竹) và tùng (松) được gọi là “Tuế hàn tam hữu”, nghĩa đen là ba người bạn mùa lạnh, là một mô-típ thường thấy trong các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc và những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là những loài cây vẫn xanh tươi khi mùa rét tới, là biểu trưng cho khí tiết thanh cao. Ở Nhật Bản, chúng được gọi là "松竹梅 - Shochikubai".

Hoa mơ biểu trưng cho khí tiết thanh cao. Ảnh: discoverkyoto.com

Là một trong những loài thực vật ra hoa đầu tiên trong năm vào giữa mùa đông, những bông hoa ume năm cánh từ màu trắng tinh khôi đến hồng đậm được xem là biểu tượng của sự bền bỉ và chính trực. Vì vậy, đôi khi ume cũng được sử dụng để trang trí kadomatsu.

Nguồn: Gaijinpot / Theo: kilala