Wednesday, February 21, 2024

ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU - PHAN THANH GIẢN

Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, Cụ PHAN THANH GIẢN được cử đi sứ Trung Quốc. Khi đi ngang qua ngôi lầu nổi tiếng nầy, cũng như tất cả những thi nhân từ ngàn xưa đến nay, ông đã không bỏ lỡ dịp may lên thăm và ngắm ngôi lầu với nhiều huyền thoại nầy, và cũng vì thế mà ta mới có dịp thưởng thức thêm một bài thơ trác tuyệt của ông.


Đề Hoàng Hạc lâu - Phan Thanh Giản

Tích thì hạc dĩ hà niên khứ,
Thiên tải nhân tùng Nam cực lâm.
Anh Vũ châu tiền phương thảo lục,
Tình Xuyên các thượng bạch vân thâm.
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ kim.
Mãn mục quan san bội tù trướng,
Du du trần mộng thập niên tâm.


題黃鶴樓 - 潘清僩

昔時鶴已何年去
千載人從南極臨
鸚鵡洲前芳草綠
晴川閣上白雲深
半簾落日浮江漢
一片寒流送古今
滿目關山倍惆悵
悠悠塵夢十年心


Đề lầu Hoàng Hạc - (Dịch thơ: Trương Việt Linh)

Hạc xưa bay tự năm nào
Khách du Nam Việt ngàn sau thăm đài
Bãi thơm Anh Vũ xanh tươi
Gác Tình Xuyên ngắm mây trời trắng phau
Nắng tà in bóng dòng sâu
Cổ kim con nước chảy mau lạnh lùng
Ngắm xem sông núi chạnh buồn
Mười năm trần mộng thoả lòng ước ao


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Phan Thanh Giản 潘清僩 (1796-1867) là danh sĩ, đại thần triều Nguyễn, tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê 梁溪 và Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên. Quê làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phan Thanh Giản đậu cử nhân năm 1825, năm 1826 đậu tiến sĩ, ông là người đạt học vị cao nhất đầu tiên ở Nam Kỳ. Năm 1862, ông cùng với Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình Tự Đức kí Hoà ước Nhâm Tuất (5-6-1862) giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kì cho Pháp. Năm 1863, ông được cử làm Chánh sứ (Phó sứ Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Đản) sang Pháp thương nghị chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam Kì. Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ trong lúc ông đang nhậm chức Kinh lược sứ. Thấy tình thế không chống cự nổi, ông nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi nhịn ăn 17 ngày, kế đố uống thuốc độc tự tử vào ngày 4-8-1867, thọ 71 tuổi.


Triều đình Huế sau khi hay tin mất ba tỉnh miền Tây, vẫn chưa thức thời đem ông ra đình nghị, cho rằng việc mất sáu tỉnh miền Nam là do lỗi của ông, nên tước hết chức tước và đục bỏ tên ông nơi bia Tiến sĩ. Cho đến năm đầu Đồng Khánh (1986), đem ra nghị án và khôi phục nguyên chức cho ông là Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Binh bộ Thượng thư, Nam Kỳ kinh lược Chánh sứ toàn quyền đại thần và cho chạm lại tên ông trên bia Tiến sĩ như cũ.

Phan Thanh Giản sáng tác khá nhiều. Những năm đi thi hội, ông có làm tập thơ Du kinh. Khi người bạn là Lê Bích Ngô chết, ông có tập Toái cầm 碎琴 (Đàn vỡ). Thời gian đi sứ sang Trung Quốc, có tập Kim đài (1832). Khi đi sứ sang Pháp để thương lượng chuộc lại ba tỉnh miền Đông, ông viết Sứ trình nhật ký (1863). Hầu hết các sáng tác của Phan Thanh Giản sau này được tập hợp lại trong hai bộ sách Lương Khê thi thảo (in 1876) có 103 bài.

Nguồn: Thi Viện