Friday, February 23, 2024

MÓN ĂN KHIẾN NHIỀU NGƯỜI TRUNG QUỐC SẴN SÀNG BỎ VIỆC

Câu chuyện "làm giàu không khó" với món bánh mì giá 2 nhân dân tệ truyền cảm hứng và thôi thúc nhiều người mở cửa hàng kinh doanh, với tham vọng mở rộng mô hình và nhượng quyền.


Từ các thành phố và thị trấn nhỏ khắp tỉnh Sơn Đông đến các con hẻm đô thị phía tây nam Trùng Khánh, hàng loạt cửa hàng bán bánh mì 2 tệ (6.800 đồng) mọc lên như nấm. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, nhiều người đã bỏ việc để mở tiệm bánh - một công việc kinh doanh vốn ít, lời nhiều.

Có những người khoe kiếm được 130.000-180.000 nhân dân tệ (tương đương 18.000-25.000 USD) khi bán bánh mì giá 2 nhân dân tệ.

Theo Sixth Tone, đặc điểm chung của những hàng quán này là tấm biển "bánh mì 2 nhân dân tệ" nổi bật, gồm các loại nhân cơ bản như đậu đỏ, chocolate, sầu riêng. Giá rẻ, tiện lợi, đa dạng là những ưu điểm thu hút khách hàng.

Câu chuyện "làm giàu không khó" với món bánh giá rẻ này truyền cảm hứng và thôi thúc nhiều người mở cửa hàng kinh doanh, với tham vọng nhân rộng mô hình của riêng mình.

Mơ ước làm giàu với chiếc bánh 2 nhân dân tệ

"Tôi vào một cửa hàng, mua mỗi vị một chiếc mà chỉ tốn hơn 20 nhân dân tệ, loại nào cũng ngon", một blogger ẩm thực có 14.000 người theo dõi trên Xiaohongshu (tương tự Instagram) giới thiệu khi thử món bánh này tại một cửa hàng ở thành phố Tây An.

Mô hình này càng nở rộ, có nhiều chuỗi lớn ở tỉnh Sơn Đông và thành phố Trùng Khánh mở rộng số cửa hàng và cung cấp dịch vụ nhượng quyền trên toàn quốc.

Hàng loạt tiệm bánh mì 2 tệ mọc lên như nấm ở Trung Quốc.

Sumei là một thương hiệu nhượng quyền bánh mì 2 tệ nổi tiếng, đang vận hành 400 cửa hàng khắp Trung Quốc. Đại diện Sumei nói với Sixth Tone rằng quy mô của họ không ngừng mở rộng kể từ tháng 9/2023.

Chỉ riêng tại thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, có 8 cửa hàng bánh mì Sumei giá 2 tệ đã bắt đầu hoạt động và 3 cửa hàng nữa dự kiến sớm mở cửa.

"Cốt lõi thương hiệu của chúng tôi là đảm bảo hương vị và kết cấu nhất quán của bánh mì, cùng với việc quản lý chi phí và tối đa hóa lợi nhuận gộp", đại diện Sumei nói. "Chúng tôi cung cấp công thức, công nghệ và tuyển chọn nguyên liệu thô, cho phép những người nhượng quyền kiếm được hơn 1 nhân dân tệ cho mỗi chiếc bánh mì 2 nhân dân tệ bán ra".

Vị đại diện lưu ý hiệu suất và lợi nhuận của cửa hàng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí, với doanh thu trung bình hàng ngày cho các cửa hàng ở các thành phố cấp 3 và cấp 4 dao động 1.000-2.000 nhân dân tệ, có nghĩa bán được 500-1.000 chiếc bánh mỗi ngày.

Tangyi, một tiệm bánh mì 2 tệ thành công khác, cũng mở cửa hàng đầu tiên ở Tế Nam. Theo bài đăng mới nhất của người sáng lập 27 tuổi trên Xiaohongshu, cô kiếm được tổng doanh thu hàng tháng khoảng 180.000 nhân dân tệ vào tháng 12/2023.

Sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhà, điện, nguyên liệu thô và nhân công, tổng cộng khoảng 84.000 nhân dân tệ, lợi nhuận ròng trong tháng của cô đã vượt quá 90.000 nhân dân tệ.


Miếng bánh không dễ nuốt

Dù thu lợi nhuận khủng ban đầu, mô hình kinh doanh của các cửa hàng bánh mì giá 2 nhân dân tệ cũng lắm thách thức. Chi phí sản xuất thấp và tỷ suất lợi nhuận cao có vẻ hấp dẫn, nhưng việc duy trì lợi nhuận trong dài hạn không có gì chắc chắn.

Trước thực trạng ngày càng nhiều người lao vào kinh doanh bánh mì 2 tệ, truyền thông lẫn các chuyên gia Trung Quốc đã phải đưa ra cảnh báo. Một trong những vấn đề được chỉ ra là lợi nhuận thực sự không nằm ở việc bán bánh mì mà nằm ở việc nhượng quyền và thu tiền dạy nghề.

Zhao Yiming, người điều hành một tiệm bánh Đức ở Thượng Hải, giải thích với Sixth Tone rằng chi phí đầu tư các tiệm bánh 2 tệ tương đối thấp, có thể dễ dàng trang trải. Nhưng cô cảnh báo về việc thâm dụng lao động khi sản xuất hàng trăm chiếc bánh mì mỗi ngày.

Với những tiệm bánh "bắt trend" thành công, doanh thu không chỉ nằm ở việc bán bánh. Các thương hiệu lớn kiếm tiền thông qua nhượng quyền và các chương trình đào tạo, cho phép người khác nhân rộng mô hình của họ.

Chẳng hạn, Sumei tính phí nhượng quyền là 29.800 nhân dân tệ cho một cửa hàng, bao gồm 3 máy nướng bánh mà không phải trả thêm phí. Những người nhượng quyền tiềm năng được mời đến thăm trụ sở chính của công ty ở Tế Nam để hiểu rõ hơn trước khi triển khai hoạt động kinh doanh.

Các chương trình đào tạo cũng hái ra tiền. Tại Trùng Khánh, Hợp tác xã Tiếp thị và Cung cấp Bánh mì giá 3 nhân dân tệ, mới mở cửa vào tháng 11 năm ngoái, cung cấp khóa đào tạo với chi phí 19.800 nhân dân tệ.

Chương trình giảng dạy bao gồm mọi thứ, từ kỹ thuật làm bánh đến thiết kế cửa hàng và xây dựng thương hiệu, kéo dài 7-10 ngày, tùy thuộc vào năng khiếu của người học.

Sự nở rộ của mô hình bánh mì 2 tệ xuất phát từ tình hình kinh tế hiện tại và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Giá cả thị trường tăng cao, người dân nhạy cảm với các con số và thận trọng hơn trong việc chi tiêu, có xu hướng thắt chặt hầu bao.

Ngày càng nhiều người tham gia cuộc đua bán món hot trend này, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ tồn tại lâu dài.

Theo dữ liệu từ Canyin88, một trang web về ngành ăn uống, chi tiêu bình quân đầu người tại một tiệm bánh ở Trung Quốc dao động trong khoảng 39,73 nhân dân tệ. Những cuộc tranh luận đã nổ ra, với hashtag "lương tháng 10.000 nhân dân tệ không đủ mua bánh mì".

"Các cửa hàng bánh mì 2 tệ phù hợp với xu hướng vì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên lý trí và thực tế hơn trong chi tiêu", Zhu Danpeng, nhà phân tích ngành thực phẩm, nói và nhấn mạnh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng.

Tương lai của lĩnh vực này chưa chắc chắn. Các chuyên gia e ngại việc dùng nguyên liệu giá rẻ và mẫu mã kém đa dạng sẽ khó lòng giữ chân khách hàng. Zhao Yiming cho rằng sự mới lạ của bánh mì 2 tệ sẽ giảm đi, khiến lượng khách sụt giảm, loại hình kinh doanh này kém bền vững.

Đinh Phạm / Theo: Zingnews
Link tham khảo: