Sunday, February 18, 2024

TẠI SAO NGƯỜI MIỀN NAM CÚNG CÁ LÓC NGÀY VÍA THẦN TÀI?

Tùy theo phong tục, tập quán từng vùng miền mà mâm cúng dâng Thần Tài ngày mùng 10 hằng năm sẽ khác nhau. Thế nhưng trong văn hóa người miền Nam sẽ luôn phải có cá lóc nướng, mía, thịt heo quay…

Tại sao người miền Nam cúng cá lóc ngày vía Thần Tài (Ảnh: Hải Long).

Theo tín ngưỡng dân gian, Thần Tài là vị thần chuyên trách về việc phát tài, biểu trưng cho sự sung túc, giàu có, tài lộc. Vì vậy, bàn thờ cúng Thần Tài từ lâu đã trở nên phổ biến trong các hộ gia đình người Việt.

Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm được xem là ngày vía Thần Tài. Đây là thời điểm người dân dùng lễ vật đặc trưng kính dâng lên vị thần tiền tài nhằm tạ ơn và cầu may cho một năm mới buôn may bán đắt, tài lộc đầy nhà.

Ban đầu tục "vía trời" này bắt nguồn từ người Việt gốc Hoa, sau mới nhân rộng trong các hộ gia đình kinh doanh, buôn bán vì hầu hết tất cả hộ này đều có bàn thờ Thần Tài cầu may.

Mặc dù ở mỗi vùng miền tín ngưỡng thờ cúng khác nhau, thế nhưng thường vẫn có các lễ nghi truyền thống như mua vàng, mua đồ phong thủy, mâm cúng là bộ tam sinh gồm thịt heo, tôm hoặc cua luộc, trứng gà hoặc trứng vịt.


Riêng tại miền Nam, trong mâm lễ vật dâng Thần Tài thường có thêm cá lóc, mía. Trong đó, cá lóc dâng Thần Tài phải nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi, đuôi, khi đem đi nướng thì cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm. Còn mía thường phải to, thẳng, tán lộc xum xuê, màu sắc tươi sáng.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia phong thủy cho biết, miền Nam trước đây là vùng kênh rạch, sông ngòi chằng chịt giúp cá lóc có điều kiện sinh sống nhiều, trở thành một sản vật đặc trưng.

Chính điều này nên người dân muốn kính dâng cá lóc lên thần linh là để tỏ lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa và tưởng nhớ đến cuộc sống gian khổ nhưng cần cù thời trước của cha ông ta.

Đồng thời, cá lóc trong văn hóa còn biểu trưng cho sự nỗ lực và thành công vì sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn cao trong nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí ở những vùng bùn lầy.


Ngoài ra, trong phong thủy, cá còn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh con cá còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.

Riêng về cây mía, theo tín ngưỡng người Việt, nước ta gắn liền với văn hóa nông nghiệp, vì vậy người dân muốn dâng tặng đến thần tài để cầu mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, cây mía tượng trưng cho sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương, tán lá tượng trưng cho mây, trời, gốc, rễ tượng trưng cho đất, nguồn cội, vị ngọt tượng trưng cho vị ngọt của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp, sự rắn chắc vươn cao tượng trưng cho sức khỏe và sự thành công…

Mặc dù, ngày nay cuộc sống đã nhiều thay đổi, thế nhưng trên mâm cỗ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân vẫn luôn đặt những lễ vật truyền thống kính dâng thần linh. Đó là một nét văn hóa đẹp.

Nam Thái / Theo: Dân Trí