Bởi cuộc đời là vô thường nên chuyện được và mất chúng ta không thể nào biết trước được...
Cuộc đời con người qua đi thật không khác gì một vở kịch. Khi quay đầu ngoảnh nhìn lại, người ta mới thấy thành bại chỉ là hư ảo, công danh lợi lộc cũng thành mây thành khói. Cho dù là đế vương thừa tướng hay tiểu thương sai nha, dù là anh hùng hay kẻ nhu nhược, cuối cùng cũng chỉ là một nắm đất mà thôi. Ngay cả những dấu tích hoành tráng và hào hùng cuối cùng cũng trở thành tro bụi trên dòng sông lịch sử.
Lúc ban đầu khi được sinh ra, vạn vật tự nhiên vốn là yên bình, trăng thanh gió mát. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, con người vì tham, vì ích kỷ, luôn muốn giành phần lợi cho mình nên chiến tranh mới xảy ra liên miên, con người tự hủy diệt lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé. Cùng với những thay đổi đó là sự biến hóa của thiên tượng như mưa lũ, bão lụt, động đất thiên tai.
Tâm thái của con người quyết định hành vi, còn hành vi quyết định hướng đi của cuộc đời. Tâm hồn tự tại, tính cách phóng khoáng, tấm lòng rộng rãi, và khí chất thoát tục sẽ khiến cuộc sống an bình. Phải tu tâm dưỡng tính mới có thể đạt được ‘cảnh giới’ như thế.
''Được vẫn dửng dưng, mất vẫn ung dung” là ‘cảnh giới’ của bậc hiền trí
Người nào có thể bảo trì được tâm thái từ bi, hòa ái thì mới có thể có tâm cảnh yên bình và trí tuệ sáng suốt, tự tin và lạc quan đối diện với muôn vàn nghịch cảnh và gian khó, mới có thể lấy lòng khoan dung độ lượng để tha thứ cho người và tiếp nhận chính mình. Vì đại cuộc mà quên tư lợi.
Lợi ích vật chất trong cuộc đời rồi cũng qua đi như mây khói, giành được cũng không đáng để vui, không cần phải đắc chí, mất đi cũng không cần quá xót xa khiến tinh thần sa sút, chán nản thất vọng. Cuộc sống đơn giản, mộc mạc, tâm thái khiêm nhường, khoan dung mới khiến tâm hồn luôn thanh thản. Vạn sự đừng gò ép mà hãy thuận theo tự nhiên. ''Được vẫn dửng dưng, mất vẫn ung dung” là tâm thế của bậc hiền trí.
Các hành vô thường
Là Pháp sinh diệt
Sinh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui..
(Kinh Niết Bàn)
Như Thị / Theo: songhanhphuc
No comments:
Post a Comment