Các Ninja với võ thuật cao cường thường là lính đánh thuê tự do. Ảnh: PIXTA
Vào thời Chiến quốc (1467 - 1615) không có chính quyền trung ương nên quyền lực được phân chia cho các chư hầu, lãnh chúa…, điều này đã dẫn đến các cuộc chiến thường xuyên xảy ra để tranh giành lãnh thổ. Lúc bấy giờ, lãnh chúa Oda Nobunaga đã quyết định thống nhất đất nước để tránh tình trạng bạo loạn kéo dài. Cuộc đời ông chinh chiến liên tục, thống nhất 1/3 lãnh thổ Nhật Bản cho đến khi qua đời năm 1582 do một cuộc nổi loạn. Về sau, ông được xem là người có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.
Lãnh chúa Oda Nobunaga, tranh của Utagawa Kuniyoshi.
Sau nhiều trận chiến và giành thắng lợi vẻ vang, quân của ông đụng độ với Uesugi Kenshin, một lãnh chúa tham vọng và quyền lực không kém Oda Nobunaga. Để loại bỏ trở ngại này, Nobunaga đã nhờ cậy đến sự trợ giúp của gia tộc Ninja huyền thoại – Iga. Một nhóm gồm 4 Ninja do Ukifune Kenpachi lãnh đạo đã lẻn vào lãnh địa để ám sát Kenshin. Đương nhiên, họ đã đụng độ với những Ninja của Kenshin và trận chiến đã xảy ra. Phần thắng nghiêng về phía Kenpachi sau khi họ tiêu diệt đối thủ bằng phi tiêu tẩm độc. Nhưng Kenpachi không biết rằng chỉ huy Ninja của đối phương chỉ giả vờ chết và thực tế, họ đang đi vào chiếc bẫy được dựng sẵn, bị bao vây và tiêu diệt.
Lãnh chúa Uesugi Kenshin. Ảnh: quotepark
Cái chết của Kenpachi đã gây “khủng hoảng” cho gia tộc Iga, họ phải tìm người thay thế để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ lãnh chúa Oda Nobunaga giao. Bấy giờ Kenshin được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi Ninja và cả Samurai. Kenpachi có một người em trai là Ukifune Jinnai, khi nghe tin anh trai qua đời, Jinnai thề sẽ trả thù và nhận trọng trách ám sát Kenshin. Ukifune Jinnai vạch ra một kế hoạch không tưởng dựa vào chiều cao khiêm tốn của mình. Ông cao dưới 1m, tuy nhiên đây lại là một lợi thế đặc biệt trong vụ ám sát này. Một mình Jinnai lẻn vào tư dinh của Kenshin bằng cách đi qua hệ thống cống cổ bên dưới nhà vệ sinh* cá nhân của lãnh chúa. Sử dụng phương pháp đi bộ giống người nhện, ấn tay và chân vào hai bên của lối đi để giữ cho mình vuông góc, ông leo lên và đợi Kenshin đến.
Lợi dụng đêm tối, các Ninja sẽ mai phục và đột nhập từ trên cao. Ảnh: PIXTA
*Nhà vệ sinh cổ đại Nhật Bản là một căn phòng độc lập được đặt ở ngoài trời gần giống như toilet công cộng ngày nay, về cơ bản chúng là cái máng với một lỗ ở phía dưới. Chính vì thế, một Ninja có chiều cao bình thường sẽ không bao giờ có thể lọt vừa trong phần máng, nhưng Jinnai thì khác, ông hoàn toàn phù hợp. Giai thoại kể rằng Jinnai đã chuẩn bị cho việc này bằng cách luyện tập trong những chiếc nồi đất nung có kích thước tương đương với những chiếc máng.
Trang phục tối màu hòa cùng màn đêm giúp họ dễ dàng ẩn nấp. Ảnh: PIXTA
Khi Kenshin đến và ngồi xuống thì Jinnai, lúc này đang chờ sẵn ở dưới máng, đã đâm ngọn giáo từ phía dưới lên. Tiếng kêu thảm thiết của Kenshin đã thu hút những người lính canh. Dù xuất hiện ngay lập tức nhưng các lính canh vẫn không hề tìm được tung tích của kẻ ám sát. Họ không hề biết rằng, người họ đang tìm kiếm đang ở ngay trong căn phòng, bên dưới đống chất thải. Jinnai dùng vỏ kiếm để hít thở cho đến khi lính canh rời khỏi nhà vệ sinh, sau đó trèo ra ngoài và trốn thoát, trở về để báo cáo với Nobunaga.
Nhà vệ sinh cổ của Nhật Bản vào thời Edo. Ảnh: Japan style
Câu chuyện thực tế về cái chết của lãnh chúa Kenshin đến giờ vẫn là một bí ẩn. Theo tài liệu lịch sử của tỉnh Echigo viết rằng vào khoảng trưa ngày 25/04, Kenshin “đột nhiên có triệu chứng tê liệt và ông bất tỉnh”, qua đời 4 ngày sau đó. Trong tài liệu cũng cho rằng ông ấy đã nói về những cơn đau tức ngực trong vài tháng trước khi qua đời. Vì vậy, hầu hết các học giả tin rằng Kenshin chết vì ung thư hoặc đột quỵ. Một tài liệu khác vào năm 1582 lại viết rằng ngày 25/04/1578 “lãnh chúa Kenshin bị đau bụng trong nhà vệ sinh của mình. Thật không may, điều này kéo dài cho đến khi ông qua đời vào ngày 29/04". Hầu hết các nhà sử học đều bác bỏ câu chuyện bị ám sát trong nhà vệ sinh, tuy nhiên điều đó cũng không làm cho công chúng bớt tin tưởng vào câu chuyện này.
Theo: Kilala
No comments:
Post a Comment