Hoa đào, người chơi hoa có thể trưng bày nhiều cách. Ví dụ, nhẹ nhàng mà tinh tế của các bà, các chị Hà nội, chỉ một ít cành tỉa nho nhỏ, loại cành có chi chít nụ hoa (cành đào dăm), được chọn lựa về cắm trong lọ gốm sứ. Bình hoa đào này có thể để trên bàn thờ, gọn nhẹ hay cũng có thể cắm nhiều hơn, trong bình lớn hơn chút để trên bàn như chơi hoa thường nhật. Cành đào dăm được bán từ Rằm tháng Chạp tới tận tháng Ba luôn, chơi suốt mùa Xuân lúc nào cũng đẹp. Cành đào dăm có thể từ các nhà vườn tỉa mang đi bán, cũng có thể từ chính các gia đình, sau khi chơi cành, cây lớn, tỉa ra để cắm. Với mật độ hoa đào, điểm tô những búp xanh của lá, những tay đào thẳng tắp tạo cho bình hoa đào đầy sắc Xuân.
Bình đào dăm – Ảnh mạng Internet
Bình đào dăm không chỉ đơn giản, tinh tế, nó còn gọn nhẹ có thể đặt bất cứ đâu trong nhà, từ phòng ngủ, phòng khách, bàn làm việc. Thậm chỉ một cảnh nho nhỏ trong một cái cốc, chai hay lọ gốm xinh xinh, cũng làm cho góc phòng ấp áp tươi vui. Với mùa Xuân, hoa đào dần chiếm chỗ nhiều hoa khác.
“Xuân về có đủ thứ hoa
Nhưng mà nổi nhất vẫn là đào kia…”
(Hoa đào – Nguyên Hữu)
Những người đi xa xứ mỗi dịp Tết về lại khắc khoải nhớ:
“Sài Gòn thoáng gặp hoa đào đỏ
Chao ôi nhớ rét toát mồ hôi
Ơn hoa thương nỗi người xa xứ
Thèm chút mưa phùn đón Tết thôi…”
(Thoáng gặp hoa đào – Trần Mạnh Hảo)
Tĩnh vật Bình hoa đào – Họa sĩ Nguyễn Thị Dung
Cách nữa là chơi hoa đào từ nguyên cành đào. Cành đào là cách chơi từ xa xưa, nhưng chúng ta có thể thấy gần nhất từ phim ảnh, báo chí thời Pháp thuộc, Hà Nội sau năm 1954, với hình ảnh cô gái mặc áo dài, khăn quàng cổ, tay cầm cành đào nhỏ tròn. Cành đào với tạo hình tròn thể hiện sự trọn vẹn, sung túc. Dễ cắm, bình cắm đào có thể lục bình, bình tròn hay bầu đều đẹp. Cành đào phù hợp với những căn nhà nhỏ của Hà Nội, những căn gác trong phố, những căn hộ đơn giản nhỏ sẽ ấm cúng hẳn lên với cành đào hoa sắc thắm.
Tranh Mùa Xuân – Họa sĩ Tuấn Đạt
Thời mở cửa hội nhập, kinh tế khá giả, người ta thích những thứ lạ mắt và to dần hơn, cành đào cũng bị ảnh hưởng, Tết về, nhiều nhà mang cả cành to chiếm cả căn phòng. Thay vì cành Đào thế, bó tròn cổ điển, hình dáng đa dạng hơn, thậm chí nhiều trào lưu giữ nguyên tự nhiên của cành đào. Và hơn chục năm qua, một trào lưu mới về phố, người ta chuộng chơi đào rừng. Từng xe tải chở ùn ùn đào từ các núi rừng Tây bắc về phố, từ trước Tết cả tháng, các dãy phố có vỉa hè rộng được xếp kín các cành đào rừng như củi khô, chờ ngày bật mắt nở những bông hoa xinh xắn.
Đào thế Bonsai – Ảnh mạng Internet
Không chỉ đào dăm, đào cành, thú chơi đào còn chơi nguyên cả cây. Cây đào thật đa dạng, thế tròn, thế bon sai, các kiểu tạo dáng. Cũng khoảng hơn chục năm gần đây, nhà vườn còn thực hiện lên miền núi mua hoặc thuê trồng đào rừng để lấy gốc đào. Từ gốc đào rất to, thậm chí to đường kính 20 – 30 phân, họ ghép với đào cảnh và chăm sóc để ra hoa đúng dịp Tết với những thế đồ sộ bắt mắt.
Cây Đào ghép khổng lồ chuẩn bị Tết – Ảnh mạng Internet
Các gia đình, nhà dù giàu hay nghèo, to hay nhỏ, Tết đến cũng luôn muốn có hoa đào trong nhà, nhưng ngoài việc vì thói quen, vì yêu thích, ít người hiểu tại sao hay ý nghĩa như nào với hoa đào ngày Tết. Chúng ta thấy, hoa đào, có mật độ dày đặc, có màu hồng, đỏ hay trắng tinh khôi, đặc điểm mà những cây có tính chất tương tự như Quất, Bưởi, Mai… được chọn, thể hiện cho ước muốn sung túc, sum vầy, ấm no hạnh phúc, ngoài ra, hoa đào còn nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.
Tranh Kết nghĩa Vườn Đào – Tranh từ mạng Internet
Đào có nhiều loại và được ghi nhận khoảng 7500 năm trước, bắt nguồn từ nước Ba Tư, sau đó được đem trồng tại nhiều nơi trên thế giới như: Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, với tên khoa học là Prunus persica, Stokes, thuộc vào họ hoa hồng. Đào có 03 loại phổ biến là bích đào, bạch đào, và đào phai, riêng ở Việt Nam, đào được trồng nhiều ở vùng miền núi phía bắc như: Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng và ở Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, hoa thường nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán. Tục truyền, trong cây đào khổng lồ ở trên đỉnh núi Sóc Sơn có hai thần Uất Lũy và thần Trà, hai thần này giúp dân trừ tà ma quanh năm, nhưng đến dịp cuối năm Ngọc Hoàng lại triệu tập thần Uất Lũy và thần Trà về chầu trời, chính là lúc ma quỷ thường chờ để quấy phá. Tuy nhiên, vẫn sợ cây hoa đào đỏ rực của 2 vị Thần nên quỷ dữ không dám làm hại con người. Vì thế, người dân liền bẻ cành đào đem cắm trong nhà mỗi dịp cuối năm và đầu năm mới nhằm mục đích tránh quỷ, xua đuổi tà ma.
Tranh Khắc gỗ Mùa Xuân – Họa sĩ Nguyễn Thụ
Ý nghĩa tiếp theo của cây hoa đào đó chính là tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Mỗi cành đào đều mọc nhiều hoa, hoa đan xen và quấn lấy nhau. Khi trưng bày đào trong ngày đầu xuân năm mới sẽ mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình.
Một ý nghĩa khác của cây hoa đào đó chính là biểu tượng của sự thuận hòa, gắn kết. Đây là loài hoa của sự thủy chung như tình nghĩa của Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi. Họ từng kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào với lời thề về sinh mệnh “Không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày”. Cũng bởi lý do này mà hoa đào còn được mệnh danh là loài hoa của những đức tính tốt đẹp nhất.
Hoa Tết trong nhà – Ảnh mạng Internet
Hoa mang sắc hồng rạng rỡ. Theo dân gian, đây là màu sắc của sự may mắn, nhẹ nhàng và mộng mơ. Mỗi gia đình sẽ luôn cảm thấy ấm cúng trong ngày đầu năm mới. Niềm vui, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp với biết bao điều may mắn. Một cuộc sống an yên, ấm áp và thịnh vượng chuẩn bị đến với gia đình chúng ta.
Ngày nay, với trình độ khoa học và kỹ thuật, nhiều loại đào, không chỉ Hồng, Phai, hay Thất thốn, Đào rừng… không chỉ cành dăm, cành tự nhiên, cây rừng, ghép,… mà còn có rất nhiều kiểu, nhiều loại lạ mắt từ bé vài bông hoa đến khổng lồ chiếm trọn góc sân. Tất cả đều cùng chung ước muốn một năm mới an lành, đoàn tụ. Hoa đào được đưa vào thơ, ca, hội họa, điện ảnh… nhưng với người Việt, hoa đào in đậm trong ký ức, nó là quê hương, nguồn cội. Tết là thời gian để mọi người nhớ về nhau, nhớ về quá khứ, hiện tại và hướng tương lai…
Đặng Văn Phúc / Theo: ĐKN