Sunday, February 25, 2024

THI THƯ HỌA TRỊNH BẢN KIỀU (PHẦN 1): VẼ TRÚC, TÀI NĂNG "TAM TUYỆT", PHẨM CÁCH "TAM CHÂN"

Tại sao Trịnh Bản Kiều thích vẽ tranh về chủ đề trúc, lan, thạch? Đúng như ông đã nói: "Lan bốn mùa không tàn, trúc bách tiết mãi xanh, đá vạn cổ không dời, người ngàn thu không đổi". Trong mắt ông, trúc, lan, thạch tượng trưng cho phẩm cách chính trực vô tư, kiên nhẫn không lay chuyển, quang minh lỗi lạc của bậc chính nhân quân tử...

Một bức họa của Trịnh Bản Kiều.

"Một khóm trúc, một nhành lan, một hòn đá, có tiết tháo, có hương thơm, có cốt cách. Mãn đường đều là phong thái người quân tử, vạn cổ yêu thanh thương thúy sắc. Có lan có trúc có đá, có tiết tháo, có hương thơm, có cốt cách, mặc cho gió ngược sương hàn, tự đã có tin tức của gió xuân".

Đây là bài thơ vịnh phẩm cách của trúc, lan, thạch đề trên bức tranh của Trịnh Bản Kiều.

Trịnh Bản Kiều tên Tiếp, tự Khắc Nhu, hiệu Bản Kiều, là nhà thư họa, nhà văn học nổi tiếng đời Thanh. Phong cách độc đáo và thành tựu kiệt xuất trong thi, thư, họa của ông có ảnh hưởng lớn đến người đời sau, được gọi là 'trường phái Bản Kiều'. Sử sách khen ngợi: "Bản Kiều có Tam tuyệt: là họa, là thi, là thư. Trong Tam tuyệt lại có Tam chân: là chân khí, là chân ý, là chân thú" (Nguồn "Tùng hiên tùy bút" của Trương Duy Bình).

Trịnh Bản Kiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia "tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ", kiên trì thực hiện "Giàu sang không mê hoặc được, nghèo hèn không làm thay đổi được, vũ lực không khuất phục được" (nguyên văn: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất"). Ông yêu cầu bản thân: "Thứ nhất, phải hiểu rõ đạo lý, làm một người tốt", làm quan cần phải "lập công danh giữa trời đất, lợi ích dưỡng dục nhân dân".

Chân dung Trịnh Bản Kiều. (Phạm vi công cộng).

Về sáng tác văn học ông chủ trương: "Đạo lý phải trở về với Thánh hiền, văn phải thiết thực với đời sống hàng ngày". Trong hội họa ông vẽ nhiều nhất là trúc, lan, thạch. Ông cũng vẽ tùng, cúc, mai... Trong sáng tác, ông dốc sức thể hiện tác phẩm của mình có ý nghĩa giáo dục đạo đức luân lý, điều này khiến tranh của ông càng thêm ý vị và chân khí. Đồng thời với việc để lại tài sản nghệ thuật quý giá cho người đời sau, ông còn để lại tài sản tinh thần trân quý phong phú.

“Tam chân” của ông cũng chính là biểu lộ nội tâm. Ông là người chính trực, lòng nghĩ cho bách tính, không a dua quyền quý. Khi làm huyện lệnh huyện Duy tỉnh Sơn Đông, vì mất mùa ông đã mở kho lương cứu tế nhân dân nên đã xảy ra tranh chấp với tham quan, ông phẫn nộ bãi quan. Ngoài thời gian trên 10 năm làm quan huyện Phạm và huyện Duy thuộc Sơn Đông ra, thời gian còn lại ông đều phải dựa vào nghề vẽ tranh, bán tranh để sống.

Phong cách nghệ thuật thi - thư - họa nhất thể

Trong truyền thống vẽ tranh của văn nhân xưa, thư họa và văn thơ luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, gọi là “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ). Dường như bức tranh nào của Trịnh Bản Kiều cũng đề thơ, lúc đó "thơ là bức tranh vô hình, tranh là bài thơ hữu hình", thơ và tranh phản chiếu lẫn nhau, mở rộng hạn độ bức tranh. Thơ đề tranh đã thể hiện đầy đủ sự thú vị của nghệ thuật "Thư họa đồng nguyên", "Thư họa cùng dùng bút pháp", đưa ngụ ý luân lý xã hội vào trong tranh, tăng thêm sức hấp dẫn và cảm hóa của nghệ thuật.

Tranh của ông thường chỉ có mấy cành trúc, một hòn đá, mấy nhành lan, cấu trúc rất đơn giản nhưng bố cục ý tưởng lại vô cùng khéo léo. Thơ đề tranh từng chữ từng câu đều dựa vật nói chí hướng, khiến người xem rồi dư vị còn mãi. Ngắm tranh, đọc thơ ông khiến người xem cảm thụ được ý cảnh đẹp của họa cảnh, thi cảnh, lại có thể cảm thụ được vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật thư pháp, đem lại sự cảm thụ nghệ thuật tổng hợp hoàn mỹ cho người xem.

Tại sao Trịnh Bản Kiều thích vẽ tranh trúc, lan, thạch? Đúng như ông đã nói: "Lan bốn mùa không tàn, trúc bách tiết mãi xanh, đá vạn cổ không dời, người ngàn thu không đổi. - Miêu tả 3 vật và đại quân tử, đó là Tứ mỹ". Trong mắt ông, trúc, lan, thạch tượng trưng cho phẩm cách chính trực vô tư, kiên nhẫn không lay chuyển, quang minh lỗi lạc của bậc chính nhân quân tử...

Trúc mà ông vẽ cứng cáp thanh tú vươn thẳng, hoa lan xinh tươi đẹp mềm mại. Có lúc trúc và đá xen nhau, có lúc trúc và lan cùng bầu bạn, vừa thể hiện sâu sắc đặc trưng của trúc, lan, thạch, lại ngụ ý nhân phẩm cao thượng. Bất kể là bức tranh nào cũng chứa đầy hơi thở thiên nhiên "Núi vắng sau cơn mưa", giống như tính cách của ông vậy.

Tranh của ông thường chỉ có mấy cành trúc, một hòn đá, mấy nhành lan, cấu trúc rất đơn giản nhưng bố cục ý tưởng lại vô cùng khéo léo. (Phạm vi công cộng).

Vẽ trúc

Cả cuộc đời Trịnh Bản Kiều vẽ nhiều nhất là trúc. Tại sao ông yêu trúc như vậy? Thứ nhất, tùng, trúc, mai là "Tuế hàn tam hữu" (3 người bạn trong giá lạnh), có chí hướng ngạo sương đấu tuyết, thường được văn nhân mặc khách ngợi ca là "quân tử", "ích hữu". Thứ hai, măng trúc mọc hàng năm, có sức sống phơi phới tốt tươi, ngoan cường thịnh vượng. Thứ ba, trúc tiết (đốt tre) ngay thẳng, tiết tiết tương liên, thường được xưng là 'kình tiết' (tiết tháo cứng cỏi), ngụ ý khí tiết cao thượng. Thứ tư, thân cành rỗng ruột, lá trúc cúi thấp, ngụ ý phẩm chất của con người khiêm tốn, cầu học.

Trịnh Bản Kiều vẽ trúc tại sao lại truyền thần như thế này? Bởi vì ông yêu trúc, do đó ngoài sân trồng trúc, một năm bốn mùa, quả đúng là "không thể một ngày không có bạn này" vậy. Khi gió êm nắng ấm, một khóm trúc hình ảnh sống động chiếu lên giấy dán khung cửa sổ, chẳng phải bức tranh thiên nhiên đó sao?". Đây chính là phương thức đặc biệt và khéo léo mà ông thưởng thức và mô phỏng trúc.

Ông vẽ trúc tuân theo nguyên tắc sáng tác "ý tại bút tiên" , "thú tại pháp ngoại" - Trịnh Bản Kiều từng nói - nguyên văn: "Ý tại bút tiên giả, định tắc giã; thú tại pháp ngoại giả, hóa cơ". (Tạm hiểu là là: Ý niệm sản sinh trước khi đặt bút, đây là quy luật không cần nghi ngờ; nhưng cái thú thường ngoài quy luật, thì phải hoàn toàn dựa vào thủ pháp, công phu của con người)... đồng thời ông cũng nói rõ 3 giai đoạn của quá trình vẽ trúc: Trúc trong mắt, trúc trong lòng và trúc trong tay. Đầu tiên cần quan sát trúc thiên nhiên, đây là “trúc trong mắt”. Sau đó tiến hành lên ý tưởng, kết cấu tranh, trong lòng hình thành bản vẽ phác thảo sơ bộ, đó là “trúc trong lòng”. Cuối cùng vẽ trúc, tức là “trúc trong tay”. Cũng bởi lẽ đó mà trong thi phẩm của mình Trịnh Bản Kiều đã từng viết:

"Tôi có trong lòng trúc vạn cây,
Nhất thời huơ bút mực thấm đầy.
Chín tầng trời cao long phượng múa,
Nhuốm khắp mây trời thấy xanh tươi"...

Trúc dưới ngọn bút của ông là dùng ý để diễn tả vẻ đẹp, trăm ngàn tư thế, cái nào cũng đạt đến diệu kỳ. Mấy cây trúc cũng như vậy, có sự khác biệt của trúc mới, trúc già, trúc đón nắng, trúc nghênh phong, trúc vùng sông nước, trúc núi rừng hoang, trúc nơi đình viện, trúc cảnh bonsai. Khi dùng bút, lúc thì đầu bút ở giữa, lúc thì đầu bút ở bên, lúc thì đồng thời dùng đầu bút ở giữa và bên, sắc mực đậm nhạt thích hợp, kết hợp vận dụng linh hoạt với đối tượng hội họa, khiến cho trúc được khắc họa có đủ hình dáng và thần thái, ý tưởng vô vàn.

Ý niệm sản sinh trước khi đặt bút, đây là quy luật không cần nghi ngờ; nhưng cái thú thường ngoài quy luật, thì phải hoàn toàn dựa vào thủ pháp, công phu của con người

Một bài thơ trong những năm về già mà Trịnh Bản Kiều từng sáng tác đã phản ánh sinh động loại truy cầu này của ông:

"Bốn chục năm nay vẽ trúc cây,
Ngày ngày vung bút nghĩ đêm chầy.
Rườm rà cắt hết còn thanh mảnh,
Vẽ ra mới lạ ấy bậc thầy".

Ông đêm suy tư ngày vẽ, không ngừng trừ bỏ những chi tiết thừa, rườm rà, chỉ để lại những nét thanh tú và cứng cáp có thể truyền đạt được tinh thần, đến khi vẽ ra ý tứ mới mà lại cảm thấy lạ lẫm, thì khi đó đã đạt đến sự thành thục chân chính.

Khi làm tri huyện huyện Duy tỉnh Sơn Đông, Trịnh Bản Kiều tặng Bao Quát, Bố chính sứ Sơn Đông khi đó đang tạm kiêm Tuần phủ Sơn Đông một bức tranh thủy mặc "Vẽ trúc ở huyện thự huyện Duy trình Đại trung thừa Bao Quát", trên bức tranh có đề thơ rằng:

Nằm ở thư trai trúc lao xao,
Ngỡ chốn dân gian tiếng khổ đau.

Vài lá trúc thưa thưa, mấy câu thơ súc tích, khiến người xem cảm nhận tác phẩm chứa đựng ý tưởng sâu sắc, cũng khiến người xem liên tưởng đến nhân phẩm của ông.

Ông thân làm tri huyện, quan tâm dân tình, từ tiếng trúc lao xao trong gió, lại có thể liên tưởng đến tiếng kêu than khổ đau bệnh tật của người dân. Ông vừa miêu tả chính mình, lại vừa nói lên nỗi lòng quan tâm và cảm thông sâu sắc đến vận mệnh bách tính. Khi Trịnh Bản Kiều bãi quan rời huyện Duy, có thể nói là "hai vai trăng sáng, tay áo thanh phong", nhân dân bách tính địa phương đều khóc lưu giữ ông.

Trong tình cảnh ấy Trịnh Bản Kiều đã vẽ tranh thân tặng bà con và các bậc phụ lão để làm lưu niệm. Trên bức tranh là một nhành trúc gầy, mảnh mai cứng cáp, vươn thẳng ngạo khí, trên tranh lại có đề thơ rằng:

"Mũ ô sa vứt chẳng làm quan,
Tóc hoa thưa thớt tay áo hàn.
Vẽ trúc mấy cành thanh mảnh thẳng,
Gió thu câu cá trúc làm cần".

Thương dân mà ngán nỗi thời thế thế thời bất đắc chí, Trịnh Bản Kiều đã mượn trúc, mượn thơ để nói nên tâm cảnh giữ mình thanh bạch chính trực, từ quan vì dân. Tong bức thi họa "Mặc trúc đồ", ông viết:

"Quan lộ trở về tóc nhuốm sương,
Gió xuân ngủ cạnh trúc Tây Đình.
Chí lớn lăng vân còn chưa thỏa,
Giang Nam như cũ vẫn tươi xanh".

Còn tiếp…THI THƯ HỌA TRỊNH BẢN KIỀU (PHẦN 2)

Tác giả Trí Chân
Theo minghui.org
Hoàng Mai (biên dịch)

Tài liệu tham khảo:
- Trịnh Bản Kiều tập
- Dữ xá đệ thư thập lục thông