“Sad movies” là ca khúc kể về một cô gái phải đi xem phim một mình bởi bạn trai cô nói rằng chàng phải bận đi làm.
Vào thời điểm bộ phim bắt đầu, cô bất chợt nhìn thấy người bạn trai và cô bạn thân nhất của mình đi vào rạp. Bởi cô ngồi phía sau nên họ không nhìn thấy cô. Những cảnh tượng tình tứ họ trao nhau lại triển hiện ngay trước mặt cô gái một cách hết sức rõ ràng.
Bộ phim chiếu rạp xa xa tầm mắt kia dường như không còn ý nghĩa nữa, mà thay vào đó là “bộ phim” cách một hàng ghế trình diễn ngay trước mắt kèm theo là những giọt lệ mặn đắng của cô. Điều mà cô nhận được khi đặt hết niềm tin và tình yêu chân thành dành cho bạn trai cô, lại là sự dối trá và lừa gạt.
Tạm dịch:
Những bộ phim buồn luôn làm tôi khóc
Anh ấy bảo anh ấy phải đi làm vậy nên tôi đành đi coi phim một mình
Khi người ta bắt đầu tắt đèn và bật máy chiếu lên
Khi những dòng tin tức của thế giới vừa hay bắt đầu hiện lên
Tôi đã thấy người tình tôi và cô bạn thân bước vào
Tuy tôi đang ngồi nơi đây nhưng họ lại không thấy
Và thế là họ ngồi xuống ngay trước chỗ tôi
Khi anh ta hôn môi cô đó, tôi dường như chết điếng
Và ở đoạn giữa cảnh hoạt hình sắc màu, tôi bắt đầu ứa lệ
Ôi, ôi, ôi, Những bộ phim buồn luôn làm tôi khóc
Ôi, ôi, ôi, những bộ phim buồn luôn làm tôi khóc
Và thế nên tôi đứng dậy và chậm rãi bước về nhà
Và mẹ thấy những giọt nước mắt và hỏi “Chuyện gì thế?”
Để che lấp câu chuyện tôi đã nói dối
Tôi chỉ nói: “Những bộ phim buồn làm con khóc”
Ôi, ôi, ôi, những bộ phim buồn luôn làm tôi khóc
Ôi, ôi, ôi, những bộ phim buồn luôn làm tôi khóc
Ôi, ôi, ôi, ôi, ôi
Ôi, ôi, ôi, ôi
Những bộ phim buồn làm tôi khóc...
Phần nhạc mang tính kể chuyện, tiết tấu mang tính châm biếm. Riêng phần điệp khúc là tiếng than thân trách phận, lặp lại nhiều lần khiến người nghe đồng cảm với cô “Ôi, phim buồn luôn làm tôi khóc”. Đấy là tiếng khóc của một cô gái ngây thơ, chân thành dù không muốn nhưng phải chứng kiến sự lừa dối của người bạn trai.
Nguồn cảm hứng sáng tác bài hát “Sad movies” từ phim Spartacus và nước mắt cô bạn gái
Sad Movies (make me cry) được viết bởi nhạc sĩ John D. Loudermilk vào năm 1961. Được trình bày bởi Sue Thompson một cách hết sức thành công. Tuy đã 36 tuổi, nhưng Sue Thompson đã thể hiện bài hát như một người con gái vừa mới biết yêu lần đầu đã bị lừa dối.
Giọng ca 36 tuổi đã đưa ca khúc này liệt vào danh sách của các bảng xếp hạng danh giá: vị trí #5 ở bảng xếp hạng Billboard Hot 100, vị trí #1 trong Easy Listening Chart, vị trí #6 trong Kent Music Report ở Úc.
Chỉ là một cảnh tượng tưởng chừng không có ý nghĩa gì nhưng Loudermilk với trí tưởng tượng phong phú đã biến nó thành một câu chuyện buồn về tình yêu.
Để những độc giả chưa có dịp xem qua Spartacus hiểu được tại sao cuốn phim này lại khiến người ta rơi lệ, người viết xin có đôi dòng giới thiệu:
Spartacus, một nhân có thật trong lịch sử (109-71 trước Công Nguyên). Năm 1951, câu chuyện về Spartacus đã được nhà văn Mỹ Howard Fast viết lại thành một cuốn tiểu thuyết dã sử La Mã với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn, và tới năm 1960 được điện ảnh Hoa Kỳ thực hiện thành một bộ phim vĩ đại.
Một trong những tình tiết đắt giá và cảm động trong truyện phim Spartacus là cảnh trận tử chiến cuối cùng, khi đoàn quân nô lệ của Spartacus bị quân của Crassus bao vây tiêu diệt, số còn lại bắt làm tù binh, trong đó có Spartacus.
Người mà Crassus muốn giết nhất chính là thủ lĩnh nô lệ Spartacus, thế nhưng không một ai bên quân La Mã biết mặt Spartacus cả. Vậy nên Crassus đã hỏi các tù binh kèm theo lời hứa sẽ tha mạng cho họ, chợt tất cả tù binh bỗng đồng loạt hô “Tôi là Spartacus!”. Tức giận, Crassus ra lệnh treo tất cả trên thập tự giá.
Trước chiến thắng của tướng Crassus, đối thủ của ông ta là Thượng nghị sĩ Gracchus (người đỡ đầu Julius Caesar) đã tự kết liễu đời mình; nhưng trước khi tự sát, Gracchus đã sử dụng tiền bạc để giải cứu vợ con Spartacus và đem tới một nơi an toàn.
Ra khỏi thành La Mã, chiếc xe ngựa chở Varinia – vợ của Spartacus đi ngang qua hàng thập tự giá treo nô lệ, và nàng nhận ra Spartacus. Nàng bồng con tới gần, ngước mắt nhìn lên, an ủi Spartacus rằng chàng có thể yên nghĩ một cách thanh thản, bởi con trai của chàng sẽ không bao giờ phải chịu kiếp nô lệ. Từ trên thập giá, Spartacus đưa mắt nhìn theo chiếc xe xa dần, xa dần rồi trút hơi thở cuối cùng…
Bản tiếng Pháp không thua kém bản gốc
Năm 1961, ca khúc thịnh hành Sad Movies (make me cry) được Lucien Morisse và Georges Aber đặt lời Pháp với tựa đề Quand le film est triste và được ca bởi ca sĩ trẻ 17 tuổi Sylvie Vartan. Quand le film est triste đã làm mưa, làm gió tại Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp một thời và đưa cô gái 17 tuổi Sylvie Vartan lên đài danh vọng.
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Ce soir j’ai du travail,
il m’a dit “sors sans moi”
je m’en suis allée toute seule au cinéma
les actualités venaient de commencer
au bras de ma meilleure amie
il est arrivé
Ils sont passés tous les deux sans me voir
puis devant moi ils sont venus s’asseoir
j’ai cru mourir
ils se sont embrassés
et juste au beau milieu du dessin animé
moi j’ai pleuré
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Je suis rentrée bien vite à la maison
mes parents voyant mes larmes
m’ont posé des questions
j’ai été obligée de leur mentir
pour leur dire
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Vào thập niên 1970, Quand le film est triste đã được tác giả Nguyễn Duy Biên dịch sang tiếng Việt – với tựa đề “Chuyện phim buồn”. “Chuyện phim buồn” được hát thành công nhất và được nhiều người nghe nhất tại hại ngoại là qua tiếng hát của Ngọc Lan.
Hoàng Lâm / Theo: ĐKN