Friday, February 23, 2024

ĐỐN TỈNH - TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ


Đốn tỉnh - Tuệ Trung Thượng Sĩ

Đoán tri khong hữu bất tương sa (sai),
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh,
Ma-ha bát nhã tát-bà-ha.


頓省 - 慧中上士

斷知空有不相差
生死原從一派波
昨夜月明今夜月
新年花發故年花
三生倏忽真風燭
九界循環是蟻磨
或問如何為究竟
摩訶般若薩婆訶


Chợt tỉnh - (Dịch thơ: Huệ Chi)

Biết rằng “không”, “có” chẳng cách xa,
“Sống”, “chết” nguyên từ đợt sóng ra.
Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Ba sinh: gió thổi, đuốc loè tắt,
Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.
Muốn hỏi thế nào là cứu cánh,
Ma-ha bát nhã, tát-bà-ha!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tuệ Trung thượng sĩ 慧中上士 (1230-1291) tên thật là Trần Tung 陳嵩, là con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm vợ vua Trần Thánh Tông. Khi Trần Liễu mất (1251), Thượng hoàng Trần Thái Tông “cảm vì nghĩa, phong cho ông tước Hưng Ninh Vương”. Cũng như phần lớn các vương hầu thân tín của nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1257-58; 1285; 1287-88), Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân chống giặc. Dưới quyền điều khiển của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, vào ngày 10 tháng Sáu năm 1285, khi Thoát Hoan núng thế bắt đầu rút khỏi bờ Bắc sông Hồng thì ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Và trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn trại giặc vờ ước hẹn trá hàng, làm cho quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến cướp doanh trại giặc.

Sau ngày kháng chiến thắng lợi, tài liệu có nhắc tới Trần Tung hầu như rất ít. Hình như ông được nhận chức Tiết độ sứ, coi giữ phủ Thái Bình, nhưng chỉ ít lâu, ông đã lui về ấp Tịnh Bang, có lẽ là trang ấp được phong, dựng Dưỡng Chân trang, tiếp tục đuổi theo ham thích cũ là tham cứu đạo Phật.


Trước kia Trần Tung đã từng theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý và là học trò của Thiền sư Tức Lự. Nhưng ông tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép “tam quy”, “ngũ giới”, và có phần chắc vẫn có gia đình như mọi vương hầu khác. Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn, biết “hoà quang đồng trần”. Ông được Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất kính trọng, tôn làm sư huynh, và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy, mặc dầu thật ra ông không trực tiếp đào tạo ra phái Trúc lâm, mà chỉ đàm thoại với nhà vua trong nhiều năm gần gũi cũng như trong những dịp vào chầu, tham dự các kỳ lễ hội.

Sáng tác của Trần Tung được tập hợp trong bộ Thượng sĩ ngũ lục. Bộ sách gồm ba phần: phần thứ nhất là phần “ngũ lục” - những bài giảng của ông cho học trò và những công án của ông (sách gọi là Tụng cổ); phần này do Pháp Loa ghi lại, Trần Nhân Tông khảo đính, gồm 49 bài thơ dưới nhiều đề tài và nhiều thể loại, trong đó có một bài Tịnh Bang cảnh vật trùng với bài Đề dã thự của Trần Quang Khải và bài Tứ sơn khả hại trùng với thơ Trần Thái Tông; phần thứ ba gồm một bài Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông, tám bài tán của tám nhà Thiền học phái Trúc Lâm và một bài bạt của Đỗ Khắc Chung. Toàn bộ tập sách do sư Tuệ Nguyên, chùa Long Động khắc in vào năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà thứ tư (1683), được khắc lại một lần nữa vào năm Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763), rồi lại được sự Thanh Cừ khắc lại năm Quý Mão (1903).

Nguồn: Thi Viện

No comments: