Thursday, February 29, 2024

BỨC TRANH CỔ "CỬU LONG ĐỒ" 800 TUỔI VẼ 9 CON RỒNG GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bức tranh vẽ 9 con rồng của một viên quan, một họa sĩ gần 800 năm trước, được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác, ảnh hưởng đến phong cách vẽ rồng của các họa sĩ đời sau cho đến cả ngày nay. Đồng thời, nó cũng được đánh giá là một báu vật, một tài sản khổng lồ.

Bức tranh cổ 800 tuổi vẽ 9 con rồng giá trị như thế nào? (Miền công cộng)

Bức tranh "Cửu long đồ" của Trần Dung

Bức tranh "Cửu long đồ" (九龍圖) của Trần Dung (陳容) là một trong những tác phẩm hội họa cổ Trung Quốc nổi tiếng nhất, được vẽ vào năm 1244 thời Nam Tống (960-1279). Bức tranh dài 11 mét, rộng 0,6 mét, có tuổi đời gần 800 năm này, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.

Bức tranh khắc họa chín con rồng đang bay lượn, bơi lội, quấn quanh núi non, cây cối. Chín con rồng trong toàn bộ bức tranh được đặt trong những ngọn núi hiểm trở, những đám mây, sương mù và thủy triều cuồn cuộn, với những hình thù hoàn toàn khác nhau xuất hiện trên cuộn giấy. Các con rồng có kích thước khác nhau, nhưng đều có thân dài, mình vẩy, đầu có sừng, miệng há rộng, mắt sáng long lanh. Mỗi con rồng đều có một vẻ đẹp và thần thái riêng, thể hiện sức mạnh, sự uy nghiêm.


Bức tranh "Cửu long đồ" mô tả chín con rồng đang chộp lấy ngọc, xuyên qua đám mây, rượt đuổi và đùa giỡn giữa những làn sóng trắng xóa, thể hiện đầy đủ trạng thái vận động và biến đổi của chúng. Chín con rồng có hình dáng khác nhau, từ phải sang trái:

Con rồng đầu tiên vừa nhảy ra khỏi hang, lộ đầu và đuôi, ôm chặt tảng đá háo hức chờ đợi.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ nhất. (Miền công cộng)

Con rồng thứ hai chỉ lộ đầu và đuôi, tương hợp với sương mù kéo dài, đầu hướng về phía trước nhưng mắt liếc về phía sau nhìn lại con rồng đầu tiên.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 2. (Miền công cộng)

Con rồng thứ ba nhảy lên khỏi tảng đá, nhìn thẳng về phía trước với đôi mắt và đôi tai sáng, răng và móng vuốt lộ ra, vẻ mặt hung dữ.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 3. (Miền công cộng)

Con rồng thứ tư bị cơn sóng lớn bất ngờ cuốn vào vòng xoáy, nó vùng vẫy dữ dội, trong mắt lộ ra vẻ hung dữ, viên ngọc trên chân trái của nó dường như bị nghiền nát, tư thế vô cùng đau đớn.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 4. (Miền công cộng)

Con rồng thứ năm và thứ sáu hợp thành một nhóm, sừng của con rồng thứ năm đã rụng đi, nó đột nhiên vươn mình nhìn chằm chằm vào sáu con rồng đang lao tới, tạo thành tư thế chiến đấu.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 5 và 6. (Miền công cộng)

Con rồng thứ bảy đang vui đùa và bơi lội trong biển mây, suýt chút nữa bị lạc trong đó.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 7. (Miền công cộng)

Con rồng thứ tám bay vút qua mây mù, đuôi rũ xuống, mắt ngước lên kiêu hãnh.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 8. (Miền công cộng)

Con rồng thứ chín nghiêng người qua tảng đá và nhìn lại phía sau (con rồng thứ 8).

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 4. (Miền công cộng)

Bức "Cửu long đồ" được vẽ vào năm Thuần Hựu thứ tư (năm 1244), khi Trần Dung 56 tuổi, cũng là thời điểm phong cách sáng tạo nghệ thuật của ông đã đến độ chín.

Ý nghĩa của bức tranh "Cửu long đồ"

Bức tranh "Cửu long đồ" có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Về mặt văn hóa, bức tranh thể hiện niềm tin của người xưa vào sự tồn tại của loài rồng, cũng như sức mạnh và sự uy quyền của nhà vua. Rồng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của văn hóa truyền thống các nước Á Đông, tượng trưng cho sức mạnh, sự uy quyền, sự may mắn và thịnh vượng.

Về mặt nghệ thuật, bức tranh "Cửu long đồ" là một tác phẩm hội họa cổ Trung Quốc có giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Bức tranh được vẽ bằng kỹ thuật vẽ mực tàu trên giấy, với những nét vẽ phóng khoáng, uyển chuyển, mang đậm phong cách nghệ thuật của Trần Dung. Các con rồng được vẽ với những hình dáng, tư thế sống động, sinh động, khiến người xem có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng những con rồng đang sống động trước mắt.

Bức tranh "Cửu long đồ" là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao cả về mặt văn hóa và nghệ thuật. Bức tranh đã được lưu giữ và được nhiều thế hệ nghệ sĩ nghiên cứu, học hỏi.

Đồng thời, bức tranh "Cửu long đồ" của Trần Dung cũng đã trở thành hình mẫu kinh điển cho các nghệ sĩ vẽ rồng sau này. Những bức tranh rồng của Nhật Bản, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của bức “Cửu long đồ”. Ngay cả ở thời hiện đại, bóng dáng của Trần Dung vẫn có thể được nhìn thấy trong hình ảnh những con rồng Nhật Bản. Bức “Cửu Long ẩn vân” trên trần của lăn Khải Định ở Huế cũng có hình bóng bức “Cửu long đồ” của Trần Dung.

Bức Cửu Long Ẩn Vân trên trần lăng Khải Định. (Wikipedia/ Phương Huy/ SA-4.0)

Trần Dung (1210-1260) tự Công Trữ, hiệu Sở Ông, người Trường Lạc, Phúc Kiến, là họa sĩ thời Nam Tống. Ông đỗ tiến sĩ năm 1235, từ làm quan đến chức Thái thú Bồ Điền, Phúc Kiến. Thơ văn của ông hào tráng. Ông giỏi vẽ tranh, nổi tiếng nhất là vẽ rồng. Các tác phẩm truyền thế của ông gồm “Lâm vũ đồ”, “Mặc long đồ”, “Vân long đồ”, “Lục long đồ”, và “Cửu long đồ”.

Một phần bức tranh Lục Long Đồ của Trần Dung. (Hình ảnh qua SOH)

Năm 2017, trong một cuộc đấu giá ở New York, bức tranh “Lục long đồ” của Trần Dung được bán với giá xấp xỉ 49 triệu USD. Thế nên, giới chuyên môn cho rằng, bức “Cửu long đồ” của ông nếu bán sẽ có cái giá cao ngất.

Hoàng Mai / Theo: NTDTV