Thursday, February 29, 2024

BỨC TRANH CỔ "CỬU LONG ĐỒ" 800 TUỔI VẼ 9 CON RỒNG GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bức tranh vẽ 9 con rồng của một viên quan, một họa sĩ gần 800 năm trước, được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác, ảnh hưởng đến phong cách vẽ rồng của các họa sĩ đời sau cho đến cả ngày nay. Đồng thời, nó cũng được đánh giá là một báu vật, một tài sản khổng lồ.

Bức tranh cổ 800 tuổi vẽ 9 con rồng giá trị như thế nào? (Miền công cộng)

Bức tranh "Cửu long đồ" của Trần Dung

Bức tranh "Cửu long đồ" (九龍圖) của Trần Dung (陳容) là một trong những tác phẩm hội họa cổ Trung Quốc nổi tiếng nhất, được vẽ vào năm 1244 thời Nam Tống (960-1279). Bức tranh dài 11 mét, rộng 0,6 mét, có tuổi đời gần 800 năm này, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.

Bức tranh khắc họa chín con rồng đang bay lượn, bơi lội, quấn quanh núi non, cây cối. Chín con rồng trong toàn bộ bức tranh được đặt trong những ngọn núi hiểm trở, những đám mây, sương mù và thủy triều cuồn cuộn, với những hình thù hoàn toàn khác nhau xuất hiện trên cuộn giấy. Các con rồng có kích thước khác nhau, nhưng đều có thân dài, mình vẩy, đầu có sừng, miệng há rộng, mắt sáng long lanh. Mỗi con rồng đều có một vẻ đẹp và thần thái riêng, thể hiện sức mạnh, sự uy nghiêm.


Bức tranh "Cửu long đồ" mô tả chín con rồng đang chộp lấy ngọc, xuyên qua đám mây, rượt đuổi và đùa giỡn giữa những làn sóng trắng xóa, thể hiện đầy đủ trạng thái vận động và biến đổi của chúng. Chín con rồng có hình dáng khác nhau, từ phải sang trái:

Con rồng đầu tiên vừa nhảy ra khỏi hang, lộ đầu và đuôi, ôm chặt tảng đá háo hức chờ đợi.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ nhất. (Miền công cộng)

Con rồng thứ hai chỉ lộ đầu và đuôi, tương hợp với sương mù kéo dài, đầu hướng về phía trước nhưng mắt liếc về phía sau nhìn lại con rồng đầu tiên.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 2. (Miền công cộng)

Con rồng thứ ba nhảy lên khỏi tảng đá, nhìn thẳng về phía trước với đôi mắt và đôi tai sáng, răng và móng vuốt lộ ra, vẻ mặt hung dữ.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 3. (Miền công cộng)

Con rồng thứ tư bị cơn sóng lớn bất ngờ cuốn vào vòng xoáy, nó vùng vẫy dữ dội, trong mắt lộ ra vẻ hung dữ, viên ngọc trên chân trái của nó dường như bị nghiền nát, tư thế vô cùng đau đớn.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 4. (Miền công cộng)

Con rồng thứ năm và thứ sáu hợp thành một nhóm, sừng của con rồng thứ năm đã rụng đi, nó đột nhiên vươn mình nhìn chằm chằm vào sáu con rồng đang lao tới, tạo thành tư thế chiến đấu.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 5 và 6. (Miền công cộng)

Con rồng thứ bảy đang vui đùa và bơi lội trong biển mây, suýt chút nữa bị lạc trong đó.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 7. (Miền công cộng)

Con rồng thứ tám bay vút qua mây mù, đuôi rũ xuống, mắt ngước lên kiêu hãnh.

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 8. (Miền công cộng)

Con rồng thứ chín nghiêng người qua tảng đá và nhìn lại phía sau (con rồng thứ 8).

Cửu Long Đồ: con rồng thứ 4. (Miền công cộng)

Bức "Cửu long đồ" được vẽ vào năm Thuần Hựu thứ tư (năm 1244), khi Trần Dung 56 tuổi, cũng là thời điểm phong cách sáng tạo nghệ thuật của ông đã đến độ chín.

Ý nghĩa của bức tranh "Cửu long đồ"

Bức tranh "Cửu long đồ" có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Về mặt văn hóa, bức tranh thể hiện niềm tin của người xưa vào sự tồn tại của loài rồng, cũng như sức mạnh và sự uy quyền của nhà vua. Rồng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của văn hóa truyền thống các nước Á Đông, tượng trưng cho sức mạnh, sự uy quyền, sự may mắn và thịnh vượng.

Về mặt nghệ thuật, bức tranh "Cửu long đồ" là một tác phẩm hội họa cổ Trung Quốc có giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Bức tranh được vẽ bằng kỹ thuật vẽ mực tàu trên giấy, với những nét vẽ phóng khoáng, uyển chuyển, mang đậm phong cách nghệ thuật của Trần Dung. Các con rồng được vẽ với những hình dáng, tư thế sống động, sinh động, khiến người xem có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng những con rồng đang sống động trước mắt.

Bức tranh "Cửu long đồ" là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao cả về mặt văn hóa và nghệ thuật. Bức tranh đã được lưu giữ và được nhiều thế hệ nghệ sĩ nghiên cứu, học hỏi.

Đồng thời, bức tranh "Cửu long đồ" của Trần Dung cũng đã trở thành hình mẫu kinh điển cho các nghệ sĩ vẽ rồng sau này. Những bức tranh rồng của Nhật Bản, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của bức “Cửu long đồ”. Ngay cả ở thời hiện đại, bóng dáng của Trần Dung vẫn có thể được nhìn thấy trong hình ảnh những con rồng Nhật Bản. Bức “Cửu Long ẩn vân” trên trần của lăn Khải Định ở Huế cũng có hình bóng bức “Cửu long đồ” của Trần Dung.

Bức Cửu Long Ẩn Vân trên trần lăng Khải Định. (Wikipedia/ Phương Huy/ SA-4.0)

Trần Dung (1210-1260) tự Công Trữ, hiệu Sở Ông, người Trường Lạc, Phúc Kiến, là họa sĩ thời Nam Tống. Ông đỗ tiến sĩ năm 1235, từ làm quan đến chức Thái thú Bồ Điền, Phúc Kiến. Thơ văn của ông hào tráng. Ông giỏi vẽ tranh, nổi tiếng nhất là vẽ rồng. Các tác phẩm truyền thế của ông gồm “Lâm vũ đồ”, “Mặc long đồ”, “Vân long đồ”, “Lục long đồ”, và “Cửu long đồ”.

Một phần bức tranh Lục Long Đồ của Trần Dung. (Hình ảnh qua SOH)

Năm 2017, trong một cuộc đấu giá ở New York, bức tranh “Lục long đồ” của Trần Dung được bán với giá xấp xỉ 49 triệu USD. Thế nên, giới chuyên môn cho rằng, bức “Cửu long đồ” của ông nếu bán sẽ có cái giá cao ngất.

Hoàng Mai / Theo: NTDTV



6 KIỂU TRẺ EM DỄ BỊ XÃ HỘI ĐÀO THẢI NHẤT KHI TRƯỞNG THÀNH

"Tương lai của một đứa trẻ thường ẩn giấu trong tuổi thơ của nó".


Các nhà tâm lý học tin rằng thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách. Ở giai đoạn này, những nét tâm lý, thói quen ứng xử của trẻ bắt đầu hình thành và dần được củng cố.

Trong thế giới tuổi thơ của một đứa trẻ, mỗi hành động, mỗi lời nói đều giống như một mảnh ghép nhỏ, dần dần ghép lại xem về sau sẽ như thế nào. Trong thời gian này, từng tiếng cười, từng giọt nước mắt, từng lựa chọn, từng thất bại của các em đều âm thầm ảnh hưởng đến tương lai.

Khi lớn lên, 6 kiểu trẻ em dễ bị xã hội đào thải nhất có thể thấy ngay từ khi còn nhỏ:

1. Trẻ không tự lập: Phụ thuộc nhiều và thiếu khả năng giải quyết vấn đề

Cựu Giám đốc điều hành General Electric - Jack Welch từng nói: "Khả năng tự chủ là chìa khóa thành công". Ông nhấn mạnh rằng các cá nhân phải học cách giải quyết các vấn đề và thử thách một cách độc lập để thành công trong sự nghiệp.

Nhiều người trẻ phát hiện ra rằng họ thiếu khả năng giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống sau khi rời xa cha mẹ và sống tự lập. Điều này không chỉ giới hạn ở sự độc lập về thể chất mà quan trọng hơn là mức độ tâm lý. Sự trưởng thành của một người không chỉ là sự gia tăng về tuổi tác mà còn là sự tiến bộ về trí tuệ và khả năng. Chỉ khi một người học được cách tự lập thì người đó mới là một cá nhân mà xã hội cần.

2. Trẻ thiếu kỷ luật: Né tránh nỗ lực và khó đối mặt với thử thách

Nhà văn, diễn giả người Mỹ Jim Rohn có câu: "Kỷ luật tự giác là cầu nối dẫn đến thành công". Câu này nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật tự giác trong việc đạt được mục tiêu và ước mơ cá nhân.

Thiếu kỷ luật tự giác không chỉ hạn chế tiềm năng mà còn cản trở khả năng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Những đứa trẻ này cần được hướng dẫn và hỗ trợ nhiều hơn trên con đường trưởng thành để trau dồi lòng dũng cảm và sự kiên trì đối mặt với khó khăn mà không lùi bước.

3. Trẻ sợ thua: Thiếu can đảm đối mặt với thất bại và không sẵn sàng thử thách bản thân

Cầu thủ bóng rổ nổi tiếng người Mỹ Michael Jordan từng khẳng định: "Tôi có thể chấp nhận thất bại, nhưng tôi không thể chấp nhận việc không cố gắng". Quan điểm của Jordan nhấn mạnh đến lòng dũng cảm đối mặt với thất bại và tầm quan trọng của việc cố gắng. Đối với những đứa trẻ sợ thua cuộc, đây là một bài học quan trọng. Đối mặt với thất bại một cách dũng cảm không chỉ là một quá trình học hỏi mà còn là một quá trình trưởng thành.

Trong cuộc sống thực, nhiều trẻ từ bỏ cơ hội thử thách bản thân vì sợ thất bại và lo lắng về ý kiến của người khác. Nỗi sợ hãi này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân mà còn hạn chế khả năng khám phá tiềm năng và sở thích của các em.

Cha mẹ và giáo viên nên khuyến khích trẻ dũng cảm cố gắng. Dù đối mặt với thất bại nhưng đó là kinh nghiệm quý giá để học hỏi và trưởng thành. Điều quan trọng là rút ra bài học từ mỗi lần thử và tiếp tục tiến bộ, thay vì sợ thất bại và không chịu thực hiện.

4. Trẻ ích kỷ: Thiếu ý thức chung sống, hợp tác, khó thành công trong giao tiếp xã hội

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: "Tính cách của một người đàn ông không nằm ở cách anh ta cư xử trong những lúc thoải mái và thuận tiện, mà ở cách cư xử trong những lúc tranh cãi và thử thách".

Lời nói của Mandela nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc người khác trong làm việc nhóm và tương tác xã hội. Những đứa trẻ đặc biệt ích kỷ có thể đạt được những lợi ích nhất định trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tính cách này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa các cá nhân và khả năng thích ứng với xã hội của chúng.

Nhiều trẻ em có thể trở nên quá coi mình là trung tâm, điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng với bạn bè đồng trang lứa mà còn hạn chế cơ hội học tập tinh thần đồng đội và sự đồng cảm. Đặc điểm tính cách này có thể là trở ngại cho sự thành công trong tương lai của trẻ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng ý thức chung sống và hợp tác là rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

5. Trẻ không có chính kiến: Thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định

Theo cựu Tổng thống Mỹ Roosevelt: "Trong cuộc đời, bạn phải dám đứng lên và đưa ra những lựa chọn. Đừng chờ đợi cơ hội đến". Quan điểm của Roosevelt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ra quyết định cá nhân.

Những đứa trẻ không có quan điểm độc lập thường gặp khó khăn trong phát triển cá nhân và các mối quan hệ xã hội. Chúng quá tin tưởng vào ý kiến của người khác và thiếu tự tin, cảm thấy không thoải mái khi đưa ra những quyết định quan trọng.

Trách nhiệm quan trọng của cha mẹ và các nhà giáo dục là nuôi dưỡng khả năng tư duy và ra quyết định độc lập của trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển nhân cách mà còn là chìa khóa dẫn đến thành công trong tương lai.

6. Trẻ thiếu văn minh: Thiếu phép lịch sự và sự tôn trọng cơ bản, gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân

Lãnh tụ tinh thần Ấn Độ Gandhi từng nói: "Mức độ văn minh tỷ lệ thuận với mức độ lịch sự". Quan điểm của Gandhi nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sự và tôn trọng trong giao tiếp xã hội. Những đứa trẻ thiếu những phẩm chất cơ bản này sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ.

Một số trẻ có thể không học được phép lịch sự và tôn trọng cơ bản do thiếu sự giáo dục của gia đình hoặc vì những lý do khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh mà còn hạn chế khả năng xây dựng mối quan hệ tốt ở trường và nơi làm việc trong tương lai. Dạy trẻ tôn trọng người khác, sử dụng ngôn ngữ và cách cư xử lịch sự là chìa khóa giúp trẻ thành công trong xã hội.

Hiểu Đan / Theo: phunumoi

BÀI HỌC TỪ HAI TÊN ĐẠO TẶC


Có một lần hai đạo tặc đi ngang qua giá hành hình, một trong hai tên nói: “Ví dụ trên thế gian này không có vật hành hình đó, thì rất thuận lợi đối với nghề chúng mình!”

Người còn lại nói: “Đồ ngốc, hình phạt xử giảo là ân nhân của chúng ta. Nếu trên đời không có thứ hình phạt đó, như vậy thì càng có rất nhiều phe cướp giật, lúc đó cả hai chúng ta sẽ đói chết”.

BÀI HỌC TỪ HAI TÊN ĐẠO TẶC

Tôi kể câu chuyện này không phải dạy mọi người làm đạo tặc, mà nói tất cả các loại nghành nghề đều tồn tại sự canh tranh. Trên thế giới này, bạn không thể tìm được một công việc mà không ai cạnh tranh với bạn. Muốn có thành tựu trong công việc, nhất định bạn sẽ phải trải qua khó khăn gian khổ. Nếu muốn thành công trước tiên phải hoàn thiện bản thân. Bởi vì con ngựa khỏe có thể trải qua nguy hiểm, xe kiên cố có thể chở được vật nặng, một dòng sông không thể bằng một con thuyền nhỏ. Bạn có thể có cơ hội đi đến con đường phát huy bản thân, vậy cho nên nhất định phải nắm bắt cơ hội.

Không ai không muốn thành công nhưng cũng có rất ít người dám đối mặt với nguy hiểm. Con đường đi đến thành công luôn xuất hiện sự nguy hiểm. Con người có thể thoát khỏi ám ảnh của sự thảm bại, thì sẽ bộc phát được tiềm năng của bản thân. Thiết kế bản thân, trước tiên phải xác minh rõ sở trường và sở thích. Bạn có thể phát huy hết sở trường trong công việc mà mình yêu thích. Trong số hứng thú, đó chính là phần hạnh phúc.


Hoàn thiện bản thân, không ảo tưởng với tương lai, đó là những người hiểu rằng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Hoàn thiện bản thân: Dám đối mặt với sóng gió, gánh vác trọng trách.

Tràn đầy lòng tin đối với tương lai, nhưng không quá cầu toàn.

Đừng bao giờ hạ thấp tiềm năng của bản thân.

Phải vượt qua bản thân, đừng nên đố kỵ với người khác.

(Sưu tầm trên mạng)

RƯỢU VANG NHỨC ĐẦU ?


Ăn thì phải uống, lúc trước tôi có uống rượu mạnh, sợ cháy gan nên đổi uống bia. Lại bị gout nên đổi rượu vang đỏ. Tôi uống vang đỏ thì chưa thấy gì, chỉ khi nào uống nhiều quá thì hôm sau hay bị nhức đầu. Rượu nào mà không vậy, đắc tiền hay rẻ tiền thì uống nhiều cũng xỉn. Rượu uống mà không xỉn thì không là rượu. Tất cả những "chất say" đều có cùng một hệ quả không cần biết đó là rượu gì, nếu được kêu là rượu.

Hôm nay đọc bài phân tích của anh Vũ Thế Thành mới biết trong rượu cũng có thêm những chất phụ gia có thể gây độc nên đâm ra sợ. Không lẽ phải bỏ rượu ? Tôi biết một bác rất già hơn 85 tuổi. Bác bệnh, bác sĩ và gia đình khuyên bác bỏ rượu. Bác nói bác mà bỏ rượu thì chết còn sướng hơn. Bác vẫn tiếp tục uống và thời gian sau bác ấy chết. Vậy thì các bạn nói bác ấy chết vì rượu hay chết vì già và bệnh ? Tôi nghĩ bác ấy rất thoải mái mà đi không luyến tiếc gì. Ở một độ tuổi nào đó, kiêng cử không phải là một vấn đề cần thiết, mà cần sự thoải mái.

Thôi bây giờ mình đọc bài của anh Vũ Thế Thành xem thế nào. (LKH)


RƯỢU VANG NHỨC ĐẦU ?

Có người uống rượu mạnh (trên 40 độ) khoẻ re, nhưng uống vài ly rượu vang (13 độ) hôm sau lại than nhức đầu. Cũng có khi ngược lại, uống rượu mạnh nhức đầu, rượu vang lại khoẻ. Rượu nào cũng là cồn (ethanol), loại nhức loại không, như vậy cồn không thể gây nhức đầu. Mấy bợm nhậu kháo nhau, là do rượu vang có chứa sulfite nên mới gây nhức đầu. Nói thế là oan cho rượu vang, ức cho sulfite.

Để thêm phần “rùng rợn”, xin nói luôn, sulfite là chất mà báo chí trong nước thường la toáng lên là thuốc tẩy trắng. Nhưng cũng xin nói luôn, sulfite là chất phụ gia được phép dùng trong một số loại thực phẩm.

Đúng là vang nào cũng có sulfite

Có khoảng 5-6 loại sulfite. Ở Việt Nam phổ biến dùng loại sodium metabisulfite. Chất sulfite được dùng làm chất bảo quản trong các loại mứt, trái cây khô. Nhờ có tính khử mạnh (chống oxýt hoá), nên sulfite cũng được dùng tẩy trắng đường ăn, mực, bạch tuộc, hay chống đốm đen ở tôm. Dĩ nhiên phải dùng với liều lượng cho phép.

Sulfite dùng trong rượu vang để ức chế sự lên men quá trớn, tiện tay ức chế luôn sự oxýt hoá rượu thành aldehyde (khó ngửi) hay thành acid acetic (hoá chua) của rượu. Nhờ đó, khui chai rượu mới thưởng thức được hương thơm dịu dàng của bồ đào tửu. Đôi khi bia cũng dùng đến sulfite cho mục đích này.

Có điều thú vị là, vang đỏ chứa ít sulfite hơn vang trắng. Sao vậy? Vang đỏ được lên men từ trái nho còn vỏ (cà ép ra nước). Trong vỏ nho có chất chát tannins. Chất này cũng có đặc tính chống oxýt hoá như sulfite, thành thử vang đỏ xài ít sulfite hơn vang trắng.

Châu Âu và Mỹ quy định mức sulfite tối đa cho rượu vang đỏ là 160 ppm (phần triệu), còn vang tráng là 210 ppm. Rượu mùi, rượu vang của Việt Nam không biết thế nào, chứ ở Âu Mỹ, quy định này được mấy lò rượu chấp hành nghiêm chỉnh. Rượu đã là thứ lắm người không ưa, bị dòm ngó từ nhiều phía. Không tuân thủ có mà chuyện bé xé to.


Bị suyễn nên tránh sulfite

Sulfite nói chung là vô hại, chẳng tội tình gì phải ngán! Nhưng sulfite không hợp với những người bị suyễn, và những người thiếu enzyme tiêu hoá sulfite. Những người xui xẻo bẩm sinh này đành phải kiêng cử rượu vang. Chuyển sang uống rượu…mạnh chắc là không sao (!)
Chắc chắn 99,99 % rượu vang trên thị trường đều có sulfite với dư lượng khác nhau, nhưng cũng có một số rất ít rượu vang không sulfite dành cho những người bị dí ứng, hoặc… “siêu sạch”. Rượu vang loại này không để lâu được, chỉ chừng vài tháng, mùi vị cũng chán phèo. Uống rượu kiểu đó, thà… ngắm rượu sướng hơn.

Cũng lưu ý, bị suyễn hay dị ứng với sulfite cũng phải kiêng tất cả thực phẩm chứa sulfite. Mứt, trái cây khô chứa cả ngàn ppm sulfite. Rượu vang nhẹ hều, dưới 160, và trong tôm không quá 100 ppm. Luật của Mỹ năm 1986, cấm dùng sulfite để bảo quản rau quả tươi ăn sống, như táo, xà lách,…

Ở Mỹ và Châu Âu buộc phải dán nhãn cảnh báo (contains sulfites) những thực phẩm chứa sulfite để người người bị suyễn hay dị ứng né tránh.

Không tìm sao thấy

Đúng là một số ít người uống rượu vang đỏ bị nhức đầu, và người ta gọi đó là hội chứng RWH (red wine headache syndrom). Nguyên nhân vì sao đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được, nhưng chắc chắn là không phải do sulfite trong rượu vang đỏ. Nhiều người uống vang trắng không sao, nhưng dùng vang đỏ là có chuyện. Như đã nói ở trên, vang trắng có nhiều sulfite hơn vang đỏ.

Một giả thuyết cho rằng đó là do lượng histamine, vì người ta tìm thấy lượng histamine trong vang đỏ nhiều hơn vang trắng. Giả thuyết này chưa được kiểm chứng. Mà làm sao kiểm chứng được, ít ra là với tôi, người viết bài này: uống vang trắng nhức đầu, vang đỏ khoẻ re.
Uống bia rượu đã thiệt, nhưng bị nhức đầu cũng là chuyện thiệt. Nhức đầu đủ kiểu, từ cái thân cho đến tinh thần. Khoa học đến nay vẫn chưa hiểu rõ vì sao uống rượu lại ra nông nỗi thế. Có người cho là do acetaldehyde và methanol trong rượu chưng cất (rượu cao độ), hay do histamine trong rượu lên men,… Và còn nhiều giả thuyết nữa, nói ra e nản lòng chiến sĩ.
Tờ New York Time dẫn lời của bác sĩ Freitag, giám đốc bệnh viện Diamond Headache Clinic ở Chicago thế này : “ Nếu bạn thích vang đỏ, cứ thử đủ nhãn hiệu, đủ xuất xứ, thì sẽ tìm ra loại vang thích hợp không bị nhức đầu”.

Xét cho cùng, uống vang nhức đầu chỉ là thiểu số, chứ đa số vẫn vô tư. Nếu có nhức đầu là do… vạ miệng, chứ không phải do bản chất rượu vang.

Vũ Thế Thành

Wednesday, February 28, 2024

VÌ SAO NGƯỜI NHẬT THÍCH NGỦ TRÊN SÀN NHÀ THAY VÌ GIƯỜNG?

Ngủ trên sàn nhà là một truyền thống đã có từ lâu đời tại xứ Phù Tang, gắn liền với “văn hóa Tatami”.

Khách du lịch đến Nhật Bản sẽ được trải nghiệm ngủ trên sàn chiếu tatami khi nghỉ tại các lữ quán ryokan. Ảnh: Canva

Du khách quốc tế khi ghé thăm đất nước mặt trời mọc có thể sẽ lấy làm ngạc nhiên khi trải nghiệm ngủ trên sàn nhà trong một căn phòng truyền thống của Nhật. Dưới đây là lý do giải thích vì sao người Nhật lại ưa chuộng nằm ngủ dưới sàn hơn trên giường.

Phong tục với hàng trăm năm lịch sử

Bằng chứng về việc ngủ trên sàn ở Nhật đã có từ thế kỷ thứ 8 khi những tấm thảm gai dầu được trải trên sàn cứng để ngủ. Trong thời kỳ Nara (710-794), tầng lớp quý tộc ưa chuộng việc ngủ trên sàn với thảm gai dầu lót phía dưới thân và chăn bông phủ lên người với mục đích giữ ấm trong đêm lạnh.

Thói quen trong quá khứ này đã dần hình thành nên một phong tục truyền thống. Mặc dù ngày nay nhiều người đã chuyển sang sử dụng giường nhưng phong tục ngủ trên sàn nhà vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ và phổ biến với nhiều gia đình.

Nhiều người Nhật ngày nay vẫn chuộng ngủ trên sàn nhà. Ảnh: Pixta

Văn hóa tatami

Với người Nhật, ngủ trên nhà không phải là việc thả người thẳng xuống nền nhà lạnh lẽo và nằm co ro mà ngủ. Thực tế phong tục này gắn liền với chiếu tatami, từ chiếc chiếu này mà hình thành nên một “văn hóa ngủ” đặc sắc ở đất nước mặt trời mọc.

Chiếu tatami được tạo ra từ thế kỷ thứ 8, làm từ rơm khô đan ép chặt với nhau để tăng độ đàn hồi và tạo cảm giác êm ái, bao bên ngoài bằng cỏ Igusa (cỏ bấc đèn) hoặc cói. Đây là thứ không thể thiếu trong một căn phòng truyền thống của Nhật để bạn an giấc trên sàn nhà.

Ngoài ra còn có nệm futon truyền thống Nhật Bản, được dùng để trải trên chiếu tatami. Và một giấc ngủ ngon trên sàn nhà thì không thể thiếu makura - chiếc gối chứa đầy vỏ kiều mạch hay đậu. Còn có chăn lông vũ truyền thống được gọi là kakebuton, thường được làm từ sợi tơ tằm; kakebuton mỏng nhưng cho phép giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt phù hợp tùy theo thời tiết.

Tatami và futon. Ảnh: Canva

Lợi ích sức khỏe khi ngủ trên sàn

Trong những tháng mùa hè nóng và ngột ngạt, đặc biệt là ở các không gian đô thị thì ngủ trên sàn là lựa chọn lý tưởng. Chiếu tatami nhẹ và thoáng khí khi đặt trên sàn nhà cho phép không khí mát lưu thông (không khí ấm bốc lên, không khí mát lắng xuống sàn).

Nhiều chuyên gia cho rằng ngủ trên đệm dày lúc đầu sẽ êm ái nhưng sau một thời gian sử dụng, đệm dần bị lún sẽ gây ra áp lực không đồng đều lên xương, khiến cột sống bị cong và xuất hiện hiện tượng đau lưng. Ngủ trên chiếu tatami lại khác, kết cấu tương đối cứng của chiếu rất tốt cho sự phát triển của xương, giữ cho cột sống được thẳng.

Mùi của chiếu tatami rất đặc biệt và các chuyên gia trị liệu mùi hương cho rằng nó có tác dụng làm dịu hệ thần kinh một cách tự nhiên.

Ngoài ra, chiếc gối makura truyền thống hỗ trợ cho đầu và cổ của người ngủ, thoáng khí và ngăn ngừa ẩm mốc, là trợ thủ đắc lực cho một giấc ngủ sâu.

Có câu "Giấc ngủ là vàng", thời gian ngủ chất lượng sẽ đem đến những lợi ích tốt đẹp cho sức khỏe của con người.

Ảnh: Canva

Tiết kiệm không gian

Nhật Bản là nơi đất chật người đông, đặc biệt ở các thành phố lớn như Tokyo thì diện tích sống của mỗi người là rất ít ỏi. Vì vậy căn hộ của người Nhật khá nhỏ, một số gia đình bố trí phòng khách thành phòng ngủ bằng cách trải futon ra sàn, sau khi thức dậy thì gấp lại gọn gàng rồi cất đi. Việc này giúp tiết kiệm diện tích, tối giản không gian sống, đồng thời cũng rất tiện khi có khách đến thăm và ngủ lại.

Vì các gia đình, căn hộ tại Nhật thường lắp đặt hệ thống sưởi dưới sàn nhà vào mùa đông nên nhiều người sẽ cảm thấy thoải mái, ấm áp khi ngả mình xuống sàn và chìm vào giấc ngủ.

Futon sử dụng xong có thể xếp gọn và để vào ngăn tủ. Ảnh: Canva

Đảm bảo an toàn

Nhật Bản là quốc gia có tần suất xảy ra động đất tương đối cao, khi xảy ra động đất thì khung giường lớn và nặng có thể gây thương tích cho những người trong phòng hoặc cản trở, chặn lối thoát hiểm. Vì vậy ngủ trên sàn cũng là lựa chọn an toàn để người dân đối phó với thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Theo: kilala

GỌI EM HAI TIẾNG "MÌNH ƠI!"

Vợ chồng xưng hô với nhau bằng Chồng ơi – Vợ ơi, Bố ơi – Mẹ ơi, Anh ơi – Em ơi, hoặc Mình ơi thì đến già vẫn yêu thương mặn nồng, kẻ thứ 3 khó có chỗ chen chân vào.


Những từ ngữ trên là cách gọi vừa thể hiện chủ quyền sở hữu, trách nhiệm, và tình cảm mà cả hai dành cho nhau. Trong những cách vợ chồng gọi nhau, gọi nhau bằng “mình”, là cách gọi thân thương nhất, nhẹ nhàng nhất, và thấm đậm tình cảm nhất.

Trong hôn nhân, vợ chồng sống với nhau quan trọng là hai chữ “hòa thuận”. Người chồng trọng nhất là giữ nghĩa với vợ, người vợ trọng nhất là giữ tiết với chồng. Cư xử với nhau theo phương châm: “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng quý nhau như khách. Vì nếu “phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành”. Vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo.

Xét về phẩm chất của người vợ, theo truyền thống văn hóa từ xưa, người vợ phải đảm bảo đủ “tam tòng, tứ đức”. Tam tòng là người con gái ở nhà thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con. Tứ đức là: Công, dung, ngôn, hạnh. Quan điểm tam tòng có thể thay đổi để hòa nhập theo văn hóa và xã hội hiện nay, nhưng tứ đức thì đời nào cũng đáng quý.


VỢ CHỒNG XƯNG HÔ VỚI NHAU

Đối với văn hóa Âu Mỹ, người Anh hay Mỹ vợ chồng gọi nhau bằng tên. Thí dụ, John, Peter, James, Mary, Ann, Teresa… Trong cách xưng hô lãng mạn, họ gọi nhau là beau, beloved, darling, dear, dearest, dearie, hoặc honey.

Người Pháp cũng gọi nhau bằng tên: Jean, Jacques, pierre, Paul… Thân mật hơn họ gọi nhau mon hay ma Chéri (e), mon (ma) petit (e), cheri (e), mon, amour.

Người Trung Hoa, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê hay nương tử. Người vợ gọi chồng là tướng công, phu quân hay lang quân.

Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, theo Nho học, tại Việt Nam vợ được gọi là thê, phụ. Những gia đình theo cổ tục đa thê trước đây, vợ chính, vợ cả, vợ lớn gọi là đích thê, chính thê, phát thê, chính thất, hay chủ phụ. Vợ sau, vợ lẽ là kế thất. Trong cách thân mật, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê, nương tử. Khi xưng hô với người khác, chồng gọi vợ là phu nhân, và vợ gọi chồng là phu quân. [1]


GỌI NHAU HAI TIẾNG MÌNH ƠI

Từ sự phong phú của ngôn ngữ Việt, vợ chồng xưng hô với nhau bằng nhiều từ ngữ thân mật, dịu dàng mà cũng rất lãng mạn tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Trong thời gian hẹn hò, quen biết, đôi trai gái thường gọi nhau bằng tên. Khi “tình trong như đã,” thì xưng hô anh em với nhau. Và sau khi nàng đã theo chàng về dinh, trong đời sống hôn nhân cả hai đã trở nên một, lúc đó vợ chồng gọi nhau, xưng hô với nhau là anh, em, chồng, vợ. Dù chồng kém tuổi hơn vẫn gọi là anh. Những cặp đã có con thì chữ anh hay em được thay bằng “bố’ hoặc “mẹ”, để gọi thay cho con. Thí dụ, bố thằng Tý, mẹ con Mơ. Và khi về già họ gọi nhau là “ông” hoặc “bà”: Ông nó đâu rồi? Bà đang làm gì vậy?…

Tuy nhiên, cách gọi thân thiện nhất, tình tứ nhất và cũng lãng mạn nhất, đó là vợ chồng gọi nhau bằng “mình”.

MÌNH ƠI TIẾNG RU NGỌT NGÀO

“Mai này đây người em thơ nhỏ bé.
Có anh vuốt vai gầy, ngắm làn môi thắm thơ ngây.
Trọn đời chung đôi mãi yêu như ngày cưới.
Hai đứa kêu nhau ‘Mình ơi!’”[2]

Tự điển tiếng Việt định nghĩa chữ “mình” như sau:
– Đại từ vợ chồng gọi nhau thân mật.
– Đại từ ngôi thứ hai, dùng thân mật: “Mình về mình nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” (Ca dao). [3]

Bùi Giáng đã mặc cho chữ mình ở đây bằng một tên gọi khác cũng có trong văn chương Việt Nam qua hai câu thơ:

“Mình ơi! Tôi gọi là nhà,
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”.

Như vậy, từ tiếng mình, vợ chồng Việt Nam còn gọi nhau là “nhà tôi” khi nói về chồng hay vợ mình với người khác. Chữ nhà tôi đây không phải để chỉ về một ngôi nhà, một nơi ở, một tổ ấm của hai vợ chồng, mà còn để nói lên tính chất sở hữu, lệ thuộc và trách nhiệm đối với nhau. Nhà tôi chỉ vợ hoặc chồng khác với cái nhà “house”, và cũng khác với “home” là tổ ấm, chỗ ở, và quê hương, tuy cả hai trong tiếng Anh cũng gọi là nhà. Chính vì thế mà nhiều người tuy có house, nhưng chưa có home. Có nghĩa là tuy sống trong căn nhà nhưng không phải là tổ ấm gia đình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm!”.


Chữ mình của người Việt Nam dùng để gọi vợ hoặc chồng còn phát xuất từ ý nghĩa trung thực nhất, thâm thúy nhất và cao cả nhất trong chương trình sáng tạo và hình thành đời sống hôn nhân của Tạo Hóa. Trở về với những ngày đầu sáng tạo, và mục đích hôn nhân trong ý muốn của Thượng Đế, Thánh Kinh kể rằng chính Thượng Đế đã tạo dựng và phối hợp cho đôi vợ chồng đầu tiên trong vườn Địa Đàng: “Rồi từ chiếc xương sườn mà Thiên Chúa lấy từ đàn ông, Ngài đã làm nên một người đàn bà và mang đến cho nó. Và người đàn ông nói: “Bây giờ, đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi, nàng sẽ được gọi là ‘đàn bà’, vì nàng được lấy ra từ đàn ông”. Vì lý do này, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và nên một với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Sáng Thế 2:22-24).

Như vậy, vợ chồng không còn là hai mà là một. Ý nghĩa vừa tôn giáo, vừa tâm lý và vừa thể lý này dẫn đến việc vợ chồng coi nhau là xương, là thịt của mình và của nhau. Một phần mình là của người kia, và một phần mình của người kia là của mình. Cả hai đều bình đẳng, đều có giá trị như nhau trong đời sống hôn nhân của hai người. Cả hai tạo thành một nhân vị, một con người trong ý nghĩa sáng tạo. Tư tưởng bình quyền từ tiếng vợ chồng gọi nhau là mình cũng được tìm thấy ở đây. Từ đó suy ra việc vợ chồng hòa quyện với nhau trong hành động sinh lý không còn là một việc làm hoàn toàn mang tính cách xác thịt, phàm tục, nhưng là một hành động nuôi dưỡng tình yêu, tiếp tay trong việc tạo dựng của Thượng Đế. Đây là lý do tại sao những kẻ gian dâm, ngoại tình là những người không tôn trọng chính mình, không tôn trọng vợ hay chồng của mình. Họ tự tay phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của họ. Chúng ta cũng có lý do để tin rằng trong xưng hô hằng ngày với nhau, những người này không bao giờ gọi nhau bằng những tiếng thân thương như: chồng ơi, vợ ơi, bố ơi, mẹ ơi, anh ơi, em ơi. Đặc biệt là mình ơi!


Bức tranh về đôi vợ chồng đầu tiên đã được thi sỹ Nghinh Nguyễn dệt thành bài thơ tuyệt vời bằng những chữ mình rất say đắm, mặn mà, và linh động:

Mình ơi! Tiếng gọi nhà tôi,
Lời yêu mộc mạc từ thời cổ sơ.
Địa đàng qua một giấc mơ,
Chúa đưa mình đến kết tơ duyên đầu.
Mối tơ duyên thật nhiệm mầu,
Khu vườn hiển hiện một bầu trời thơ.
Xa mình – mình thấy bơ vơ,
Vắng nhà tôi – lại ngẩn ngơ trông tìm.
Bên mình – mình thấy dịu êm,
Xa mình – mình thấy bóng đêm thêm dài.
Nhớ mong, hờn giận chia hai,
Bởi hai trong một nối dài sợi thương.
Tiếng yêu xưa thật bình thường,
Mà sao sâu lắng keo sơn nghĩa tình?
Nhà tôi – mình hởi ơi mình!
Tiếng mình yêu đó kết tình lứa đôi.
Trăm năm tóc bạc da mồi,
Trong ân nghĩa thánh mình tôi hiệp hòa.
Bởi mình là nửa của ta,
Còn ta hơn một phần ba nơi mình….

Thương dùm con chữ… mình ơi! [4]

Click để nghe Trường Vũ-Như Quỳnh hát 

Những vần thơ có cánh trên cũng như những lời ngọt ngào, lãng mạn trong bản tình ca của nhạc sỹ Minh Kỳ, và cùng với những tiếng “mình ơi!” và “nhà tôi” trong thơ Bùi Giáng đã nhắc tôi nhớ đến “chiếc xương sườn” của mình. Nàng chính là người yêu của tôi, bà xã của tôi, vợ tôi và nhà tôi. Nàng đã cho tôi biết thế nào là vị ngọt của tình yêu. Đã đem lại cho tôi những nụ cười, những ánh mắt trìu mến, nhưng cũng đã lấy đi ở tôi những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc, đôi khi hối hận vì đã không làm gì hơn để cám ơn, và để trân quý món quà mà Thượng Đế đã ban tặng. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của nàng, một lần nữa tôi muốn gói trọn tình cảm của mình trong tiếng gọi dịu dàng và âu yếm: “Mình ơi!”

Trần Mỹ Duyệt

Tài liệu tham khảo:

1.https://vietbrooms.com/2022/06/08/cach-xung-ho-va-thu-bac-trong-gia-toc-va-xa-hoi-viet-nam-xua/
2.“Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương”. Nhạc sỹ Minh Kỳ
3.Từ Điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Hồng Đức.
4. Mình ơi!Nghinh Nguyên. Vườn Thơ Tkaraoke.
https://poem.tkaraoke.com/31535/minh_oi.html



LẠC HOA - HÀN DŨ


Lạc Hoa - Hàn Dũ

Dĩ phận tương thân trước địa phi,
Na tu tiễn đạp tổn quang huy.
Vô đoan hựu bị xuân phong ngộ,
Xuy lạc tây gia bất đắc quy.


落花 - 韓愈

已分將身著地飛
那羞踐踏損光暉
無端又被春風誤
吹落西家不得歸


Hoa rụng (Người dịch: Nguyễn Minh)

Biết thân là cánh hoa rơi
Đâu còn xấu hổ bị đời đạp chân
Khi không còn bị gió xuân
Vô tình thổi lạc sang sân nhà người


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Hàn Dũ 韓愈 (768-824) tự là Thoái Chi 退之, sinh quán ở Nam Dương nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tổ phụ là người huyện Xương Lê nên ông thường tự xưng là Hàn Xương Lê 韓昌黎. Ông sinh năm 768, mất năm 824 và do đó được xếp vào những tác gia của Trung Ðường.

Nguồn: Thi Viện

TẠI SAO MÓN BÚN ỐC "LUOSIFEN" LẠI HOT Ở TRUNG QUỐC NHƯ THẾ?

Luosifen (螺螄粉) - món bún ốc nổi tiếng với mùi hăng và vị cay, đang là xu hướng ẩm thực trong nhiều năm qua. Đây là một trong những loại thực phẩm ăn liền bán chạy nhất ở Trung Quốc và đã để lại dấu ấn trong lĩnh vực thực phẩm. Vậy, tại sao nó lại nổi tiếng như thế?


Nguồn gốc của món Luosifen (螺螄粉)

Luosifen có nguồn gốc ở Liễu Châu, một thành phố ở tỉnh tự trị Quảng Tây phía bắc trung tâm của Trung Quốc. Món ăn này có bún ngâm trong nước dùng cay, bên trên là các nguyên liệu được trồng tại địa phương bao gồm măng, đậu que, củ cải, đậu phộng và vỏ đậu phụ.

Đối với một người dân địa phương Liễu Châu, ngoài mùi hôi thối ban đầu, một bát luosifen là một hỗn hợp thơm ngon với hương vị phong phú và phức tạp – chua, cay, mặn và mọng nước.

Món Luosifen

Những món mì này là một món ăn đặc sản ở thành phố Liễu Châu. Chúng nổi tiếng ở đây đến nỗi chúng thậm chí còn có bảo tàng riêng, nơi bạn được đưa vào hành trình khám phá lịch sử và quá trình sản xuất luosifen, và thậm chí có thể dùng thử chúng.

Thành phần của món bún ốc

Điểm nổi bật của món luosifen cổ điển là nước dùng hầm với ốc sông và xương lợn, nêm nếm với nhiều loại gia vị và thảo mộc, để mang lại vị đậm đà và thơm.

Món ăn này có nhiều lựa chọn ăn kèm như củ cải khô, đậu phộng chiên, đậu phụ chiên, mộc nhĩ, rau xanh. Chân vịt om, trứng rán và giò heo om là ba món ăn kèm giàu protein kinh điển không thể thiếu.

Thành phần món Luosifen

Tuy nhiên, mùi và vị “hôi thối” của luosifen đến từ măng chua ngâm chua, được làm bằng cách luộc những măng tươi và sau đó đậy kín trong hộp cho đến khi có vị chua và hôi.

Luosifen thường được phục vụ nóng với súp, nhưng cũng có phiên bản khô, trộn mì với các loại gia vị đậm đà và rất lý tưởng cho thời tiết nóng. Nó cũng bớt cay hơn nếu không có nước súp nóng với dầu ớt nổi lên trên.

Linh hồn của món Luosifen

Măng địa phương là thứ mang lại linh hồn cho món mì. Mùi hương khó chịu được cho là của Luosifen đến từ “suan sun” lên men (măng chua). Các nhà sản xuất cho biết, mặc dù được sản xuất tại một nhà máy, nhưng mỗi gói măng được bán cùng với luosifen đều được làm thủ công theo truyền thống của Liễu Châu.

Măng được đánh giá cao ở Trung Quốc, kết cấu giòn và mềm của chúng khiến chúng trở thành một thành phần hỗ trợ trong nhiều công thức nấu ăn dành cho người sành ăn.

Măng là linh hồn của món bún ốc

Tuy nhiên, khi tre phát triển nhanh, thời gian nếm thử của măng rất ngắn, điều này đặt ra những thách thức cho việc chuẩn bị và bảo quản. Để giữ được độ tươi ngon nhất, những người nông dân ở ngoại ô Liễu Châu dậy từ trước bình minh để đi hái. Họ sẽ lấy phần ngọn của tre, vì nó vừa mới trồi lên khỏi mặt đất, họ cẩn thận cắt bỏ các chồi phía trên thân rễ. Trước 9h, măng tre được thu hoạch và giao cho nhà máy chế biến.

Măng sau đó sẽ được tuốt vỏ, gọt vỏ và thái sợi. Các lát sẽ ngâm trong nước sốt ít nhất 2 tháng. Nước sốt bí mật của măng chua là sự pha trộn của nước suối Liễu Châu địa phương và nước măng chua lâu năm. Mỗi đợt mới chứa 30 đến 40% nước cũ.

Luosifen - Thực phẩm lành mạnh tiện lợi

Luosifen đóng gói sẵn được nhiều người mô tả là “phiên bản cao cấp của mì ăn liền”, thường đi kèm với tám thành phần trở lên trong các gói hút chân không. Khiến nó trở thành một trong những món ăn nhẹ bán chạy nhất trong khu vực trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Luosifen sử dụng các loại gia vị - hoa hồi, ớt gây tê, thì là và quế - làm chất bảo quản tự nhiên ngoài hương liệu. “Tùy thuộc vào công thức, có ít nhất 18 loại gia vị trong nước dùng”. Thay vì thêm bột tạo hương vị, nước dùng luosifen - thường được cô đặc trong các gói - được tạo ra thông qua quá trình nấu kéo dài, với số lượng lớn ốc, xương gà và tủy lợn được đun sôi trong hơn 10 giờ.

Luosifen đóng gói

Quá trình công phu cũng được áp dụng cho sợi mì - nhân vật chính của món ăn. Từ nghiền ngũ cốc đến hấp, sấy khô rồi đóng gói, phải mất ít nhất bảy quy trình được thực hiện trong suốt hai ngày. Thời gian đã được rút ngắn đáng kể nhờ tự động hóa để đạt được trạng thái hoàn hảo. Dù được nấu chín như thế nào, sợi mì vẫn sẽ mềm và trơn, đồng thời tạo ra tất cả các hương vị đậm đà trong bát.

Những gói mì luosifen ăn liền có chứa mì gạo khô, nước súp cô đặc và các loại gia vị truyền thống là một cách thuận tiện để chế biến và thưởng thức món ăn tại nhà, tránh xa đám đông. Điều quan trọng là phải đọc hướng dẫn, vì hầu hết các gói đều yêu cầu luộc mì trong thời gian nhất định thay vì ngâm chúng trong nước sôi như mì ăn liền thông thường.

Cơn sốt luosifen ở Trung Quốc

Cơn sốt luosifen ở Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi văn hóa đại chúng – bao gồm các chương trình ẩm thực, meme và video mukbang.

Một trong những video có luosifen được xem nhiều nhất là của Li Ziqi, một blogger người Trung Quốc giới thiệu các phong cách nấu ăn truyền thống, với mọi thứ được làm từ đầu và có nguồn gốc từ vùng nông thôn thơ mộng.

Đến năm 2010, luosifen đã thu hút được nhiều người theo dõi sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu ẩm thực nổi tiếng “ A Bite of China ”.

Món Luosifen hot nhất Trung Quốc

Vào năm 2020, những người có ảnh hưởng trực tuyến với hàng chục triệu người theo dõi đã bắt đầu viết blog về món ăn vặt “ngon kinh khủng” này. Sự kết hợp giữa marketing trực tuyến và quảng cáo truyền miệng đã khiến món bún ốc trở nên nổi rần rần.

Ngoài ra, còn có một chương trình dạy nghề bún ốc do chính quyền địa phương thành lập vào năm 2020 để đào tạo các đầu bếp chế biến món ăn này. Ở ngoại ô Liễu Châu, thành phố cũng đã xây dựng một thị trấn du lịch bún ốc. Ở đó, chính quyền thành phố cũng tổ chức lễ hội bún ốc hàng năm với các cuộc thi làm bún và ăn bún.

Vào tháng 6 năm 2021, luosifen đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới nhất do Hội đồng Nhà nước công bố.


Là một món ăn đặc trưng của Liễu Châu, món ăn này đã làm cho thành phố trở nên nổi tiếng và thịnh vượng. Hơn nữa, sự nổi tiếng trên toàn quốc của món bún ốc này đã thổi một luồng sinh khí mới vào Liễu Châu nói riêng và ngành du lịch Trung Quốc nói chung.

Liễu Châu được biết đến với nhiều thứ: những ngọn đồi thoai thoải, phong cảnh núi đá vôi tuyệt đẹp và không khí trong lành. Nhưng khi bạn nghĩ về ẩm thực Liễu Châu, đó chắc chắn phải là luosifen (hay được gọi là bún ốc). Chính vì vậy, nếm thử bún ốc chính là một điều nhất định bạn phải làm khi đi du lịch Liễu Châu.

Phạm Thương / Theo: dulichvietnamhanoi
Link tham khảo:




LẠC VÀO SA KHÊ CỔ TRẤN – CHỐN TIÊN CẢNH TRONG PHIM “ĐI ĐẾN NƠI CÓ GIÓ” CỦA LƯU DIỆC PHI

Năm 2023 là năm của sự bùng nổ với những thước phim “chữa lành” dành cho giới trẻ. Trong đó không thể không nhắc đến Lưu Diệc Phi – Mỹ nhân màn ảnh Trung Hoa với bộ phim dài tập Đi đến nơi có gió làm mưa làm gió trên mọi diễn đàn. Phim cảm hóa được người xem không chỉ ở nội dung ý nghĩa, dàn diễn viên nam thanh nữ tú,… mà còn ở cảnh quay tại những cảnh điểm được xem là hút hồn. Hôm nay Kim Liên Travel sẽ đưa bạn đến với Sa Khê cổ trấn – Một trong những điểm được xem là “tiên cảnh” ăn khách nhất bộ phim. Gét goooo!

Lạc vào Sa Khê cổ trấn – chốn tiên cảnh trong phim “Đi đến nơi có gió”

Vài nét về Sa Khê cổ trấn (沙溪古镇)

Sa Khê cổ trấn hay còn biết đến với tên gọi là thị trấn Shaxi, là ngôi làng cổ kính nghìn năm tọa lạc tại phía đông nam của huyện Kiếm Xuyên, tỉnh Vân Nam. Nơi đây cách quận lỵ khoảng 32km, nằm giữa ba khu du lịch lớn của tỉnh Vân Nam đó là Đại Lý, Lệ Giang và Shangri-La.

Có vị trí địa lý khá trung tâm với tổng diện tích 287km2, Sa Khê cổ trấn là một trong số những ngôi làng văn hóa lâu đời được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay. Vừa là một điểm cư dân sinh sống cũng như khu danh thắng cho du khách tham quan.

Vài nét về Sa Khê cổ trấn

Bằng nét cổ kính duyên dáng mà nền văn hóa phong phú, đang dạng đượm màu sử thi va chạm với nét tân thời hiện đại len lỏi trong mọi ngóc ngách, Sa Khê cổ trấn đã liên tiếp giành được danh hiệu “Thị trấn văn hóa và lịch sử tỉnh Vân Nam”, “Thị trấn lịch sử và văn hóa quốc gia”, “Thị trấn du lịch Vân Nam” và “Làng di sản văn hóa nông thôn Trung Quốc”,… Bởi vậy, nơi đây mới được lựa chọn làm cảnh quay trong những thước phim lãng mạn Đi đến nơi có gió.

Khám phá cảnh sắc của Sa Khê cổ trấn

Trung Quốc từ lâu vốn dĩ đã rất nổi tiếng là một quốc gia có nền kinh tế phát triển top đầu thế giới với sự bắt kịp xu hướng hiện đại hóa bậc nhất. Nhưng không vì thế mà nền văn hóa và lịch sử nơi đây dễ bị hòa tan, trái lại, rất nhiều du khách thực sự phải vỡ òa khi tận mắt chứng kiến sự bảo tồn đỉnh cao của họ tại những ngôi lành cổ như Sa Khê cổ trấn.

Khám phá cảnh sắc của Sa Khê cổ trấn

Dạo một vòng quanh ngôi làng cổ để thấy gì nào? Bình yên, có lẽ đây là cảm nhận đầu tiên mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi đặt chân đến Sa Khê cổ trấn. Những con đường làng cũ kỹ lát gạch đá quanh co uốn lượn giữa những dãy nhà tường đất đá, cổng gỗ cổ kính, giản dị mà không hoang sơ.

Hay những tiệm café, homestay đượm màu thời gian của Sa Khê cổ trấn, nơi bạn có thể tìm thấy những hình ảnh gần gũi nhất của trấn cổ nơi đây. Nhâm nhi ly trà, thưởng chút bánh ngọt, nhìn những chú mèo vờn qua vờn lại dưới gốc cây, chim ca líu lo cành,… Le lói đâu đó vài tia nắng chớm đông vào dịp tháng 11, tháng 12 cuối năm,… cũng đủ sưởi ấm con tim băng giá giữa tiết trời đông cho bất cứ ai khi đến với Sa Khê cổ trấn.

Sa Khê cổ trấn vừa bình yên, vừa đượm màu sử thi

Đến với phố cổ Shaxi không chỉ để tham quan phố cổ, thưởng thức ẩm thực Vân Nam mà còn để trải nghiệm cuộc sống chậm rãi nhẹ nhàng của người dân nơi đây. Họ chân chất, thật thà, hiếu khách. Sẽ không quá đỗi xa la khi chủ homestay mời bạn vài món điểm tâm như những người bạn mới quen. Chủ tiệm bánh mời bạn vài món mới ra lò như bày tỏ sự hiếu khách,… Hình ảnh quen thuộc này bạn có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơiv tại Sa Khê cổ trấn.

Cũng đừng quên đến Nhà sách Pioneer đọc sách và chụp ảnh. Đến Banshan Coffee để nhâm nhi cà phê và thưởng thức khung cảnh đồng quê. Hay ghé vài khu chợ quê nho nhỏ trong trấn mua sắm quà lưu niệm, check-in chụp hình. Thuê một chú ngựa và dạo bước trên những cánh đồng cỏ xanh mướt bên hồ tựa như thảo nguyên bất tận,… Hẳn đây thực sự thích hợp cho kỳ nghỉ và thư giãn cuối năm.

Trải nghiệm văn hóa địa phương tại Sa Khê cổ trấn

Trải nghiệm văn hóa địa phương tại Sa Khê cổ trấn

Sa Khê cổ trấn không chỉ bình yên, đượm màu cổ kính mà nơi đây còn thu hút du khách tứ phương bởi nét tri thức, văn hóa và truyền thống lâu đời. Nếu ghé nơi đây vào dịp nửa cuối năm, biết đâu bạn sẽ may mắn được trải nghiệm Lễ hội bài hát núi Shibao của người dân địa phương.

Đây là một lễ hội truyền thống lớn của quốc gia, được tổ chức hàng năm từ ngày 27 tháng 7 âm lịch đến ngày đầu tiên của tháng 8 tại núi Shibaoshan. Sẽ rất náo nhiệt đấy, nam thanh nữ tú hát đối, diện những bộ trang phục sặc sỡ như rất duyên dáng, nhảy múa theo điệu nhạc du dương,…

Lễ hội dân ca Shibao tại Sa Khê cổ trấn

Hay vào dịp đầu năm thường có Lễ hội Bát hoàng tử, tổ chức vào tháng 2. Là một lễ hội tôn giáo và dân gian truyền thống ở Shaxiba được tổ chức trên phố Sideng dành cho các tín độ Phật giáo, cũng rất đượm màu dân gian.

Theo: kimlientravel



Tuesday, February 27, 2024

NGÔI ĐỀN PHẬT GIÁO LỚN NHẤT THẾ GIỚI HỒI SINH

Như niềm tự hào của Indonesia, Borobudur được biết đến là đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, đây là kiệt tác của kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật đền đài.

Borobudur - địa điểm tham quan ngoài trời rộng hơn 2.500 m2 và là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: Borobudur.

Sau khi các quy định mới được áp dụng để bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa di sản của đền Borobudur (Indonesia), du khách đã có những trải nghiệm rất khác khi tham quan điểm du lịch tâm linh độc đáo này.

Kỳ quan kỹ thuật cổ xưa

Ngôi đền Phật giáo Đại thừa tuyệt đẹp này gần thành phố Yogyakarta, miền Trung Java, Indonesia.

Có niên đại từ thế kỷ VIII-IX, Borobudur được xây dựng theo hình kim tự tháp trên một ngọn đồi. Borobudur ẩn mình dưới lớp tro núi lửa và thảm thực vật rừng rậm cho đến năm 1835. Công trình được cho là đã mất 75 năm để xây dựng và được cấu tạo từ andesite (đá núi lửa màu xám), được cắt, vận chuyển và lát mà không cần vữa. Ngày nay, các nhà sử học không biết nhiều về việc xây dựng hoặc mục đích ban đầu của công trình. Họ vẫn đang nghiên cứu so sánh hàng nghìn bức phù điêu chạm khắc để tìm manh mối.

Công trình có 3 tầng chính, bao gồm 5 bậc thang vuông đồng tâm, 3 bệ tròn và một bảo tháp đồ sộ trên đỉnh. Cấu trúc trên đỉnh đồi 3 tầng có hình dạng của Mandala từ trên cao và bảo tháp phía trên có thể được nhìn thấy nhô lên so với vùng nông thôn đồi núi xung quanh. Mandala là một họa tiết hình tròn mang ý nghĩa rất đặc biệt trong Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Về mặt thẩm mỹ, kiến ​​trúc, trí tuệ và lịch sử, đền Borobudur được cho là đáng kinh ngạc không kém gì quần thể đền Angkor Wat của Campuchia. Ảnh: Herry Sutanto/Unsplash.

Ngôi đền cũng sở hữu bộ sưu tập 504 bức tượng Phật, 72 bảo tháp. Mỗi bảo tháp có một bức tượng của Đức Phật nằm rải rác xung quanh các bậc thang. Các bức tường và lan can của Borobudur cũng được trang trí với hơn 1.600 tấm phù điêu. Chịu tác động của thời tiết tự nhiên hơn 1.000 năm, Borobudur đã trải qua một cuộc cải tạo lớn vào năm 1970.

Tượng Phật không đầu tại Borobudur. Ảnh: Penny Watson

Trong số các pho tượng còn sót lại, một số bức tượng Phật ở đền Borobudur bị mất phần đầu. Nhiều người kể rằng lý do các pho tượng Phật bị mất đầu là bởi một nhóm người địa phương đã đánh cắp và bán cho các thương lái đến từ Hà Lan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Đền Borobudur còn có 2.670 bức tranh điêu khắc trên đá mô tả khung cảnh độc đáo của xã hội cách đây 1.200 năm. Đó là những hình ảnh cuộc sống hàng ngày ở Java vào thế kỷ thứ VIII, từ thường dân cho tới hoàng tộc, tu sĩ. Ngoài ra, ngôi đền cũng mô tả các huyền thoại trong Phật Giáo như Atula, các vị thần, Bồ Tát…

Những bức phù điêu quý giá được sử dụng như một cẩm nang tham khảo phong phú cho các nhà sử học chuyên nghiên cứu về kiến trúc, vũ khí, trang phục, tín ngưỡng, hay các phương tiện vận tải của thế kỷ VIII ở Java.

Năm 1991, địa danh này được ghi nhận là di sản thế giới của UNESCO. Ảnh: Stjernegaard.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận đền Borobudur là Di sản Thế giới vào năm 1991. Ngôi đền cũng trải qua nhiều lần trùng tu vào thời đó, song vẫn giữ được tính chất thần thoại, huyền bí và kỳ diệu đến mức không thể nào khám phá hết được.

Đóng cửa để trùng tu

Din, một hướng dẫn viên, cho biết anh rất vui với những thay đổi của đền Borobudur kể từ khi được mở cửa trở lại vào tháng 3 năm nay.

Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới này từng trải qua quá trình trùng tu diễn ra vào tháng 3/2020, trùng thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện. Ngôi đền buộc phải đóng cửa vì tình trạng bảo tồn không tốt, bao gồm các vấn đề liên quan việc phá hoại di tích, vẽ bậy, nhai kẹo cao su...

Năm 2016, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Tục lệ leo lên các bảo tháp để chạm vào tượng Phật của người dân địa phương cũng là vấn đề, khiến đá dần bị mòn đi. Trước những nguy cơ ấy, tục lệ này đã bị cấm vào năm 2019.

Quy định bảo tồn mới

Theo chính phủ Indonesia, các quy định mới đã được triển khai nhằm mục đích bảo tồn ngôi đền và cũng là "bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa".

Hiện nay, khu phức hợp đền giới hạn chỉ đón 1.200 du khách mỗi ngày với 150 khách mỗi giờ, trong 8 khung giờ. Thuế nhập cảnh đã tăng từ mức cố định 25 USD lên 90 USD (khoảng 1,4 triệu rupiah) đối với khách du lịch nước ngoài và khoảng 50 USD đối với khách du lịch nội địa.

Indonesia yêu cầu khách du lịch đi “dép đặc biệt” tại kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: Penny Watson.

Du khách được phát một loại dép đặc biệt có tên “upanat" để đi và phải có hướng dẫn viên là người địa phương theo sát.

Những chiếc dép “upanat” được làm từ lá dứa dệt, thiết kế đặc biệt nhẹ và giúp đôi chân thoải mái. Bên cạnh đó, việc sử dụng dép “upanat” từ nguyên liệu địa phương được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cộng đồng.

Để ngăn chặn rủi ro gây hại cho ngôi đền như đã đề cập ở trên, du khách cần xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé và thông tin cá nhân của khách được lưu trữ trong dây đeo cổ tay, được bộ phận an ninh quét để đảm bảo tuân thủ giới hạn thời gian.

Nhiều quy định mới được áp dụng để gìn giữ và bảo tồn điểm du lịch tâm linh độc đáo này. Ảnh: Alain Bonnardeaux/Unsplash.

Ngoài ra, khách du lịch không được phép mang thức ăn theo khi đi tham quan ngôi đền, vì vậy mọi người không thể xả rác bừa bãi như trước.

Học sinh chỉ được phép vào sân, không được phép vào đền để giảm thiểu tình trạng dán bả kẹo cao su hay dùng bút xóa viết vẽ bậy lên điểm tham quan.

Trước đây, du khách cũng có cơ hội lên tới đỉnh đền khi mặt trời chưa ló dạng để tận hưởng khoảnh khắc bình minh, đứng giữa những bức phù điêu cổ kính, tôn nghiêm, lấp lánh nắng vàng. Tuy nhiên, với quy định mới, đền Borobudur chỉ mở cửa từ 8-16h và người dân cũng như du khách không thể tiếp cận bảo tháp trên cùng nữa.

Liên quan đến vấn đề này, hướng dẫn viên địa phương cho biết quy định giờ mở cửa mới được đưa ra do các bậc thang ở đây rất dốc, từng có quá nhiều người lớn tuổi trượt chân, ngã và bị thương khi tham quan đền lúc trời tờ mờ sáng.

Hiện tại, ngôi đền phật giáo lớn nhất thế giới không còn mở cửa cho du khách vào đón bình minh. Ảnh: Mikkinis/Pixabay.

Penny Watson, người vừa có chuyến thăm Borobudur vào tháng 11 vừa qua, chia sẻ rằng cô từng đến đền Phật giáo lớn nhất thế giới này cách đây một thập kỷ. Cô nhớ lại bản thân đã lang thang khắp nơi trong đền một cách tự do, ít khách du lịch, không có bộ phận an ninh. Nhưng chuyến thăm lần này sau khi đền Borobudur được áp dụng các quy định mới cũng thật thú vị, thấm đẫm giá trị lịch sử phong phú và những điều cổ xưa mà du khách chưa từng được biết.


Khánh Vân / Theo: zingnews