Ẩm tửu kỳ 5 - Đào Tiềm
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử hoàn hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
飲酒其五 - 陶潛
結廬在人境
而無車馬喧
問君何能爾
心遠地自偏
採菊東籬下
悠然見南山
山氣日夕佳
飛鳥相與還
此還有真意
欲辨已忘言
Uống rượu kỳ 5
(Dịch thơ: Nguyễn Thị Bích Hải)
Cất nhà trong cảnh nhân gian
Ngựa xe chẳng vướng bụi trần vào đây
Hỏi ông sao được như vầy?
Tâm hồn cao viễn, đất này hẹp thôi
Rào đông hái cúc chiều nay
Xa trông thấy núi Nam ngay trước nhà
Đẹp thay sắc núi chiều tà
Đàn chim về tổ la đà cánh bay
Bao chân ý - cảnh sắc này
Muốn tìm ngôn ngữ giãi bày, lại quên.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Đào Tiềm 陶潛 (365-427) người đất Tầm Dương đời Tấn, tự Uyên Minh 淵明. Có sách nói ông vào đời Tấn, tên là Uyên Minh 淵明, tự Nguyên Lượng 元亮, đến đời Tống (Nam Bắc triều) đổi tên thành Tiềm 潛. Đời sau, do phạm huý với vua Cao Tổ đời Đường là Lý Uyên 李淵 nên người ta còn gọi ông là Đào Thâm Minh 陶深明 hay Đào Tuyền Minh 陶泉明. Ông tự hiệu Ngũ liễu tiên sinh 五柳先生, thuỵ hiệu Tĩnh tiết tiên sinh 靖節先生. Khi làm quan lệnh tại Bành Trạch, phải đứng đón chào viên đốc bưu do quận thú phái đến, Đào Tiềm than rằng “Ta tại sao lại vì năm đấu gạo mà chịu gãy lưng?”, bèn trả ấn, từ quan.
Sách Tấn thư chép Đào Tiềm là người đất Sài Tang đời Tấn (nay thuộc Cửu Giang, Giang Châu), tính tình cao thượng, không cần danh lợi, ham học, giỏi thơ văn. ông có soạn truyện Ngũ liễu tiên sinh để tự ví mình. Nhà nghèo có cha mẹ già, ông phải ra làm chức Tế tửu - chức quan nhỏ trong huyện, nhưng không chịu gò bó nên từ quan về nhà. Về sau, ông lại ra làm huyện lệnh Bàng Trạch, được hơn 80 ngày, nhân cuối năm phái viên đốc hưu (chức quan giúp quan quận thú coi việc kiểm tra đôn đốc các huyện trong quận) đến huyện, nha lại khuyên ông ăn mặc chỉnh tề để đốc hưu. Ông ngậm ngùi than rằng: “Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa” (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!). Rồi ngay hôm ấy ông trả ấn bỏ quan mà về. Sau khi từ quan về, ông hay ẩn nằm ngũ dưới cửa sổ đằng bắc, tự coi mình là người đời Hy Hoàng. Ông vui cảnh an bần lạc đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui. Tính ông chuộng cúc, cứ đến ngày trùng cửu (mùng 9/9), ông lại cùng bạn bè bày tiệc rượu bên khóm trúc để thưởng hoa.
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment