Đền Ngọc Sơn (file photo)
Ba chữ “Đắc nguyệt lâu” thường được người ta đối dịch là “Lầu được trăng”. Bài “Câu đôi hoành phi và đề tự bằng chữ Hán ở đền Ngọc Sơn” (Tuấn Nghi, Tảo Trang – Tạp chí Hán Nôm) chú thích cho rằng “Đắc nguyệt lâu” (Lầu được trăng), chữ vốn trong thơ Lý Bạch: “Khuy nhật úy hàm sơn, thúc tửu hỉ đắc nguyệt = Ngó mặt trời e ngậm núi, giục rượu uống mừng được trăng”.
Bởi mấy chữ “Đắc nguyệt lâu” khó hiểu, nên có người còn ngờ rằng, chữ vốn là “Đãi nguyệt lâu” (Lầu ngóng trăng), do nhầm lẫn trong một lần trùng tu nào đó mà “đãi” 待 (chờ, ngóng) biến thành “đắc” 得 (được). Điển hình có thể kể đến thắc mắc của độc giả Trần Văn Trạch gửi đến chúng tôi:
“Chẳng biết có tư liệu nào tin cậy để khẳng định ba chữ ở đền Ngọc Sơn Hà Nội là ĐÃI nguyệt lâu, hay ĐẮC nguyệt lâu không. Số là cách đây khoảng 20 năm, khi đó tôi còn ú ớ chữ nghĩa, lại dẫn một người Hoa (ở Sài Gòn) ra chơi Hà Nội, đến đền Ngọc Sơn thấy ba chữ đề ở cổng. Tôi đọc là Đắc nguyệt lâu thì anh ấy cãi lại là Đãi nguyệt lâu. Lúc đó không có điều kiện để chụp lưu lại. Hiện tại, tôi thấy ba chữ đề trên cổng vẫn là “Đắc nguyệt lâu”. Phải chăng trong một lần trùng tu nào đó, người ta đã viết nhầm “Đãi nguyệt lâu” thành “Đắc nguyệt lâu”? “Đãi nguyệt lâu” thì dễ hiểu, nhưng nếu là “Đắc nguyệt lâu” thì nên hiểu câu này như thế nào?”.
Đền Ngọc Sơn (file photo)
Thực ra, trong thực tế có cả Đãi nguyệt lâu và Đắc nguyệt lâu.
“Đãi nguyệt lâu” 待月樓 (Lầu ngóng trăng), hay “Lâm phong đãi nguyệt lâu” 臨風待月樓 (Lầu hóng gió, ngắm trăng) thường được đặt tên cho các công trình kiến trúc, lầu các xây dựng để vui chơi tiêu khiển cùng gió trăng, gắn với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Điển hình như Lâm phong đãi nguyệt lâu thuộc quần thể cung điện, lầu các của Viên Minh Viên, nằm cách thành Bắc Kinh chừng hơn 8 km về phía Tây Bắc. Viên Minh Viên được xây dựng vào đời nhà Thanh, kéo dài từ Khang Hy đến Càn Long thì hoàn thành. Vào năm 1860, liên quân Anh, Pháp tấn công thành Bắc Kinh, đốt Viên Minh Viên, cháy trong ba ngày ba đêm. Đến năm 1900, Viên Minh Viên lại tiếp tục bị liên quân tám nước tấn công Trung Quốc phá hủy hoàn toàn, khiến cho Lâm phong đãi nguyệt lâu cũng thành đống tro tàn.
Còn “Đắc nguyệt lâu” 得月樓 lại do câu “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt” 近水樓台先得月 (Lâu đài bên bờ nước thì được ánh trăng chiếu sáng trước tiên) gắn với điển tích Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống.
Phạm Trọng Yêm là một Văn học gia, Chính trị gia thời Bắc Tống, nổi tiếng với câu: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,後天下之樂而樂 (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Thuở nhỏ Phạm Trọng Yêm gia cảnh bần hàn, nhưng học hành chăm chỉ; lớn lên học vấn uyên thâm; từng làm tới chức Tham tri chính sự (Phó tể tướng).
Phạm Trong Yêm bản tính chính trực, khoan hoà, giỏi dùng người. Thời đảm nhiệm Tri phủ Hàng Châu, các quan văn võ trong thành đều nhận được sự quan tâm giúp đỡ của ông và phát huy tài năng, làm tốt chức phận. Từ đó, người người đều cảm kích và sùng kính Phạm Trọng Yêm. Duy chỉ có Tuần kiểm Tô Lân, do làm quan ngoài thành nên ít có cơ hội tiếp cận Phạm Trọng Yêm, và không được giới thiệu, đề bạt gì. Sách Thanh dạ lục của Du Văn Báo (đời Tống) chép:
Một lần, nhân có công chuyện tiếp kiến Tri phủ Phạm Trọng Yêm, Tô Lân nhân cơ hội làm một bài thơ bày tỏ, trong đó có hai câu: “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân” 近水樓台先得月,向陽花木易為春. Ý nói lầu các đứng bên bờ nước thì được ánh trăng chiếu sáng trước tiên; cũng như cỏ cây hoa lá được hưởng ánh dương thì tươi thắm sắc xuân, mau chóng sinh trưởng, khai hoa.
Tô Lân dùng hai câu thơ khéo léo chỉ ra rằng, những người thân cận Phạm Trọng Yêm đều có cơ hội tốt, trong khi người ở xa như mình thì không được để ý. Phạm Trọng Yêm hiểu ý, thể theo nguyện vọng của Tô Lân, sắp xếp cho ông một vị trí thích hợp và phát huy được khả năng. Về sau, “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt”, hoặc “Cận thuỷ lâu đài” trở thành một câu thành ngữ, ý chỉ việc được tiếp cận điều kiện tốt; gần gũi thân cận ai đó khiến người ta có được cơ hội lợi thế.
Trở lại với ba chữ “Đắc nguyệt lâu” ở đền Ngọc Sơn.
Không biết chính xác tấm biển này có từ thời nào. Theo trang thông tin của Sở Du lịch Hà Nội, dù có lịch sử từ thời Lý-Trần, nhưng ngôi đền với diện mạo hiện nay được xây dựng từ thế kỷ 19. Dẫn vào đền có hệ thống cổng và cầu Thê Húc nối đảo Ngọc với bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Xưa kia, đảo Ngọc là nơi chúa Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thuỵ đời Vĩnh Hựu (1735-1739) làm nơi yến ẩm, vui chơi ngày hè.
Khi họ Trịnh suy vong, Lê Chiêu Thống đốt trụi Phủ Chúa và cung Khánh Thụy. Đầu thế kỷ 19, một ngôi chùa dựng trên nền cung điện cũ ở đảo Ngọc nên gọi là Ngọc Sơn tự. Năm 1843, hội Hướng Thiện quản lý đã chuyển chùa thờ Phật thành ra đền thờ Tam Thánh và đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau đó lầu chuông bị phá bỏ. Năm 1864, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại tổng thể, trong đền có thờ thần Văn Xương Đế Quân.
Vị trí "cận thuỷ lâu đài" của đền Ngọc Sơn
Văn Xương Đế Quân là ai?
Văn Xương vốn là tên gọi chung của sáu ngôi sao Đẩu Khôi, cũng gọi là Văn Khúc tinh hoặc Văn tinh. Các nhà chiêm tinh cổ đại cho rằng đó là cát tinh, chủ đại quí, về sau được Đạo giáo coi là vị thần công danh và lộc vị. Tương truyền, thần Văn Xương họ Trương, tên Á Tử, ở núi Thất Khúc đất Thục. Do bị ác chiến mà chết, được lập miếu phụng thờ.
Vua Hi Tông (873-888) chạy vào đất Thục, nương trong miếu này, được thần bảo hộ, bèn phong là “Tế Thuận Vương”. Năm Diên Hựu ba đời Nhân Tông nhà Nguyên (1316) phong thần Tử Đồng là “Phụ nguyên khai hoá Văn Xương Tư lộc Hoằng nhân Đế quân”. Văn Xương và Tử Đồng từ đó hợp làm một, gọi là Văn Xương Đế Quân. Các sĩ tử đời xưa rất chú trọng cúng tế Văn Xương Đế Quân, bởi đây là vị thần chủ về công danh lộc vị (tham khảo Từ điển Nho-Phật-Đạo – NXB Văn Học, 2001).
Trở lại với đền Ngọc Sơn. Ngôi đền này ở vào một vị trí quả thực là “cận thuỷ lâu đài” – bốn bề gió trăng, sóng nước. Nếu đây đơn thuần chỉ là chốn vui chơi giải trí thì việc đề ba chữ “Đãi nguyệt lâu” – lầu ngóng trăng cũng không tồi. Tuy nhiên, đây lại là nơi thờ phụng, nên nếu đề ba chữ ấy sẽ trở nên thô thiển và sái. Thế nên, “Đắc nguyệt lâu” về nghĩa đen ca ngợi vị trí đắc địa “cận thuỷ lâu đài” của đền; về nghĩa bóng, hẳn vừa ngụ ý khuyến dụ các tín đồ của Đạo giáo, vừa tôn xưng các vị thần được thờ trong đền, đặc biệt là Văn Xương Đế Quân – vị thần chủ về công danh lộc vị, rằng: Chiêm bái đền Ngọc Sơn chẳng khác nào “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt” trong chuyện cũ tích xưa!
Hoàng Tuấn Công