Giang thôn kỳ 2 - Tùng Thiện Vương
Nguyệt minh như thuỷ, thuỷ như yên,
Thuỷ hạm nghênh lương nhậm thất miên.
Vãng vãng ca thanh yên ngoại quá,
Cao Đôi sơn hạ lộ nao thuyền.
Cao Đôi: Chỉ địa danh Cầu Hai. Từ thị trấn này có đường tỉnh lộ 593 dẫn lên núi Bạch Mã, một địa điểm nghỉ mát, an dưỡng nổi tiếng. Nguyên địa danh này là Cao Đôi, là núi “ở phía Nam huyện Phú Lộc, thế núi liên tiếp cao dốc”. Ở phía tây lại có núi Ứng Đôi, là ngọn núi cao nhất của kinh kỳ (Đại Nam nhất thống chí). Người địa phương gọi hai ngọn núi này là núi Ông, núi Bà. Sau này, vì kiêng tên Hiếu Triết hoàng hậu, vợ của chúa Nguyễn Phúc Tần (Thái Tông Hiếu Triết) là Tống Thị Đôi (quê huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá, con của quận công Tống Phúc Khang) nên Cao Đôi được gọi là Cao Hai. Theo thời gian, địa danh Cao Hai bị gọi chệch thành Cầu Hai. Cầu Hai còn là tên sông đổ vào đầm Cầu Hai. Ở đây núi sông đầm liền nhau, đầm qua cửa Tư Hiền là biển.
江村其二 - 從善王
Trăng ngời như nước, nước như hơi
Hóng mát trên be cứ thức hoài
Nghe vọng tiếng hò ngoài lớp khói
Mù vây thuyền dưới núi Cầu Hai
Tùng Thiện Vương sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Mão (tức 11 tháng 12 năm 1819) tại cung Thanh Hòa trong cấm thành Huế. Thuở lọt lòng, ông được ông nội đặt tên là Ngợn. Đến năm 1832, khi đã có Đế hệ thi, ông được cải tên là Miên Thẩm (Nguyễn Phúc Miên Thẩm).
Năm lên 7 tuổi, Miên Thẩm cùng với các em vào Dưỡng Chính đường, được thầy Thân Văn Quyền dạy chu đáo. Ông rất chịu khó học tập, nên mới 8 tuổi (1827), nhân theo hầu vua dự lễ Nam Giao, ông làm bài Nam Giao thi, rất được tán thưởng.
Năm 1839, ông được phong làm Tùng Quốc Công, mở phủ ở phường Liêm Năng, bên bờ sông An Cựu, Huế.
Năm 1849, ông lập thêm Tiêu Viên sau phủ, đón mẹ (Thục tân Nguyễn Thị Bửu) và ba em gái (Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, Nguyễn Phúc Trinh Thận tức nữ sĩ Mai Am và Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa) ra phụng dưỡng chăm nuôi. Khi các em lần lượt có chồng, rồi mẹ mất, ông cải tạo phủ chính làm nhà thờ, còn mình lui về ở Tiêu Viên và dựng lều tranh bên cạnh mộ mẹ cư tang ba năm.
Năm 1854, mãn tang, ông được gia phong Tùng Thiện Công.
Năm 1858, ông mua 12 mẫu ruộng ở xã Dương Xuân, làm nhà ở gọi là Phương Thốn thảo đường.
Năm 1865, ông giữ chức Tả Tôn Nhân phủ, trong thời gian này xảy ra sự biến giặc Chày vôi. Trước đó, ông đã gả con gái là Thể Cúc cho Đoàn Hữu Trưng, một thanh niên ở làng An Truyền (tức làng Chuồn). Năm 1866, Hữu Trưng ngầm làm cuộc nổi dậy (sử cũ gọi là giặc Chày Vôi) nhằm lật đổ vua Tự Đức. Việc thất bại, Hữu Trưng và nhiều người bị hành hình. Mặc dù trước đó, Hữu Trưng đã lấy cớ vợ cư xử trái lễ với mẹ chồng mà trả về để tránh liên lụy cho nhà vợ, Miên Thẩm cũng trói cả con gái và cháu ngoại, quỳ dâng sớ xin chịu tội.
Vua Tự Đức không kết tội chỉ nói ông chọn rễ không cẩn thận để mất thanh danh, nay trừ bổng trong tám năm. Suốt những năm bị trừ bổng ấy, ông lên ngôi chùa cổ Từ Lâm hoang tàn ở xã Dương Xuân làm nơi cư ngụ, vợ con phải canh tác trồng cây quả đem ra chợ bán để có cái ăn hàng ngày.
Ông mất ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức 30 tháng 4 năm 1870) lúc 51 tuổi.
Năm 1878, ông được vua Tự Đức gia tặng là Tùng Thiện Quận Vương.
Năm 1929, vua Bảo Đại mới truy phong ông là Tùng Thiện Vương, tước vị mà ngày nay người ta quen gọi.
Nguồn: Thi Viện