Lữ dạ đắc cố nhân thư - Tuy Lý Vương
Tiểu quán bế sài kinh,
Hàn đăng ám phục minh.
Hốt kinh thư vấn tấn,
Toạ giác tuế tranh vanh.
Hiểu nguyệt kiêm sương sắc,
Thu phong tự vũ thanh.
Tửu tỉnh tương ức xứ,
Chung lậu cách nghiêm thành.
旅夜得故人書 - 綏理王
小館閉柴荊
寒燈暗復明
忽驚書問訊
坐覺歲崢嶸
曉月兼霜色
秋風似雨聲
酒醒相憶處
鐘漏隔嚴城
Đêm tại đất khách, được thư bạn cũ
(Dịch thơ: Chi Nguyen)
Đèn tàn le loi trong đêm.
Hắt hiu quán nhỏ, cửa then vội cài.
Thư nhà trao vội về ai.
Ngồi trông năm rộng tháng dài còn đâu.!
Trăng mờ sương nhuốm một mầu.
Gió thu thổi tới, ngỡ đâu mưa về.
Tỉnh rượu thêm nỗi nhớ quê.
Nghiêm Thành cách trở, não nề chuông ngân.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Tuy Lý Vương sinh ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (3 tháng 2 năm 1820) tại viện sau điện Thanh Hòa. Mẹ ông là Tiệp dư Lê Thị Ái (hay Cầu; 1799 - 1863), người An Triền (Phong Điền, Thừa Thiên) là con gái thứ ba của Cẩm y Hiệu úy Lê Tiến Thành. Năm 1813, bà được tuyển vào cung, hầu Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng). Năm 1836, bà được sách phong Tiệp dư, là bậc thứ 6 trong 9 bậc phi tần nhà Nguyễn.
Vốn thông minh, hiếu học, tính nết đôn hậu lại được mẹ và thầy Thân Văn Quyền dạy dỗ chu đáo, nên ông sớm nổi tiếng là người uyên bác, sáng tác thơ giỏi và thạo cả nghề thuốc.
Năm 1839, Miên Trinh được phong là Tuy Quốc công, cho lập phủ riêng gọi là Tĩnh Phố, ở bên cạnh Ký Thưởng viên của người anh khác mẹ là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.
Năm Tự Đức thứ 4 (1851), nhà vua bắt đầu lập nhà Tôn học, cử ông giữ chức Đổng sự.
Năm 1854, ông được phong Tuy Lý công. Năm 1865, vua chuẩn cho ông kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Hữu Tôn Nhơn, nhưng vì mẹ mất, ông xin từ để cư tang, đến năm sau mới tựu chức, rồi thăng Tông Nhân Phủ Tả Tông Nhân (1871), Tuy Lý Quận vương (1878), Tông Nhân Phủ Hữu Tông (1882). Năm Quý Mùi (1883), Tự Đức lâm bệnh nặng, Miên Trinh có vào Y viện hầu thuốc, nhưng không công hiệu, vua mất.
Sách Vua Minh Mạng với Thái y viện kể:
Bấy giờ, trong Hội đồng phụ chính, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm nhiều quyền hành, lại đứng đầu phái chủ chiến, tích cực chống thực dân Pháp. Họ thực hiện các cuộc phế lập để chọn ông vua đứng về phe mình. Trong cuộc phế lập ấy, Lãng Quốc công Hồng Dật lên ngôi, cải nguyên Hiệp Hòa, và Miên Trinh được tấn phong Tuy Lý Vương...
Tuy có lòng yêu nước thương dân, nhưng vì chịu sự chi phối của hệ ý thức phong kiến (lấy quyền lợi triều đình, hoàng tộc làm đầu) nên Miên Trinh ngấm ngầm chống đối Tường và Thuyết. Rồi Hồng sâm, con trai của Miên Trinh, mưu cùng vua Hiệp Hòa, nhờ tay thực dân Pháp để trừ hai người ấy. Việc bại lộ, cả vua và Hồng Sâm đều bị giết.
Miên Trinh sợ hãi, lánh đến sứ quán Thương Bạc xin tá túc, nhưng Tham biện Nguyễn Cư không cho. Cùng đường, ông đem cả gia đình xuống Thuận An xin tị nạn trên tàu Pháp do Picard Destelan chỉ huy.
Mười ngày sau (30 tháng 11 năm 1883), mặc dù được Khâm sứ De Champeaux che chở, nhưng vì Tôn Thất Thuyết đòi, nên Pháp trao trả ông cho triều đình Huế. Ông bị Tôn Thất Thuyết cách hết chức, giáng xuống tước Tuy Lý huyện công, đày vào Quảng Ngãi (1884). Mãi đến khi Đồng Khánh lên ngôi (1886), ông mới được tha về và cho khôi phục tước vương.
Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, ông được cử làm Ðệ nhất phụ chính thân thần kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Tả Tôn Chính.
Năm 1897, vì tuổi già, ông xin về nghỉ, chẳng bao lâu thì bị bệnh mất ngày 24 tháng 10 năm Đinh Dậu (18 tháng 11 năm 1897), hưởng thọ 77 tuổi.
Nghe tin ông mất vua Thành Thái cấp một ngàn quan tiền lo việc tang và ban thụy là Ðoan Cung. Mộ Tuy Lý Vương ở cạnh mộ mẹ, nay thuộc phường Phường Đúc, sát bên đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế.
Nguồn: Thi Viện