Thursday, March 7, 2024

KIẾM CÂU TIỄN: THANH KIẾM HUYỀN THOẠI VƯỢT THỜI GIAN

Trong suốt chiều dài lịch sử, có những thanh kiếm đã trở thành huyền thoại. Ở Trung Quốc, Kiếm Câu Tiễn là một trong những thanh kiếm như vậy. Các nhà khoa học rất kinh ngạc khi phát hiện ra nó 50 năm trước, thời điểm đó nó đã hơn 2.000 tuổi. Lưỡi kiếm vẫn còn sắc bén sau nhiều thế kỷ, thậm chí nó còn làm một nhà khảo cổ học chảy máu khi kiểm tra độ sắc bén của nó.

Thanh kiếm Câu Tiễn huyền thoại. (Ảnh: Siyuwj/Wikipedia)

Kiếm Câu Tiễn

Năm 1965, các nhà khảo cổ đã tiến hành một cuộc khảo sát tại Hồ chứa nước sông Zhang ở Kinh Châu. Cuộc khảo sát đã thực hiện trên hơn 50 ngôi mộ cổ, phục hồi gần 2.000 cổ vật. Tại địa điểm này, họ cũng tìm thấy một chiếc quan tài có một bộ xương người cùng với một thanh kiếm được bọc trong một bao kiếm bằng gỗ sơn mài đen.

Theo Ancient Origins: “Mặt kiếm được khắc các hình thoi màu đen và tráng men xanh, gần tay cầm gắn ngọc lam. Chuôi kiếm buộc bằng lụa, núm đầu chuôi có 11 vòng tròn đồng tâm. Chiều dài thanh kiếm là 55,7 cm (21,9 in) tính cả chuôi kiếm 8.4 cm (3,3 in), lưỡi kiếm rộng 4,6 cm (1,8 in). Nó nặng 875 gram (30,9 ao-xơ)”.


Trên một mặt kiếm có khắc tám chữ. Các nhà khảo cổ đã giải mã được sáu chữ là “Vua nước Việt”, “tạo ra thanh kiếm này cho mục đích cá nhân”. Hai chữ còn lại được cho là tên của vị vua sở hữu thanh kiếm. Các nhà nghiên cứu đã xác định được danh tính chín vị vua mà có thể sở hữu thanh kiếm. Sau khoảng hai tháng tranh luận, người ta đã quyết định rằng thanh kiếm thuộc về một vị vua tên là Câu Tiễn (Goujian), người trị vì nước Việt từ năm 496 TCN đến năm 465 TCN.

Do các thành phần kim loại được sử dụng để chế tạo và điều kiện bảo quản nên thanh kiếm vẫn giữ được độ sắc bén đáng kinh ngạc. Theo All That’s Interesting: “Thanh gươm được làm chủ yếu bằng đồng. Tuy nhiên, lưỡi gươm lại là thiếc. Điều này làm cho nó duy trì độ sắc bén lâu hơn. Bao kiếm vừa khít để bề mặt thanh kiếm không bị tiếp xúc với quá nhiều không khí cũng là một yếu tố giúp bảo quản thanh kiếm tốt hơn”. Lưỡi kiếm vẫn có thể cắt xuyên qua hai mươi mẩu giấy trong một thí nghiệm.

Chữ khắc của thanh kiếm. (Ảnh: Siyuwj/Wikipedia)

Năm 1994, Trung Quốc cho Singapore mượn thanh kiếm để triển lãm. Một công nhân đã vô tình va vào thanh kiếm làm nó xuất hiện vết nứt dài 7mm. Kể từ đó, thanh kiếm luôn được giữ ở Trung Quốc. Hiện du khách có thể đến chiêm ngưỡng nó tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.

Những thanh kiếm huyền thoại khác

Ở phương Tây, thanh kiếm nổi tiếng nhất có lẽ là thanh Excalibur. Theo truyền thuyết, vua Arthur của Anh rút nó ra từ trên đỉnh một hòn đá vào đêm Giáng sinh. Sự kiện này làm cho ông trở thành “vị vua thực sự”. Trước khi chết, Vua Arthur yêu cầu ném thanh kiếm xuống hồ. Dường như một bàn tay đã nổi lên để bắt lấy thanh kiếm.

Dường như có một bàn tay nổi lên để bắt thanh kiếm của vua Arthur. (Ảnh: Newell Convers Wyeth/Wikipedia)

Tại Nhật Bản, những thanh kiếm Muramasa cũng được cho là huyền thoại vì nó gắn với những lời nguyền. Kiếm sĩ bậc thầy Sengo Muramasa sống vào khoảng giữa thế kỷ 14 và 16 đã chế tạo ra lưỡi kiếm. Người ta nói rằng ông muốn chúng trở thành những “kẻ hủy diệt vĩ đại” và đã cầu nguyện với vị thần. Những lời cầu nguyện của ông đã ứng nghiệm, những thanh kiếm Muramasa nổi tiếng cực kỳ nguy hiểm.

Tuy nhiên, có một vấn đề đó là lưỡi kiếm không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ thù mà còn cả người sử dụng. Những lời nguyền đã làm cho chúng có một ý chí riêng, khiến chúng quay lưng lại với chủ nhân trong trường hợp chúng không hài lòng với chiến trận. Hoàng gia Nhật Bản cuối cùng đã cấm sử dụng tất cả các thanh kiếm Muramasa.

Theo Visiontimes
Văn Thiện (biên dịch)
Link tham khảo: