Khi còn làm việc cho một hãng tư nhân ở Boston, tôi đến Ấn vài lần và tượng Phật ở đâu cũng mỉm cười giống nhau không có gì mới. Nhiều hình tượng các Thần Ấn Độ Giáo như Thần Brahma, Thần Vishnu, Thần Shiva cũng được trưng bày nhưng ngoại hình của các thần này xa lạ và nhìn không thân thiện đối với khách du lịch so với hình tượng Đức Phật hiền từ.
Hình tượng Đức Phật nuôi sống nhiều người dân Ấn sống trong các vùng có Phật tích nhưng Đạo Phật đã xa Ấn nhiều thế kỷ, ít nhất là khi Tu viện Vikramashila, một trong những biểu tượng cuối cùng của tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ, bị quân Hồi Giáo tàn phá vào cuối thế kỷ 12.
Sự tàn bạo của các tướng Hồi Giáo là lý do trực tiếp tác động vào Phật Giáo Ấn Độ nhưng không phải là lý do duy nhất. Nền tảng của một tôn giáo có mặt tại Ấn Độ trên 15 thế kỷ không dễ bị tàn phá do một ngoại lực. Trước khi bị đạo quân Hồi tàn sát, Đạo Phật cũng đã chịu đựng sự phân biệt và áp bức khắt khe của Ấn Độ Giáo đa số và sự phân hóa trong hàng ngũ tăng đoàn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đạo Phật đang phục hồi tại Ấn, thực ra chỉ phục hồi trong lãnh vực khảo cổ và một số nghiên cứu về tư tưởng Phật Giáo tại các đại học Ấn. Phật Giáo như một tôn giáo với Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Duyên Sinh đã rời Ấn và vẫn chưa trở lại. Tín đồ Phật Giáo tại quê hương Nepal của Ngài theo tỉ lệ đông hơn Ấn Độ với 9 phần trăm dân số, 2.3 triệu người, nhưng đa số thuộc dân tộc ít người Tamang chiếm 1.3 triệu người theo Phật Giáo Tây Tạng.
Tượng Đức Phật trên đường phố Pokhara, Nepal (ảnh: tác giả)
Một hôm dắt vợ lang thang qua đường phố Pokhara, Nepal chợt thấy một tấm hình Đức Bổn Sư khá lớn treo dọc hàng rào gần chỗ mấy sạp áo quần đang bày bán dọc lề đường. Hình Đức Phật quá đẹp nên tôi chụp một số, cắt bỏ hàng rào và mấy sạp hàng chỉ giữ lại khuôn mặt Đức Phật với nụ cười bao dung. Về nhà tôi sang bức ảnh để tặng vài anh chị thân quen. Họ rất thích và có thể nghĩ tôi chụp từ một đền đài uy nghiêm. Tôi không giải thích, vì Đức Phật sống ở mọi nơi, có mặt mọi chỗ trên thế gian này.
Hôm ở New Delhi tìm tới tìm lui, tôi chợt để ý có một thùng giấy đặt bên cạnh anh chủ quán, trong đó có nhiều tượng Phật bị hư. Có tượng Phật gãy tay, có tượng Phật má hóp, có tượng Phật sứt trán, có tượng Phật hói đầu. Tôi hỏi anh chủ quán, thế những tượng trong thùng giấy đó thì sao, anh chủ quán trả lời rất gọn “free”. Lý do, những tượng đó bị đúc hư, được bỏ riêng vào một thùng giấy, khi đầy thùng sẽ đem đi hủy nhưng khi còn đó ai muốn lấy thì tự tiện lấy không tính tiền.
Tôi chọn một tượng Phật trong thùng giấy. Tượng Phật này một phần trên đầu bị hói, khuôn mặt Ngài được đúc không cân xứng, một bên má bị méo, hai tai bị những vết sứt đóng thành những thẹo đen. Tôi không nhờ anh chủ quán gói lại vì tôi không phải trả tiền, chỉ đặt tượng Phật trong xách tay. “Vậy thôi sao?” Anh chủ quán nhìn tôi. “Vâng, thế thôi, cám ơn anh”, tôi đáp và vội vã ra phi trường.
Tượng Phật bị đúc hư tại một tiệm ở New Delhi, Ấn Độ (ảnh: tác giả)
Tôi mang tượng Phật về và đặt lên bàn thờ bên cạnh tượng Đức Phật do cố Đại Lão Hòa thượng Thích Hộ Giác cho nhân dịp tôi đến đảnh lễ Thầy, và cùng tượng Đức Bổn Sư do ông lãnh sự Nepal tặng khi chúng tôi gây quỹ giúp nạn nhân động đất ở Nepal. Bên cạnh các tượng Phật hoàn hảo được tặng, Đức Phật tôi thỉnh về là một Đức Phật tật nguyền. Nhưng tôi kính trọng các tượng Đức Phật, không phân biệt tượng của Ôn Hộ Giác cho, tượng của ông lãnh sự Nepal tặng hay tượng tôi nhặt từ thùng giấy ở Ấn Độ.
Đọc lại cuộc đời Đức Phật, không phải lúc nào Ngài cũng tỉnh tọa trên tòa sen với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà đã trải qua những chặng sống rất người. Chính Đức Phật kể lại thời gian tu khổ hạnh của Ngài như sau:
“Này Xá-lợi-phất, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.”
(Đại Kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973)
Ngài cũng kể trong Kinh vừa nêu:
“Trên thân Ta, bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng”; hay những ngày độc cư xa lánh mọi tiếp xúc với thế gian, “Ta đi sâu vào một khu rừng và an trú tại chỗ ấy. Khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác.”
Nhờ trải qua những ngày khổ hạnh cực đoan đó, Ngài đã chứng ngộ và để lại cho chúng ta Bát Chánh Đạo hôm nay.
Đạo Phật du hóa vào mỗi nền văn hóa tùy thuộc vào trình độ nhận thức của dân tộc trong thời điểm đó. Sự du nhập Phật Giáo vào xã hội Tây Phương không mang các đặc tính huyền bí cổ xưa như các nước Á Đông mà rất gần gũi với xã hội con người đang sống. Đức Phật là Đấng Giác Ngộ chỉ cho chúng ta con đường đạt đến giải thoát chứ không phải là nhà tâm lý học bàn chuyện đời sống cá nhân hay buồn vui trong gia đình, nhưng để hòa nhập vào xã hội Tây phương, Đạo Phật phải đáp ứng được các nhu cầu tinh thần trước mắt của con người trong xã hội.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp ứng được không phải nhờ uy tín của ngài được trao giải Nobel hay là một lãnh đạo lưu vong của dân tộc Tây Tạng đáng thương nhưng ngài gõ đúng cánh cửa tâm hồn của hàng triệu người Tây phương đang khao khát tình yêu, an vui, hạnh phúc và lòng thương cảm giữa con người. Hạnh phúc đích thực là lối thoát tinh thần mà con người trong xã hội bị vật chất cám dỗ đang tìm kiếm.
Ảnh: jose-luis-sanchez-pereyra-unsplash
Đạo Phật trong các tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thoạt nhìn như một triết lý sống, nhưng không phải, đó chỉ là chiếc thuyền chuyên chở tư tưởng Phật Giáo.
Phân tích để thấy nhận thức của con người, dù Á hay Âu, như dòng chảy của sông Hằng, khởi nguồn từ những rặng băng hà của Hy Mã Lạp Sơn, chia thành nhiều nhánh và lớn dần cho tới khi chảy ra đại dương bát ngát qua ngã vịnh Bengal.
Nhận thức vô cùng quan trọng. Mỗi chúng ta nhìn lên Đức Phật không phải từ hình ảnh của chính Ngài mà từ nhận thức về Ngài trong mỗi chúng ta.
Với những người dân mê muội bị ma tăng lừa gạt để tin một cách mù quáng rằng sợi tóc để trên bàn ở chùa Ba Vàng là của Đức Bổn Sư để lại sau 2600 năm và không những thế, sợi tóc lại “có thể tự chuyển động”.
Trapusa và Bahalika, hai thương gia trở thành cư sĩ Phật tử đầu tiên của Đức Phật, là người Miến hay người Afghanistan và truyền thuyết về nơi giữ tám sợi tóc Đức Phật tặng cho hai thương gia này là ngôi tháp tại Balkh, Afghanistan hay Yangon, Miến Điện đến nay là vẫn còn nhiều tranh luận.
Những sợi tóc 2600 năm chưa một người nào trong thời hiện đại thấy chắc đã bị hoại theo thời gian và sau bao nhiêu tàn phá của thiên tai và hưng phế của lịch sử Miến Điện và Afghanistan. Năm 1220, quân Mông Cổ san bằng thành phố Balkh và 200 năm sau, lần nữa, bị đạo quân dã man của Timur tàn phá. Trong khi đó, chùa Shwedagon ở thủ đô Yangon, Miến Điện, cũng chịu đựng nhiều trận động đất, chiến tranh và nhiều lần tái dựng.
Hư cấu dựa vào truyền thuyết vốn là công việc của các đạo diễn điện ảnh. Nhưng ngày nay tại các nước lạc hậu như Việt Nam lại là công việc của các ma tăng trục lợi bằng việc vận dụng niềm tin.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nhắc đến chủ trương hư cấu này nhiều lần trong Lá Thư Ngày Tết 2021:
“Nhiễu loạn thông tin, tuyên truyền phổ biến những giá trị hư cấu, có thể nói, cũng được tìm thấy, từ xa xưa, như là tín hiệu xã hội cho các giai đoạn thăng trầm của các cộng đồng dân tộc và tôn giáo. Những giá trị hư cấu được phổ biến gây nên ảo giác về một xã hội phồn vinh; cũng vậy, Phật ngôn hư cấu tác thành vọng tưởng về sự hưng thịnh của Chánh pháp, và lịch sử quá khứ cũng như hiện tại đã và đang chứng kiến sự suy thoái đạo đức trong các chúng đệ tử Phật.”
(Lá Thư Ngày Tết 2021, Hòa thượng Tuệ Sỹ, Thư Viện Phật Việt, 10 Tháng Hai 2021)
Phân tích từ quan điểm nhân quả, những người đứng chen chúc để chiêm bái “sợi tóc Phật” cũng chỉ là những trái của một cây hư thối. Nguyền rủa hay trách cứ không thay đổi được gì mà phải tìm mọi cách để nâng cao nhận thức của họ. Nâng cao nhận thức của cộng đồng Phật Giáo tại Việt Nam là một nỗ lực lâu dài và đầy khó khăn, khi chung quanh vẫn còn khá nhiều ma tăng trục lợi. Những ma tăng này không chỉ khinh thường nhận thức nông cạn của người dân mà còn khinh thường nhận thức của những vị tự cho mình là “Như Lai trưởng tử” làu thông kinh điển.
Người Việt sinh ra trong thời đại này, bên cạnh biệt nghiệp của mỗi người, còn có cộng nghiệp của cả dân tộc. Giữ dòng nhận thức chảy về phía ánh sáng văn minh và không chảy về hang sâu mê muội tối tăm là trách nhiệm chung của những người Việt Nam có lương tâm, ý thức và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp.
Hòa thượng Tuệ Sỹ viết về niềm hy vọng này cũng trong thư chúc Tết 2021: “Đạo Phật Việt Nam, kể từ thời dựng nước, độc lập và tự chủ, đã dung hội giác tính trong nhất thể dân tộc, trải qua những thăng trầm, vinh nhục của lịch sử, vẫn tự tin và đứng dậy từ những sụp đổ đau thương.”
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Boston, những ngày cuối năm 2023
Theo: saigonnhonews