Chuyện tình cổ tích của Nàng Tóc Thơm với vị tướng tài
Đền Choọng bao quanh là dòng Nậm Choọng, ở bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ngôi đền ở miền tây Nghệ An thể hiện sự giao thoa văn hóa dân tộc Kinh – Thái. Ngôi đền còn gắn với cổ tích tình yêu của một cô gái người Thái.
Đền Choọng nằm trên núi Pu Đên, ở xã Châu Lý, huyện Qùy Hợp, Nghệ An. Đền Choọng gắn liền với câu chuyện tình của Nàng Tóc Thơm và một vị tướng tài. Ảnh: N.T
Đó là chuyện tình cổ tích của nàng là Nang Phốm Hóm - tiếng Thái nghĩa là Nàng Tóc Thơm. Nàng Tóc Thơm đẹp người, đẹp nết nhất Mường Choọng ngày đó. Tương truyền, thuở ấy, khi quê hương bị giặc giày xéo, nàng và dân bản đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn lao động và chiến đấu.
Trong thời gian lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn đã đem lòng yêu thương, hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng Nàng Tóc Thơm. Nàng Tóc Thơm được nghĩa quân tin cậy giao phó việc quyên góp lương thực. Ngày đêm, Nàng Tóc Thơm ra sức vận động bà con tăng gia sản xuất, làm ruộng, dệt vải tiếp tế cho nghĩa quân.
Những di tích còn lại của đền Choọng cổ được lưu giữ. Ảnh: N.T
Mỗi buổi chiều, sau khi hoàn thành công việc, cô gái thường ra dòng Nậm Choọng gội đầu sau khi xong hết việc. Một chiều nọ, nàng không may bị trượt chân ngã và bị dòng nước cuốn đi.
Nhận được tin người yêu mất, tướng quân tức tốc quay về và cho quân lính đào xới đất đá chất thành núi tìm người yêu nhưng vẫn không thấy. Tiếc thương nàng, người dân đã lập đền thờ trên đồi đất mà tướng quân và binh lính đã đào để tìm nàng.
Tượng Nang Phốm Hóm (Tiếng Thái nghĩa là Nàng Tóc Thơm) tại đền Choọng ở xã Châu Lý, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.T
Trải qua thăng trầm lịch sử, đền Choọng bị tàn phá, chỉ còn lại những tảng đá kê chân cột. Dấu tích đền xưa chỉ còn 16 viên đá, song dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ lịch sử gắn với ngôi đền thì vẫn trường tồn.
Năm 2013, đền Choọng được tôn tạo, phục dựng chính trên nền cũ với khuôn viên rộng hơn 9ha, gồm các hạng mục: thượng điện, hạ điện, tả vu, hữu vu, tam quan, cổng tứ trụ…
Qua thăng trầm lịch sử, đền Choọng bị tàn phá, chỉ còn lại những tảng đá kê chân cột. Dấu tích đền xưa chỉ còn 16 viên đá. Ảnh: N.T
Ðiểm bắt đầu của đền Choọng là Nghi môn được kết cấu gồm hai trụ biểu được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, bốn mặt tạc long, ly, quy, phụng rất công phu và tinh xảo. Bên cạnh hai trụ biểu là tượng 2 con voi bằng đá granit nguyên khối. Qua Nghi môn là đến Miếu Sơn thần được làm bằng đá hoa cương nguyên khối.
Đền chính được thiết kế uy nghi, bề thế vừa cổ kính thâm nghiêm tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của đền chùa việt Nam, vừa mang dáng dấp rất riêng của văn hóa dân gian người Thái cổ.
Tượng Nang Phốm Hóm được đúc bằng đồng theo mẫu một người phụ nữ dân tộc Thái với trang phục truyền thống, đầu đội khăn phiêu. Ảnh: N.T
Đền chính được bố trí ba cung thờ, trong đó cung chính giữa là nơi bài trí thờ Nang Phốm Hóm và hạt lúa thần. Tượng Nang Phốm Hóm được đúc bằng đồng theo mẫu một người phụ nữ dân tộc Thái với trang phục truyền thống, đầu đội khăn phiêu, mặc áo cóm đính hai hàng khuy ở giữa, váy khắc các hình hoa văn truyền thống của người Thái ở Mường Choọng.
Năm 2015, đền Choọng ở xã Châu Lý, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: N.T
Năm 2015, đền Choọng được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Những ngày rằm, mồng một và các ngày lễ trong năm, người dân huyện Quỳ Hợp và các vùng lân cận lại về dâng hương tại đền rất đông. Đặc biệt là ngày giỗ Nàng Tóc Thơm vào ngày Rằm tháng 6 âm lịch hàng năm.
Thắng Tình Theo: Dân Việt