Wednesday, March 20, 2024

TẠI SAO Ả RẬP CÓ VÔ SỐ SA MẠC PHẢI NHẬP KHẨU CÁT, BĂNG ĐẢO ICELAND LẠI NHẬP KHẨU BĂNG?

Chuyện Ả Rập Saudi phải đi mua cát từ nước ngoài còn xứ Iceland lạnh giá phải nhập khẩu băng để dùng thoạt nghe hoang đường chẳng khác nào nói Canada hết sạch lá phong hay người Eskimo đi mua tủ lạnh. Tuy nhiên, đây lại là sự thật.

Ả Rập Saudi – quốc gia hơn 95% diện tích là sa mạc (ảnh: Amusing Planet).

95% diện tích Ả Rập Saudi là sa mạc với những biển cát mênh mông trắng xóa. Người dân Ả Rập Saudi có thể lấy hàng chục xe tải cát bất cứ khi nào họ muốn mà không cần trả tiền. Nói theo nghĩa đen, hãy cắm cái xẻng ở bất cứ chỗ nào tại Ả Rập Saudi, bạn sẽ có cát ngay.

Tuy nhiên, sự thật là Ả Rập Saudi cùng hơn 20 nước Trung Đông khác lại phải đi nhập khẩu cát từ nước ngoài về để xây dựng. Vấn đề nằm ở chỗ cát của những nước này quá mịn, không thể đem xây nhà được.

Theo Amusing Planet, cát ở sa mạc khác rất nhiều so với cát lấy được từ lòng sông. Trên sa mạc, cát đã bị gió và quá trình phong hóa bào mòn qua hàng ngàn năm, vì vậy chúng quá mịn để sử dụng làm chất kết dính trong xây dựng.

Các nước Trung Đông cần nhập khẩu rất nhiều cát để xây dựng (ảnh: FT).

Việc chọn cát để xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thi công công trình. Cát được chia thành 3 loại, cát thô, cát trung bình và cát mịn. Với loại cát nhỏ, mịn như cát sa mạc, vữa trộn sẽ trở nên trơn trượt và có độ bền kém, không chịu được áp lực.

Ả Rập Saudi cũng có hơn 1.700 km đường bờ biển với những bể cát lớn. Tuy nhiên, cũng tương tự như cát sa mạc, cát biển không thể dùng trong xây dựng vì quá mịn và nhẵn. Ngoài ra, cát biển chứa nhiều ion clo, có thể làm giảm độ bền của sắt thép. Thành phần muối trong cát biển cũng có xu hướng hấp thụ độ ẩm trong không khí, khiến công trình trở nên ẩm ướt, kém bền chặt.

Cát và dầu mỏ là 2 tài nguyên có nhiều nhất ở Ả Rập Saudi và các nước Trung Đông. Nhưng khác với việc người ta phải gây chiến để tranh giành dầu mỏ, cát sa mạc lại là thứ "cho không ai lấy". Hiện tượng cát sa mạc xâm lấn đồng ruộng thậm chí còn là vấn nạn khiến nhiều nước Trung Đông đau đầu. Ả Rập Saudi cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là 2 nước nhập khẩu nhiều cát nhất Trung Đông.

Lượng cát toàn cầu đang ngày càng khan hiếm (ảnh: Scroll).

Năm 2019, UAE – quốc gia có 80% diện tích là sa mạc – tốn hơn 89,6 triệu USD để mua cát từ nước ngoài. Con số này ở Ả Rập Saudi là hơn 2,5 triệu USD, theo Trend Economy. Nguồn cát của Ả Rập Saudi và UAE chủ yếu đến từ Úc và Scotland, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (CCI).

Trên thực tế, cát không phải tài nguyên vô hạn và thế giới đang trong tình trạng thiếu cát bởi quá trình đô thị hóa. Năm 2014, cát chiếm 85% tổng trọng lượng khai thác tài nguyên toàn thế giới.

Trung Quốc là quốc gia khai thác cát nhiều nhất thế giới. Trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2014, nước này dùng nhiều cát hơn Mỹ sử dụng trong toàn bộ thế kỷ 20. Trung bình mỗi năm, có khoảng 236 triệu m3 cát được hút khỏi hồ Bà Dương, ảnh hưởng lớn đến khả năng điều tiết nước của sông Dương Tử, theo Guardian.

Năm 2020, quốc gia nhập khẩu nhiều cát nhất thế giới là Singapore. Do diện tích nhỏ, Singapore cần cát phục vụ xây dựng và lấn biển.

Theo Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc (UNEP), trong 40 năm trở lại đây, diện tích Singapore đã tăng hơn 20% nhờ hơn 517triệu tấn cát. Nguồn cát của Singapore chủ yếu nhập từ các nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Indonesia và Malaysia. Ở Indonesia, 24 đảo cát đã biến mất vì hoạt động khai thác cát xuất khẩu. Năm 2019, Malaysia cấm xuất khẩu cát cho Singapore, khiến quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng. Indonesia và Campuchia cũng làm điều tương tự với Singapore vào các năm 2007 và 2017.

Nghiên cứu năm 2021 của UNEP chỉ ra rằng, hoạt động khai thác cát ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sinh, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và làm gia tăng xói mòn, sạt lở đất ven sông, hồ. Năm 2018, Việt Nam đã cắt giảm thành công 30% lượng cát xuất khẩu ra nước ngoài.

Iceland – đảo quốc xinh đẹp phủ một màu xanh (ảnh: Guardian).

Nếu nói Ả Rập Saudi mua cát nước ngoài là phi lý thì việc băng đảo Iceland nhập khẩu băng ban đầu nghe cũng hoang đường không kém. Sự thật Iceland (ice = băng, land = đảo) là một cái tên không đúng để miêu cả cảnh sắc xanh mướt của quốc gia xinh đẹp này.

Mặc dù nằm rất gần Bắc Cực, chỉ có 10% diện tích Iceland bị bao phủ bởi băng tuyết vĩnh cửu, phần còn lại hưởng khí hậu ấm áp nhờ gió biển Đại Tây Dương.

Truyền thuyết kể rằng, cái tên "Iceland" được đặt bởi một nhóm người Viking đầu tiên đặt chân lên hòn đảo. Họ tin rằng "Iceland" sẽ khiến người khác lầm tưởng rằng hòn đảo trù phú, xanh tươi chỉ toàn là băng và không lui tới. Vì vậy, băng ở Iceland thực tế không có nhiều như tên gọi, thậm chí mua băng ở đây còn khá đắt đỏ.

Hoạt động khai thác băng cũng vấp phải sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường ở Iceland do lo ngại tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Iceland chọn nhập khẩu băng từ nước ngoài thay vì tự khai thác trong nước (ảnh: BBC).

Do vị trí xa xôi, Iceland phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm như lúa mì, dầu, rau, thịt… từ các nước nước khác. Việc bảo quản số thực phẩm khổng lồ này trong các kho chứa, cửa hàng tốn rất nhiều băng.

Tuy nhiên, với dân số chỉ có hơn 300.000, thứ gì làm ra ở Iceland cũng rất tốn kém bởi người lao động tại đây được trả lương cao bậc nhất thế giới. Để giải quyết vấn đề này, Iceland chọn cách nhập khẩu băng thay vì sản xuất trong nước. Nguồn băng của Iceland chủ yếu đến từ Na Uy, Anh. Thậm chí nước này có lúc phải mua băng từ Mỹ.

Năng lực vận tải biển của Iceland được cho là dư thừa. Cùng với việc nhập khẩu thực phẩm, các tàu hàng của Iceland tận dụng những khoang rỗng để chở luôn băng về nước mình, qua đó tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Năm 1970, Iceland trở thành thành viên của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu. Nhiều hiệp định thương mại được ký kết sau đó với các nước EU giúp băng được bán cho Iceland với thuế suất bằng 0%.

Tất cả những điều kiện thuận lợi trên giúp Iceland thoải mái nhập khẩu băng và tiết kiệm điện để phục vụ luyện kim nhôm. Khoảng 1/4 sản lượng điện ởtự đảo quốc này được sử dụng để sản xuất nhôm. Chỉ có hơn 300.000 dân nhưng Iceland là nước xuất khẩu nhôm lớn thứ 11 thế giới.

Vương Nam / Theo: Dân Việt
Link tham khảo: