Ba thỏ liền ba cái tai? Sự giao thoa văn hóa của họa tiết thời trung thế kỷ này đã thu hút nhiều người. (shutterstock)
Họa tiết ba thỏ vừa linh động thần bí vừa tuần hoàn lặp lại này đã xuyên việt cả thiên niên kỷ, từ cổ chí kim, nó đã lưu truyền khắp ba châu lục lớn, ra vào bốn tôn giáo lớn, họa tiết giao thoa văn hóa thời trung cổ. Nó uẩn tàng huyền cơ và ngụ ý gì? Vì sao nó có thể siêu việt thời không, quán thông những giá trị chung của các dân tộc khác nhau? Đây vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Bắt đầu hành trình từ hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10, ba thỏ liền tai đã chạy hướng Tây dọc theo Con đường Tơ lụa, hoạt động sôi nổi ở Trung Á, Tây Á và Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 11, xuyên toa Ai Cập và các nước châu Âu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, hình tượng ba thỏ liền tai xuất hiện trên khuôn đúc pha lê của huy chương Hồi giáo, mâm kim loại của Afghanistan, mâm đồng thau của Iran, đồng xu Mông Cổ, gốm sứ Ai Cập hoặc Syria, trần nhà của giáo đường Do Thái ở vùng Gwoździec ở Ukraine, chuông nhà thờ lớn ở thành phố tu viện Heine của Đức, cửa sổ tọa đường của chủ giáo thành Paderborn, huy hiệu của cộng đồng Hasloch, phù điêu mái nhà của Giáo đường Thánh Peter và Thánh Paul ở Pháp, gạch xây giáo đường khác nhau ở Devon Anh, trên bản khắc gỗ, bản thảo của Kinh Thánh, trên kính màu… nó đã trở thành một họa tiết trang trí dung nhập vào đời sống văn hóa đương địa, và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Các nhà khảo cổ học, sử gia nghệ thuật, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế đồ họa… Có rất nhiều người ở châu Á, châu Âu và Mỹ đã tìm tòi nghiên cứu họa tiết ba thỏ liền tai thần bí này. Hiệp hội nghiên cứu “ba thỏ” của Anh cũng đã xuất bản một chuyên khảo điều tra. Trong hệ thống tín ngưỡng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại, chú thỏ thông minh có thể xua đuổi ác quỷ, mang đến vận tốt, do đó nó thường xuất hiện trên bùa hộ mệnh. Có người cho rằng họa tiết ba thỏ đại biểu cho đức Thánh Cha, Thánh Con và Thánh Linh, tức là “tam vị nhất thể”; có người cảm thấy vòng chạy của ba thỏ liền tai hình thành một hình tam giác đều vững chắc, ám thị dù thế sự biến hóa đa đoan thế nào, thì chân lý, công nghĩa, lương thiện mà Thần dạy bảo vẫn mãi bất biến; Cũng có người nói ba thỏ chạy thành vòng tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai, sinh mệnh tiếp diễn hết thế hệ này sang thế hệ khác, tiếp lực truyền thừa tinh thần… Còn có rất nhiều ý kiến khác nữa.
Ba thỏ chạy vòng tròn, hoa sen xoay chuyển phi thiên xung quanh
Trong các hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, quê hương của họa tiết ba thỏ, những hoa văn sớm nhất được biết đến vẫn còn tồn tại trong 20 hang động vào thời kỳ ngũ đại Tùy, Đường (581-960). Trong vẻ đẹp lộng lẫy của những bức tranh tường và tượng nhiều màu sắc này, hầu hết phải nhìn kỹ bích họa trên “giếng tảo” ở trần hang mới có thể tìm thấy dấu vết của chúng.
Giếng tảo (tảo tỉnh) chính là nơi “xà gỗ giao nhau là giếng, vẽ họa tiết là tảo”. Trong hai mươi tám vì tinh tú, tỉnh tú (tức đông tỉnh) là chủ thủy, trong kiến trúc kết cấu gỗ truyền thống Trung Quốc, ở phần chóp mái của đền chùa, cung điện đều làm thiên tỉnh (giếng trời), trang trí hoa sen, hoa lăng và các loại thực vật thủy sinh khác, hy vọng thủy có thể khắc hỏa, bảo hộ bình an. Trong các hang động Mạc Cao, nơi có ngàn Phật vạn Tiên, hoa sen “sinh ra từ bùn mà chẳng vấy bùn” là hình ảnh thường thấy nhất. Giếng tảo Đôn Hoàng nằm ở vị trí trung tâm nơi cao nhất của trần hang, là nghệ thuật hướng về thiên quốc, vừa thánh khiết thù thắng, vừa thanh lương huyền diệu. Đóa sen hình tròn như bánh xe, hoa sen đôi rồng, hoa sen ba chú thỏ, hoa sen bay trên trời, hoa sen thạch lựu, hoa sen kim ngân; dùng hoa sen, mẫu đơn làm đặc trưng chủ thể của hoa bảo tướng, họa tiết hình chùm nho, quả lựu v.v. Đôi khi bốn góc của giếng tảo hoặc khung bên ngoài cũng được trang trí bằng ngựa có cánh, sư tử, linh điểu và các loài chim thú cát tường khác, tích hợp văn hóa Trung Nguyên và nghệ thuật Tây Vực, các họa tiết Đôn Hoàng rất phong phú và đầy màu sắc.
Giếng tảo hoa sen phi thiên ở trung tâm của đỉnh hang (shutterstock)
Hang thứ 380 của triều đại nhà Tùy là một giếng tảo hình vuông lồng vào nhau, bên trong giếng có một bánh xe sắc màu lớn đang xoay chuyển, trong bánh xe có một cậu bé đang ngồi. Bánh xe sắc màu có thể được xem như một bông sen biến hình, có nghĩa là “đứa trẻ hoa sen”; nó cũng có thể được xem là pháp luân, có ý nghĩa là “pháp luân thường chuyển”. Trong giếng tảo màu lam lộ thiên ở hang số 329 vào đầu triều Đường, một bông sen lớn rực rỡ xòe ra 14 cánh hoa trên đài sen của bánh xe ngũ sắc phóng quang hoa diễm lệ, bốn bên của hoa cũng có bánh xe nhiều màu đang xoay chuyển. Bốn phi thiên và hoàn hành nằm tại 12 kĩ nhạc phi thiên ngoại vi của giếng tảo phối hợp lẫn nhau, hoa sen bay nhảy trong phạn âm diệu khúc nhẹ nhàng mềm mại, tươi sáng kiều diễm.
Ba thỏ liền tai Đôn Hoàng trong đồ hình giếng tảo của hang số 407 triều đại nhà Tùy là vượt trội nhất, kết cấu nghiêm cẩn, khí vận linh động, hoạt lực sung mãn. Lấy ba chú thỏ trên đài sen trong bông sen làm trung tâm, lấy hoa sen lớn hình bánh xe của huyền không làm chuyển luân, phương hướng bay lượn của tám phi thiên nhất trí với hướng chạy ngược chiều kim đồng hồ của ba chú thỏ, thiên y phiêu đãng, dung mạo thoát tục bay lượn, mây và hoa cũng khoan thai phiêu chuyển. Bố cục kết cấu dày đặc, có tầng thứ phân minh, trình hiện cảm giác về độ sâu rộng của không gian và động cảm xoay tròn bay bổng, rực rỡ mãn nhãn như kính vạn hoa, khiến cho hang động ngưng cố cũng như sống trở lại, hòa với nhau một cách sinh động, tràn đầy động cảm.
Chưa rõ nguồn gốc của họa tiết ba thỏ liền tai
Về nguồn gốc của họa tiết ba thỏ liền tai, hiện nay có hai ý kiến khác biệt chính là:
1. Nguyên tác tại bản địa
Một số nhà nghiên cứu phát hiện họa tiết ba thỏ liền tai rất tương tự với một số hoa văn truyền thống ở Trung Quốc cổ đại, chẳng hạn như hoa văn ba con thú trên nắp đôn đồng thời Chiến Quốc, hoa văn ba con ngỗng trên ngói thời Hán, hoa văn ba con thú trên bạc và bạch kim thời Tây Hán, hoa văn ba con cá cùng đầu trong những bức bích tượng trên đá thời nhà Hán, v.v., có thể chứng minh rằng họa tiết ba thỏ liền tai ở hang động Mạc Cao chính là nguyên tác của các họa sĩ bản địa Đôn Hoàng trên cơ sở vay mượn các họa tiết truyền thống.
Một số người suy đoán rằng họ ban đầu có thể muốn vẽ ba con cừu (nguyên từ “Tam dương khai Thái” (ba cừu mở ra quẻ Thái) của “Kinh Dịch”), nhưng hoàng đế của triều đại nhà Tùy họ “Dương”, đồng âm với “dương” cừu, vì kị húy tên nhà vua, nên đổi thành ba thỏ.
2. Nguồn gốc ngoại lai
Một số học giả đã khảo sát di tích quan trọng của nền văn minh Gandhara – di chỉ Saidu Sharif ở thung lũng Swat. Hình ảnh ba con thỏ liền tai được khai quật trong đó có thể là tiền thân trực tiếp hoặc nguồn gốc của những họa tiết tương tự ở Đôn Hoàng.
Hiệp hội nghiên cứu Anh cho rằng mô hình ba thỏ liền tai có thể bắt nguồn từ vương triều Tát San của Ba Tư (224-651) hoặc văn hóa Hy Lạp cổ đại, được người Do Túc Đặc mang đến Đôn Hoàng.
Giải thích ý nghĩa từ nhiều góc độ
Các họa tiết trang trí hình ba thỏ liền tai được phân bố rộng rãi trên khắp lục địa Á – Âu dọc theo Con đường Tơ lụa cổ đại, ngoài giao lưu văn hóa và kinh doanh thông thường, chúng còn có liên quan đến các cuộc Thập tự Đông chinh, và Tây chinh của Mông Cổ.
Về ý nghĩa của họa tiết ba thỏ, hiện tại chủ yếu tập trung vào việc thờ phụng Thần Bắc Đẩu và Thần Mặt Trăng, tư tưởng thần tiên của Đạo gia, văn hóa Phật giáo cho đến phong tục dân gian.
Khi bảy ngôi sao của chòm sao Bắc Đẩu quay ngược chiều kim đồng hồ quanh Bắc Cực tinh (Polaris), vị trí của nó sẽ biến đổi, nhưng hình dạng của chiếc gáo mà nó tạo ra sẽ không thay đổi. Các ngôi sao thứ năm đến thứ bảy (Ngọc Hành, Khai Dương, Diêu Quang) là bộ phận cán gáo, có hình dạng giống như tay cầm của vò rượu cổ, vì vậy nó được gọi là “đẩu bính”, cũng gọi là “đẩu tiêu”. “Dục tri tứ hải xuân đa thiểu, tiên hướng thiên biên vấn đẩu tiêu” (“Tác hàn lâm thời” của Vương An Thạch), những người dân đầu tiên của Hoa Hạ căn cứ chỉ hướng của cán gáo mà định vị phương vị, thời tiết, để sắp xếp nông thời nông vụ. “Đẩu bính chỉ đông, thiên hạ đều xuân; Đẩu bính chỉ nam, thiên hạ đều hè; Đẩu bính chỉ tây, thiên hạ đều thu; Đẩu bính chỉ bắc, thiên hạ đều đông” (theo Hoàn Lưu Thiên của Quan Tử).
Cổ nhân quan sát tinh tượng ban đêm, thiên nhân cảm ứng, dự trắc cát hung, chòm sao Bắc Đẩu là đối tượng quan sát chủ yếu. Bái Đẩu (chiêu Chân lễ Đẩu) là một nghi thức tín ngưỡng tinh tú truyền thống của Đạo giáo, Trương Tam Phong đã viết trong một bài thơ: “Đầu đội hoa sen triêu Bắc Đẩu, Tinh Quân vì tôi ban trường sinh.” (Bài thơ Bình việt phúc tuyền sơn lễ Đẩu ngâm).
Ngôi sao sáng nhất trong Bắc Đẩu là Ngọc Hành, còn được gọi là “Sao Liêm Trinh” vào thời nhà Đường, và nó là một trong 57 ngôi sao dẫn đường cho hoạt động hàng hải. Ngọc Hành (Alioth) là Đại Hùng tọa ε (ε Uma), có đặc tính biến quang kỳ diệu. Cuốn Hán thư “Xuân Thu Đẩu vận xu” viết: “Ngọc Hành tinh tản nhi vi thố”, ánh sáng của sao Ngọc Hành lạc xuống phàm gian hóa sinh thành những con thỏ trên mặt đất. Những con thỏ của “Ngọc Hành chi tinh” chính là danh từ đại biểu cho sao Ngọc Hành, và ba thỏ liền tai ở trung tâm của giếng tảo cũng có khả năng tượng trưng cho ba sao cán gáo của chòm sao Bắc Đẩu, chỉ dẫn phương hướng cho muôn vạn chúng sinh.
Một bức tranh của Thái âm Tinh quân (thế kỷ 13) được khai quật tại Diệc Tập Nãi Lộ, Tây Hạ. (phạm vi công cộng)
“Hải thượng sinh minh nguyệt, Thiên nhai cộng thử thời.” (Vọng nguyệt hoài viễn của Trương Cửu Linh) quả là một câu thơ tụng nguyệt hoàn mỹ!
Tục cúng trăng trong Tết Trung thu diễn biến từ tục đêm thu tế nguyệt thời thượng cổ, từ đế vương cho đến thường dân bách tính, dần dần hình thành phong tục “nam không bái Nguyệt, nữ không tế Táo”, con gái con dâu thắp hương, hướng Thần Mặt Trăng chủ quản việc cưới xin, sinh đẻ, khấn vái thổ lộ tâm nguyện. Thần Mặt Trăng trong Đạo giáo là Thái Âm tinh quân, Thần Mặt Trăng trong Phật giáo là Bồ tát Nguyệt Quang, dân gian cũng thờ tự Hằng Nga. Hình tượng Thần Mặt Trăng thời Thanh triều dần dần dung hợp với Phật, Đạo, “Trên vẽ Thái Dương tinh quân, giống hình tượng Bồ tát, dưới vẽ Nguyệt cung và thỏ giã thuốc, đứng cầm chày. Hình thức tinh tế, kim bích huy hoàng.” (theo “Yến Kinh tuế thời ký” của Phú Sát Đôn Sùng). Ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân, Tết Trung thu phải có tượng thỏ con – là Thỏ Ngọc trong truyền thuyết từ cung Quảng Hàn (cung Trăng) hạ phàm cứu người trong dịch bệnh. Những đứa trẻ ở bên mẹ đều thích Thỏ Ngọc, trên bàn có bánh trung thu, dưa hấu cắt thành hình cánh sen và món bánh đậu mà thỏ ngọc thích ăn.
Điều kỳ diệu là rất nhiều dân tộc trên thế giới có truyền thuyết cổ lão về “cung Trăng có thỏ”. Artemis trong thần thoại Hy Lạp là nữ thần săn bắn, nữ Thần Mặt Trăng, cũng là nữ thần chủ quan sinh sản và đỡ đẻ. Trong thần thoại Etruscan, nữ Thần Mặt Trăng Losna cũng là nữ thần của biển cả và thủy triều. Trong các vị thần Anglo-Saxon, một người phụ nữ có đôi tai thỏ, trước bụng có một chiếc gương tròn lớn, không chỉ tượng trưng cho Mặt Trăng mà còn tượng trưng cho việc mang thai.
Lý Thời Trân, một nhà y học thời nhà Minh, tin rằng khí huyết hưng suy của nữ giới tương ứng với ánh trăng mờ hay tỏ, và nguyệt kinh cũng như thủy triều ứng với Mặt Trăng. Chu kỳ kinh nguyệt (khoảng 28 ngày) của phụ nữ khỏe mạnh làm việc và nghỉ ngơi bình thường gần với chu kỳ Mặt Trăng (29,53 ngày). Thời kỳ mang thai của một con thỏ là một chu kỳ thay đổi tuần trăng, tức là nó có thể sinh một lứa (khoảng 6 con) sau 4 tuần mang thai, và ít nhất 5 lứa một năm. Khả năng sinh sản siêu cường của thỏ thật đáng kinh ngạc, tổ tông tạo ra chữ “thố tử viết vãn”, hy vọng phụ nữ mang bầu 10 tháng có thể miễn giảm nguy cơ phong sản, sinh nở bình an và đông con.
Ở các vùng quê Tây Bắc, các bà mẹ làm bánh thỏ tặng con gái sắp lấy chồng với mong muốn vợ chồng yêu thương, sinh được một đứa con trai. Ở nhiều nơi còn có phong tục đi giày thỏ cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, nhất là trong dịp sinh nhật và Tết Trung thu. Người ta tin rằng em bé đi giày thỏ có đôi chân quý và nhanh nhẹn như thỏ.
“Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi hòa.” (“Đạo Đức Kinh”) Có lẽ sự cộng hưởng đồng tần giữa các chủng tộc và văn hóa khác nhau chính là quy luật vận động của vũ trụ uẩn hàm trong họa tiết ba thỏ – tuần hoàn lặp lại, không ngừng sinh sôi.
Họa tiết ba thỏ liền tai xuất hiện trên trần hang của hang động Mạc Cao cùng với Thần Phật phi thiên thời kỳ toàn thịnh, không thể dùng nhãn quang của thế hệ sau để lý giải nó như văn hóa dân gian.
Hang động Mạc Cao nằm trên vách đá của núi Minh Sa ở phía đông nam của Đôn Hoàng, được gọi là “Chùa Sùng Giáo” vào cuối thời nhà Tùy và đầu thời nhà Đường. Từ thời tiền Tần đến triều đại nhà Nguyên (thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14), các thế hệ thợ thủ công, họa sĩ và tăng nhân vô danh từ thời này sang thời khác, đã sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, phong phú và gây sửng sốt bằng sự kiền thành mộ đạo, nghị lực và kỹ thuật phi phàm.
Đôn Hoàng là một yết hầu quan trọng của Con đường Tơ lụa cổ đại. Nó là một ốc đảo nhỏ được bao quanh bởi sa mạc Gobi và núi non, cũng là đất hội tụ của thương mại phồn vinh, văn hóa đa nguyên. Các cao tăng đi xuống phía nam truyền Pháp, hay đi lên phía tây lấy Kinh đều đi ngang qua Đôn Hoàng, họ thường dừng nghỉ chân, giảng Kinh thuyết Pháp, hoặc ở lại phiên dịch kinh Phật, lập đàn xây chùa ở đây. Theo thời gian, Phật giáo đã phát triển sâu rộng ở Đôn Hoàng, đơm hoa kết trái. Mở hang tạo tượng biểu đạt sự kính ngưỡng học tập và cảm ân cứu độ đối với Thần Phật, là truyền thống thịnh hành ở đương địa qua ngàn năm. Các nhà sư và tín chúng có tiền xuất tiền, có sức xuất sức, rất nhiều người cúng dường là từ các thế gia đại tộc, văn võ quan viên, còn có hiệp hội tư nhân trong dân chúng, những người thợ thủ công cần cù cũng phó xuất tích công đức.
Trong hang số 103, có một bức bích họa về một người đàn ông thời nhà Đường trong chiếc áo choàng cổ tròn đeo khăn bịt đầu đang bái Trăng. Các Phật tử thờ Bồ tát Nguyệt Quang, người bên phải của Đức Phật Dược Sư ở Thế giới Lưu Ly tịnh thổ phương Đông, còn được gọi là Bồ tát Nguyệt Quang Biến Chiếu. “Nguyệt Quang Biến Chiếu” biểu thị sự sáng suốt tĩnh lặng, có thể dung chứa muôn vạn chúng sinh trong đại thiên thế giới, không bị tam độc tham, sân, si xâm thực làm khổ não. Tượng Nguyệt Quang Bồ Tát trên bức tường phía nam của Động 384 vào thời trung Đường khá đặc biệt, Ngài không ngồi trên tòa sen mà cưỡi trên một con ngỗng (ngai vàng được bao quanh bởi một vòng ngỗng trắng).
Ở ngoại vi giếng tảo bánh xe tròn ba thỏ trong hang 305 của triều đại nhà Tùy, Đông Vương Công và Tây Vương Hậu cưỡi xe rồng tuần du thiên vũ, tinh kỳ phấp phới, hoa rải như mưa. Phi thiên, tiên nhân, lực sĩ, thú có cánh đồng hành, uy nghiêm tráng lệ. Tây Vương Mẫu là thượng cấp của Thỏ Ngọc, Tây Mẫu nương nương trong họa tượng thời Hán bên thân luôn có một chú Thỏ Ngọc đang miệt mài luyện chế thuốc trường sinh. Trong kinh Phật, thỏ là một trong những Phật bản sinh (tiền thế của Đức Phật), có địa vị thần thánh. “Tây Vực Đại Đường kỳ” cũng ghi lại câu chuyện về một con thỏ đã hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác, thăng lên cung Trăng để trở thành một vị Thần. Khung cảnh tráng lệ về sự hợp nhất giữa Thích giáo (Phật giáo của Thích Ca Mâu Ni) và Đạo giáo xung quanh trần hang động được miêu tả vô vi hòa cảm, thân thiết cảm động, hỉ khánh tốt lành, và ba thỏ liền tai chính là một bút pháp “vẽ rồng điểm nhãn” thần thánh.
Ba thỏ liền tai là tượng trưng cho “tiền thế”, “hiện sinh” và “lai thế” (kiếp trước, kiếp này và kiếp sau), tương hợp đối với Phật giáo là “nhân quả ba kiếp”, “sinh tử luân hồi”, cũng có người cảm thấy ba thỏ liền tai đại biểu cho Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, tương lai), hoặc tam Thân (pháp thân, ứng thân, báo thân), và tam Bảo (Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo).
Tác giả: Trầm Tĩnh, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch
Link tham khảo: