Cười, cả thế giới cùng cười với bạn. Khóc, bạn chỉ có thể khóc một mình.
Rồi cũng có một ngày, bạn sẽ phát hiện thế giới này không có sự đồng cảm chân chính. Mọi lắng nghe chỉ là phép tắc lịch sự, quan tâm trở thành thứ xa xỉ trong các mối quan hệ. Con người lướt qua đời nhau là chuyện thường tình.
Vậy nên, thay vì nói cho người khác biết về khổ tâm và bất hạnh của mình, chi bằng bớt lại vài câu nói, mỉm cười cho qua.
Cũng giống như người xưa có câu: Kẻ tầm thường thích cầu người, đại trí cầu chính mình.
1. Cái khổ của bạn, không cần thiết nói ra
Chúng ta quen với việc kể lể, than thân trách phận, tâm sự bất hạnh của mình với người khác, hy vọng có thể nhận được sự đồng cảm và vỗ về để tâm hồn được chữa lành.
Song, cái khổ tâm của bạn âu cũng chỉ là câu chuyện vô thưởng vô phạt trong mắt đối phương.
Cái phiền lòng của bạn nghe mỏi mệt thật đó, nhưng nó không hề liên quan đến người khác. Đó là còn chưa kể đến nỗi khổ của bạn lại trở thành chủ đề chuyện phiếm của họ để bàn ra nói vào.
Do đó, bạn kể khổ thì đã sao? Luôn luôn không thể nhận về sự thỏa mãn trong tâm hồn như đã kỳ vọng.
Nhà triết học người Scotland, Adam Smith từng nói:
"Trên thế giới này không có ai đủ sự đồng cảm với nỗi đau của bạn. Bạn tổn thường thật nhiều, bạn hoài nghi nhân sinh, đó đều là chuyện của bạn. Người khác có lẽ cũng đồng cảm, cũng thở dài vài câu, nhưng không bao giờ hiểu được vết thương của bạn đau đớn đến mức nào".
Đau không nói, khổ không kêu là một kiểu dũng cảm và trí tuệ.
2. Hạnh phúc của bạn, không cần khoe khoang
Chúng ta từng nghĩ rằng bản thân nên chia sẻ chuyện vui với mọi người. Cho đến một ngày, bạn phát hiện ngoài người thân bên cạnh thì căn bản chẳng một ai vui vẻ hay thành tâm chúc phúc cho mình.
Chuyện vui của bạn ngược lại có thể là cái gai trong mắt người khác. Hạnh phúc của bạn có thể lại là nỗi tiếc nuối và mất mát của đối phương.
Mọi điều bạn khoe khoang đều trở thành nỗi ghen tị của người khác. Vậy nên đừng lo lắng khi ai đó không biết đến hạnh phúc của mình, cũng đừng nên khoe nó ra.
Tôi muốn bạn sống tốt, nhưng tôi hy vọng bạn nên sống tốt không bằng tôi. Lòng người rất đáng sợ, bản thân bạn cũng không thể kìm chế được nỗi ghen ăn tức ở thì liệu người khác đủ thánh thiện để thành tâm chúc phúc cho bạn không?
Ngay cả người thân, bạn bè gần gũi cũng có thể thay lòng đổi dạ, đấu đá lẫn nhau vì lợi ích. Con người luôn muốn sống tốt nhất có thể. Nhìn vào cuộc sống của người khác, chúng ta không khỏi có gì đó chạnh lòng, dù ít dù nhiều.
Lương thiện thì nhìn thấy rồi thôi, tự buồn cho mình, từ đó phấn đấu hơn. Xấu xa thì ghen tị trong lòng, giận dỗi vô cớ vì người khác sống đủ đầy hơn mình, thậm chí còn bày mưu tính kế hạ bệ đối phương.
Cổ nhân nói rất hay: Sống một mình nên giữ cái tâm, sống chung với bầy nên giữ cái miệng.
Nhân tình thế thái, bi hay hỉ của mình, người khác khó lòng cảm thấu
Trên thế giới này, mỗi người đều có một cuộc sống riêng, sở hữu quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau. Đồng cảm chỉ là câu cửa miệng, là một sự xa xỉ và ảo tưởng.
Chuyện vui hay buồn cũng là chuyện của bạn, không liên quan đến người khác. Do đó, sống cho thật tốt là được, hà cớ chi trông mong người khác đồng cảm với mình? Bạn nên nhớ rằng, trưởng thành là phải biết quản lý kỳ vọng. Hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn.
Khổ ải, ít giãi bày; sung sướng, ít tung hứng. Tu thân tích đức, hoàn thiện chính mình, trầm lặng an ổn mà sống mới là chí hướng cuộc đời.
Nguồn: Zhihu / Theo: Soha
No comments:
Post a Comment