Monday, March 11, 2024

NGUỒN GỐC BÀI THƠ "LẬU THẤT MINH" CỦA THI HÀO LƯU VŨ TÍCH

“Núi không màng cao hay thấp, có tiên ắt là núi nổi danh; Nước không màng nông sâu, có rồng ắt là nước linh”, đây là hai câu thơ mở đầu trong bài “Lậu thất minh” của thi hào Lưu Vũ Tích. Vậy nguồn gốc của tác phẩm nổi tiếng này là như thế nào?


Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772 – 842), tự Mộng Đắc, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Lưu Vũ Tích vì từng tham gia cuộc vận động cải cách chính trị lúc đương thời, mà bị đày ra An Huy, huyện Hòa Châu làm một Thông phán hèn mọn.

Theo quy định, Thông phán phải được ở căn phòng ba gian. Nhưng tri huyện Hòa Châu thấy Lưu Vũ Tích là kẻ thất thế bị đẩy từ trên xuống, nên cố ý làm khó. Họ sắp xếp cho ông ở một căn phòng gần sông phía Nam thành.

Lưu Vũ Tích không oán thán nửa lời, ngược lại vẫn rất vui vẻ, còn tuỳ hứng viết ra hai câu đối, dán ở trên cửa: “Diện đối đại giang quan bạch phàm, thân tại Hoà Châu tư tranh biện”. Tạm dịch: Đứng trước sông lớn nhìn buồm trắng; Thân ở Hòa Châu tư tưởng tranh đua.


Tri huyện Hoà Châu sau khi biết chuyện rất tức giận, ra lệnh cho sai dịch trong nha môn chuyển chỗ ở của Lưu Vũ Tích từ cửa Nam huyện thành sang cửa Bắc huyện thành, diện tích vốn dĩ là ba gian nay thu hẹp lại còn phân nửa.

Phòng mới nằm bên sông Đức Thắng, xung quanh liễu rủ từng hàng, khung cảnh cũng hợp lòng người, Lưu Vũ Tích chẳng những không tính toán, mà còn tức cảnh sinh tình, lại viết trên cửa hai câu: “Thùy liễu thanh thanh giang thủy biên; Nhân tại Lịch Dương tâm tại kinh”. Tạm dịch: Rặng liễu xanh xanh rủ bên sông; Người ở Lịch Dương hồn ở kinh thành.

Vị tri huyện thấy Lưu Vũ Tích vẫn tỏ ra thong rong nhàn nhã, thờ ơ như không, liền phái người điều ông đến giữa huyện thành, hơn nữa chỉ cho một căn phòng nhỏ đủ để đặt một chiếc giường, một chiếc bàn, một chiếc ghế.


Trong vòng nửa năm, tri huyện đã ép Lưu Vũ Tích chuyển nhà ba lần, diện tích càng ngày càng nhỏ, cuối cùng chỉ là một căn phòng ổ chuột. Nghĩ đến tên quan ưa nịnh nọt đó, thật là ức hiếp người quá đáng, vì thế giận dữ viết bài thơ siêu phàm thoát tục, lại thanh cao thi vị “Lậu thất minh” này, đồng thời mời Liễu Công Quyền khắc trên bia đá, đặt trước cửa.

Lậu thất minh

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh.
Đài ngân thượng giai lục, thảo sắc nhập liêm thanh.
Đàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh.
Khả dĩ điều tố cầm, duyệt Kim kinh.
Vô ty trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình.
Nam Dương Gia Cát lư, Tây Thục Tử Vân đình.
Khổng Tử vân: “Hà lậu chi hữu?”


陋室銘

山不在高,有仙則名。
水不在深,有龍則靈。
斯是陋室,惟吾德馨。
苔痕上階綠 ,草色入簾青。
談笑有鴻儒,往來無白丁。
可以調素琴,閱金經。
無絲竹之亂耳,無案牘之勞形。
南陽諸葛廬,西蜀子雲亭。
孔子云:「何陋之有?」


Tạm dịch:

Núi không màng cao hay thấp, có tiên ắt là núi nổi danh;
Nước không màng nông sâu, có rồng ắt là nước linh;
Đây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ phẩm đức của ta, mà trở nên thơm tho.
Ngấn rêu xanh biếc, leo dài lên bậc thềm; sắc cỏ xanh rì, phản chiếu lên tấm mành.
Cười nói đều là bậc thông thái bác học, đi lại chẳng phải đám vô lại, ít học.
Có thể gảy cây đàn mộc mạc, đọc kinh Phật;
Không tiếng tơ tiếng trúc làm loạn tai, không giấy tờ, thư trát của quan phủ làm mệt thân.
Gia Cát Lượng có nhà tranh ở Nam Dương, Dương Tử Vân có đình mát ở Tây Thục.
Khổng Tử nói: “Có gì mà sơ sài?”


Khẳng định của Khổng Tử, là chú thích để đưa ra một kết luận sắc sảo nhất về phẩm chất đạo đức của ông, luận văn đương nhiên phải có luận cứ, mà dẫn lời của Khổng thánh nhân làm luận cứ, chắc chắn là luận cứ tốt nhất thời bấy giờ, đầy đủ mà không có gì để phản pháo.

“Nam Dương Gia Cát lư, Tây Thục Tử Vân đình”, lấy nhà tranh của Gia Cát Lượng, ngôi đình của Dương Tử Vân ở Tây Thục ra làm ví dụ, để nói về căn phòng sơ sài của mình, lấy người khác làm gương, hi vọng bản thân mình cũng có thể giống như bọn họ có được sự bồi dưỡng đạo đức thanh cao, và phản ánh tư tưởng của mình cũng noi theo bậc hiền nhân thời cổ đại, đồng thời ám chỉ rằng căn phòng của mình chẳng hề đơn sơ.

Tuệ Tâm, theo One Site World