Nhiều người khi rơi vào tuyệt cảnh thì liền oán trách người khác, oán trời trách đất; người biết mình và biết mệnh sẽ không làm như vậy.
Ngày nay giao tiếp được gọi là một môn nghệ thuật, nếu có thể đắc nhân tâm thì con đường nhân sinh tự nhiên cũng thênh thang. Về phương diện này, chúng ta cùng đến với một số luận thuật của Tuân Tử, một nhà tư tưởng vào cuối thời Chiến Quốc.
Kiêu căng sẽ dẫn đến tai họa, cung kính khiêm tốn sẽ giải trừ được vũ khí
Ngang ngược vô lễ, khinh thường người khác, thường sẽ mang đến sự oán thù, là mầm tai họa. Giao tiếp với người chính là: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.
“Kiêu ngạo, khinh mạn, là tai họa của con người; cung kính khiêm tốn, có thể loại bỏ sự tàn sát của các loại binh khí, có thể thấy, cho dù có mũi nhọn của giáo thương, cũng không lợi hại bằng cung kính khiêm tốn. Cho nên cùng người khác nói lời thiện ý, còn ấm áp hơn là cho họ một bộ quần áo; nói lời ác ý làm tổn thương người khác, so với vết giáo đâm vào thì còn sâu hơn.
Vì vậy, đất đai rộng lớn trù phú mà lại không thể bước lên nó, cũng không phải là vì mặt đất không an ổn; nhón chân mà lại không có nơi nào có thể bước lên, như vậy không có chỗ đặt chân là bởi vì nói lời làm tổn thương người khác”.
“Vui sướng một lúc nhưng lại dẫn đến cái chết, là bởi vì phẫn nộ; minh xét hết thảy mà gặp phải tàn hại là do tật đố; tri thức uyên bác mà rơi vào khốn cảnh là bởi vì phỉ báng; muốn dẹp yên mà càng lúc càng hỗn độn, là bởi vì miệng lưỡi; cung dưỡng khoản đãi người khác mà tình cảm càng ngày càng nhạt, là do đối nhân xử thế không thích đáng; có tài nói chuyện mà không được người khác yêu thích là do hay tranh chấp;
Lập thân chính trực mà không được người khác lý giải, là do vênh váo hung hăng; chính trực thủ tiết mà không được mọi người tôn trọng, là bởi vì khắc nghiệt làm tổn thương người; dũng mãnh vô cùng mà lại không được người khác kính sợ, là bởi vì tham lam; coi trọng chữ tín mà lại không được người khác tôn kính, là do thích chuyên quyền độc đoán. Đây đều là những việc mà tiểu nhân làm, còn quân tử thì không làm”.
Người hay đánh nhau thường tự cho là mình đúng
Tuân Tử rất chán ghét những người hiếu chiến, những người như vậy thường tự đưa mình vào chỗ nguy hiểm, không những thế còn làm liên lụy đến người thân. Tuy vậy, những người này lại thường tự cho là mình đúng, và cho rằng người khác là sai, điều này thì thực là quá ngốc nghếch rồi.
“Phàm là người hay đánh nhau, nhất định sẽ cho rằng bản thân là đúng còn người khác thì sai. Bản thân nếu thực sự là đúng, người khác nếu như quả thực là sai, thì bản thân mình là quân tử, còn người khác là tiểu nhân rồi. Lấy thân phận quân tử đi đánh nhau tàn sát tiểu nhân, về những chuyện phải lo lắng mà nói, thì đã là quên mất bản thân; từ nội bộ gia đình mà nói, đó là quên mất người thân của mình; đối với ở trên mà nói, đó là quên mất quân chủ của mình. Điều này không phải là sai quá rồi hay sao?…
Nếu nói về thông minh, thì không gì ngu xuẩn hơn thế; nếu nói về có lợi, thì không gì có hại hơn thế; nếu nói về quang vinh thì không có gì sỉ nhục hơn thế; nếu nói về an toàn, thì không có gì nguy hiểm hơn thế.
Người có hành vi đánh lộn, rốt cuộc là vì cái gì? Tôi muốn quy hành vi này vào điên cuồng hoặc là bệnh tâm thần, nhưng lại không thể, bởi vì bậc đế vương sáng suốt vẫn phải xử phạt loại hành vi này; tôi muốn quy họ vào loài chim, chuột, cầm thú, nhưng cũng không thể, bởi vì hình thể của họ vẫn là người, hơn nữa yêu ghét phần lớn cũng như người khác. Mọi người phát sinh đánh nhau, rốt cuộc là vì cái gì? Tôi cho rằng loại hành vi này là rất xấu ác”.
Cái dũng của bậc quân tử
“Có dũng cảm của chó và lợn, có dũng cảm của thương gia và đạo tặc, có dũng cảm của tiểu nhân, có dũng cảm của quân tử. Tranh uống cướp ăn, không có liêm sỉ, không hiểu thị phi, không để ý đến thương vong, không sợ sự mạnh mẽ của mọi người, mắt chỉ nhìn thấy ăn và uống, đây là dũng cảm của chó và lợn.
Làm việc cầu lợi, tranh đoạt tài vật, không có nhún nhường, hành động quả quyết, lớn mật, phấn chấn, lòng dạ hung dữ mạnh mẽ, tham lam mà hung bạo, mắt chỉ nhìn thấy tiền tài, lợi ích, đây là dũng cảm của thương gia và đạo tặc.
Không quan tâm sống chết mà hành vi bạo ngược là dũng cảm của tiểu nhân. Phù hợp với đạo nghĩa, không khuất phục quyền thế, không để ý đến lợi ích của bản thân, mang cả quốc gia cho anh ta thì anh ta cũng không thay đổi quan điểm, mặc dù coi trọng sinh mệnh, nhưng kiên trì chính nghĩa và không chịu khuất phục, đây là dũng cảm của quân tử”.
Biết mình thì không oán người, biết mệnh thì không oán trời
Có bao nhiêu người vào lúc gặp khó khăn thì sẽ nghĩ đến sai lầm của bản thân, muốn suy nghĩ một chút về những thiếu sót của mình? Phản ứng đầu tiên của một số người khi rơi vào tuyệt cảnh sẽ là oán trách người khác, oán trời trách đất. Nhưng làm như thế thì có thể giải quyết được vấn đề gì đây?
“Người tự biết mình không oán trách người khác, người hiểu vận mệnh không oán trách ông trời; người oán trách người khác thì sẽ cùng đường bí lối, người oán trách ông trời thì không có kiến thức. Sai lầm ở bản thân, lại đi trách cứ và yêu cầu người khác, đây chẳng phải là đi loanh quanh càng xa hay sao?”
Nghĩa trước lợi sau sẽ vinh, lợi trước nghĩa sau sẽ nhục
“Trước tiên suy tính tới nghĩa, rồi sau mới cân nhắc đến lợi ích, thì sẽ được quang vinh; trước tiên suy tính đến lợi ích, rồi sau mới xét đến đạo nghĩa, thì sẽ bị sỉ nhục; người quang vinh thường thông đạt, người sỉ nhục thường khốn cùng; người thông đạt thường là người thống trị, người khốn cùng thường bị người khác thống trị. Đây chính là sự khác biệt chủ yếu giữa quang vinh và sỉ nhục.
Người có tài năng mà lại kính cẩn phúc hậu thì thường an toàn đắc lợi, người phóng đãng hung hãn thì thường gặp phải nguy hiểm và bị tổn thất. Người an toàn đắc lợi thường vui vẻ, thoải mái, người gặp phải nguy hiểm thì thường ưu sầu mà lại có cảm giác nguy cơ; người vui vẻ thoải mái thường trường thọ; người ưu sầu mà cảm thấy nguy cơ thì thường chết yểu”.