ROGUES’ GALLERY
Năm 1839, một người Pháp tên Louis Daguerre phát minh ra chiếc máy ảnh đầu tiên, đặt tên là daguerreotype. Sang thập niên 1840 nhiếp ảnh bắt đầu được cảnh sát Paris dùng, vừa để nhận diện vừa để theo dõi và truy lùng những kẻ tái phạm. Cảnh sát Mỹ cũng bắt chước làm theo từ thập niên 1850. Những bức ảnh xưa ấy có khi còn được tô hồng lên màu da và đóng khung đồng thau đẹp đẽ.
Với kỹ thuật nhiếp ảnh tân tiến hơn như ambrotype rồi đến tintype vào thập niên 1860, việc in ảnh lên giấy trở nên dễ dàng và đỡ tốn kém. Các cơ quan cảnh sát ở Mỹ và Âu Châu bắt đầu đăng hình phạm nhân lên báo, khởi đầu một kỷ nguyên mới.
Vincenzo Perugia, kẻ trộm bức Mona Lisa trong Bảo tàng viện Louvre, Paris (Getty Images)
Năm 1886 ông Thomas Byrnes, cảnh sát trưởng nổi tiếng của New York City, cho ra đời quyển “Professional Criminals of America” nói về những tay tội phạm chuyên nghiệp ở Mỹ. Quyển sách dĩ nhiên chứa đựng nhiều hình ảnh của mấy ông trùm; Byrnes gọi mớ ảnh ấy là “The Rogues’ Gallery” – cuộc triển lãm những gương mặt bất lương. Cụm từ đó ngày nay là một thành ngữ mang tính hài hước hơn là nghiêm túc và hay được dùng trong phim ảnh và văn chương bình dân.
Tài tử Woody Harrelson, can tội gây rối trật tự công cộng Columbus, Ohio, Tháng Mười 1982 (ảnh: Kypros/Getty Images)
Nhận thấy cách thức chụp hình phạm nhân còn nhiều nhược điểm, vào thập niên 1880 Albert Bertillon, trưởng phòng Dịch Vụ Nhận Diện Pháp Lý của Pháp, đặt ra một hệ thống mới trên cơ sở khoa học. Không chỉ chụp trực diện đối tượng, ông còn cho chụp ngang (profile). Ngoài ra trong bức ảnh còn có ghi thêm một số chi tiết quan trọng, cần thiết cho việc nhận diện nghi can – như chiều dài và chiều cao của đầu, chiều dài ngón tay giữa và bàn chân, sải tay, kích cỡ vành tai v.v.
Ngoài những thứ nói trên, Bertillon còn ghi trên ảnh những chi tiết khó nhận ra như màu tóc, màu mắt, những đặc điểm trên khuôn mặt. Phía sau bức ảnh ông cho biên chép mọi thông tin có được về nhân thân, nghề nghiệp, địa chỉ v.v. Nói tóm lại, nó có đầy đủ những chi tiết cần thiết để giúp cảnh sát và công chúng nhận diện được những can phạm đã bị bắt hay còn đang lẩn trốn ngoài vòng pháp luật. Bertillon gọi những bức ảnh này là portrait parlé – tấm hình biết nói, ngày nay đã được thay thế bằng cách lấy dấu vân tay (fingerprints).
Bill Gates, Tháng Mười Hai 1977 (ảnh: Oklahoma County Sheriff’s Department/Getty Images)
MUG SHOT
Không mấy chốc hệ thống Bertillonage được cảnh sát Mỹ áp dụng, cho ra đời hàng loạt những bức ảnh phạm nhân mà ta hay gọi là mug shot.
Theo tự điển Merriam-Webster, chữ mug có nguồn gốc từ tiếng Bắc Âu (Norway/Sweden) dùng để gọi cái cốc có quai, viết là mugg. Trong tiếng Anh có những đồ vật tương tự như coffee mug, beer mug… Ngoài ra danh từ mug còn có một nghĩa thứ nhì nữa là bộ mặt. Các nhà ngữ học cho rằng ý nghĩa này có lẽ đến từ việc người xưa hay vẽ lên mấy cái cốc những khuôn mặt, như để trang trí hoặc làm trò.
Thế nên khi hai ngành nhiếp ảnh và cảnh sát cộng hưởng để cho ra đời những bức chân dung bất hủ ấy, chữ mug shot trở thành một thuật ngữ chuyên môn mặc dù nghe nó bình dị chẳng khác nào tiếng lóng của dân giang hồ. Nhưng điều đó cũng hợp lẽ, vì thường chúng là hình ảnh của những kẻ sống bên lề luật pháp.
Joseph Stalin trong hồ sơ mật vụ của Sa Hoàng (ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS/Corbis via Getty Images)
Tuy nhiên, không phải ai bị cảnh sát bắt cũng là kẻ xấu. Thậm chí nhiều người còn là những nhân vật nổi tiếng, có những đóng góp lớn lao cho xã hội. Chẳng hạn như mục sư Martin Luther King Jr. hay nhà hoạt động dân quyền Rosa Park. Cố Dân biểu John Lewis (1940-2020), người từng tham gia và dẫn đầu phong trào Civil Rights hồi thập niên 1960 và từng vào tù ra khám nhiều lần, trước khi mất còn từng đăng mug shot của mình lên Twitter để kêu gọi dân chúng xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát.
Nhà đấu tranh dân quyền Rosa Parks sau khi bị bắt với “tội” tẩy chay xe bus Montgomery, Tháng Hai 1956 (ảnh: Universal History Archive/Getty Images)
Trong giới nghệ sĩ cũng thiếu người được chụp “chân dung hai kiểu” vì lý do này hay lý do khác. Đa phần vì hành xử bê bối như say rượu lái xe, ẩu đả, tấn công tình dục người khác v.v. Một số ít do cố tình bị bắt khi đi biểu tình chống đối việc gì đó. Chẳng hạn như Jane Fonda năm 1970, bị bắt tội đá một cảnh sát viên trong một cuộc biểu tình phản chiến ở Cleveland năm 1970.
Bill Gates, nhà phát minh ra hệ điều hành điện toán Windows, cũng từng bị chụp mug shot hồi còn trẻ vì vi phạm luật giao thông. Trong hình cậu Bill tươi cười trông rất vui vẻ, không tỏ ra tí gì sợ sệt.
Ngược dòng lịch sử, ta có thể tìm thấy mug shot của một số chính trị gia cộm cán như Stalin, Mussolini, Hồ Chí Minh v.v. Bức ảnh của Vladimir Lenin được chụp bởi mật vụ Okhrana của Nga khoảng năm 1896 cho thấy vào thời điểm đó mug shot đã phổ biến khắp Âu Châu.
Nhưng trong số nhân vật nổi tiếng xưa nay có một cái mug shot mà đa số dân Mỹ đang hồi hộp chờ xem. Đó là hình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bị truy tố hình sự. Tuy chưa được chụp ảnh mà ban vận động của ông ta đã tung tin họ sẽ lấy hình ảnh ấy để in áo, in poster dùng để gây quỹ.
Al Capone, trùm mafia Chicago (Getty Images)
Không ai biết điều ấy khi nào mới xảy ra, nhưng chắc chắn đến lúc đó cả thế giới sẽ được nhìn tận mắt “The most famous mug shot of all!”
Ian Bùi / Theo: saigonnhonews
Link tham khảo: