Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, bạc được người Trung Quốc thời phong kiến sử dụng như một loại tiền tệ từ thời Hán Vũ Đế. Nhiều triều đại sau đó như nhà Minh, nhà Thanh cũng sử dụng bạc trong các mua bán, sinh hoạt hàng ngày.
Không ít triều đại cho lưu hành bạc vì loại tiền tệ này đơn giản, tiện lợi, không nặng như tiền đồng và cũng không mất giá nhanh như tiền giấy. Sau thời nhà Đường và nhà Tống, 1 lượng bạc có thể đổi được 1.000 - 1.500 đồng tiền. Trong khi đó, 1 lượng vàng có thể đổi được 8 - 10 lượng bạc.
Vào thời Vạn Lịch của nhà Minh, với 1 lạng bạc, người dân có thể mua được 2 thạch gạo với mỗi thạch gạo bằng 94,4 kg. Điều này có nghĩa là 1 lạng bạc có thể mua được gần 200 kg gạo.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ, số lượng bạc càng ít đi và không còn được sử dụng rộng rãi. Nhiều người tò mò số bạc khổng lồ mà người xưa dùng cho các giao dịch hàng ngày đã đi đâu?
Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn bạc ở Trung Quốc thời phong kiến đã theo dòng chảy thương mại đi tới các nước phương Tây. Trong đó, các triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã sử dụng hàng triệu lượng bạc để nhập khẩu các loại hàng hóa của phương Tây.
Do bạc là một loại tiền tệ có giá trị cao thời phong kiến nên không ít quý tộc, quan lại địa phương... tích trữ một lượng lớn bạc. Họ dùng số bạc này cho những mục đích cá nhân như làm đồ trang sức, hối lộ quan trên để thăng quan, phát tài.
Nhiều quý tộc, quan lại sau khi qua đời được chôn cất cùng nhiều đồ tùy táng giá trị như vàng bạc châu báu. Điều này khiến một phần bạc "biến mất" khỏi thị trường.
Ngày nay, các chuyên gia đã khai quật được nhiều mộ cổ và tìm thấy không ít thỏi bạc. Theo đó, chúng trở thành các cổ vật được lưu giữ, trưng bày trong các bảo tàng hoặc thuộc các bộ sưu tập cá nhân của những người mê đồ cổ.
Thêm nữa, từ thời vua Càn Long đến khi nhà Thanh sụp đổ, không ít cuộc chiến tranh xảy ra suốt nhiều năm. Bên cạnh nguồn cung trong nước, triều đình còn sử dụng hàng trăm triệu lạng bạc để mua sắm thêm vũ khí, quân lương, thậm chí là bồi thường chi phí chiến tranh khi thua trận trước kẻ địch.
Ngoài ra, nhiều triều đại phong kiến còn xảy ra tình trạng buôn lậu bạc khiến một lượng bạc không nhỏ "chảy" ra khỏi Trung Quốc. Theo một nghiên cứu, trong thời gian từ năm 1829 - 1839, khoảng 650 triệu lạng bạc ở Trung Quốc đã "trôi" ra nước ngoài. Cứ như vậy, lượng bạc lưu hành trên thị trường ngày càng ít. Hiện bạc chủ yếu được các thợ kim hoàn chế tác làm trang sức.
PV (Theo Kiến Thức)
No comments:
Post a Comment