Saturday, August 31, 2024

MỘT SỐ THẢO MỘC GIÚP TĂNG HƯƠNG VỊ THỰC PHẨM

Các loại thảo mộc tươi hoặc sấy khô đã được sử dụng để tăng hương vị của thực phẩm từ những ngày đầu của nền văn minh loài người.


Có nhiều bằng chứng khảo cổ về sự dùng thảo dược làm gia vị từ rất lâu đời. Hạt giống của những loại thảo dược khác nhau xuất hiện trong các ngôi mộ của các vị vua Ai Cập. Người Hy Lạp và người La Mã cổ đại thường xuyên sử dụng các loại thảo mộc địa phương trong bữa ăn thường ngày và trong các bữa tiệc chiêu đãi.

Húng quế (Ocimum basilicum)

Đối với nhiều đầu bếp, húng quế được coi là vua của các loại thảo mộc. Húng quế tươi ngày càng được dùng phổ biến trong các món súp, thịt hầm và salad. Lá húng quế được trộn với pho mát Parmesan, dầu ôliu, tỏi và hạt thông để làm thành nước xốt pesto. Đối với các món ăn nóng, húng quế tươi thường cho vào sau cùng để giữ được hương vị của nó.

Húng quế tươi nên được gói trong khăn giấy ẩm và được lưu trữ trong tủ lạnh. Có thể sấy khô húng quế để dùng khi trái mùa.

Húng quế được coi là vua của các loại thảo mộc. Ảnh: HomeCare

Húng quế cung cấp lượng vitamin K, vitamin A, vitamin C, Mn, Mg… Flavonoid và tinh dầu dễ bay trong húng quế có tính chống oxy hóa, kháng virut và kháng sinh đáng kể, thậm chí có khả năng điều trị ung thư. Húng quế được dùng để điều trị ho, viêm phế quản, hen phế quản, trầm cảm, tiểu đường.

Nguyệt quế (Laurus nobilis)

Lá nguyệt quế hay còn gọi là lá bay thường được dùng tươi hoặc khô để làm tăng thêm hương vị cho súp, món hầm, món kho và nước xốt.

Khi còn tươi, hương vị của lá ít thơm hơn; khi sấy khô trong vài tuần, hương vị trở nên sắc nét hơn, vị đắng, thơm mùi hoa khô, giống như húng tây và rau oregano.

Ảnh nguồn: The Candle Lab

Trong nấu ăn, lá nguyệt quế thường được loại bỏ xác vì nó có hương vị mạnh, có thể gây kích thích đường tiêu hóa. Trong món Pháp, nó là thành phần trong bó hoa trang trí món ăn. Còn lại lá nguyệt quế được bỏ vào túi vải lọc khi nấu và bỏ đi phần bã.

Lá nguyệt quế là nguồn cung cấp vitamin C có tác dụng chống oxy hóa mạnh và tăng khả năng miễn dịch mạnh. Lá nguyệt quế còn giàu axit folic, quan trọng trong tổng hợp DNA; vitamin A cần thiết cho thị lực khỏe mạnh, tốt cho da và niêm mạc; vitamin nhóm B, niacin, pyridoxin, axit pantothenic và riboflavin… góp phần tổng hợp các enzyme, điều hòa trao đổi chất và cải thiện chức năng hệ thần kinh.

Khoáng chất trong lá nguyệt quế bao gồm kali (giúp kiểm soát nhịp tim), calci (giúp xương chắc khỏe), sắt (tăng sản xuất hồng cầu), mangan, đồng, selen, kẽm và magie...

Tinh dầu lá nguyệt quế được dùng để điều trị viêm khớp, đau cơ, bầm tím và sưng, giảm các triệu chứng của cúm, viêm phế quản và điều trị gàu, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau đầu và hạ đường huyết.

Bạch hoa (Capparis spinosa)

Cây bạch hoa phổ biến ở vùng Địa Trung Hải, Ai Cập, Bắc Phi, đảo Madagascar, Trung Á... Nụ bạch hoa thường được dùng làm gia vị và trang trí nước xốt mì ống, thịt, cá, salad, súp và bánh pizza...

Ảnh nguồn: Royal Botanic Garden

Nụ bạch hoa có lượng calo thấp (100gr cung cấp 23calo), có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin K, niacin, và riboflavin. Chứa các khoáng chất calci, sắt và đồng. Tuy nhiên, nụ bạch hoa muối bán sẵn thường chứa quá nhiều natri.

Nụ bạch hoa có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau, trừ đờm, lợi tiểu, co mạch. Được dùng để trị viêm khớp, chấn thương bầm tím, thiếu máu, làm dịu bệnh gút và cải thiện chức năng gan.

Hành tăm (Allium schoenoprasum)

Với hương vị cay thơm tinh tế, lá hành tăm thường được cho vào các món như trứng tráng, khoai tây và cá. Tại Pháp, hành tăm là gia vị chủ yếu. Ngoài ra, các đầu bếp Ba Lan, Thụy Điển cũng thường sử dụng chúng vào trong các món phô mai, bánh crepe, súp, bánh mì và nước xốt… Ở Việt Nam, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cùng ưa chuộng loại rau gia vị này.

Hành tăm.

Hành tăm cũng như các thành viên khác trong gia đình allium (hành, tỏi) đều là dược liệu tuyệt vời. Hành tăm đã được chứng minh tính kháng khuẩn, kháng virut, chống lại cảm lạnh và cúm. Các flavonoid trong hành tăm có thể điều hòa huyết áp, các hợp chất sulfide có thể giúp hạ lipid máu - cả hai yếu tố này giúp ích cho sức khỏe tim mạch. Hành tăm có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp. Do chứa nhiều vitamin E nên hành tăm có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, thậm chí còn được sử dụng để ức chế sự phát triển của các khối u trong trường hợp ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Mùi tây (Anthriscus cerefolium)

Mùi tây là loại gia vị cổ điển của ẩm thực Pháp trong nhiều thế kỷ. Mùi tây không thể thiếu trong các món súp và salad bởi nó sở hữu một hương vị tinh tế, không làm át đi hương vị của các thành phần khác.

Mùi tây giàu khoáng chất, bao gồm calci, kali, phospho, selen, mangan và magie và các vitamin A, C và D. Lá già chuyển sang màu tím, chứa ít chất dinh dưỡng hơn, vì vậy, nên ăn phần lá non xanh.


Ngày nay, mùi tây được biết đến là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp ổn định màng tế bào, chống viêm loét dạ dày tá tràng và viêm xoang. Mùi tây để sử dụng làm thuốc rửa mắt, giảm đau bụng kinh, làm thuốc bổ trường xuân làm trẻ hóa cơ thể, thư giãn tinh thần; điều trị ho, đầy hơi, tăng huyết áp, trầm cảm, rối loạn bệnh tiêu hóa. Lá tươi giã nát, đắp trực tiếp vào vết thương, vết côn trùng cắn, vết bỏng, nơi khớp sưng đau để làm dịu, chống viêm và làm lành thương tổn.

Ngoài các loại thảo mộc kể trên, còn rất nhiều loại gia vị khác được dùng trong nhà bếp. Ngoài việc làm tăng hương vị cho món ăn, chúng còn có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe.

Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Theo: SK&ĐS

CẦU TRE - KIÊN GIANG


CẦU TRE - thơ Kiên Giang

Ai ở làng quê
đă từng qua nhịp,
Qua nhịp cầu tre;
Lặng nghe, lặng nghe
Tiếng hò tiếng hát
Dưới mái nhà tranh.

Ầu ơ …. “Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi .
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ve mua rượu, mượn đờn kéo chơi”.
Kéo lên: ọ é ò e ….
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre gập ghềnh.
Cầu tre một nhịp chênh vênh,
Bắc ngang dòng nước lênh đênh sóng bèo .
Cầu tre lắc lẻo, cheo leo,
Những đêm trăng xế, trăng treo đầu cầu .
Cầu tre soi bóng sông sâu,
Ánh trăng sóng nước đượm màu lung linh.
Cầu tre gối nhịp đất lành,
Nằm nghe tiếng hát, tâm tình quê hương.
Cầu tre làm chiếc đò ngang,
Nối đôi bờ đất đôi làng thương nhau .

Nhà anh ở kế bên cầu,
Nhà em ở cuối đầu cầu bên sông.
Bên sông cứ mỗi hừng đông,
Em ra vo gạo, bến sông bên cầu .
Anh vừa mở cổng thả trâu,
Thấy em, anh vội xé rào nhìn em.
Rồi qua cầu nói với em:
“Cô vo nếp anh thèm mùi xôi”
Vì anh, khi mới hừng trời,
Qua cầu, em biếu dĩa xôi muối mè .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Con đò chở tấm tình quê qua cầu ….
Từ đây cứ mỗi mùa cau,
Anh qua cầu để bẻ cau cho nàng.
Khi nào trầu hút trầu khan,
Anh qua xin lá trầu vàng bên em.
Khi mùa cấy hái “đông ken”,
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày .
Vần công lối xóm tiếp tay,
Kết tình lưu luyến gái trai đôi làng.
đôi tim trang lứa nhịp nhàng,
Hoà theo nhịp sóng lúa vàng mênh mông.
đôi lòng cách một dòng sông,
Tơ hồng chưa buộc, tơ lòng đã xe .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Duyên nghèo đầm thấm, tình quê nồng nàn.
Trong tình yêu nước, yêu làng,
Có tình chăn gối, đá vàng lứa đôi .
Mẹ chàng cậy mối cậy mai,
Tặng quà lễ nói một đôi bông vàng.
Hai bên cô bác họ hàng,
Chọn ngày lễ cưới qua rằm tháng Giêng.
Bỗng rồi lửa cháy xóm giềng,
Cầu tre gãy nhịp gục nghiêng giữa dòng.
Lửa tràn lan cháy bên sông,
Máu pha nước mắt đỏ lòng trường giang.
Giặc tràn về bắt sống nàng,

Thôi đành dập liễu vùi mai,
Bóng hồng gục giữa rừng người hung hăng.
Từ đây sông lạnh bóng trăng,
Nước như ngừng chảy sầu vương mối hờn.
Vườn xanh úa hết chồi non,
Cau khô, trầu héo chẳng còn nồng cay .
đôi trâu bỏ dở vốc cày,
Lòng người lòng đất đắng cay não nề .
đêm đêm như vẳng còn nghe,
Tiếng than khóc của cầu tre một mình:
“Ví dầu cầu ván đứt đinh,
Cầu tre găy nhịp, chung tình khóc nhau .
Cầu tre khóc một hôm nào,
Mẹ qua cầu bỏ trầu cau cho chàng.
Còn đâu mùi vị xôi vàng,
Buổi đầu trai gái đôi làng biết nhau .
Còn đâu những buổi thả trâu,
đứng bên hàng trúc xé rào nhìn em.
Còn đâu mùa ruộng “đông ken”
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày .
Còn đâu vị lá trầu cay,
Miếng cau dầy trắng mà say miếng trầu .
Bây giờ quê cũ còn đâu,
Còn đâu người đẹp với cầu tre xưa”

Chiều chiều gió thổi, gió đưa
Nhớ người một buổi chiều mưa lên đường.
Người lên đường ra lính.
Trong lòng và trên đầu súng,
Có hình ảnh nước Việt Nam.
Trong ấy có đôi làng thân mến,
Một dòng sông và đôi bến ngó nhau,
Một tình thương bắc một nhịp cầu,
Chìm sâu giữa đôi lòng trang lứa,
Thân yêu nhau từ thuở thanh b́nh.
đến khi thời loạn đao binh….
Lòng còn chôn chặt khối tình đầu tiên.
Mai này trời lặng phong yên,
Bóng cờ tươi thắm ngự trên hoang tàn.
Anh sẽ về làng,
Về tận bên sông quê;
Anh bắc nhịp cầu quay,
Anh xây chân cầu sắt
Trên xác chiếc cầu tre,
Nối liền đôi bờ đất
Hàn lại vết thương đau .
Bến xưa dù đổi nhịp cầu,
đất nghèo còn giữ lấy màu quê hương.
Dù cầu sắt nọ giàu sang,
Áo cầu rực rỡ phết vàng sơn son.
Dù sông cạn với núi mòn,
Trong hồn quê vẫn có hồn cầu tre .
Dù đời tham tướng bỏ xe,
Lòng anh lắng xuống niềm quê chân thành.
Dù đời mê bã hư danh,
Lòng quê bắc lại mối t́nh cầu tre .
Cầu tre ới hỡi cầu tre,
Cầu tre lắc lẻo, cầu tre chung tình…

KIÊN GIANG
(Rạch Giá, Thượng tuần tháng Chạp, 1953)


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Kiên Giang tên thật Trương Khương Trinh (1929–2014) là nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương, nổi tiếng với bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím. Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều và Hoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.

Nguồn:Thi Viện

NGƯ GIA NGẠO-KÝ MỘNG (LÝ THANH CHIẾU)


Ngư gia ngạo - Ký mộng
Lý Thanh Chiếu

Thiên tiếp vân đào liên hiểu vụ,
Tinh hà dục chuyển thiên phàm vũ.
Phảng phật mộng hồn quy đế sở.
Văn thiên ngữ,
Ân cần vấn ngã quy hà xứ?

Ngã báo lộ trường ta nhật mộ,
Học thi mạn hữu kinh nhân cú.
Cửu vạn lý phong bằng chính cử.
Phong hưu trú,
Bồng chu xuy thủ tam sơn khứ!


漁家傲-記夢
李清照

天接雲濤連曉霧,
星河欲轉千帆舞。
仿佛夢魂歸帝所。
聞天語,
慇勤問我歸何處?

我報路長嗟日暮,
學詩謾有驚人句。
九萬里風鵬正舉。
風休住,
蓬舟吹取三山去!


Ngư gia ngạo - Ghi chép giấc mơ
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Mênh mang mây nước một vùng.
Ngân hà sương sớm, vui chung cánh buồm.
Mộng hồn phảng phất đế vương.
Cao xanh chợt hỏi, biết đường về đâu ?.
Đường xa chiều tối ngõ hầu.
Câu thơ muốn học, thêm sầu người nghe.
Chim Bằng vạn lý sơn khê.
Gió lên thổi nhẹ, thuyền về Bồng Lai.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Thanh Chiếu 李清照 (1084-1155) hiệu Dị An cư sĩ 易安居士, người Tế Nam, Sơn Đông. Bà chẳng những là một tác gia vĩ đại trong nữ thi nhân, mà còn là một tác gia vĩ đại trong Tống từ. Bà là con gái của học giả trứ danh Lý Cách Phi. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với con trai Tể tướng Triệu Đĩnh Chi, tức Hồ Châu thái thú Triệu Minh Thành, có thể nói là một mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống. Đôi tài tử cùng nhau xướng hoạ thơ từ, chỉnh lý văn chương, sống một đời thanh tao u nhã. Năm Tĩnh Khang 1126, quân Kim đánh Tống, bà theo chồng chạy xuống phương nam, không lâu sau trượng phu qua đời, thân gái dặm trường thực khiến người ta thương xót. Một mình phiêu bạc, vãn cảnh rất thê lương, đấy đã gây thành bối cảnh ảm đạm trong toàn bộ Sấu ngọc từ 漱玉詞 của bà.

Nguồn: Thi Viện



ĐỀN ERAWAN VÀ NHỮNG BÍ ẨN CHƯA LỜI GIẢI ĐÁP VỚI NGƯỜI DÂN THÁI

Khách sạn Grand Hyatt Erawan là một khách sạn 5 sao sang trọng khá nổi tiếng nằm ngay trung tâm thành phố Bangkok, Thái Lan. Tuy nhiên, có một địa danh còn nổi tiếng hơn nữa đó là ngôi đền Erawan trong khuôn viên khách sạn Grand Hyatt Erawan rất linh thiêng với người Thái và du khách.


Những ngày qua, thông tin về vụ 6 người Việt, gốc Việt tử vong trong khách sạn Grand Hyatt Erawan (Bangkok, Thái Lan) gây rúng động.

Khách sạn Grand Hyatt Erawan (cũ là khách sạn Erawan) là một khách sạn 5 sao sang trọng khá nổi tiếng nằm ngay trung tâm thành phố Bangkok, Thái Lan.

Tuy nhiên, có một địa danh còn nổi tiếng hơn nữa đó là ngôi đền Erawan nằm sát, trong khuôn viên khách sạn Grand Hyatt Erawan. Hai địa danh nổi tiếng này trong quá khứ có nhiều mối liên hệ.

Đền Erawan bên trong khuôn viên khách sạn Grand Hyatt Erawan.

Đền Erawan được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất xứ sở chùa Vàng và thường xuyên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến cầu nguyện, chiêm bái.

Đền Erawan và khách sạn Grand Hyatt Erawan có mối liên hệ với nhau, đặc biệt, trong quá trình xây dựng khách sạn Erawan cũ.

Cụ thể, quá trình xây khách sạn Erawan đầu những năm 1950, dự án đã gặp phải nhiều sự cố và khó khăn mà nhiều người Thái Lan cho rằng khó giải thích được như liên tiếp xảy ra tai nạn lao động, một con tàu chở đá cẩm thạch từ Ý khi vận tải bằng đường thủy cũng đã mất tích trên biển không lý do, liên tục chậm trễ tiến độ.v.v..

Tượng thần Brahma bên trong đền Erawan, Bangkok.

Một số người Thái tin rằng, trong lịch sử, ngã tư Ratchaprasong, nơi khách sạn được xây dựng, từng được sử dụng để trưng bày công khai tội phạm nên "mang vận xui".

Thời điểm đó, sau khi tham khảo ý kiến của một nhà chiêm tinh học nổi tiếng và một số chuyên gia phong thủy, người Thái cho rằng vị trí đặt viên đá móng của khách sạn Erawan không phù hợp và có thể "đã xúc phạm đến các vị thần linh". Để khắc phục, một ngôi đền thờ thần Brahma (đền Erawan ngày nay) đã được xây dựng ngay sát cạnh khách sạn để "xoa dịu các vị thần và cầu mong mang lại sự bình an".

Đền Erawan trong khuôn viên Grand Hyatt Erawan nhìn từ ngã tư Ratchaprasong.

Sau khi đền Erawan hoàn thành, các sự cố trong quá trình xây dựng khách sạn cũng chấm dứt và dự án về đích, hoạt động suôn sẻ.

Cũng từ đó mà nhiều người Thái Lan đã truyền về sự linh thiêng của đền Erawan và rất đông du khách trong, ngoài nước tới chiêm bái.

Tới năm 1987, Tập đoàn Hyatt Hotels tiếp quản và cho đập bỏ toàn bộ khách sạn Erawan cũ và xây mới rồi đổi tên như hiện tại là Grand Hyatt Erawan.

Sáng sớm ngày 21/3/2006, một thanh niên tên là Thanakorn Pakdeepol đã dùng búa phá hủy bức tượng thần Brahma. Sau đó, thanh niên này đã bị những người dân giận dữ đánh đến chết. Cảnh sát cho biết Thanakorn đã đứng trên chân bức tượng và đập vỡ bức tượng Brahma rỗng thành từng mảnh, làm vỡ cái đầu bốn mặt, thân hình, sáu cánh tay và vũ khí. Chỉ có một phần đùi và chân của bức tượng là còn nguyên vẹn.

Đền Erawan khi chưa mở cửa đón du khách.

Sau đó, Thủ tướng Thái Lan bấy giờ là ông Thaksin Shinawatra đã đến thăm địa danh này và bày tỏ lòng kính trọng đối với các mảnh vỡ của vị thần Hindu. Một tấm vải trắng được đặt trên ngôi đền để che đi bức tượng vỡ.

Đúng 11h39 phút ngày 21/5/2006, khi mặt trời ở chính đỉnh đầu, một bức tượng Brahma được chế tác giống hệt tượng cũ được đặt lại vào ngôi đền. Bộ Tôn giáo và Quỹ Maha Brahma Thái Lan cho biết, bức tượng mới được làm bằng thạch cao với hỗn hợp vàng, đồng và các kim loại quý khác, cùng với một số mảnh vỡ của bản gốc.

Lúc 18h55 phút giờ địa phương ngày 17/8/2015, một thiết bị nổ gồm 3kg thuốc nổ TNT được nhét trong ống kim loại và bọc bọc trong vải trắng đặt bên trong một chiếc ba lô đã phát nổ sát đền Erawan, giết chết 20 người, làm bị thương 125 người.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan vào cuộc điều tra và cho biết, quả bom được đặt trong khuôn viên đền thờ Erawan cạnh một lan can kim loại. Tượng thần Brahma cũng bị hư hỏng nhẹ.

Có thể tất cả sự việc trên chỉ là sự trung hợp tình cờ nhưng rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch có niềm tin về sự linh thiêng của ngôi đền Erawan và hàng ngày vẫn rất rất đông người đến chiêm bái. Đền Erawan trở thành một phần không thể thiếu của di sản văn hóa tâm linh của Thái Lan.

Quảng Thành / Theo: Dân Việt



THIÊN TÀI PHÙNG MỘNG LONG TÁC GIẢ ĐÔNG CHU LIỆT QUỐC: BA BI KỊCH LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI THÌ ÔNG GÁNH HẾT

Bi kịch lớn nhất đời người là gì? Một người khi gặp bi kịch lớn đã rất khó vượt qua, bị đánh gục, thậm chí quyên sinh. Nhưng một người tài hoa lòng ôm chí lớn lại chịu cả 3 bi kịch lớn nhất của đời người như Phùng Mộng Long thì có lẽ cũng là xưa nay hiếm.

Ba bi kịch lớn nhất của đời người, thiên tài Phùng Mộng Long một mình gánh hết - Ảnh: Internet minh họa

Thiếu niên đắc chí, tài hoa tràn trề, lòng ôm chí lớn, nhưng lần nào thi cử cũng thất bại, muốn báo quốc mà không có nơi, ôm chí lớn mà không được thi triển, đó là bi thảm lớn nhất.

Thanh niên gặp tình yêu, gặp người trong mộng, tình đầu ý hợp, nhưng vì nguyên nhân các loại khiến hai người góc biển chân trời, ruột gan tan nát, ôm mối tình sầu, đó là bi thảm lớn thứ hai.

Đến tuổi lão niên, sự nghiệp đột nhiên đảo ngược, tuổi cao sức lực cạn, nước mất nhà tan, cuối cùng u uất mà chết, đó là bi thảm lớn thứ ba.

Nếu cả ba điều bất hạnh này cùng đổ lên đầu một người thì quả là cực kỳ bi thảm, một đời thê thảm chẳng dám quay đầu nhìn lại. Trong lịch sử thực sự có một người như vậy, đó chính là Phùng Mộng Long, tác giả của những bộ sách nổi tiếng như “Đông Chu liệt quốc”, “Dụ thế minh ngôn”, “Cảnh thế thông ngôn” và “Tỉnh thế hằng ngôn”.

Phùng Mộng Long sinh năm 1574, tức năm Vạn Lịch thứ 2 đời Minh, ở huyện Ngô, Tô Châu. Đó là năm trị vì thứ 2 của Hoàng đế Minh Thần Tông Chu Dực Quân. Hoàng đế khi đó mới 11 tuổi không cai quản được việc gì, thế nên mẫu thân là Lý Thái Hậu nắm quyền, quan đứng đầu nội các là Trương Cư Chính chủ trì chính sự, đã khai sáng nên cục diện “Vạn Lịch trung hưng”.

Bi kịch thứ nhất: Học tài thi phận – Ảnh: Minh họa

Bi kịch thứ nhất: Học tài thi phận

Tô Châu xưa nay vẫn là một vùng giàu có. Tương truyền cha của Phùng Mộng Long là một thương nhân buôn thóc gạo, điều kiện kinh tế cũng khá giả, nhưng ông cả đời sùng văn chuộng học, thế nên ông rất hy vọng con cái đỗ đạt làm quan, do đó đã đặt tên cho các con là Mộng Quế, Mộng Long và Mộng Hùng.

Ông còn kết giao với bậc danh Nho Tô Châu đương thời là Vương Nhân Hiếu, đồng thời yêu cầu con cái nghiêm túc hành xử theo phép tắc Nho gia.

Phùng Mộng Long cũng giống như các văn nhân thời đó, từ nhỏ đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, ông còn tìm các loại tạp thư đọc, có trí nhớ tốt đối và thông thạo các thể loại Đồng dao, Tiểu thuyết, Hí khúc, Dân ca, Bài kinh, Tửu lệnh. Năm 26 tuổi, Phùng Mộng Long đã sáng tác rất nhiều thơ văn, tán khúc và hí kịch.

Tuổi trẻ tài hoa khiến mọi người kinh ngạc, danh tiếng vang xa, được các danh sỹ tôn làm minh chủ của Vận Xã.

“Học xuất sắc rồi thi làm quan“, tư tưởng Nho gia này cũng là điều mà phụ thân của Phùng Mộng Long hy vọng vào con cái. Thi đỗ làm quan là chí hướng của Phùng Mộng Long. Năm 20 tuổi, ông tự tin phấn chấn dự thi, sau đó đỗ tú tài. Tất cả dường như đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

Anh em Phùng Mộng Long được giới văn nhân ca ngợi là “thiên cổ phong lưu” lại phải lưu lạc giang hồ, mặc áo vải thô, khiến các bạn bè ông vô cùng nuối tiếc. (Miền công cộng)

Giấc mộng làm quan của Phùng Mộng Long bị cắt đứt trên con đường thi hương, ông nhiều lần tham gia thi hương mà đều thi trượt. Theo chế độ triều Minh thì tiến sĩ được trao quan chức, còn cử nhân thì có thể trao cũng có thể không, còn tú tài thì không trao quan chức. Thế nên đời nào cũng có những câu chuyện bi kịch như “Phạm Tiến đỗ cử nhân”.

Phùng Mộng Long mãi không thi đỗ cử nhân mà các bạn của ông đều đã lần lượt vào triều làm quan cả rồi: Văn Chấn Mạnh làm chức quan to là Thị lang Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ; Ôn Thể Nhân làm quan Thủ phụ Nội các… Còn anh em Phùng Mộng Long được giới văn nhân ca ngợi là “thiên cổ phong lưu” lại phải lưu lạc giang hồ, mặc áo vải thô, khiến các bạn bè ông vô cùng nuối tiếc.

Khi thất thần lạc phách thì kẻ vô dụng nhất lại chính là thư sinh. Thư sinh thời xưa cho dù có muôn vạn tài hoa, nhưng nếu không thi đỗ có công danh thì cũng bất đắc chí khốn đốn cả một đời.

Từ năm 20 tuổi đến 56 tuổi, Phùng Mộng Long luôn bôn ba các trường thi, tình trạng kinh tế bê bết thế nào thì ai cũng có thể tưởng tượng được. Ông rất thiếu thốn tiền bạc, thiếu tiền cũng đặt định những bi kịch tiếp theo của cuộc đời Phùng Mộng Long.

Bi kịch thứ hai: Có duyên không có phận

Chốn thanh lâu có rất nhiều cô gái đủ cả tài sắc, lại thấu hiểu lòng người, khiến trái tim bị tổn thương của Phùng Mộng Long mới bình phục ít nhiều, mới cảm thấy chút tự do tự tại. (Miền công cộng)

Triều Minh là một triều đại có cốt khí, mặc dù quốc gia nguy nạn trùng trùng, nước mất nhà tan, hoàng đế thà chết trên chiến trường hoặc tự treo mình lên cây hòe cổ thụ chứ nhất quyết không khuất phục cầu hòa.

Triều Minh cũng là một thời đại có nhiều nhân tài kiệt xuất, thậm chí nhiều cô gái chốn thanh lâu cũng tài sắc vẹn toàn: “Thông minh vốn sẵn tính trời; Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”.

Phùng Mộng Long thi cử vô vọng, đau khổ, phiền muộn, chán ngán, cũng bắt đầu suốt ngày buông thả chốn thanh lâu. Trong đó có rất nhiều cô gái đủ cả tài sắc, lại thấu hiểu lòng người, khiến trái tim bị tổn thương của Phùng Mộng Long mới bình phục ít nhiều, mới cảm thấy chút tự do tự tại.

Có cô gái tên là Phùng Ái Sinh thông minh lanh lợi. Cô gặp được Đinh Trọng, hai người tâm đầu ý hợp, tình ý nồng nàn. Nhưng Đinh Trọng mãi vẫn không gom đủ tiền chuộc Phùng Ái Sinh, cứ kéo dài mãi khiến Ái Sinh u uất thành bệnh.

Tú bà chán ngán liền bán Ái Sinh cho công tử Nhung thành. Công tử nhà giàu chỉ mua vui, nào có tình cảm chân thành gì đâu. Phùng Ái Sinh bị tổn thương cả thân và tâm, khiến bệnh tình càng ngày càng trầm trọng. Công tử nhà giàu cũng chán, bèn trả cô lại cho tú bà. Một thời gian sau Ái Sinh chết.

Phùng Mộng Long vô cùng cảm thông với cảnh ngộ cô gái si tình này, nên đã dựa vào cuộc đời Ái Sinh viết nên “Ái Sinh truyện“. Ái Sinh không có mộ, quan tài để ngoài cánh đồng cũng không được an táng.

Phùng Mộng Long đôn đáo khắp nơi, liên hệ với những người bạn của cô gái để quyên tiền mua đất an táng cho cô, cuối cùng cũng lo liệu xong, để cô an nghỉ dưới lòng đất.

Có thể thấy Phùng Mộng Long là người trọng tình cảm, nếu gặp được người con gái chân thành thì ắt sẽ yêu thương trong sáng và nồng nàn.

Phùng Mộng Long gặp được một cô gái bị bán vào thanh lâu là Hầu Huệ Khanh, tuy không sắc nét như Bát Diễm Tần Hoài, nhưng về tình cảm, yêu thương thì không hề thua kém. (Shutterstock)

Cuối cùng Phùng Mộng Long cũng gặp được một cô gái bị bán vào thanh lâu là Hầu Huệ Khanh, tuy không sắc nét như Bát Diễm Tần Hoài (8 ca kỹ đẹp nhất Nam Kinh), nhưng về tình cảm, yêu thương thì không hề thua kém.

Hai người tâm đầu ý hợp, đều mong mỏi một cuộc sống gia đình như bao cặp vợ chồng bình thường khác, vợ chăm nom gia đình, giúp chồng dạy dỗ con cái, chồng lo toan kiếm sống nuôi gia đình.

Nhưng một thư sinh không công danh sự nghiệp như Phùng Mộng Long sao có thể lo đủ tiền chuộc đây, ngoài con tim chân thành và tài hoa ra thì anh hoàn toàn không có chút năng lực kinh tế nào.

Phùng Mộng Long chỉ biết ngày ngày dốc bầu tâm sự, bày tỏ ruột gan và tình yêu chân thành với cô gái, bảo cô hãy chờ đợi. Đời người thê lương nhất là hận biệt ly.

Ngày nối ngày qua đi, Hầu Huệ Khanh đợi chờ trong vô vọng, cô biết anh chỉ là một thư sinh nghèo, không thể kiếm đủ tiền chuộc, mà cô cũng không muốn cuối cùng kết thúc cuộc đời trong u uất như Phùng Ái Sinh, thế nên cô đồng ý để một thương gia giàu có chuộc cô rồi đi xa cùng với ông ta.

Có lẽ Phùng Mộng Long cũng sớm dự liệu được kết cuộc này, nhưng anh vẫn không thể nào chấp nhận được sự thực này, lặng lẽ ngồi đó như người mất hồn, không nói không rằng.

Anh luôn mơ tưởng cùng cô tay trong tay đến bạc đầu, chưa bao giờ muốn có ngày đường tình đôi ngả. Huệ Khanh luôn nói, đàn ông dễ phụ bạc, khiến Phùng Mộng Long phải thề trước Thần, lời thề vẫn văng vẳng bên tai, vậy mà cô lại đến với vòng tay người đàn ông khác.

Còn anh, chỉ vì nghèo đành trân trân nhìn nàng rời xa. Phùng Mộng Long thất thần như người mất hồn, khóc rống lên, cầm bút viết: “Tình sâu phận mỏng, chẳng níu được mỹ lệ yêu kiều”.

Anh hận mình vô dụng, chẳng thể chuộc được người mình yêu dấu, cũng hận cô bạc tình. Anh cẩn thận từng ly từng tí yêu thương cô, dốc toàn tâm toàn sức bảo vệ, chưa một lời đắc tội. Tại sao nàng lại ruồng bỏ ta? Trong tâm anh biết rõ, nhưng khi tình yêu gặp phải thực tế phũ phàng thì biết làm thế nào đây?

Thế rồi sau đó Phùng Mộng Long bị bệnh nặng không dậy nổi. Trong thời gian rất dài, bệnh mới khỏi, từ đó anh không bước chân đến chốn thanh lâu nữa. Lòng đầy thống khổ ai oán, Phùng Mộng Long trút tâm sự vào giấy bút, đã viết rất nhiều tản khúc ái tình.

Kỷ niệm tròn một năm ngày Hầu Huệ Khanh rời đi, anh sáng tác “Đoan Nhị ức biệt”, trong đó có câu: “Ôi, năm nào cũng có Đoan Nhị mà không còn Huệ Khanh, đâu cần người nói nỗi sầu, ta biết sầu ra sao.”

Đến tận năm Thuận Trị thứ 3 triều nhà Thanh, cuối cùng vở kịch ái tình xuyên triều đại này cũng kết thúc. Phùng Mộng Long 73 tuổi nằm trên giường hoàn toàn hết sinh lực, ngoài cửa sổ gió mát lành trong ánh nắng vàng tươi, người đó, nàng vẫn khỏe chứ?

Niềm tương tư còn chưa dứt, sao kết nỗi u uất quá nửa đời. Xin nhắn gửi tình này tới người hiền ấy, từ sau khi ly biệt nàng có gầy đi chút nào không? Nở một nụ cười, Phùng Mộng Long khẽ khàng nhắm đôi mắt lại.

Vào năm Sùng Trinh thứ 3 triều Minh (năm 1630), Phùng Mộng Long 57 tuổi đón bước ngoặt cuộc đời, ông được bổ sung làm cống sinh, được bổ nhiệm làm Đan đồ Huấn đạo, năm Sùng Trinh thứ 7, ông được thăng làm Tri huyện Thọ Ninh, Phúc Kiến.

Huấn đạo là chức quan nhỏ bát phẩm, nhưng Phùng Mộng Long không có sự lựa chọn nào khác, trái lại đó lại là chức quan khiến ông hài lòng, sau đó không lâu lại được đề bạt lên tri huyện.

Huấn đạo là chức quan nhỏ bát phẩm, nhưng Phùng Mộng Long không có sự lựa chọn nào khác, trái lại đó lại là chức quan khiến ông hài lòng. (Miền công cộng)

Thọ Ninh là một huyện nhỏ miền núi vừa hẻo lánh lại vừa nghèo khổ của tỉnh Phúc Kiến, cách xa thành Tô Châu phồn hoa. Phùng Mộng Long vượt núi băng rừng mấy tháng ròng mới đến tòa thành nhỏ hẻo lánh đó nhậm chức.

Trong thời gian tại nhiệm làm tri huyện, Phùng Mộng Long nỗ lực thi hành những lý tưởng nhân sinh của mình, làm một viên quan hiền minh, tạo phúc cho bách tính: Xây tường thành, thiết lập “tư canh” (đi tuần và báo canh đêm), dẫn đầu hiến tặng lương bổng huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chính cương (cương lĩnh chính trị) mà ông ban bố là: Khuyến khích bách tính canh nông, khuyên răn họ không nên khinh suất kiện cáo, không được dìm chết trẻ sơ sinh nữ (do tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh con trai). Ông đã làm trọn trách nhiệm của viên quan phụ mẫu địa phương.

Sử sách “Phúc Ninh phủ chí” và “Thọ Ninh huyện chí” đều ghi chép về ông, ca ngợi ông là: “Chính sự đơn giản, hình pháp trong sạch, coi trọng văn học hàng đầu, gặp dân là thi ân, dùng lễ đối đãi với kẻ sĩ”. Nhưng sau khi nhiệm kỳ 4 năm kết thúc, ông không được phân bổ nữa, từ đó thất nghiệp.

Bi kịch thứ ba: Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Rồi lại mấy năm nữa trôi qua, biến cố to lớn lại xảy ra: hoàng đế của triều Đại Minh của ông là Sùng Trinh tự tử vào tháng 3 năm 1644 ở Bắc Kinh. Tháng 4 năm đó, Ngô Tam Quế dẫn quân thiết kỵ nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, Minh Phúc Vương Chu Do Tung chạy trốn đến Nam Kinh rồi kế vị, gọi là Hoằng Quang Đế.

Đây cũng lại là bi kịch lớn nhất cuộc đời Phùng Mộng Long. Cuối cùng cũng bước được vào hàng ngũ quan tước mà ông đã cả đời theo đuổi, nhưng đã qua tuổi Hoa giáp (60 tuổi), thành tích chính sự nổi bật mà lại không có đất dụng võ, nghỉ hưu về quê thì quốc phá chúa vong, cuộc đời không còn nơi nương tựa nào nữa.

Biến loạn “trời long đất lở, bi phẫn khôn xiết” này đã khiến cuộc đời yên tĩnh những năm cuối đời của Phùng Mộng Long hoàn toàn đảo lộn. Tuổi tác cao đã 70, ông bôn ba “phản Thanh”, sáng tác “Giáp Thân kỷ sự” và “Trung hưng vĩ lược”, nói lên quan điểm của ông đối với chính sự, thời cuộc. Ngoài ra, ông còn dâng thư lên Hoằng Quang Đế, đề xuất đúc tiền theo chế độ xưa, phát triển việc lợi ích và dẹp trừ tệ nạn.

Năm Hoằng Quang thứ nhất (năm 1645, cũng chính là năm Thuận Trị thứ 2), Phùng Mộng Long đã đi viễn du lần cuối cùng, qua Ngô Giang, đến Hàng Châu, Thiệu Hưng, Đài Châu, ông bôn ba kêu gọi phản Thanh phục Minh, nhưng đáng tiếc là “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Năm sau, Phùng Mộng Long trở về quê nhà Tô Châu, khi nhắm mắt xuôi tay còn đem theo bi phẫn ngập lòng rời xa nhân thế.

Thế mới biết, con người dù tài cao chí cả nhưng không phải lúc nào cũng có thể thành công đắc chí. Người xưa thường nói: “Có đức mặc sức mà hưởng”, ý rằng những thành công hiện tại không phải tự nhiên mà có, hay chỉ do tài năng của bản thân mang lại, mà nhờ vào phúc đức tích lũy được từ nhiều đời nhiều kiếp.

Vậy nên đối với cuộc đời một con người mà nói: chữ “Đức” chính là gốc, tích Đức là tích tài sản lớn nhất. Tài năng của Phùng Mộng Long chẳng mấy người bì kịp, nhưng họa phúc của ông cũng không nằm ngoài sự an bài của số mệnh.

Người ta thường nói: “học tài thi phận” là thế. Xưa nay, hẳn chẳng phải riêng Phùng Mộng Long là thiên tài bạc mệnh, đến như thi hào Nguyễn Du trông cảnh đời éo le có lúc cũng ngao ngán cất tiếng thở dài: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…”

Nguyệt Hòa biên tập
Theo: NTDVN

Friday, August 30, 2024

TRIỀU TIÊN BẮT SỐNG TƯỚNG CHỈ HUY QUÂN ĐỘI MỸ TRONG TRẬN ĐÁNH NÀO?

Thiếu tướng Mỹ chỉ huy sư đoàn bộ binh số 24 có lẽ không bao giờ ngờ rằng ông có ngày bị quân địch bắt sống, giam giữ cho đến khi chiến tranh kết thúc.


Thiếu tướng William F. Dean, chỉ huy sư đoàn bộ binh số 24 có lẽ không bao giờ ngờ được rằng ông lại có kết cục rơi vào tay quân Triều Tiên và bị giam giữ cho đến khi hiệp định đình chiến được ký kết.

Mọi chuyện bắt đầu khi Triều Tiên đánh chiếm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hành quân như vũ bão đến thành phố Taejon (Daejon), một trung tâm giao thông vận tải lớn.

Đây là là nơi sư đoàn bộ binh số 24 của Mỹ cùng một số lượng ít ỏi các binh sĩ Hàn Quốc đóng quân.

Tướng William F. Dean khi đó nhận lệnh, bằng mọi giá phải bảo vệ được Taejon, để quân Liên Hợp Quốc có thời gian tập trung lực lượng, đổ bộ từ bờ biển phía nam.

Khoảng 11.400 binh sĩ khi đó phải đối đầu với 17.600 quân Triều Tiên và 50 xe tăng. Theo kế hoạch, 2 sư đoàn bộ binh Triều Tiên với sự yểm trợ của sư đoàn thiết giáp số 105, sẽ tấn công Taejon đồng thời từ 3 hướng.

Trận đánh giữa quân Triều Tiên và Mỹ ở thành phố Taejon. Ảnh minh họa.

Trận quyết chiến ở Taejon

Sáng ngày 14/7, giao tranh bắt đầu diễn ra khi các binh sĩ Mỹ phát hiện ra xe tăng T-34 Triều Tiên vượt sông, cách Taejon khoảng 3km.

Đợt tấn công dữ dội đầu tiên bằng xe tăng và pháo binh đánh tan các lực lượng Mỹ cố thủ vòng ngoài, chiếm được tiền đồn quan trọng của quân đội Mỹ.

Đến tối cùng ngày, trung đoàn bộ binh số 34 của Mỹ với khoảng 3.000 người cố gắng phản công nhưng bị chính súng máy và hỏa lực do lính Triều Tiên cướp được đáp trả.

Thiếu tướng William F. Dean thông báo về bộ chỉ huy và yêu cầu các máy bay yểm trợ phá hủy hoàn toàn tiền đồn này sau khi đối phương đã chiếm được.

Đợt tấn công thứ hai bắt đầu vào ngày 16/7/1950 và chỉ sau 3 ngày, quân Triều Tiên đã thiết lập vành đai bao vây thành phố Taejon.

Thiếu tướng William F. Dean ra lệnh cho những binh sĩ còn lại của sư đoàn 24 buộc phải bảo vệ Taejon bằng mọi giá. Giao tranh diễn ra ác liệt trên từng ngôi nhà, từng con phố.

Có thời điểm, đích thân tướng chỉ huy quân đội Mỹ chiến đấu cùng binh kính, tấn công một chiếc xe tăng triều Tiên bằng lựu đạn ở cự ly gần.

Đến ngày 20/7/1950, quân Triều Tiên đã đánh đến sân bay Taejon và tướng William F. Dean đành chấp nhận thua cuộc.

Quân Mỹ khi đó không thể chặn được bước tiến như vũ bão của Triều Tiên.

Ông ra lệnh cho các binh sĩ mở đường máu rút quân. Trên hành trình rời Taejon, sư đoàn bộ binh số 24 bị quân địch đánh chặn dữ dội bằng súng máy và súng cối.

Ở thời điểm sinh tử đó, chiếc xe jeep chở thiếu tướng William F. Dean rẽ sang một hướng khác với hy vọng thoát khỏi vòng vây quân Triều Tiên.

Tướng Mỹ gia nhập một nhóm các binh sĩ bỏ chạy về phía nam trong đêm để tránh bị phát hiện. Nhưng có một sự cố xảy ra khi ông Dean đi tìm nguồn nước và bị ngã xuống khe núi.

Thiếu tướng Dean bất tỉnh và bị gãy xương vai. Không tìm được ông Dean, nhóm các binh sĩ Mỹ tin rằng thiếu tướng đã chết. Họ trở về phòng tuyến Pusan vào ngày 23/7 mà không có tướng chỉ huy.

Bắt sống tướng quân đội Mỹ

Tỉnh dậy vào sáng ngày hôm sau, thiếu tướng Dean nhận ra rằng quân Triều Tiên đã kiểm soát khu vực này. Có thời điểm ông đi cùng một binh sĩ Mỹ. Nhưng người này đã bị quân Triều Tiên bắt, còn ông phải tiếp tục hành trình một mình.

36 ngày sau đó, thiếu tướng Dean đi bộ ở khu ngoại ô Hàn Quốc, ăn mọi thứ mà ông nhìn thấy trên đường và đôi khi được người dân địa phương giúp đỡ. Ông đã bị sút mất 27kg chỉ sau một tháng.

Quân Triều Tiên bắt được thiếu tướng Mỹ vào ngày 25/8/1950. Hai người lính Triều Tiên nhìn thấy ông giống như sắp chết nên đã đưa về doanh trại.

Lính Triều Tiên lúc đầu không biết rằng mình đã bắt được một thiếu tướng quân đội, chỉ huy sư đoàn bộ binh số 24.

Mãi đến năm 1951, Triều Tiên mới biết được danh tính thực sự của thiếu tướng Dean và đưa đi thẩm vấn.

Thiếu tướng William F. Dean phát biểu sau khi được trả tự do.

Sau này, ông Dean kể lại rằng mình không tiết lộ bất kỳ một thông tin nào và thậm chí còn tìm cách tự sát. Triều Tiên giam giữ vị tướng Mỹ cao cấp nhất mà họ từng bắt sống được cho đến khi hiệp định đình chiến được hai bên ký kết.

Bản thân thiếu tướng Dean nhận được Huy chương Danh dự cao quý. Nhưng cũng có những chỉ trích rằng ông đã thất bại trong việc bảo vệ căn cứ và rơi vào tay đối phương.

Kết thúc trận Taejon, quân đội Mỹ tổn thất 922 người, bị thương 228 người và 2.400 người mất tích. Thiệt hại bên phía Triều Tiên ước tính khoảng 3.000 người và 20 xe tăng.

Đăng Nguyễn / Theo: Dân Việt
Link tham khảo:




GIẢM TỰ MỘC LAN HOA - TẦN QUÁN


Giảm tự mộc lan hoa - Tần Quán

Thiên nhai cựu hận,
Độc tự thê lương nhân bất vấn.
Dục kiến hồi trường,
Đoạn tận kim lô tiểu triện hương.
Đại nga trường liễm,
Nhiệm thị xuân phong xuy bất triển.
Khốn ỷ nguy lâu,
Quá tận phi hồng tự tự sầu.


減字木蘭花 - 秦觀

天涯舊恨,
獨自凄涼人不問。
欲見回腸,
斷盡金爐小篆香。
黛蛾長歛,
任是春風吹不展。
困倚危樓,
過盡飛鴻字字愁。
Giảm tự mộc lan hoa 
(Dịch thơ: Nguyễn Đương Tịnh)

Chân mây hờn tủi
Một mình chiếc bóng không ai hỏi
Muốn tự vấn lòng
Lò trầm chín khúc cháy tiêu không
Mày chau sầu muộn
Gió xuân đâu dễ chi làm dãn
Đau khổ tựa lầu
Nhạn bay xếp chữ gợi thêm sầu


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tần Quán 秦觀 (1049-1100) tự Thiếu Du 少遊, Thái Hư 太虛, hiệu Hoài hải cư sĩ 淮海居士, người Cao Bưu (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Ông từng là học trò và kết hôn với em gái của Tô Thức. Tô Thức từng khen Thiếu Du có tài Khuất Nguyên, Tống Ngọc. Ông từng làm quan tới chức Quốc sử biên tu, sau bị cách chức. Từ của ông phong cách uyển chuyển, trước tác của ông có tập "Hoài hải từ".

Nguồn: Thi Viện



DƯỚI ĐỊA PHỦ CÓ MỘT THỨ HOA KỲ LẠ THỨC TỈNH THẾ NHÂN VỀ ÁI TÌNH

Có một loài hoa kỳ lạ, một ngàn năm hoa nở, một ngàn năm hoa tàn, khi hoa nở thì lá đã tan, mà khi lá mọc thì hoa lại úa tàn, chỉ nhìn thấy hoa mà không thể thấy lá, khi thấy lá rồi lại chẳng thể gặp hoa. Hoa và lá dẫu cùng chung một rễ, nhưng vĩnh viễn lại chẳng thể gặp nhau, nhớ nhớ thương thương mà lỡ dở đời đời…


Người ta nói, đó là hoa Bỉ Ngạn.

Truyền thuyết một loài hoa

Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau kể về loài hoa ái tình-hoa Bỉ Ngạn cùng một câu chuyện tình bi thương mà khiến cả Đức Phật và Mạnh Bà dưới địa phủ (địa ngục) cũng phải mủi lòng thương xót:

Xưa có một đôi nam nữ, theo luật Thiên Đình họ không được phép gặp gỡ. Một ngày, cả hai đã phá vỡ giới luật để tìm đến bên nhau. Chàng là một nam tử hào hoa anh tuấn, còn nàng lại là một nhi nữ đẹp tựa tiên sa. Cả hai vừa gặp đã quen thân, quyến luyến không xa rời, nguyện ước hẹn ở bên nhau đến kiếp kiếp đời đời.

Nhưng vì đã phạm luật Trời, họ bị đọa xuống trần gian rồi biến thành hoa và lá của cùng một cây. Lá xanh, hoa đỏ, đẹp kiêu sa nhưng chất chứa nỗi buồn. Có điều, loài hoa này rất đặc biệt, có hoa thì không thấy lá, mà có lá lại chẳng thể thấy hoa, giữa hoa và lá, cuối cùng cũng không thể gặp mặt.

Bỉ Ngạn hoa có hoa nhưng không thấy lá, thấy lá nhưng lại chẳng có hoa (ảnh minh họa: Flickr).

Một ngày, Đức Phật đi ngang qua, thấy trên mặt đất có một loài hoa đỏ rực như lửa, vừa nhung nhớ lại vừa u sầu. Phật vừa liếc nhìn đã thấu tỏ được huyền cơ trong đó. Quả thật là:

“Bỉ Ngạn hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử” – Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh.

Đức Phật xót thương, bèn quyết định mang hoa về miền Cực Lạc. Nhưng vì Cực Lạc là Phật quốc, là thế giới thanh tịnh và thuần khiết, nên tất cả những gì là ‘tình si’, ‘nhung nhớ’, ‘u sầu’, ‘đau khổ’… đều không được phép tiến nhập vào miền tịnh thổ. Những thứ xúc cảm con người ấy đều phải rời khỏi hoa, kết thành một màu đỏ rực lửa rồi rơi xuống sông Vong Xuyên.

Bởi vậy, khi về đến Cực Lạc, đóa hoa trong tay Phật đã biến thành một màu trắng tinh khiết không còn nhuốm bụi trần. Đức Phật bèn gọi nó là Mạn Đà La hoa, hoa của cõi Phật, cũng chính là một loại hoa Bỉ Ngạn.

Lại nói về màu đỏ rực lửa. Lúc ấy, Bồ Tát Địa Tạng thần thông quảng đại đã biết rằng nghiệp duyên của hoa Mạn Đà La hiện đang nằm dưới sông Vong Xuyên. Ngài bèn đến bên bờ sông, ném xuống một hạt giống, chỉ trong chốc lát một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Bồ Tát đón lấy hoa và nói:

“Ngươi đã thoát thân trở về miền Cực Lạc, sao còn đem nỗi hận tình si để lại nơi khổ ải vô biên này chứ? Vậy thì, ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi. Cực Lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi (Mandarava), vậy ta sẽ gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy (Manjusaka)”.

Từ đó có hai loài hoa Bỉ Ngạn, một loại trắng ngần tinh khiết, một loại lại rực rỡ hoa lệ; một loại gợi nhớ gợi thương, chia ly đau khổ, một loại lại vô dục vô cầu, vô khổ vô bi; một loại trầm luân trong nỗi sầu nhân thế, một loại lại thản thản đãng đãng nơi Phật quốc thanh cao.

Ảnh minh họa: Theo Medium.

Loài hoa thức tỉnh thế nhân về ái tình

Ứng với hoa Mạn Đà La miền Cực Lạc và hoa Mạn Châu Sa bên bờ sông Vong Xuyên là hai thứ hoa Bỉ Ngạn (đỏ và trắng) sinh trưởng ở cõi thế gian. Hoa giống như lời nhắc nhở với thế nhân:

Ái tình là mộng ảo, khi duyên hết thì tình cũng dứt, trả hết nợ một đời thì đừng nên luyến tiếc mà càng thêm đau khổ. Vì con người mê đắm trong ‘Tình’ nên cần phải ngộ được chân lý này mới có thể thanh thản giữa các kiếp luân hồi.

Bởi vậy, khi nhắc đến Bỉ Ngạn hoa, người ta còn kể lại câu chuyện rằng:

Ngày ấy, trên dương thế có một đôi uyên ương tình thâm nghĩa nặng. Họ đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc bên nhau, cho đến một ngày chàng trai đi làm ăn xa đã bất hạnh gặp nạn, phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Linh hồn của chàng trai đi đến bên bờ sông Vong Xuyên, bước trên con đường đỏ rực hoa Bỉ Ngạn mà không khỏi nhớ thương về người vợ chốn dương gian. “Ta không muốn luân hồi, ta phải về với thê tử của ta, nàng vẫn đang đợi chờ ta trở về”.

Chàng trai đến trước mặt Mạnh Bà, nhận được bát canh quên lãng. Anh hỏi Mạnh Bà: “Thế gian muôn màu muôn vẻ, ý họa tình thơ, cớ sao lại bắt tôi phải quên hết chuyện tình cảm xưa cũ?”. Mạnh Bà chỉ mỉm cười không nói, khiến chàng trai càng thêm chua xót. Anh tự nhủ với lòng mình: “Dù phải uống thứ nước vong tình này thì ta vẫn không muốn quên. Sau khi chuyển sinh, ta nhất định sẽ đến tìm nàng”.

Nương tử của chàng trai khi hay tin cái chết của chồng, đã nhiều lần tìm cách quyên sinh. Nhưng lần nào cũng được người nhà cứu sống lại, bởi vậy cô nguyện sẽ thủ tiết cả đời. Cứ như vậy, cô dựa vào việc khâu vá để sinh nhai và ngày đêm hương khói thờ chồng.

Còn chàng trai kia cũng chuyển sinh vào một gia đình nọ, cách ngôi nhà cũ của cậu không xa. Năm tháng cứ thế trôi qua, nháy mắt một cái đã thấm thoắt 20 năm, cậu trở thành một trang nam nhi tuấn tú. Một ngày đi qua ngôi nhà cũ của mình, cậu bỗng thấy một cảm giác thân quen khó tả. Chàng trai liền dừng lại trầm ngâm suy nghĩ, bất giác đôi mắt hướng về phía khung cửa sổ, thấy một quả phụ đang ngồi khâu vá. Cậu không biết đó chính là người vợ hiền thảo của mình trong tiền kiếp, chỉ thấy có điều gì đó kỳ lạ mà cậu không sao lý giải được. Rồi cậu lại bước đi.

Và ngay trong thoáng ngắn ngủi ấy quả phụ bắt gặp ánh mắt của chàng trai trẻ. Dẫu tướng mạo của chàng đã khác xưa, nhưng quả phụ vừa nhìn thấy liền hiểu ra tất cả. Cô nước mắt tuôn rơi, run rẩy không nói nên lời: Chàng đã trở lại rồi!

Sau đó, quả phụ vì nỗi nhớ thương chồng mà lâm bệnh qua đời. Khi đi xuống dưới Hoàng Tuyền, cô qua cầu Nại Hà và đến cạnh Vọng Hương đài gặp Mạnh Bà, đến nơi quả phụ liền hỏi: “Lão bà bà, có phải trước đây có một nam tử từng nói với bà rằng chàng sẽ không quên tôi, sau khi luân hồi sẽ nhất định tìm tôi phải không?”. Mạnh Bà gật đầu khiến quả phụ càng thêm đau buồn. “Chàng đã đến, vì sao lại không nhận ra ta, không nói với ta một lời?”. Mạnh Bà thấy quả phụ chưa dứt được trần duyên, bèn nói:

“Duyên phận của hai người đã hết, chia ly cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng thấy cô không đành lòng, ta sẽ cho cô được gặp lại anh ta lần nữa. Tuy nhiên, cô sẽ phải ở đây chịu khổ 20 năm rồi mới được chuyển sinh vào kiếp sống tiếp, cô có nguyện ý không?”.

Thế là cô được Mạnh Bà giao cho việc nhổ cỏ bên bờ hoa Bỉ Ngạn. Kỳ thực ở đó không hề có cỏ, nhưng trong mắt cô luôn nhìn thấy cỏ dại, và vì thế mà cô cứ nhổ mãi nhổ mãi, vĩnh viễn cũng không hết được.

Hai mươi năm sau, Mạnh Bà đưa cô đến trước cửa luân hồi và dặn rằng: “Cô hãy đứng ở đây đợi một chút, người cô chờ 20 năm sắp đến rồi”.

Gặp lại người thương sau 20 năm đằng đẵng, nhưng tiếc thay duyên đã tận, tình đến lúc đã tàn. (Ảnh: violet.vn)

Cô gái đứng đó như ngồi trên đống lửa, trong lòng cứ thấp thỏm không yên. 20 năm qua, nỗi giày vò khắc khoải như thấu tận tâm can. Cô đã phải chịu đựng biết bao đau khổ chỉ để chờ đến phút giây này, gặp lại người chồng mà cô vẫn hằng mong mỏi.

Cuối cùng chàng cũng đến, nước mắt cô lã chã tuôn rơi.

Nhưng, người mà cô đã dành cả 20 năm đằng đẵng dưới âm gian để đợi chờ, lại tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Cô không thể chịu được nữa, bèn níu tay chàng: “Chàng đã quên ta rồi sao?”. Chàng trai dửng dưng nhìn cô, như nhìn một người xa lạ, anh đón chén canh vong tình của Mạnh Bà và uống cạn, rồi anh bước vào cửa luân hồi.

Ái tình là chi đây? Đau khổ cả một đời, nhung nhớ cả một đời, lưu luyến cả một đời, chẳng phải cuối cùng rồi cũng theo chén canh Mạnh Bà mà tan vào hư vô hay sao? Tình ái cũng giống như đóa hoa Bỉ Ngạn kia: Mỹ lệ kiều diễm đấy, nhưng chóng tàn; có hoa có lá đấy, nhưng vĩnh viễn chẳng thể ở bên nhau.

Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa có độc, cho nên ái tình cũng là một thứ “độc dược”, khiến những ai chìm đắm trong đó phải đau khổ day dứt cả một đời.

Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa nơi địa phủ, cho nên những ai không thể bước qua được ái tình sẽ chỉ khiến tâm hồn chôn vùi trong dĩ vãng.

Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa rực lửa, cho nên tình ái mới khiến người ta say đắm nồng nàn. Chẳng phải người đời vẫn hay nói “tình yêu rực lửa”, “tình yêu cháy bỏng” đó sao? Nhưng thiên tình sử nào, cuối cùng rồi cũng trái ngang.

Người ta nói nhiều về ý nghĩa của hoa Bỉ Ngạn, ở Nhật Bản là ‘hoa hồi ức đau thương’, ở Triều Tiên là ‘hoa nhung nhớ’, ở Trung Quốc là ‘hoa ưu mỹ thuần khiết’. Nhưng trên tất cả, đây là loài hoa cảnh tỉnh thế nhân về ảo ảnh của ái tình.

Hồng Liên / Theo: ĐKN



Thursday, August 29, 2024

NHỮNG TẢNG ĐÁ CHỜ ĐỢI CHUYỂN SINH VÀ TƯỢNG ĐẤT SÉT CÓ THỂ BƯỚC ĐI

Cùng với sự phát triển của khoa học; con người đã có thể lên trời, xuống đáy biển, thậm chí lên Mặt trăng. Mặc dù vậy, trong rất nhiều lĩnh vực giả dụ như khoa học tâm linh, đối với chúng ta nó vẫn là một khái niệm hết sức rộng lớn và mơ hồ.

Tượng binh lính nhà Tần (ảnh: Kênh14).

Cho dù hoa học – công nghệ có tiên tiến đến đâu, nó cũng không thể giúp con người chứng minh được sự tồn tại hay không tồn tại của các vị thần. Khoa học có tiên tiến đến đâu, nó cũng không thể phân biệt được hình thức tồn tại của các sinh mệnh ở các thời không khác.

Phật gia giảng “vạn vật đều có linh”, nghĩa là vạn vật đều có sinh mệnh. Điều này nghe có vẻ huyền bí. Viên Mai là một học giả sống vào thời nhà Thanh, ông đã ghi lại một số câu chuyện như vậy trong cuốn sách “Tử Bất Ngữ”.

Câu chuyện thứ nhất: Những tảng đá chờ đợi chuyển sinh

Lã Thi là người gốc Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến. Ông từng tu học trong một ngôi chùa cổ ở phía bắc chân núi Vũ Di. Dưới đây là câu chuyện rất thần bí do đích thân ông trải qua khi sống ở đây.

Vào một ngày nọ, bầu trời đang quang đãng bỗng trở nên u ám. Những bậc thềm bằng đá đều dựng đứng dậy như người. Một cơn gió lạnh thổi qua, giấy dán cửa sổ, những chiếc và cả ngói trên mái hiên cũng đều bị gió thổi bay tứ tung, chúng bay hoà quyện vào nhau rồi treo lên trên những tảng đá.

Những tảng đá xếp thành hình tròn và xoay vòng, trong phút chốc chúng biến thành mười mấy người đàn ông cao lớn, cương nghị. Giấy dán cửa sổ, lá cây biến thành áo giáp. Những viêm ngói biến thành mũ và khăn quàng cổ.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, những người biến thành từ tảng đá người thần kỳ có lẽ cũng tương tự vậy? (ảnh: Nguyenuoc).

Những người đàn ông hoá thành từ những phiến đá đi vào trong chùa. Họ ngồi đàm đạo với nhau. Họ nói không ngừng và Lã Thi có thể nghe thấy. Điều này khiến ông rất sợ hãi. Vì không tin đó là sự thật nên ông nhanh chóng đóng cửa sổ và đi ngủ.

Ngày hôm sau, Lã Thi tỉnh dậy, sau khi xem xét thì không thấy dấu vết nào. Đến buổi chiều muộn ngày hôm đó, những tảng đá đó lại dựng đứng lên trời một cách thần kỳ như ngày hôm trước. Sau một vài ngày như vậy, Lã Thi đã coi đó là điều bình thường. Biết rằng những tảng đá không làm tổn hại ai, nên ông ra ngoài bắt chuyện với họ.

Lai lịch của những người đá

Khi hỏi tên tuổi của họ, ông phát hiện ra rằng hầu hết đều mang họ kép (tức là những dòng họ được ghép lại bởi hai chữ như Mộ Dung, Âu Dương, Công Tôn…). Đa số họ là người từ thời Hán – Ngụy, hai trong số họ trông lớn tuổi hơn là người từ thời nhà Tần.

Những điều họ nói đa phần là giống với những điều được ghi trong sử sách. Lã Thi cảm thấy rất thú vị, vì vậy hàng ngày, sau mỗi bữa cơm chiều, ông lại lặng lẽ chờ đợi sự xuất hiện của họ.

Khi ông hỏi tại sao họ bị biến thành đá; họ không trả lời. Ông lại hỏi, vì sao họ không sống luôn trong chùa mà cứ phải biến qua biến lại; cũng không ai trả lời. Họ chỉ nói: “Lã tiên sinh cũng là người đọc sách thánh hiền. Tối nay, dưới ánh trăng, chúng ta hãy thi triển võ nghệ để cậu được mở mang tầm mắt.”

Đêm hôm đó, những người đá kia mang theo kiếm, một số khác không giống như giáo, cũng không giống như mâu hay kích, chúng là vũ khí thời cổ đại. Lã Thi không biết nên gọi chúng là gì.

Những người lính cao lớn vạm vỡ cầm vũ khí của riêng mình lần lượt múa dưới ánh trăng. Lúc thì họ biểu diễn một mình, khi lại hai người với nhau, tạo thành khung cảnh rất mỹ diệu nhưng tao nhã. Chàng nho sinh cúi đầu cảm ơn họ.

Trang phục binh sĩ thời Tần (bên trái) và thời Nguỵ – Tấn (ảnh: Nghethuatxua).

Một ngày khác, những người bằng đá đến và nói ông: “Chúng tôi sống cùng cậu đã lâu, thực sự không đành lòng nói lời từ biệt. Nhưng tối ngày hôm nay tất cả chúng tôi đều đi chuyển sinh ở nước ngoài, để hoàn thành những việc chưa làm xong ở kiếp trước, vì vậy không thể không tới nói lời cáo biệt.”

Lã Thi nghe xong, bùi ngùi tiễn những người đá ra cổng. Kể từ đó, trong chùa trở nên yên tĩnh không còn tiếng người. Trong tâm Lã Thi cảm thấy có chút buồn bã, hoang vắng, như thể đã mất đi những người bạn tốt. Vì vậy ông đã viết lại những câu chuyện thần kỳ thời cổ đại mà những người đá đã bàn luận với nhau thành sách, đặt tên là “Thạch Ngôn”.

Lã Thi vốn định in, khắc lại và lưu truyền cho hậu thế nhưng vì gia cảnh nghèo khó không thể thực hiện. Tới ngày nay bản thảo của cuốn sách vẫn lưu tại nhà của con trai ông là Lã Đại.

Câu chuyện thứ hai: Những bức tượng đất sét bước đi

Gia tộc họ Trương ở Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang có nhiều thế hệ đã sinh sống ở Kiêm Hà Vi. Tổ tiên dòng họ Trương chuyển đến Bình Hồ tên là Trương Địch, tự Tĩnh Am, sống vào thời Hồng Vũ triều đại nhà Minh.

Sau khi Trương Địch qua đời, người nhà ông đã làm hai bức tượng đất sét cho vợ chồng ông. Tượng cao bảy tám tấc, được thờ cúng trong từ đường, còn ngôi nhà của ông bà thì giao cho người con trai cả.

Hơn 400 năm sau, con cháu của người con trưởng sống trong cảnh nghèo khó, bần hàn, không có tiền sửa chữa, nên hầu hết các ngôi nhà đều bị sập, chỉ còn lại một số, nhưng hai bức tượng đất sét của vợ chồng Trương Địch vẫn còn đó.

Thấy nhà sắp đổ tượng đất sét tự “di cư” đi nơi khác

Gia tộc họ Trương có một từ đường, cách nơi ở trước đây của Trương Tĩnh Am từng ở khoảng ba dặm. Vào một ngày, khi trời vừa mờ sáng, một người lái đò thấy hai ông bà già đến thuê thuyền. Người lái đò đẩy thuyền ra xa bờ rồi hỏi:

-“Ông bà đi đâu vậy?”

(ảnh: Kênh14).

-“Chúng tôi tới từ đường nhà họ Trương” – họ trả lời.

Khi thuyền cập bến, cả hai bước nhanh lên bờ, họ bước đi vội vã như bay. Người lái đò nhìn theo cho đến khi bóng dáng hai người khuất dần.

Một lúc sau, ông bà đã đến trước sảnh từ đường. Người trông giữ từ đường nghe tiếng gõ cửa liền đứng dậy xem xét. Xung quanh vắng lặng, chỉ có hai bức tượng đất sét đang đứng trước cửa. Ông kinh ngạc tới độ không tin vào mắt mình.

Trương Châu Cửu là hậu duệ của dòng họ Trương. Ông cũng đang chuẩn bị trùng tu lại nhà thờ này. Cho nên, ông đã cho thợ tô lại màu cho hai bức tượng đất sét nọ. Và đặt họ lên một cái giá để thờ tự.

Hai câu chuyện trên đã minh chứng một điều, ngoài thế giới vật chất hiện hữu, rất có thể tồn tại thế giới tâm linh, ẩn chứa những điều thần kỳ mà đa số chúng ta không được biết đến.

Minh Nguyệt biên tập
Nguồn: Sound of Hope/ Nguyện Ước
Link tham khảo:

NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ THẤP THÌ PHỨC TẠP, NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ CAO THÌ ĐƠN GIẢN

Lão Tử giảng: “Thiên trường địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giã, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh” nghĩa là: Trời đất sở dĩ lâu dài, là vì không sống riêng cho mình, nên mới đặng trường sinh.

Người có trình độ thấp thì phức tạp, người có trình độ cao thì đơn giản (nguồn: Anhghepminhhoa)

Theo nhà văn Dương giáng thì “một cuộc sống đơn giản, một tâm hồn thanh cao, là trạng thái cao nhất của cuộc sống”. Đúng vậy, thay vì quá quan tâm đến được và mất, thay vì quá để ý đến ánh nhìn của người khác, tốt hơn hết chúng ta cứ sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, đơn giản, và ít ham muốn.
 
1. Người có trình độ thấp thì phức tạp, người có trình độ cao thì đơn giản

Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng. Trì sính điền liệp lệnh nhân tâm phát cuồng. Nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương”. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục. Cố khứ bỉ thủ thử”.

Ý nói: Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi, săn bắn theo ý muốn khiến lòng người hóa cuồng, bảo vật quý hiếm thường khiến con người làm bất cứ điều gì, do đó dễ gặp tai họa. Vì vậy, thánh nhân sẽ loại bỏ những gì không cần thiết để duy trì sự sống sinh tồn cơ bản của mình.

Những người đơn giản sẽ nghĩ ít hơn, họ không quan tâm đến đánh giá của người khác và chỉ làm theo trái tim của chính mình. Do đó cuộc sống của họ sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều và tính toán quá nhiều, bạn sẽ trở nên mệt mỏi với cuộc sống. Trong một xã hội hiện đại như ngày nay, việc trở thành một người đơn giản thực sự là một cảnh giới cao. Bởi vì họ biết cách kiểm soát sự phức tạp bằng sự đơn giản và duy trì sự bình yên nội tâm trong một thế giới hỗn độn này.

Hãy là người đơn giản nhất, ăn những món đơn giản nhất và sống cuộc sống đơn giản nhất. Một cuộc sống thực sự tốt đẹp là cuộc sống đơn giản và dễ hiểu.

Người ở trình độ thấp thì phức tạp, người ở trình độ cao thì đơn giản (nguồn: Blog radio)

2. Người có trình độ thấp thì mạnh mẽ, còn người có trình độ cao thì khiêm tốn

Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo.” Nghĩa là: Nước là thiện nhất. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với Đạo.

Nước nuôi dưỡng vạn vật mà lại không tranh giành với ai nên không oán không hận. Nước lúc nào cũng lựa cho mình chỗ thấp nhất vì vậy mà lại gần với Đạo. Người thiện lương cũng luôn khiêm nhường như nước, bề ngoài mềm mại nhưng ẩn chứa sức mạnh vô hạn.

Nếu bạn có thể biết khiêm tốn, không quá khắt khe thì người khác sẽ có ấn tượng tốt về bạn, có ấn tượng tốt tự nhiên sẽ dẫn đến danh tiếng tốt, một khi bạn đã có tiếng tăm tốt thì con đường sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn. Nhường cho người khác một lối đi cũng chính là để lại cho bản thân một con đường.

Người mạnh mẽ thường quá sắc bén và bất cẩn trong lời nói và việc làm, họ dễ dàng làm tổn thương người khác, và kiểu tổn thương này cũng là một cách gây thù chuốc oán.

Dương Tu cũng chỉ vì cậy tài, khoe tài, luôn muốn thể hiện mình hơn người, với mục đích muốn được ban quan tước cao hơn, vì nghĩ mình xứng được như thế nên cuối cùng đã gặp tai họa. Vậy nên biết khiêm tốn sẽ khiến bạn trở thành một người điềm tĩnh và rộng lượng.

Người ở trình độ cao biết khiêm tốn (nguồn: Meey land)

3. Người trình độ thấp “đạt được”, người trình độ cao “buông bỏ”

Lão Tử giảng: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kì căn. Quy căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh”, nghĩa là: Đạt đến trống vắng cùng cực, giữ cho yên lặng thuần nhất. Muôn vật đều triển khai, ta nhân đó thấy sự trở lại. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức đạo]. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”.

Trong thế giới quan của Lão Tử, chìa khóa để duy trì sức khỏe là nuôi dưỡng tinh thần. Duy trì sự bình tĩnh và bình yên từ bên trong là cách quan trọng nhất để duy trì sức khỏe tốt.

Con người hiện đại đặt ra đủ loại phương pháp dưỡng sinh để duy trì sức khỏe, nhưng không thay đổi tâm thái từ bên trong thì sẽ không thể lâu dài.

Lão Tử nói: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Để bảo vệ sức khỏe thực sự, con người nên sông thuận theo quy luật tự nhiên và tu dưỡng bản thân mới là cách dưỡng sinh tốt nhất.

Nếu bạn muốn làm được những điều vĩ đại, bạn phải có khả năng tập hợp mọi người. Nếu bạn có thể tập hợp mọi người, bạn phải có khả năng quản lý họ. Một nhà lãnh đạo giỏi, một doanh nhân giỏi và thậm chí là một bậc cha mẹ giỏi cũng phải biết cách quản lý. Vậy quản lý tốt là như thế nào?

Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa”, nghĩa là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.

Đạo bắt nguồn từ vạn vật, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Kiểu “sinh ra vạn vật” này là một loại bản chất, là bản chất của vạn vật đều phát triển và lớn lên một cách tự nhiên.

Việc giáo dục trẻ em cũng vậy. Một nền giáo dục tốt không thể lúc nào cũng giám sát một cách mù quáng mà nên cho trẻ thư giãn và nghỉ ngơi đúng lúc. Hãy để đứa trẻ tìm ra lĩnh vực phù hợp cho riêng mình, đừng đặt ra quá nhiều hạn chế cho sự phát triển của trẻ, hãy để trẻ tự do phát triển theo năng lực của chính mình, đây là một nền giáo dục tốt.

Biết buông bỏ là cảnh giới cao của đời người (nguồn: Meeyland)

Có một câu nói rất hay rằng: “Cuộc sống là tiếng vọng. Điều bạn gửi đi sẽ quay trở về. Điều bạn gieo trồng sẽ được gặt hái. Điều bạn cho đi sẽ được nhận lại. Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn”.

Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)