Saturday, March 2, 2024

VẤN PHẬT - KHÚC THI CA ẨN CHỨA TƯ VỊ THÂM SÂU CỦA VỊ LẠT MA TÂY TẠNG

Thương Ương Gia Thố là một trong những thi nhân nổi tiếng nhất Tây Tạng, những bài thơ ông viết không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học Tây Tạng, mà còn gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà thơ trên thế giới.


Nhân một ngày bất chợt lướt qua bài thơ “Vấn Phật”, đọc kỹ mới thấy bài thơ tinh tế, tư vị thâm sâu, không khỏi cảm thấy một loại thấu hiểu nhân sinh chuẩn xác. Liền tra xem thông tin về tác giả, mới hay đó là những vần thơ của Thương Ương Gia Thố (Tsangyang Gyatso), vị Lạt Ma đời thứ 6 của Phật giáo Tây Tạng, một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử tín ngưỡng vùng đất này.

Lục thế Đạt Ma Thương Ương Gia Thố (1683 – 1745) là nhân vật nổi danh trong lịch sử Tây Tạng. Ông sinh năm 1683 ở tu viện Urgelling cách trấn Tawang của Ấn Độ 5km, trong một gia đình nông dân có nhiều thế hệ tín ngưỡng Phật giáo phái Ninh Mã hay còn gọi là Cổ mật hoặc Hồng giáo, một giáo phái kế thừa truyền thống và bí lục của Đại sư Liên Hoa Sinh.

Năm 1967, Thương Ương Gia Thố được xác định là “chuyển thế linh đồng” của Ngũ thế Đạt Ma, và được đón đến Lhasa, Tây Tạng. Trên đường đi, lúc ngang qua huyện Nagarze, ông gặp và bái Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 5 là La Tang Ích Hỷ (1663 – 1737) làm thầy, cạo đầu thụ giới, lấy pháp danh là Thương Ương Gia Thố. Ngày 25/10 năm đó, tại cung điện Potala, người ta cử hành đại điển, Thương Ương Gia Thố trở thành Lục thế Đạt Ma phái Cách Lỗ.


Ông được học giả trứ danh, cũng là đệ tử thân tín của Ngũ thế Lạt Ma là Tang Kết Gia Thố (Sangye Gyatso) trực tiếp nuôi dưỡng và dạy cho thiên văn, lịch toán, y học, văn học, đối với thi ca lại có trình độ cao thâm. Vào năm ông 25 tuổi, do giai cấp thống trị tranh quyền đoạt lợi, Thương Ương Gia Thố trở thành đối tượng hy sinh, từ đó ông dấn thân vào cuộc đời lang bạt. Lần lượt chu du đến Thanh Hải, Cam Túc, Mông Cổ, Tứ Xuyên, Ü-Tsang thuộc Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal.v.v. Ông cũng từng làm kẻ hành khất, chôn xác người chết, đời sống cực kì gian khổ.

Chính vì thế mà nguyên nhân gây ra cái chết của vị Đạt Ma này vĩnh viễn là điều khó giải được. Điều này khiến hậu thế lưu truyền nhiều lời đồn đoán về cái chết của ông. Trong đó có các thuyết như: một là, Thương Ương Gia Thố bị bắt và giải về kinh thành, trên đường đi khi qua hồ Thanh Hải đã mắc bệnh mà chết; hai là, trên đường đi, ông bị đối thủ Lạp Tàng Hãng sát hại; ba là, Thương Ương Gia Thố bị hoàng đế nhà Thanh giam cầm tại Ngũ Đài sơn, uất ức mà chết; cuối cùng là lời giải thích có phần có hậu, Thương Ương Gia Thố tự mình sống cuộc đời tự do, cuối cùng trở thành một người chăn nuôi bình thường bên hồ Thanh Hải, làm thơ uống rượu cho đến hết phần đời còn lại.

Giả thuyết được lưu truyền nhiều nhất là giả thuyết được lấy từ mật truyền Tỳ bà âm: “Vào năm Trư Hỏa, Pháp vương (Thương Ương Gia Thố) 25 tuổi, bị triệu vào nội địa”. “Hoàng đế ra chiếu dụ nghiêm minh, chọn ra một người đi đến cực Đông, mọi người tiếp chỉ ai cũng vô cùng kinh sợ, lo lắng tính mạng khó bảo toàn, không có cách hay để chống đỡ, vậy nên tất cả đồng thanh hướng về Thương Ương Gia Thố mà khẩn cầu: ‘Ngài vốn dĩ đã có thể tự mình làm chủ, có thể quy tiên ngay lúc này hoặc làm cho thân thể biến mất. Nếu không như thế, thì chúng ta khó mà bảo toàn được mạng sống’.


Thỉnh cầu liên tục, Thương Ương Gia Thố vô hạn bi thương, sau nói lời từ biệt, đột nhiên ra đi, cứ nhắm hướng Đông Nam mà đi. Từ đó về sau, ông đi qua Đả Tiễn Lô, nay là huyện Cam Tư thuộc tộc Tây Tạng tự trị ở Tứ Xuyên, đến vùng nội địa, qua Nga Mi sơn, và các vùng núi khác để bái Phật. Về sau, ông vân du lần lượt đến Ấn Độ, Nepal, Cam Túc, Ngũ Đài sơn, Thanh Hải, Mông Cổ, giảng kinh, thuyết Pháp, kết thiện duyên, lập nên rất nhiều công trạng vô cùng tinh diệu”.


Ngoài các giả thuyết nói trên cùng đủ loại truyền thuyết khác, thì các bằng chứng khảo cổ gần đây cho thấy, Thương Ương Gia Thố ở địa khu A Lạp Thiện, Nội Mông, hoằng Pháp giúp đỡ chúng sinh, cuối cùng viên tịch. Thừa Khánh Tự ở sa mạc Đằng Cách Lý là nơi Lục thế Đạt Ma viên tịch; Chiêu Hóa tự là nơi pháp thể được lưu giữ, cùng Quảng Tông tự ở Hạ Lan sơn là nơi xá lợi của chân thân được lưu tồn, hết thảy đều cho thấy quãng đời sinh mệnh của Lục thế Đạt Ma.

Ông chính là một sinh linh được sinh ra để thụ nhận và trải qua khổ nạn. Sinh mệnh của ông, cuộc sống của ông, tình cảm của ông, truyền thuyết về ông đều tràn ngập linh tính cùng nhiều trầm tư, hết thảy đều được thể hiện trong thi ca.


Vấn Phật

Ta hỏi Phật: Vì sao không ban cho hết thảy nữ tử trong thiên hạ dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn.

Phật nói: Đó chẳng qua là đóa quỳnh hoa mới nở, dùng để mê mờ con mắt thế tục.

Không có gì đẹp bằng cái tâm nhân ái thuần tịnh tròn đầy.

Ta đem nó ban tặng cho từng người con gái.

Vậy mà có người đem vùi lấp bụi tro.

Ta hỏi Phật: Thế gian vì sao có nhiều nuối tiếc đến thế?

Phật nói: Đây là thế giới sa bà, sa bà chính là nuối tiếc.

Một khi nuối tiếc, thì dẫu có cấp cho ngươi thêm nhiều hạnh phúc, ngươi cũng sẽ không thấy vui vẻ gì.

Ta hỏi Phật: Làm sao để tâm mọi người không còn cảm thấy cô đơn.

Phật nói: Một cái tâm tròn đầy từ lúc sinh ra bởi vì cô đơn mà trở nên tàn khuyết.

Đa số mang theo sự tàn khuyết đó đi hết cuộc đời.

Chính vào lúc có thể tương ngộ một nửa kia mà khiến ngươi viên mãn.

Không phải sơ suất bỏ qua, mà là đã mất đi tư cách để có được nó.

Ta hỏi Phật: Nếu như ta có thể gặp được người để yêu nhưng lại không thể nắm chắc thì làm thế nào?

Phật nói: Nhân gian có bao nhiêu ái tình, khi thời thế đổi thay lại biến hóa khôn lường.

Cùng người yêu thương trải qua ngày tháng vui vẻ.

Chớ hỏi là kiếp nạn hay duyên số.

Ta hỏi Phật: Làm thế nào để có được năng lực trí huệ như ngài?

Phật nói: Phật là người từng trải, con người lại là Phật mai sau, họ vốn được Phật đưa đến thế gian gieo vào thập giới: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên, A Tu La, Nhân, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.

Thiên, A Tu La, Nhân, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục làm thành lục đạo chúng sinh

Trong lục đạo, chúng sinh buộc phải trải qua nhân quả luân hồi, từ trong đó mà trải nghiệm thống khổ.

Trong quá trình trải nghiệm thống khổ mà thấu hiểu chân lý của sinh mệnh, mới có thể đạt được vĩnh sinh.

Phật giảng, nhân sinh có 8 điều thống khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái, biệt ly, oán trường cửu (oán hận không dứt), cầu bất đắc (cầu mà không được), phóng bất hạ (buông mà không bỏ).

Phật giảng, mệnh chính là do mình tạo nên, tướng tùy tâm sinh, vạn vật trên thế gian đều có thể biến hóa, tâm bất động, vạn đều sẽ không động, tâm bất biến, vạn vật cũng sẽ bất biến.

Phật giảng, ngồi cũng thiền, làm cũng thiền, một bông hoa một thế giới, một chiếc lá một Như Lai, xuân đến hoa tự xanh tốt, thu sang lá rơi rụng, trí tuệ vô cùng, tâm sẽ tự tại, lời nói nhẹ nhàng, thân thể tự nhiên tĩnh.

Phật giảng: Vạn pháp cùng sinh, đều trong hệ duyên phận, ngẫu nhiên gặp gỡ, bất chợt nhìn lại, nhất định cả đời phụ thuộc lẫn nhau chỉ bởi một khoảnh khắc ánh mắt giao nhau ngắn ngủi.


Duyên khởi rồi tàn, duyên sinh cũng là không

Pháp lý Phật môn giảng rằng một người để ngộ đạo có 3 giai đoạn “khám phá, buông bỏ và tự tại”.

Đích xác, một người nhất định phải buông bỏ thì mới có thể đạt được tự tại.

Ta hỏi Phật: Vì sao khi tuyết rơi tâm ta thấy bi thương.

Phật nói: Mùa đông rồi sẽ là quá khứ, còn lưu chút kí ức.

Ta hỏi Phật: Vì sao mỗi khi tuyết rơi đều là lúc đêm khuya ta không để ý tới.

Phật nói: Khi lơ đãng cũng là lúc con người bỏ qua rất nhiều vẻ đẹp chân chính.

Ta hỏi Phật: Chỉ qua vài ngày nữa là tuyết ngừng rơi.

Phật nói: Đừng chỉ ngóng trông mùa khác mà bỏ lỡ trời đang đông.

Hàn Mai biên dịch / Theo: Tinh Hoa