Nhiều nghề truyền thống của người Hoa như làm đầu lân hoặc vàng mã đang bị thu hẹp (ảnh: tác giả)
Đó là một chuyến đi ngắn, dự định khoảng hai tuần. Thế nhưng chỉ mới một tuần, bà Dìn đã quay về. Đón bà ở sân bay, con cháu thi nhau hỏi bà có vui không, mãn nguyện chưa. Bà Dìn im lặng không nói gì. Đến bữa cơm tối, cả nhà ngồi với nhau, có đứa cháu hỏi khi nào bà muốn đi lại. Bà Dìn nói sẽ không quay lại nữa. Ai nấy đều ngạc nhiên. “Nó không giống gì như ông bà kể”, bà Dìn thốt lên, “Ai cũng cũng nói tiếng Hoa, nhưng không ai giống như mình nghĩ”.
Bà Dìn mất năm 2020, trong đại dịch Covid-19, mang theo sự hụt hẫng của một thế hệ người Hoa lưu luyến quê cha đất tổ. Con cháu của bà sau này làm đám giỗ cũng đơn giản như người Việt: Một mâm cơm khiêm tốn trong gia đình. Những người như bà Dìn khi mất đi đã khép lại những thế hệ người Hoa từng kiêu hãnh gìn giữ cội nguồn, với tư cách một lớp di dân định cư trên đất Việt.
Người Hoa đến Việt Nam và nhập thành cư dân cố định trên nước Việt giờ có hai lớp người: Những người lớn tuổi thì giữ lại chữ viết, ngôn ngữ, phong hóa và luôn dạy cho con cháu về quê hương gốc. Còn những người trẻ thì hội nhập đời sống Việt Nam, dần đồng hóa và không còn biết viết hay nói tiếng quê hương gốc của họ. Nhiều người Hoa không thể nhớ nổi quê quán tổ tiên ở nơi nào bên Trung Quốc, chỉ biết đại khái họ là người gốc Triều Châu, Quảng Tây, Phúc Kiến hay Hải Nam… qua ngôn ngữ truyền lại thôi.
Chùa đình, nơi sinh hoạt của cộng đồng và bang hội, giờ cũng đìu hiu (ảnh: tác giả)
Năm 1956, cái tên Chợ Lớn không còn trên mặt hành chính, do Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập Đô thành Sài Gòn. Nhưng Chợ Lớn phồn thịnh, đầy bản sắc và thú vị đến mức nhiều thế hệ dân Việt vẫn quen gọi là Chợ Lớn. Những năm 1980, đời sống cấm vận nghèo nàn và tăm tối, Sài Gòn gần như chết ngộp thì Chợ Lớn vẫn rộn rịp đến lạ kỳ.
Buổi tối, ghé vào Chợ Lớn, người dân miền Nam có thể tạm quên nỗi cơ cực hàng ngày với các món ăn đặc biệt của người Hoa, từ ly chè cho đến tô hủ tiếu. Người Hoa giỏi quan sát sức mua của thị trường nên họ không bán mắc. Do đó, có lúc vô Chợ Lớn chơi, ăn uống, đi chùa, nghe người Hoa nói tiếng Việt với giọng đớt đát nhưng thân thiện, là ký ức khó quên đối với người Sài Gòn. Tận hôm nay, câu truyền khẩu từ thời Đệ nhất Cộng Hòa “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” vẫn còn được nhắc. Hai vế sau thì đã không giữ được trọn ý nghĩa nhưng “ăn cơm Tàu” thì mãi vẫn chưa thấy đổi ngôi.
Nhiều chung cư và cửa tiệm người Hoa giờ vắng vẻ (ảnh: tác giả)
Theo Luận văn tốt nghiệp Học viện Quốc gia hành chánh Sài Gòn năm 1968, có tên “Vấn đề Hoa Kiều tại Việt Nam” của ông Lưu Trường Khương, vào năm 1950 có đến hơn 800,000 người Hoa ở miền Nam. Sự phồn thịnh và kiểm soát kinh tế xã hội của các bang hội người Hoa không khác gì ở Hong Kong. Vào Chợ Lớn thời đó đôi khi phải “thủ” sẵn vài câu tiếng Quảng để không lạc lõng trong vùng đất mà tiếng Việt vang lên như ở quốc ngoại. Thậm chí có người Hoa còn không biết rành tiếng Việt, phải có người dịch giùm.
Người Hoa Chợ Lớn từng kinh qua những giai đoạn thăng trầm, bắt đầu từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm với chính sách kiểm soát kinh tế, văn hóa và hộ tịch người Hoa, nhằm tránh tình trạng bị cộng đồng giàu có và hùng hậu này nắm quyền sau cánh màn. Tuy nhiên, cộng đồng người Hoa vẫn phát triển mạnh và đóng góp đáng kể cho kinh tế Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Chỉ sau 1975 thì người Hoa mới nếm mùi cay đắng của chế độ cộng sản.
Trước năm 1975, người Hoa có 16 tờ báo, 166 trường học. Ngoài bệnh viện Sùng Chính phục vụ tất cả cộng đồng Hoa kiều, người Hoa còn có năm bệnh viện phục vụ người của năm bang hội chính – lớn nhất là bệnh viện bang Quảng Đông với 912 giường, và nhỏ nhất là bệnh viện bang Hải Nam với 40 giường. Tất cả đều bị chính quyền mới cấm hoạt động hoặc tịch thu. Tiếp đó là chiến dịch đánh “tư sản mại bản”, tấn công quyết liệt và vơ vét sạch tài sản người Hoa. Người Hoa không còn chọn lựa nào khác là ra đi. Trong làn sóng vượt biển của người miền Nam chạy thoát họa cộng sản, có rất nhiều người Hoa…
Sau gần 50 năm kể từ 1975, người Hoa ở Chợ Lớn như thế nào? Có rất ít người nhận ra rằng Chợ Lớn ngày nay dường như ngày càng… vắng bóng người Hoa! Nói chính xác hơn là cộng đồng người Hoa Chợ Lớn ngày nay đã bị chen lẫn bởi người Việt từ khắp nơi, đặc biệt từ… miền Bắc.
Mới đây, có lần ghé vào Chợ Lớn, mua giò cháo quẩy, mới bất ngờ biết người làm và bán là một thanh niên người Việt từ miền Tây lên. Làm giò cháo quẩy, bánh tiêu, bánh bò, bánh bao chiên, cũng như nhiều nghề truyền thống khác trước đây chỉ thấy người Hoa nắm giữ bây giờ nằm trong tay người Việt. Hỏi ra mới biết người Hoa ngày càng bỏ nhiều nghề truyền thống và con cái họ cũng không hứng thú nối nghiệp.
Chợ Lớn giờ đây ngày càng nhiều dân nhập cư từ các tỉnh lên làm ăn (ảnh: tác giả)
Nghề gia truyền là truyền thống kinh doanh của người Hoa. Họ luôn giữ kín bí mật gia truyền. Đó là những bí quyết chi tiết, chẳng hạn về công thức trộn bột làm bánh trung thu, bánh bao, dim sum, há cảo, mì sợi, mì vắt tươi, sủi cảo… Nghề của người Hoa, dù có học lóm bắt chước, cũng khó làm lại giống công thức độc quyền của họ. Và ngày xưa, người Hoa chỉ truyền lại bí quyết gia truyền cho con trai nối dõi. Bởi vậy, việc một số người Hoa truyền nghề lại cho ngoại tộc như đang thấy đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Một trong những yếu tố khiến người Hoa mất dần phong hóa của họ là sự kết nối không còn bền chặt và cộng đồng họ không còn quyền lực như xưa. Thế hệ trẻ người Hoa giờ không khác gì thanh niên Việt Nam, cũng thích những xu hướng sống thời thượng và ngại các tập tục cổ xưa.
Cách đây vài chục năm, vào Chợ Lớn là bắt gặp những cửa hàng sách, nhạc, đồ trang trí làm bằng tay của người Hoa. Những ngày lễ của người Hoa thì nhộn nhịp màu sắc đặc thù văn hóa truyền thống Trung Hoa. Nhưng bây giờ tìm lại những hình ảnh như vậy thật khó. Khi được hỏi các nhãn hiệu ghi tiếng Hoa có nghĩa gì, thậm chí có người cười, lắc đầu không biết. Anh L., một người Tiều chạy xe ôm sau khi tốt nghiệp lớp 12, tâm sự rằng anh đang dành thời gian đi học lại tiếng Hoa, vì tự nhiên thấy sợ mất gốc.
Một ông chủ tiệm hủ tiếu người miền Bắc (ảnh: tác giả)
Người Việt gốc Hoa, theo thống kê hiện nay, có khoảng 500,000 người ở Sài Gòn, sống rải rác ở các quận 5, 6 và 11. Cộng đồng người Việt gốc Hoa ngày càng ít ỏi. Họ đi đâu cả rồi? Rất nhiều người trẻ đã hòa tan vào thế hệ mới; nhiều người khác cũng tìm đường đi lao động ở những nơi nói tiếng Hoa như Macau, Singapore, Mã Lai… Còn lại chỉ biết làm việc và sống qua ngày, không còn vui thịnh vượng như ở thế kỷ trước.
Đừng ngạc nhiên nếu ngày nào đó bạn ghé vào một tiệm đông y bất kỳ ở phố Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, và thấy người bán có giọng miền Bắc Việt Nam. Từ sau 1975 đến nay, rất nhiều người Bắc di cư vào Nam đã thâm nhập vào Chợ Lớn, mua lại cơ nghiệp và buôn bán. Những thứ độc quyền của người Hoa khi xưa như lồng đèn, bánh trung thu, hàng mã… giờ vào tay người Việt cả rồi. Cũng buồn, nếu biết ở quận 5 hôm nay, những quán ăn gia truyền độc đáo có tay nghề gốc như người Hẹ đang rơi rớt dần.
Người Hoa có kiểu uống cà phê bằng dĩa, chấm một giọt bơ, giờ gần như không thấy nữa. Một buổi sáng cuối năm, mấy người bạn rủ đi, và nhắc nhau đến thật sớm vì quán chỉ mở cửa 4g sáng và nghỉ lúc 7g sáng. Trong căn nhà nhỏ, dưới ánh sáng vàng vọt của một cây đèn bàn, những người khách nhận phần cà phê rồi ngồi thu mình vào góc nói chuyện.
Ông cụ bán cà phê người Quảng ngạc nhiên khi thấy mấy người khách không phải những gương mặt quen thuộc thường ngày. Ông rót cà phê một cách trân trọng và kỹ lưỡng vào dĩa cho từng người. Những người Hoa uống cà phê trong căn nhà nhỏ, nằm giữa hẻm đó, dường như cũng ngạc nhiên, liếc nhìn. Hầu hết là người già. Cà phê không ngon lắm nhưng không gian tự nhiên thật xúc động. Mọi thứ như tái hiện, đọng lại. Nó giống như những người Hoa yêu truyền thống hôm nay đang cố níu giữ mọi thứ trong nhạt nhòa, và họ chỉ còn là những người già lặng lẽ, ngồi quanh nhau.
Khiết Văn/SGN