Kim đồng tiên nhân từ Hán ca tịnh tự - Lý Hạ
Mậu Lăng Lưu lang thu phong khách,
Dạ văn mã tê hiểu vô tích.
Hoạ lan quế thụ huyền thu hương,
Tam thập lục cung thổ hoa bích.
Nguỵ quan khiên xa chỉ thiên lý,
Đông quan toan phong xạ mâu tử.
Không tương Hán nguyệt xuất cung môn,
Ức quân thanh lệ như duyên thuỷ.
Suy lan tống khách Hàm Dương đạo,
Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão.
Huề bàn độc xuất nguyệt hoang lương,
Vị thành dĩ viễn ba thanh tiểu.
Nguyên chú: Tháng tám, năm Thanh Long nguyên niên đời Nguỵ Minh Đế, vua hạ chiếu sai các quan trong cung dùng xe về phía tây, đem tượng tiên nhân cầm mâm vàng hứng sương của Hán Vũ Đế, về đặt trước cung điện, các cung quan làm gãy mâm, khi xe chuẩn bị kéo đi, tượng tiên nhân bỗng nhiên ngậm ngùi nhỏ lệ. Cháu trong hoàng tộc nhà Đường là Lý Trường Cát bèn làm bài thơ về pho tượng tiên nhân bằng đồng rời cung Hán.
Hán Vũ Đế là vị vua hùng tài đại lược, có công trùng hưng Hán thất, đưa Trung Quốc đến buổi hoàng kim. Thuở sinh tiền, do ngạo khí kiêu hùng của bậc đế vương, muốn mình sánh ngang cùng trời đất nên Hán Vũ Đế cho dựng một tượng tiên nhân bằng đồng, hai tay bưng một mâm vàng hứng sương khuya từ mặt trăng rơi xuống để luyện thuốc trường sinh bất lão. Khi Vũ đế qua đời, người ta vẫn hằng đêm nghe tiếng ngựa hý ở nấm mộ của ông ở Mậu Lăng, sáng ra không còn dấu vết. Đến năm Thanh Long thứ nhất (233), Nguỵ Minh Đế Tào Toàn (người kế nghiệp Tào Phi) hạ chiếu cho người kéo tượng đồng về đặt trước cung điện mình. Khi quân kéo tượng đi bỗng nhiên pho tượng ngậm ngùi nhỏ lệ. Lý Hạ cảm thán làm bài này.
Sách Liệu hoa châu nhàn lục 蓼花洲閒錄 chép rằng câu “Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão” trong bài này được coi là thần cú, không ai đối được. Tới đời Tống, Thạch Diên Niên 石延年 (994-1041, tự Mạn Khanh 曼卿) mới đối bằng câu “Nguyệt như vô hận nguyệt thường viên” 月如無恨月常圓 (Trăng nếu không có tình người thì chắc hẳn lúc nào cũng luôn sáng).
金銅仙人辭漢歌並序 - 李賀
茂陵劉郎秋風客
夜聞馬嘶曉無跡
畫欄桂樹懸秋香
三十六宮土花碧
魏官牽車指千里
東關酸風射眸子
空將漢月出宮門
憶君清淚如鉛水
衰蘭送客咸陽道
天若有情天亦老
攜盤獨出月荒涼
渭城已遠波聲小
Cảm tác tượng tiên nhân bằng đồng đời Hán
(Dịch thơ: Chi Nguyen)
Thu phong Vũ Đế, Mậu Lăng.
Đêm nghe ngựa hý, sáng băng chẳng còn.
Cành lan hương quế, cung son.
Tam cung lục viện, héo mòn rêu xanh.
Ngụy quan thiên lý chỉ quanh.
Đông Quan đón ngọn gió lành chia phôi.
Cửa cung Hán tướng tài bồi.
Nhớ chàng lệ ướt thấm nơi tượng đồng.
Hàm Dương lan úa còn trông.
Nhân tình có ý, trách ông trời già.
Vị Thành tiếng sóng xa xa.
Tượng vàng mâm ngọc, bài ngà bỏ hoang.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Thi quỷ Lý Hạ 李賀 (790-816) thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng. Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu: “Điện tiền tác phú thanh ma không, Bút bổ tạo hoá thiên vô công” (Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời, Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công sức).
Theo tiểu truyện về Lý Hạ do Lý Thương Ẩn - một nhà thơ lớn thời Vãn Đường - viết, thì khi Lý hạ bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ, bay đến bên cửa, cầm một cuốn sách, chữ giống như chữ triện thời thái cổ, trao cho Lý Hạ và nói: “Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký” (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập quân chiêu vi ký). Lát sau Lý Hạ mất. Người nhà thấy hơi và khói thấp thoáng qua cửa sổ, và nghe tiếng xe đi trong tiếng sáo réo rắt. Trong lịch sử Đường thi, có lẽ chỉ có Thi Tiên Lý Bạch và Thi Quỷ Lý Hạ mới có huyền thoại chung quanh cái chết mà thôi. Một người nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi con kình ngư lên cõi thiên khung (tương truyền khi Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng thì có con kình ngư tới đón và chở lên trời), một người được Thượng đế cho tiên nhân đem xe nhạc đến mời lên viết bài ký cho lầu Bạch Ngọc chốn thiên đình. Ai dám khẳng định điều đó là hoang đường không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không?
Nguồn: Thi Viện